Linh Đạo Truyền Thông Hướng Tới Hiệp Thông

Bài viết này được đăng trên Bản tin Hiệp Thông số 139 của Ủy ban Truyền thông trực thuộc HĐGMVN - Tháng 1&2 năm 2024 - có chủ đề “Truyền thông: xây dựng và củng cố sự Hiệp thông” (trang 16-26). Xin đọc bài giới thiệu tập sách của ĐC Louis: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/gioi-thieu-ban-tin-hiep-thong-cua-hdgmvn-so-139-thang-1-2-nam-2024-truyen-thong-xay-dung-va-cung-co-su-hiep-thong-54557

LINH ĐẠO TRUYỀN THÔNG HƯỚNG TỚI HIỆP THÔNG

Nữ tu Ngọc Lan, fmm.

Tài liệu mới nhất về truyền thông do Bộ Truyền thông của Tòa Thánh công bố ngày 29.05.2023 với tựa đề “Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội” đã giúp chúng ta suy tư về việc Kitô hữu sử dụng mạng xã hội với hình mẫu là Người Samari Nhân Lành trong Tin Mừng Luca (Lc 10, 29-37). Đó cũng là ý hướng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi Ngài không ngừng mời gọi toàn thế giới hiệp thông nối kết với nhau trong tình huynh đệ, để quan tâm yêu thương và chăm sóc giúp đỡ nhau, cũng như chăm sóc tất cả các tạo vật trong ngôi nhà chung là trái đất thân yêu này. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự phát triển thần tốc và ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của truyền thông trên toàn thế giới. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích lớn lao mà truyền thông mang lại cho mọi bình diện cuộc sống, nhưng cũng không thể làm ngơ trước những vấn nạn đầy thách đố của truyền thông. Chúng ta cần hướng đến mục tiêu quan trọng là giúp cho các hoạt động truyền thông và việc sử dụng các phương tiện truyền thông nối kết con người vào sự hiệp thông đích thực. Hiệp thông sâu xa trọn vẹn với Thiên Chúa, với bản thân và với nhau cũng là một trong những yếu tố chính của một Giáo hội Hiệp hành mà Thượng Hội Đồng Giám Mục mời gọi; và toàn Giáo hội đang thực thi bằng nhiều cách lối sáng tạo. Vậy đâu là những nét chính trong hiện trạng truyền thông hôm nay; và làm thế nào để Linh đạo truyền thông giúp xây dựng sự hiệp thông tốt đẹp trong bối cảnh của thế giới kỹ thuật số?

Nhìn vào thực tế của đời sống con người hôm nay, đặc biệt là những người trẻ - cư dân chính của ngôi làng kỹ thuật số toàn cầu - có nhiều điều chúng ta cần lưu tâm. Có thể nói truyền thông, nhất là mạng internet, đang ảnh hưởng rất sâu đậm và làm nên một nền văn hóa mới với nhiều vấn nạn đáng lo ngại. Tài liệu “Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội” cho thấy rằng dù đã có những bước tiến lớn trong thời hiện đại, nhưng một vấn đề rất cấp bách vẫn chưa được giải quyết, đó là làm thế nào để chúng ta, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn Giáo hội, có thể sống trong thế giới kỹ thuật số như “những người thân cận đầy yêu thương”, thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình cùng đi trên “xa lộ kỹ thuật số”?[1] Mọi thành phần trong Giáo Hội cần có những chọn lựa cụ thể nào khi bước vào không gian ảo của thế giới mạng nhiều thách đố và cạm bẫy? Làm thế nào giúp mọi người hiểu và sống Linh đạo truyền thông để có thể đóng góp cách tích cực trong lãnh vực truyền thông, làm giảm bớt tác hại của truyền thông xấu đang tấn công Giáo Hội? Cần đáp trả thế nào cho những thách thức gây bất ổn đang cổ võ những khuynh hướng quy ngã, vô cảm, chạy theo những chọn lựa dễ dãi của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân, khiến người trẻ mất hướng? Còn vô số những vấn đề nhức nhối khác đang cật vấn những ai có trách nhiệm trong Giáo Hội và xã hội, mà chắc hẳn chỉ một nền Linh đạo truyền thông đích thực mới có thể làm nên sự thay đổi. Vậy thế nào là Linh đạo; và Linh đạo truyền thông cụ thể là gì?

Như một vườn hoa muôn hương sắc, đa dạng các chủng loại với nhiều loại hoa quý giá, Giáo Hội trong suốt dòng lịch sử cũng được Chúa ban cho nhiều thành phần ưu tú như hàng giáo sĩ, những Hội dòng nam nữ, các đoàn thể, các giới khác nhau... Mỗi thành phần với những ơn gọi và đặc nét riêng, làm nên những nguồn linh đạo đầy sức sống, đáp ứng cho nhiều nhu cầu khẩn thiết của từng thời đại. Chúng ta đều biết rằng linh đạo chính là con đường nên thánh dành cho mọi Kitô hữu, để khi dấn thân chọn sống một linh đạo phù hợp, họ sẽ được tăng trưởng trong đức tin và có khả năng hoàn thiện một cuộc đời có ý nghĩa. Cha Ron dòng OMI đưa ra một định nghĩa rất hay: “Linh đạo là nỗ lực của một cá nhân hay một nhóm để gặp gỡ và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, của tha nhân và vũ trụ để đi vào sự sống và mừng vui cùng tất cả”.[2] Cội nguồn của mọi Linh đạo đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần, là Đấng đặt để trong tâm lòng con người những cảm hứng đầy sáng tạo, và dẫn dắt họ khai mở ra những đặc sủng mới mẻ để góp phần xây dựng và làm nên một cộng đoàn Giáo Hội phong phú.

Có rất nhiều Linh đạo trong đời sống Giáo Hội, đóng góp những giá trị độc đáo và thể hiện qua nhiều cung cách khác nhau tùy theo đặc sủng của vị sáng lập. Tất cả các nền Linh đạo đích thực đều hướng con người đến những chọn lựa cụ thể, và định hướng cho cách sống của họ. Luồng gió của Chúa Thánh Thần hôm nay cũng đang thổi vào đời sống Giáo Hội làm nên những động lực mới cho các nền linh đạo, nhằm đáp ứng những vấn nạn trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng. Trong đó phải kể đến sức mạnh có vẻ như “vạn năng” của truyền thông, đang áp đảo và ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ trong mọi chiều kích của cuộc sống con người. Nằm giữa những điều kỳ diệu (x. Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II), các phương tiện truyền thông xã hội là quà tặng yêu thương của Chúa đang giúp đem lại những giá trị rất độc đáo và mạnh mẽ cho đời sống của con người, nhưng không thể bỏ qua những thách đố đầy nhức nhối, đang muốn cô lập con người trong sự ích kỷ và vô cảm...

Những nghiên cứu gần đây trong lãnh vực Thần học đã khai triển nền Thần học Truyền thông với những nét rất tích cực của Linh đạo truyền thông và Luân lý truyền thông. Điều đó giúp cho con người, đặc biệt là các Ki-tô hữu trẻ, có khả năng biện phân để không bị “sập bẫy” trong việc sử dụng truyền thông, nhưng có thể mạnh dạn đóng góp tích cực trong các hoạt động truyền thông. Điều đó sẽ giúp đẩy mạnh các chương trình truyền thông tốt, đồng hành với các cư dân trẻ của thế giới kỹ thuật số và góp phần đáp ứng cho các vấn đề của thời đại này... Nói đến linh đạo truyền thông là nói đến con đường nên thánh cho những ai làm truyền thông và cả những người sử dụng truyền thông. Một nền linh đạo truyền thông đích thực sẽ giúp chúng ta vượt lên trên những thành công bên ngoài, để cộng góp làm nên một đời sống Giáo Hội biết huớng đến chiều kích vĩnh cửu. Linh đạo truyền thông thúc đẩy người ta quan tâm hơn đến những giá trị tinh thần thay vì chú trọng vật chất, đem lại niềm hy vọng cho một thế giới đầy tuyệt vọng, và giúp người ta ngỡ ngàng nhận ra những điều mới lạ trong bối cảnh nhàm chán của cuộc sống. Theo cha Eilers dòng Ngôi Lời, Linh đạo truyền thông phải là cơ sở của mọi hoạt động truyền thông Kitô giáo. Về cơ bản, Linh đạo này đòi hỏi mỗi người làm và sử dụng truyền thông phải có sự mở lòng về ba phương diện: mở lòng với Thiên Chúa, với chính mình, và với người khác.[3]

  1. Truyền thông nội tại, mở lòng để hướng đến sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Chúng ta có thể hình dung khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Người đã dành những thời gian thật lắng đọng để gặp gỡ riêng tư với Chúa Cha trong tĩnh lặng. Việc chìm sâu trong cầu nguyện giúp cho “con người Giêsu” đi vào cảm nhận sâu xa về thánh ý của Chúa Cha trong cuộc đời mình. Chúa Giêsu đã là một con người hoàn toàn như chúng ta, nhưng nhờ việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Cha, lắng nghe Cha, ở lại với Cha đã giúp cho người nên một lòng một ý với Cha. Nhờ đó Người luôn chọn thực hành Ý Cha như lương thực thiêng liêng của Người. Có thể ví cuộc gặp gỡ trò chuyện trong thinh lặng này như cách truyền thông nội tại. Thay vì đi ra bên ngoài nói chuyện trao đổi với con người cụ thể, việc đi sâu vào bên trong để gặp gỡ một Đấng vô hình nhưng luôn hiện diện gần gũi cũng giúp chúng ta có khả năng để chia sẻ và lắng nghe, từ đó hiểu biết và sống điều Chúa mời gọi mỗi ngày. Vì thế việc cầu nguyện trong thinh lặng là cách truyền thông nội tại đem lại sức sống và năng động trong mọi hoạt động tông đồ.

Càng biết dành những thời gian có phẩm chất cho đời sống cầu nguyện và để Chúa Thánh Thần uốn nắn, chúng ta càng được tăng trưởng trong tương quan với Chúa, cảm nhận mình được Chúa yêu thương, nâng đỡ, đồng hành trong mọi biến cố cuộc sống. Chính Lời Chúa được hiểu và sống mỗi ngày có thể soi sáng hướng dẫn chúng ta trong những lúc gặp nhiều khó khăn thách đố nhất của cuộc sống. Việc gặp gỡ Chúa để “khoe” với Chúa những trải nghiệm cũng làm cho niềm vui của chúng ta thêm trọn vẹn mỗi khi gặp điều may lành tốt đẹp. Nhưng tự thân việc ở lại với Chúa, cả những lúc khô khan tăm tối nhất, đã là một nguồn lực năng động nâng đỡ cho cuộc sống; ngay cả lúc ta không nhận ra. Vì thế việc truyền thông nội tại qua cầu nguyện giúp chúng ta đi vào sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, là nguồn cội và cũng là cùng đích của đời sống chúng ta. Từ đời sống cầu nguyện cá nhân sẽ mở ra chiều kích cộng đoàn và việc tham dự những cử hành Phụng vụ chung để đón nhận ơn thánh từ các Bí tích giúp nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Càng hiệp thông với Chúa chúng ta sẽ càng có sức mạnh để dấn thân phục vụ và yêu thương chia sẻ cho anh chị em mình như Chúa luôn mời gọi, theo cách thức Chúa đã làm.

  1. Truyền thông nội tại, mở lòng để nhận biết và hiệp thông với chính mình.

Khoa tâm lý học có thể giúp rất nhiều trong việc hiểu biết bản thân và có những bài tập để mọi người có thể khám phá tính cách của mình hoặc được chữa lành các tổn thương từ thời thơ ấu… Tuy nhiên để được biến đổi thực sự cần có ơn Chúa và những nỗ lực để hiểu biết bản thân một cách cụ thể. Việc đi vào bên trong gặp gỡ chính bản thân mình và làm hòa với tất cả những yếu tố gây xung đột hoặc đang điều khiển trong tiềm thức và vô thức thật không dễ dàng. Chúng ta cần dành thời gian nhìn lại đời sống cách thường xuyên để bản thân được tăng trưởng. Càng trưởng thành hơn, chúng ta sẽ càng bớt đi những cách sống ấu trĩ như thời còn non trẻ, để ngày càng có thể kiên nhẫn hơn, trầm tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn trong cung cách sống của mình. Dấu hiệu của những người có khả năng mở lòng để nhận biết và hiệp thông với chính mình là một đời sống thực tế, quân bình, biết cộng tác với ơn Chúa và biện biệt đường lối của Chúa Thánh Thần, để sống liên đới trách nhiệm. Nhờ đó họ có khả năng cổ võ cho sự sống, cho niềm hy vọng, tình yêu thương, và cộng tác xây dựng một cộng đoàn hiệp thông.

Mở lòng ra với bản thân chính là đi vào bên trong để cảm nhận, suy tư, quan sát cảm xúc, ở lại với chính mình, từ đó hiểu biết bản thân và có những chọn lựa phù hợp để cuộc sống được tăng trưởng trong sự quân bình. Đây cũng là một hình thức truyền thông nội tại rất quan trọng. Các linh mục, tu sĩ và cả giáo dân đều đã biết cách dành những thời gian hồi tâm mỗi ngày, hoặc có những dịp tĩnh tâm hàng tháng, hằng năm giúp đổi mới bản thân. Đây là những cơ hội quý để đọc lại cuộc sống, nhận ra những giá trị của chính mình để cảm tạ Chúa và cũng nhận ra những gì cần thay đổi để hiểu và sống ý Chúa cách tốt đẹp hơn. Việc ở lại với chính mình không dễ dàng, nhất là đối với những người trẻ hôm nay luôn có điện thoại di động bên mình, dành nhiều thời gian ở trên mạng hoặc sống với với bạn bè… Nhiều người không biết làm gì khi ở yên một mình, không muốn chọn lựa những thay đổi, sợ hãi khi phải đối diện với sự trống rỗng bên trong…, nên họ phải tìm nhiều cách thế bên ngoài để lấp đầy thời gian.

Thực ra trong mỗi ngày sống có biết bao điều chúng ta cần phải nhận ra để vui mừng và cảm tạ Chúa. Buổi sáng ta còn được thức dậy để có một ngày sống mới, đó đã là một hồng ân trọng đại mà nhiều người vẫn không nhận ra để tận hưởng và tri ân. Đi ra ngoài đường mà còn về tới nhà được bình an cũng là một ơn phúc lớn lao khác… Từng giây từng phút chúng ta được hít thở khí trời, đó không phải là lý do để chúng ta đang hiệp thông với cả vũ trụ cảm tạ Thiên Chúa; Đấng là nguồn cội và cũng là cùng đích cuộc đời của tất cả mọi người chúng ta hay sao? Chỉ khi chân nhận mình là tạo vật, còn Thiên Chúa là Đấng sáng tạo đầy yêu thương, chúng ta mới học hỏi và khám phá những cung cách sáng tạo khác nhau để làm lan tỏa tình yêu thương đến mọi người xung quanh. Cũng như Thiên Chúa luôn quảng đại trao ban chia sẻ cho mọi người sống trên trần gian, Đấng luôn cho mặt trời soi chiếu và cho mưa rơi xuống trên người lành cũng như kẻ dữ… (Mt 5, 45). Như thế chính khi mở lòng ra với bản thân chúng ta có khả năng sống hội nhất và đi vào sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa để chiêm ngắm và theo gương Người.

  1. Truyền thông xã hội, mở lòng để hướng đến sự hiệp thông với tha nhân

Hiệp thông với người khác - kể cả những người khác quan điểm - không phải là chuyện bất khả thi, nhưng trước tiên chúng ta cần mở ra với Chúa là cội nguồn hiệp thông, Đấng có khả năng nối kết tất cả những khác biệt và làm cho mọi người hiệp nhất nên một trong sự phong phú tốt đẹp, như lời nguyện của Chúa Giêsu (Ga 17,21). Chính Thánh Thần là sức mạnh đổ tràn ơn hiệp thông trong đời sống Giáo Hội, và cũng là nguồn Linh đạo truyền thông. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần dùng “khả năng truyền thông siêu vời” của Người để mở lại các kênh truyền thông đã bị đóng chặt từ những đổ vỡ truyền thông trong sự kiện tháp Babel, tái lập mối tương quan dễ dàng và trung thực giữa những con người với nhau nhân danh Đức Giêsu Kitô, và nhờ đó Hội Thánh được sinh ra như “dấu chỉ và công cụ của việc truyền thông với Thiên Chúa và của mối hiệp nhất giữa con người với nhau”.[4] Nhờ kinh nghiệm để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và nhờ ngọn lửa của Chúa Thánh Thần soi dẫn, mỗi người chúng ta đón nhận những ánh sáng và giá trị Tin mừng để sống, và được thúc đẩy ra đi để chia sẻ cho người khác.

Trong một thế giới đang còn nhiều xung đột, hận thù, chia rẽ…, các nhà truyền thông Kitô giáo phải là những người cởi mở, biết tôn trọng, có khả năng sống đức ái và biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho người khác - một tình yêu không phân biệt hay loại trừ, nhưng bao gồm mọi đối tượng. Trong mối tương quan truyền thông liên vị giữa người với người, họ cần dùng nhiều cách lối sáng tạo để nói với tất cả anh chị em mình rằng họ đang được Thiên Chúa yêu thương; và họ có khả năng yêu thương. Để làm được điều này, người truyền thông cần thể hiện tình yêu đối với mọi người, trở thành anh chị em của mọi người, biết mở ra để đón tiếp và lắng nghe những kinh nghiệm, câu chuyện, nhu cầu của người khác. Họ mang trong lòng mình thái độ đón tiếp và quan tâm của Hội Thánh đối với tất cả các dân tộc và từng mỗi cá nhân, đặc biệt là những người khốn khổ và thiếu thốn nhất. Nhờ đó giúp tạo ra những cộng đoàn hỗ trợ sự sống và phát triển con người, nâng đỡ nhau trong những dấn thân cho các sứ vụ khác nhau nhằm phục vụ công ích và thăng tiến con người.

Truyền thông liên vị và truyền thông đại chúng với sự hỗ trợ của nhiều loại phương tiện truyền thông mới có thể dẫn đến sự hiệp thông bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết nhau, kết nối với nhau, gây ý thức và chia sẻ các kinh nghiệm hoặc giá trị cho nhau, giúp nhau thăng tiến. Khi các cá nhân tham gia truyền thông cách cởi mở và hiệu quả, họ có cơ hội trao đổi với nhau những suy nghĩ, ý tưởng hoặc nhận định và cả những cảm xúc, ưu tư lo lắng và niềm hy vọng. Sự trao đổi này có thể truyền cảm hứng, giúp phá vỡ các rào cản, đẩy mạnh sự thông cảm đón nhận nhau và thắt chặt các mối tương quan. Nhờ việc truyền thông tích cực và có ý nghĩa, mọi người có thể hiểu rõ hơn về quan điểm và niềm tin của nhau. Việc hiểu biết này giúp thu hẹp khoảng cách chia rẽ, tăng cường sự đồng cảm, lòng khoan dung; và tạo ra ý thức thuộc về cùng một gia đình nhân loại để sống liên đới với nhau. Bằng cách tích cực tiếp nhận và phản hồi cho nhau trong một hệ thống truyền thông lành mạnh, mọi người có thể cảm thấy mình được lắng nghe, được đón nhận và hỗ trợ. Điều này tạo ra cảm thức tin tưởng, giúp gắn kết cá nhân và cộng đồng.

Để Kết…

Trong thánh lễ kết thúc Đại hội Thượng Hội đồng Giám Mục lần thứ 16 tại Roma sáng Chúa Nhật 29/10/2023 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải nhìn vào “nguyên lý và nền tảng” từ đó mọi sự bắt đầu và bắt đầu lại: yêu mến Thiên Chúa bằng cả cuộc sống và yêu thương người lân cận như chính mình. Không phải những chiến lược của chúng ta, không phải những tính toán con người, không phải những kiểu thời trang của thế giới, nhưng là yêu mến Thiên Chúa và người khác: đây là trọng tâm của mọi sự.[5] Tình mến Chúa yêu người thực sự chẳng phải là đích điểm của sự hiệp thông trọn vẹn mà truyền thông luôn hướng đến đó sao?

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rõ rằng chúng ta phải luôn đấu tranh chống lại việc thờ ngẫu tượng; là những điều thuộc về thế gian và thường xuất phát từ sự kiêu ngạo, như “mong muốn thành công, khẳng định bản thân bằng mọi giá, lòng tham tiền bạc, sức quyến rũ của chủ nghĩa nghề nghiệp; và cả những thứ tôn thờ ngẫu tượng được ngụy trang dưới dạng tâm linh: những ý tưởng tôn giáo của tôi, những kỹ năng mục vụ của tôi...”[6] Chúng ta luôn phải cảnh giác để không đặt bản thân mình vào trung tâm, vì chính Chúa mới là trung tâm và cùng đích của đời sống chúng ta. Cũng cần gây ý thức cho mọi người về các vấn đề của truyền thông và biết sử dụng truyền thông cách tích cực, đồng thời cần có sự hiện diện đồng hành để trợ giúp những ai đang bị “mắc kẹt” trong truyền thông; do những loại nghiện ngập, bị tấn công nhiều cách, và cả những nạn nhân của các loại tội phạm mới trong không gian kỹ thuật số hiện nay. Càng có nhiều Tông đồ truyền thông nhiệt thành sống Linh đạo truyền thông, những tác hại của truyền thông xấu sẽ bị giảm thiểu đi…

Tóm lại, Linh đạo truyền thông qua sự mở lòng ra với Thiên Chúa - với chính mình - và với người khác; sẽ giúp tạo nên các hoạt động truyền thông hiệu quả, thúc đẩy sự hiểu biết, đồng cảm và liên đới, góp phần tạo nên sự hiệp thông giữa các cá nhân, các nhóm và cả cộng đồng. Khi tham gia vào hoạt động truyền thông hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông cách tích cực, người Ki-tô hữu đang sống sứ mạng cao cả - loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, để nối kết tất cả anh chị em mình trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Nhờ đó chúng ta góp phần xây dựng nền văn hóa mới của các giá trị Nước Trời khắp mọi nơi, đặc biệt trong không gian ảo của kỹ thuật số. Cùng với Lời Kinh Mục Vụ Truyền Thông của Đức Hồng y Gioan Baotixita, chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện để Linh đạo truyền thông thấm đẫm, giúp chúng ta dám dấn thân trong hoạt động truyền thông nhằm xây dựng hiệp thông:

Lạy Chúa,xin cho mọi tín hữu chúng con luôn biết hân hoan sống theo tác động của Chúa Thánh Thần và theo sự hướng dẫn của Giáo Hội để tích cực thực hiện truyền thông cách thánh thiện theo mẫu mực truyền thông trọn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi và của Ngôi Lời nhập thể.

Xin cho chúng con biết đi sâu vào quan hệ truyền thông và hiệp thông mật thiết với Cha nhờ siêng năng cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa, đón nhận dồi dào ân sủng bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, tột đỉnh của truyền thông.

Xin cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần, để nên trưởng thành, quân bình, can đảm, khôn ngoan, khiêm tốn, mở rộng con tim, để lắng nghe, chia sẻ, phát huy sáng kiến trong đời sống thiêng liêng và tông đồ. Để hiệp nhất cùng Giáo Hội, chúng con sử dụng mọi phương tiện truyền thông mà loan báo Tin Mừng, góp phần xây dựng nến văn hóa sự sống và văn minh tình thương ở khắp mọi nơi… Amen.[7]



[1] X. Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội; https://tgpsaigon.net/ bai-viet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-69180, truy cập ngày 15/10/2023

[2] Ron Rolheiser OMI, Linh đạo và những Linh đạo, https://ronrolheiser.com/linh-dao-va-nhung-linh-dao/, truy cập ngày 10/10/2023

[3] X. Franz-Josef Eilers, (Ed.), Truyền Thông trong Mục Vụ và Truyền Giáo, Manila: Logos Pubs, 2009, tr.39.

[4] Franz-Josef Eilers, (Ed.), Truyền Thông trong Mục Vụ và Truyền Giáo, Manila: Logos Pubs, 2009, tr.25-26.

[5] X. Vatican news, Thánh lễ bế mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục, https://www.tonggiaophanhanoi.org/thanh-le-be-mac-dai-hoi-thuong-hoi-dong-giam-muc-29-10-2023/, truy cập ngày 10/11/2023

[6] Ibid.

[7] G.B. Phạm Minh Mẫn, Kinh Mục Vụ Truyền Thông, TGP Sài Gòn 2011.