Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Chung Các Tín Hữu Hành Hương

Vào lúc 9 giờ rưỡi sáng Thứ Tư, ngày 28/08/2019 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 15 ngàn tín hữu, tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài dành gần 10 phút trước đó để đi xe mui trần, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Đức Thánh Cha cũng cho 6 em bé mới rước lễ lần đầu, trong chiếc áo chùng màu trắng, được lên xe cùng đi với ngài.

Lên tới lễ đài nhỏ trên thềm đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã bắt tay chào thăm hàng chục linh mục thông ngôn, có nhiệm vụ đọc các bản tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của Đức Thánh Cha không phải bằng tiếng Ý. Ở bên tay trái của Đức Thánh Cha cạnh lễ đài, cũng có 6 Giám mục là những người hướng dẫn các đoàn hành hương của giáo phận thuộc quyền.

Sau phần tôn vinh Lời Chúa, qua một đoạn ngắn của Sách Tông Đồ công vụ, đoạn 5, câu 12, và 15, được công bố bằng các thứ tiếng chính, kể lại sự tích các Tông Đồ chữa lành nhiều bệnh nhân, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý, bài thứ 7 về sách Tông Đồ công vụ, là cuốn sách nói về cuộc du hành của Tin Mừng trong thế giới và tỏ cho chúng ta sự hợp tác kỳ diệu giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Linh, Đấng khai mào một thời kỳ loan báo Tin Mừng.

Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cộng đoàn Giáo Hội được mô tả trong sách Tông Đồ công vụ sống với bao nhiêu điều phong phú Chúa ban cho họ, cảm nghiệm sự gia tăng số tín hữu và rất sinh động, mặc dù có những tấn công từ bên ngoài. Để chứng tỏ sự sinh động ấy, thánh Luca cũng chỉ cho chúng ta những nơi đầy ý nghĩa, như Cổng Salomon (Xc Cv 5,12), là điểm gặp gỡ giữa các tín hữu trong Đền thờ. Cổng là một hành lang mở rộng được dùng làm nơi trú ẩn, và cũng là nơi gặp gỡ và làm chứng tá.

Trong chương thứ 5 của Sách Tông Đồ Công Vụ, Giáo Hội sơ khai tỏ ra là “một bệnh viện dã chiến” đón nhận những người yếu đuối nhất, tức là các bệnh nhân. Đau khổ của họ thu hút các Tông Đồ, các vị không có “vàng bạc” (Cv 3,6), nhưng mạnh mẽ trong danh Chúa Giêsu. Trước mắt các vị cũng như các tín hữu Kitô trong mọi thời đại, các bệnh nhân là những người ưu tiên đón nhận Tin Mừng Nước Trời, là những anh chị em trong đó Chúa Kitô hiện diện một cách đặc biệt, để mọi người chúng ta có thể tìm kiếm và gặp gỡ (Xc Mt 25,36.40) ...

Trong số các Tông Đồ, nổi bật là ông Phêrô, người có vị thế trổi vượt trong nhóm tông đồ vì quyền tối thượng (Xc Mt 16,18) và sứ mạng mà thánh nhân đã lãnh nhận từ Chúa Phục Sinh (Xc Ga 21,15-17). Chính thánh Phêrô đã khởi sự việc loan báo Kerigma- sứ điệp cứu độ trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Xc Cv 2,14-41) và trong Công đồng Jerusalem, thánh nhân đảm nhận vai trò chỉ đạo (Xc Cv 15 và Gl 2,1-10).

Thánh Phêrô đến gần các cáng và bước đi giữa các bệnh nhân, như Chúa Giêsu đã từng làm, mang lấy những yếu đuối và bệnh tật (Xc Mt 8,17; Is 53,4). Ông Phêrô, người ngư phủ xứ Galilea, được kêu gọi không phải để thu lưới nữa, nhưng là thu hút tâm hồn của những người đón nhận sự sống của Chúa Kitô... Thánh nhân đi qua, nhưng để cho Một Đấng Khác tỏ hiện: đó là Chúa Kitô Hằng Sống và hoạt động! Thực vậy, chứng nhân là người bày tỏ Chúa Kitô, bằng lời nói cũng như bằng sự hiện diện thể lý, Đấng để được một tương quan và là sự kéo dài Ngôi Lời nhập thể làm người trong lịch sử.

Thánh Phêrô là vị thực hiện những công việc của Thầy (Xc Ga 14,12): khi nhìn ông Phêrô với đức tin, ta thấy chính Chúa Kitô. Đầy Thánh Thần của Chúa, ông Phêrô tiến qua và dù thánh nhân chẳng làm gì, bóng của Người trở thành “một sự vuốt ve” chữa lành, thông truyền sức khỏe và tỏa lan sự dịu dàng của Chúa Phục sinh, Đấng cúi mình trên các bệnh nhân, trả lại sức sống, ơn cứu độ, phẩm giá. Qua cách thức đó, Thiên Chúa biểu lộ sự gần gũi của Ngài và làm cho các vết thương của con cái trở thành “nơi biểu lộ sự dịu dàng của Chúa”.. Trọn con người của Thánh Phêrô, kể cả chiếc bóng của thánh nhân, cũng chiếu tỏa sức sống của Chúa Phục Sinh: các bệnh nhân được chữa lành và người ta chúc tụng vinh quang Chúa Cha (Xc Mt 5,16). Và vì “Phêrô là hình ảnh của Giáo Hội”, nên chiếc bóng của thánh nhân gợi lại chiếc bóng của Giáo Hội, chữa lành các con cái của mình [Hội Thánh] và mang lại cho họ những thiện ích của Trời Cao”.

Hoạt động chữa lành của Thánh Phêrô khiến cho những người Sađuxê oán ghét, họ cầm tù các Tông Đồ, và ngỡ ngàng trước sự kiện các vị được giải thoát một cách huyền nhiệm, họ cấm các vị không được giảng dạy. Họ thấy các phép lạ các tông đồ làm, không phải do ma thuật, nhưng nhân danh Chúa Giêsu; nhưng họ không muốn chấp nhận sự kiện ấy và cầm tù các Tông Đồ; họ đánh đập các vị. Nhưng các Tông đồ được giải thoát một cách lạ lùng, dầu vậy, tâm hồn những kẻ bách hại ấy chai đá đến độ họ không muốn tin điều họ thấy. Lúc ấy Thánh Phêrô trả lời, cung cấp một chìa khóa của đời sống Kitô: “Vâng phục Thiên Chúa thay vì vâng lời người phàm” (Cv 5,29), nghĩa là lắng nghe Thiên Chúa không chút dè dặt, không trì hoãn, không tính toán; gắn bó với Chúa để có khả năng liên minh với Chúa và với những người chúng ta gặp gỡ trên đường chúng ta.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Linh ban sức mạnh để không kinh hãi trước những kẻ buộc chúng ta phải im tiếng, những kẻ vu khống và thậm chí muốn tấn kích cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố nội tâm chúng ta để chúng ta xác tín chắc chắn về sự hiện diện yêu thương và an ủi của Chúa cạnh chúng ta. Xin cám ơn Anh chị em.

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các linh mục thông ngôn lần lượt tóm tắt huấn giáo của Đức Thánh Cha và những lời chào thăm của ngài gửi đến các tín hữu qua các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Ba Lan, Arập...

Đức Thánh Cha đặc biệt chào thăm các nữ tu dòng thánh Anna, các chủng sinh Italia tham dự cuộc gặp gỡ mùa hè do Giám hạt Opus Dei tổ chức ở Roma... v.v. Sau cùng, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các cặp tân hôn. Ngài nhắc nhở cho mọi người lễ kính nhớ thánh Augustino, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Đức Thánh Cha nói: “Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy để cho sự thánh thiện và đạo lý của thánh nhân soi sáng. Cùng với Ngài, anh chị em hãy tái khám phá đời sống nội tâm, dẫn đến Thiên Chúa và tha nhân đang ở trong tình cảnh túng thiếu”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh cha ban cho mọi người.

G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma