Sự Hoán Cải Thực Sự Phải Chạm Đến “Đáy Túi”

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21 tháng 8 tại Hội trường Phaolô VI , tiếp tục chu trình giáo lý về Công vụ Tông đồ, Đức Phanxicô cho biết, dấu chỉ để biết thế nào là tín hữu kitô tốt, đó là khi sự hoán cải chạm đến lợi ích riêng của chính mình.

Ngài tuyên bố, một năng động của sự đoàn kết được xây dựng trên toàn thể Giáo hội. Là thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô làm cho chúng ta  có trách nhiệm với nhau: người mạnh nhất nâng đỡ người yếu nhất, để không ai cảm thấy mình ở trong tình trạng túng cùng. Vì thế, “loại bỏ vết thương nghèo khó luôn là một cam kết của Giáo hội”.

Ngài đã tuyên bố một cách tự phát, đó là lý do tại sao, “nếu anh chị em muốn biết mình có là tín hữu kitô tốt không” thì dĩ nhiên mình phải cầu nguyện, phải rước lễ, phải xưng tội. Nhưng “dấu chỉ thực sự cho thấy trái tim của anh chị em đã được hoán cải là khi sự hoán cải này chạm đến “đáy túi” của anh chị em. Khi anh chị em có thể chắc chắn về điều này thì anh chị em đã hoán cải thực sự. 

Vượt lên đạo đức giả

Ngài nhấn mạnh, “nếu hoán cải vẫn còn nằm ở lời và hành động thì đó chưa phải là hoán cải thực sự”. Thiếu sự chân thành trong việc chia sẻ thì cũng tương đương như “nuôi dưỡng đạo đức giả”,  là “dập tắt ngọn lửa” của giao tiếp để quay về với “sự lạnh lùng của cái chết trong tâm hồn”. Một người cư xử theo cách này, họ đi qua Giáo hội như người du khách ở  trong khách sạn, mà theo lẽ họ phải cảm nhận như họ đang ở trong nhà mình.

Để vượt qua cạm bẫy này, Chúa đã ban cho chúng ta Thần Khí dịu dàng của Ngài, vượt lên được mọi giả hình và nuôi dưỡng tình đoàn kết kitô giáo. Điều này, “không phải là việc làm trợ giúp có tính cách xã hội”, nó là biểu hiện không thể chối bỏ của bản chất của Giáo hội, “người mẹ dịu dàng” của tất cả mọi người, đặc biệt là với những người nghèo nhất.

“Chúa nói qua trẻ em”

Bài giáo lý của Đức Phanxicô bị gián đoạn vì một cô gái nhỏ bị bệnh đi lui đi tới chạy nhảy gần ngài. Ngài nói giữa tiếng vỗ tay của giáo dân ở Hội trường Phaolô VI : “Hãy để em tự nhiên, Chúa nói với chúng ta qua trẻ em”. Ngài nói thêm: “Cô bé bị bệnh và em không biết em làm gì”.

Sau đó ngài xin giáo dân: “Tôi xin một chuyện và mỗi người phải trả lời trong lòng mình. Khi tôi thấy em bé, tôi có cầu nguyện cho em không? Tôi có cầu nguyện xin Chúa  che chở và chữa lành cho em không? Tôi có cầu nguyện cho cha mẹ em và gia đình em không?”

Ngài nói tiếp: “Khi chúng ta thấy một người đau khổ, chúng ta phải cầu nguyện. Tình trạng này giúp chúng ta phải luôn đặt câu hỏi này”.

Marta An Nguyễn dịch