Biến Đổi

Chúa nhật II mùa Chay này, Giáo Hội chỉ cho chúng ta mục tiêu của hành trình hoán cải, nghĩa là được tham dự vào vinh quang của Chúa Kitô, vinh quang chiếu tỏa trên khuôn mặt của Người là Tôi Tớ vâng phục, chịu chết và sống lại vì chúng ta qua việc chiêm ngắm Chúa Giêsu biến hình trên núi trước ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan (x. Mc 9, 2-10).

Tin Mừng cho biết: “Người đưa các ông tới một ngọn núi cao(c. 2) và tại đó, Người tỏ cho họ thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Thiên Chúa. Biến cố này giúp các môn đệ đương đầu vững hơn với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu một cách tích cực, không bị đảo lộn. Các môn đệ đã thấy điều mà sau cuộc khổ nạn sẽ xảy ra, và qua đó Chúa chuẩn bị các môn đệ.  Chúng ta cũng được mời gọi đi lên núi, chiêm ngắm vẻ đẹp của Đấng Phục Sinh, Đấng thắp lên ánh sáng trong mọi mảng mờ của cuộc sống và giúp chúng ta nhận ra mọi sự đều khởi đi từ chiến thắng Phục Sinh của Người. Trong hành trình đức tin, chúng ta thường vấp ngã khi gặp phải thử thách của thập giá và những đòi hỏi của Tin Mừng, vốn đòi chúng ta dành cả sự sống để phục vụ và dám mất nó cho tình yêu, thay vì giữ chặt cho riêng mình và bảo vệ nó. Vì vậy, chúng ta cần một cái nhìn khác, một ánh sáng soi rọi vào mầu nhiệm của cuộc sống và giúp chúng ta vượt ra khỏi những kế hoạch và tiêu chuẩn của chúng ta về thế giới này.

Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn thận để cảm giác của Phêrô “chúng con ở đây, thật là hay” (c. 5) không trở thành một sự lười biếng thiêng liêng. Chúng ta không thể ở lại trên núi và một mình tận hưởng niềm hạnh phúc của cuộc gặp gỡ này. Chính Chúa Giêsu đưa chúng ta xuống núi, trở lại giữa anh chị em chúng ta và trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta phải đề phòng sự lười biếng thiêng liêng, đó là cho rằng chúng ta tốt rồi với việc cầu nguyện và phụng vụ, và điều này đủ đối với chúng ta. Điều chắc chắn là, lên núi không phải quên thực tại; cầu nguyện không bao giờ là trốn tránh những khó khăn của cuộc sống; ánh sáng đức tin không phục vụ cho một cảm xúc thiêng liêng đẹp. Chúng ta được mời gọi có được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô bởi vì, được chiếu soi bởi ánh sáng của Người, chúng ta có thể mang nó đi và làm cho nó tỏa sáng khắp mọi nơi. Thắp lên những ánh sáng nhỏ trong lòng người; trở thành những ngọn đèn nhỏ của Tin Mừng để mang lại một chút tình yêu và hy vọng: đây là sứ mạng của người Kitô hữu.

Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu giúp các môn đệ vả cả chúng ta hiểu rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là một mầu nhiệm về sự đau khổ, nhưng nhất là một hồng ân tình thương vô biên của Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi làm cho chúng ta hiểu rõ hơn sự phục sinh của Người. Thực vậy, để hiểu các biến cố ấy, cần biết trước rằng Đấng đang chịu đau khổ và được vinh quang không phải chỉ là một người, nhưng là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta qua tình yêu trung tín của Người cho đến chết.

Mệnh lệnh được truyền cho các môn đệ và chúng ta là: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (c. 7). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã trở thành Tôi Tớ, được sai xuống trần thế để thực thi dự án cứu độ qua Thập Giá. Hãy lắng nghe Chúa Giêsu vì chính Người là Ðấng Cứu Thế và hãy bước theo Người. Sự hoàn toàn gắn bó với Thánh Ý Chúa Cha làm cho nhân tính của Người chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa là Tình Thương. Các môn đệ được kêu gọi theo Thầy trong niềm tín thác và hy vọng, dù cái chết của Chúa; thiên tính của Chúa Giêsu phải được biểu lộ trên thập giá, rồi sau đó Người mới Phục Sinh vinh hiển.

Thực vậy, lắng nghe Chúa Kitô bao hàm sự đón nhận con đường mầu nhiệm phục sinh của Chúa, lên đường đồng hành với Chúa để biến cuộc sống của mình thành một món quà tình thương cho tha nhân, trong sự ngoan ngoãn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, với thái độ không dính bén những sự trần thế và tự do trong nội tâm. Nói khác đi, cần phải sẵn sàng hiến mạng sống của mình, để mọi người được cứu thoát và như thế chúng ta gặp lại nhau trong hạnh phúc vĩnh cửu. Con đường của Chúa Giêsu luôn mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Trên con đường ấy có thánh giá, thử thách, nhưng luôn có hạnh phúc. Chúa Giêsu không đánh lừa chúng ta, nhưng Người hứa cho chúng ta được hạnh phúc và Người sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta tiến bước trên con đường của Người.

Cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, cả chúng ta cũng lên núi Hiển Dung và dừng lại chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu, để đón nhận từ đó sứ điệp và diễn tả sứ điệp đó trong cuộc sống của chúng ta; để cả chúng ta cũng có thể được Ðấng Là Tình thương biến đổi. Chúng ta hãy tin chắc rằng, trong thực tế, Tình Thương biến đổi mọi sự, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

 

(Tông đồ bé nhỏ)

Tài liệu tham khảo: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-duc-thanh-cha-chua-nhat-2-mua-chay-nam-b-54475