Sám Hối Canh Tân

“Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1: 15)

Đây là chủ đề xuyên suốt của 3 bài đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay. Trong bài đọc 1; Thiên Chúa đã sai tiên tri Giona đến kêu gọi dân thành Ni-ni-vê từ bỏ đường tà mà trở về với Thiên Chúa, và lời rao giảng của Giona đã đạt kết quả tuyệt vời: toàn thành Ni-ni-vê đã ăn năn hối cải. Họ đã mau mắn tin vào Lời Thiên Chúa và bày tỏ lòng thống hối của mình bằng cách: “họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (Gn 3: 5). Thiên Chúa tha không phạt họ như lời Người răn dạy vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng mong họ sám hối để được tha thứ và được sống.

Bài đọc 2, Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Cô-rin-tô: Thời gian vắn vỏi, hãy sống cảnh giác với những cám dỗ của thế gian:  nghĩa là “những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan…”. Không phải là Thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta sống hững hờ với những thực tại trần thế nhưng Ngài muốn chúng ta ý thức rằng: những giá trị đó chỉ là tương đối. Đừng để mình bị sa lầy trong đó vì những thực tại căn bản của chúng ta nằm ở bình diện khác, đến từ Thiên Chúa, trong Chúa Kitô Phục Sinh.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi sám hối. “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng.” Lời kêu gọi này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần trên hành trình rao giảng, ở mọi nơi Người đặt chân tới. Sám hối là một phần quan trọng của giáo huấn Tin Mừng. Lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu đi liền với lời mời gọi tin vào Tin Mừng Người rao giảng. Tin vào Tin Mừng là nhận biết Chúa Cha, Đấng bao dung nhân hậu. Ngài luôn chờ đợi chúng ta trở về để đón nhận sự tha thứ. Tin Mừng kể lại có những người rất tội lỗi, nhưng đã mở lòng đón nhận giáo huấn của Chúa và được ơn thứ tha. Lịch sử Giáo Hội cũng làm chứng cho chúng ta, rất nhiều tội nhân đã sám hối và được nên thánh.

Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên tốt hơn. Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác. Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan đáng yêu hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống. Trong tâm trí chúng ta có những tâm tình tốt đẹp, chúng ta sẽ khám phá những nét đẹp tiềm ẩn nơi mọi người mọi vật xung quanh.

Sám hối còn là đoạn tuyệt với quá khứ để khởi đầu một hành trình mới theo chân Đức Giêsu. Thánh Máccô kể với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay về việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi đầu một hành trình mới. Tiếng gọi “Hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó. Sau này, nhiều khi phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thiếu thốn, nhưng các ông không hề hối tiếc vì sự lựa chọn này: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67). Sau này, các môn đệ đều trở thành những người loan báo lòng nhân hậu của Chúa. Họ đã lấy chính mạng sống của mình để làm chứng cho tình yêu Chúa, tình yêu họ đã cảm nhận khi dốc quyết một lòng đi theo Thầy mình là Đấng Thiên Sai.

“Mỗi vị thánh đều có một quá khứ; mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Đừng có ai mặc cảm về quá khứ hay hiện trạng của mình mà không mạnh dạn thay đổi cuộc đời. Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những vị thánh, nhờ lòng bao dung thứ tha và ơn phù trợ của Thiên Chúa. “Tâm bình, thế giới bình”, cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con người mỗi chúng ta. Amen.


Hồng Xóm Núi, Fmm.