Sức Mạnh Và Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa

“Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo …” (1 Cr 10: 23)

Chúa nhật ngày 19 tháng 6 năm 1988, ngày Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Giáo Hội đã chọn ngày 24 tháng 11 để cả hoàn vũ cùng mừng kính Các Ngài đến nay tròn 35 năm. Ngày 05 tháng 3 năm 2000, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong thầy giảng Anrê Phú Yên lên bậc Chân Phước. Vậy là Giáo Hội Việt Nam hiện nay có tất cả là 117 vị Tử Đạo hiển thánh và 1 vị Á thánh, trong đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh A-nê Lê Thị Thành mẹ của sáu người con.

Hôm nay Chúa Nhật 33 Thường Niên, Giáo Hội Việt Nam cách riêng mừng kính trọng thể các Ngài, cũng là lời nhắc nhở các con cái sống lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; Nhớ các Ngài với lòng tri ân cũng như xin các Ngài cầu bầu cho chúng ta. Bên cạnh các vị đã được Giáo Hội tôn phong còn rất nhiều những vị khác đã can đảm hy sinh mạng sống vì niềm tin vào Một Thiên Chúa Duy Nhất. Các Ngài là những tiền nhân, là những hạt giống đã chấp nhận mục nát để sinh hoa trái là Giáo Hội Việt Nam lớn mạnh như ngày hôm nay.

Nhân kỷ niệm 35 năm các Thánh Tử đạo Việt Nam được tôn phong lên hàng Hiển Thánh, phải chăng là cơ hội chúng ta cùng nhau đi ngược dòng lịch sử, để cùng ôn lại đôi nét về những trang sử hào hùng, gương chứng nhân anh dũng của cha ông chúng ta. Để giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, đã có rất nhiều người bị bách hại... Vì sao vậy? Phải chăng là vì các Ngài cuồng tín như một vài phong trào hiện nay? Hay là vì các Ngài không biết quý trọng mạng sống của mình?... Rất nhiều các câu hỏi, những thắc mắc có thể được đặt ra và lời Chúa trong sách Khôn Ngoan là câu trả lời cho mỗi người chúng ta. “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết.”(Kn 3: 1-4). 

Vậy tại sao các vua chúa, quan quyền thời đó lại bách hại các ngài một cách tàn khốc như thế? Như chúng ta cũng biết, các nhà lãnh đạo, vua chúa đương thời coi mình như “thiên tử” con trời. Sự xuất hiện của Đạo công giáo, chỉ thờ Một Thiên Chúa Duy Nhất, điều này làm cho sự độc tôn của vua chúa giảm đi, vì thế các vua chúa và nhà cầm quyền đã có ác cảm với đạo mới này và ra tay bắt bớ một các tàn bạo và dã man, mặc dù họ không làm gì tổn hại đến nồi cơm và chiếc ghế của vua. Tuy nhiên, dù bị bách hại tư bề, các Tiền Nhân một lòng kiên trung, không oán trách những người đã bách hại mình, các Ngài đã đi lại con đường mà Thầy Giêsu đã đi xưa “Yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Các Thánh tử đạo là những hạt lúa mì đã gieo vào lòng đất như lời Thầy Giêsu đã nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”. (Ga 12: 24). Các nhà cầm quyền có bắt bớ các Ngài không có gì khác hơn mà chỉ vì một lý do duy nhất: Niềm xác tín sâu xa vào Thiên Chúa, tôn thờ Ngài là Đấng tạo dựng muôn loài, là Thiên Chúa duy nhất và chân thật như trong “Kinh Tin Kính”.  Đạo Thiên Chúa xây đắp không phải trong ranh giới thời gian, trong đại dư quốc gia nhưng là được củng cố trong lương tâm con người, trong tâm hồn nhân loại. Đạo Thiên Chúa được mở rộng biên cương, được phát triển triển không bằng các phương tiện kinh tế, các phương tiện vật chất, vũ lực nhưng bằng một luật tiến triển siêu nhiên, một cách siêu nhiên mà ngay cả quyền lực âm phủ cũng không thắng nổi. (Mt 16: 18). Các thánh tử đạo đã can trường đón nhận cái chết đau thương là nhờ sức mạnh đón nhận từ Chúa Kitô.

Giáo Hội Chúa Kitô hiện nay nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, đó đây vẫn còn các Kitô Hữu bị bách hại, không chỉ bằng những hình thức tra trấn nhưng còn nhiều những hình thức tinh vi hơn, hiện đại hơn. Có thể đó là một sự loại trừ nơi công sở, nơi công ty, trong trường học, hay trong các cơ quan nhà nước. 

Trang Tổng Giáo Phận Sài Gòn có đăng bài nói về Nou Achhekvichetra, lãnh đạo giới trẻ Công giáo, là một trong 350 người trẻ Campuchia tham dự Đại hội Giới trẻ Toàn quốc gần đây tại Battambang. Trong bài bình luận sau đây, anh nói về cuộc hội ngộ này và những thử thách người Công giáo Campuchia gặp phải trong việc làm chứng cho đức tin trong quốc gia đa số Phật tử.

Achhekvichetra, đang ở đầu tuổi 20, là người điều phối ủy ban giới trẻ của hạt đại diện tông tòa Phnom Penh. Tôi là nhân chứng của Đức Giêsu Kitô trong xã hội là chủ đề của Đại hội Giới trẻ Toàn quốc diễn ra từ ngày 23-27/8. Đây là đại hội lần thứ tư, diễn ra ba năm một lần. Đây là cơ hội tốt cho giới trẻ Công giáo Campuchia trên cả nước gặp nhau. Thật sự đáng kính nể khi thấy người trẻ Công giáo cam kết và nói họ sẵn sàng trở thành “chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô trong xã hội.” Chúng tôi muốn củng cố đức tin của người trẻ Công giáo chúng tôi và những người đang học giáo lý. Chúng tôi biết ngày nay có nhiều người trẻ dễ bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa duy vật và ảnh hưởng văn hóa và phong tục của các nước khác. Đôi khi người Công giáo không đi nhà thờ. Một số người đến nhà thờ vì bổn phận nhưng họ không biết tại sao họ đi tham dự Thánh lễ vào mỗi Chúa nhật. Chúng ta phải hiểu và đánh giá cao đức tin của chúng ta hơn nếu chúng ta muốn trở thành “ánh sáng” cho thế gian.

Trong nhiều ngày, 350 bạn trẻ đã chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận cách trở thành nhân chứng cho Đức Giêsu Kitô trong xã hội. Điều này không phải dễ vì Campuchia là quốc gia Phật giáo. Chỉ có khoảng 20.000 người Công giáo trong số hơn 14 triệu dân. Trong mọi tình huống khó khăn, chúng ta có Đức Kitô là mẫu gương và sự cứu rỗi của chúng ta. Chính nhờ đức tin chúng ta tin Ngài cho Chúa Thánh Thần đồng hành và bảo vệ chúng ta. Thế thì tại sao chúng ta lại sợ?

Làm chứng cho Đức Kitô không có nghĩa là quảng cáo Ngài trên đài phát thanh, truyền hình hay trên báo chí. Chúng ta phải làm điều đó thông qua hành động của chúng ta. Chúng ta không những phải công bố Đức Kitô mà còn phải yêu thương tha nhân như chính mình, tham dự Thánh lễ và cầu nguyện luôn. Các tham dự viên đại hội thảo luận việc trở thành “muối” và “ánh sáng” cho thế gian. Ánh sáng của Đức Kitô luôn ở bên chúng ta nhưng chúng ta phải nhận thức được ơn ích này. Đôi khi chúng ta nghĩ chúng ta vô dụng nhưng Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta là con Thiên Chúa. Vì thế chúng ta không phải sợ hãi, bất kể chúng ta giàu, nghèo, khỏe mạnh hay xấu xí. Cuộc sống của chúng ta quan trọng.

Chúng ta phải thể hiện “muối” và “ánh sáng” trong chúng ta bằng cách chăm sóc những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là người nghèo. 

Cuối cùng để làm chứng nhân cho Đức Kitô, chúng ta phải liên đới với nhau. Giáo hội ở Campuchia bị chia rẽ thành người Công giáo Khmer và Việt Nam và đôi khi có xảy ra căng thẳng. Nhưng đức tin không gây chia rẽ. Nếu chúng ta muốn nói chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải yêu thương nhau. Để công bố Tin Mừng không chỉ nói về Tin Mừng mà còn sống theo Tin Mừng vì tôi chắc chắn rằng những ai muốn biết Đức Kitô sẽ chăm chú nhìn vào những việc chúng ta làm. (tgpsaigon.net)

Hồng Xóm Núi,Fmm.