Đáp Trả Lời Mời

“Hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết tiệc cưới” (Mt 22: 9)

Lời Chúa của Chúa nhật 28 Thường Niên trình bày cho chúng ta câu truyện về ‘tiệc cưới’. Sách ngôn sứ Isaia trình bày viễn cảnh buổi tiệc cánh chung: “Ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân một bữa tiệc…” (Is 25: 6) và Thiên Chúa sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần, cất chiếc khăn tang đang bao phủ muôn nước. Lời ngôn sứ tiên báo một viễn cảnh thái bình, trước tiên cho dân Israel thời bấy giờ đang bị lưu đày xa xứ và khao khát có ngày trở về. Bên cạnh đó, Ngôn sứ cũng tiên báo bữa tiệc cánh chung, ngày Thiên Chúa sẽ quy tụ muôn dân nước về trên Núi Thánh của Ngài.

            Bài Tin Mừng, Thánh Matthêu tường thuật lại lời giáo huấn của Đức Giêsu khi Người giảng dạy dân chúng nói chung và cách riêng những nhà lãnh đạo tôn giáo trong dân Do-Thái đang nghe Ngài. Dụ ngôn kể về một nhà vua mở tiệc cưới cho hoàng tử, sau khi đã chuẩn bị xong xuôi, vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước: “ Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”, nhưng khách được mời lại không mấy quan tâm “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”. Họ đã tìm mọi lý do để từ chối, họ từ khước lời mời đồng nghĩa họ chối bỏ hay nói cách khác là khinh thường nhà vua. Đứng trước thái độ dửng dưng, coi thường người khác, nhà vua không thể làm ngơ, ông đã loại họ ra khỏi vương quốc của mình, vì họ không xứng đáng để được hưởng lòng xót thương của vua.

Qua dụ ngôn, ta có thể hiểu rằng: Chú rể là Chúa Giêsu và chủ tiệc là Chúa Cha. Chúa Cha luôn quảng đại rộng rãi và bao dung với con người.  Ngài mời gọi con người đón nhận Đức Giê-su là Con Một Ngài nhập thể làm người “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17:5). Tuy nhiên không phải tất cả những ai nghe đều đón nhận, bởi vì có những người được mời trân trọng từ ban đầu tức là đã được lãnh Bí Tích rửa tội, được gia nhập gia đình Hội Thánh nhưng lại coi nhẹ lời mời này, và kiếm cớ khước từ. Họ chỉ mãi lo tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà quên mất rằng “chỉ có một điều cần thiết mà thôi…đó là lắng nghe và tuân giữ lời Chúa dạy. 

Hay hiểu theo một khía cạnh khác, những người được mời đầu tiên có thể được hiểu là người Do Thái. Họ là dân của giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với ông Áp-ra-ham Tổ phụ. Họ là những người được ưu tiên lắng nghe Lời Thiên Chúa. Tuy vậy, nhiều người trong họ đã khước từ lời mời gọi của Chúa Giê-su. Đương nhiên, có nhiều người Do Thái tin vào Chúa Giê-su và đi theo Người. Hình ảnh những người được mời trước hết, cũng có thể hiểu là con người của mọi thời đại và có thể là chính chúng ta. Bởi lẽ lời mời gọi của Chúa Giê-su trong Phúc âm luôn mang tính hiện tại. Có những khi chúng ta khước từ lời mời gọi của Chúa vì những lý do nhỏ nhặt và trần tục, giống như những người được mời trong Phúc âm.

Phần tiếp theo của dụ ngôn để lại cho không ít người ngạc nhiên và thắc mắc trước thái độ của nhà vua. Có vẻ khó hiểu nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc, và đòi hỏi mỗi người phải nhìn theo khía cạnh đức tin thay vì tự nhiên. Nếu nhìn với con mắt tự nhiên, sẽ có rất nhiều lý do để kết án sự nghiêm khắc vô lý của nhà vua đối với một người không mặc y phục lễ cưới (c.12). Còn với lĩnh vực ân sủng, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa mà Lời Chúa muốn dạy chúng ta. Là những người đã chịu phép rửa tội, đã sống trong Hội Thánh Chúa, khi giờ Chúa đến, chúng ta không thể thưa với Chúa rằng, con chưa sẵn sàng nghĩa là chưa kịp chuẩn bị áo cưới. Chúng ta không thể có thái độ thụ động, đã tin thì phải tìm cách thể hiện lòng tin của mình, đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta. Áo cưới cũng có thể hiểu là biểu tượng cho sự hoán cải của mỗi người chúng ta. Sách Khải Huyền nói đến sự thánh và việc lành là chiếc áo bao phủ chúng ta (Kh 19,8). Hơn hết,  áo cưới của các Kitô hữu chính là “Đức Kitô Vị Hôn Phu”, thánh Phaolô khuyên: “anh em hãy mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3, 27).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì cũng được biến đổi. Như vậy chúng con ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong từng chọn lựa của ngày sống là sống trong sự bác ái và yêu thương người thân cận.  Và rồi chúng con đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Amen.

 Hồng Xóm Núi, Fmm.