Sống Nghèo

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có” (Lc 6: 20,24)

“Với ĐTC Phanxicô, lối sống gần gũi người nghèo đã cắm rễ sâu nơi cuộc sống hằng ngày và tâm thức mục vụ từ khi ngài còn là giám mục và hồng y thuộc Tổng giáo phận Buenos Aires, nước Argentina. Ngài thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện...) thay vì xe ôtô, taxi hoặc xe sang vì ngài muốn có cơ hội gặp gỡ tha nhân, biết và chia sẻ với những khó khăn của họ. Suốt thời gian khủng hoảng kinh tế tại Argentina vào những năm 1990, ngài chọn sống trong một nhà trọ đơn sơ thay vì sống tại tòa tổng giám mục.

Vào tháng 3 năm 2013, nhiều người trên thế giới đã khen ngợi và cảm phục về hình ảnh đẹp từ lối sống nghèo khó của vị Tân Giáo hoàng. Gương sống của ngài như một thông điệp về dung mạo mới mẻ của Giáo hội dành cho người nghèo. Từ khi lên ngôi Giáo hoàng, ĐTC chọn sống tại nhà trọ Santa Marta, nơi ở dành cho khách vãng lai, thay vì sống tại dinh thự dành cho Giáo hoàng.[3] Xuất phát từ lời nhắc nhở của một vị hồng y đã nghỉ hưu, Đức hồng y Claudio Hummes: “Đừng quên người nghèo”, Đức Thánh Cha đã chọn tên gọi Phanxicô làm tước hiệu cho triều đại giáo hoàng của mình. Tước hiệu Phanxicô là dấu chỉ cho thấy ĐTC muốn noi gương sống khó nghèo của thánh Phanxicô Assisi, hướng lòng về người nghèo trong triều đại giáo hoàng của ngài. Xét về nguyên nhân chọn tước hiệu, tác giả Olga Caro cho rằng có lẽ sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần trong mật viện về mục vụ cho người nghèo đã trở nên mạnh mẽ nơi ĐTC, và có lẽ đường hướng mục vụ này vốn đã là mối bận tâm then chốt từ lâu trong đời sống của ngài.[4]

Cũng trong tháng 3/2013, người Công giáo hết sức ngạc nhiên khi nghe tin lần đầu tiên ĐTC phá vỡ truyền thống rửa chân vào ngày lễ thứ Năm Tuần Thánh. Thay vì rửa chân cho 12 giáo sĩ như những vị tiền nhiệm thường làm, ĐTC đã rửa chân cho 12 tù nhân trẻ trong chuyến viếng thăm nhà tù Casal Del Marmo, nước Ý. Trong số 12 người được rửa chân có 2 người phụ nữ trẻ, một trong hai người này là người Hồi giáo.[5] Việc làm này cho thấy ĐTC thể hiện sự gần gũi người nghèo, không phân biệt nam nữ hoặc tôn giáo.

Như thế, kể cả khi sống ở Argentina, nơi có nhiều người nghèo, trong vai trò giám mục và hồng y, hay ở Rôma trong cương vị giáo hoàng, ĐTC vẫn thường gần gũi với người nghèo. Nơi ngài, cái nghèo không còn là những nguyên tắc thần học trừu tượng hay viễn tượng mục vụ trên bàn giấy, nhưng là lối sống thực tế của một vị Giáo hoàng.”(Trích cái nghèo theo tâm thức của đức thánh cha phanxicô - Lm. Gioan Phan Văn Định. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cai-ngheo-theo-tam-thuc-cua-duc-thanh-cha-phanxico-42536)

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật 6 thường niên hôm nay, Thánh Luca trình bày bài giảng của Đức Giê-su về bốn mối phúc mà “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó vì nước Thiên Chúa là của anh em”. Đây là điều kiện đầu tiên Chúa đặt ra như một thách đố đối với những ai muốn bước theo Ngài trên con đường trọn lành. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 10,58). Quả thực, khi nói về sự nghèo khó có lẽ hơn ai hết Đức Giê-su là một mẫu gương sống nghèo rất cụ thể. Ngài vốn là Thiên Chúa nhưng đã từ bỏ địa Thiên Chúa xuống mặc lấy thân phận một người nghèo hơn bao người nghèo khác.

Trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô Thánh Phaolô đã xác quyết: “ Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình làm cho anh em nên giàu có. Khi sống ẩn dật như một người nghèo tại Nazareth, Đức Giêsu cũng phải lao động cật lực để sinh nhai, và ‘Ngài sống giống hệt như chúng ta ngoại trừ tội lỗi’ (Dt 4,15). 

            Trong các vị hiển thánh mà Giáo Hội đã tuyên dương, Thánh Phan-xi-cô thành Assisi là một mẫu gương sống triệt để với Đức Nghèo mà theo ngôn ngữ riêng của ngài, ngài gọi “Bà Chúa Nghèo”. Ngài đã sống triệt để mối phúc đầu tiên này, vì ngài cho rằng tinh thần nghèo khó là thước đo của một tình yêu chân thật dành trao cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Cũng vậy, Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta cũng dạy các nữ tu của Mẹ “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta những người nghèo khổ, tật nguyền, để chúng ta có cơ hội phục vụ và làm giàu cho ơn gọi của chúng ta. Chúng ta hãy xem họ như những vị ân nhân của chúng ta”. Sống nghèo để phục vụ người nghèo là con đường nên thánh mà Chúa Giêsu đã vạch dẫn và nêu gương. Đây chính là mối phúc đầu tiên và cũng là bản Hiến chương Nước Trời, giúp định hướng và vạch ra những tiêu chí căn bản để chúng ta vươn tới hạnh phúc đích thực. 

Còn chúng ta thì sao? Trong đoạn Tin Mừng, hay “Hiến Chương Nước Trời” Đức Giê-su đề cao “người nghèo” chứ không phải cái nghèo vì Thiên Chúa muốn cho con người được sống hạnh phúc và biết quan tâm đến tha nhân. Quả thực, Nước Thiên Chúa ở đây là một xã hội mới, trong đó người có “tinh thần nghèo khó” được đề cao. Thiên Chúa cũng không lên án người giàu, nhưng Người quở trách những kẻ giàu có ỷ mình lắm bạc nhiều tiền, khinh thường và bắt nạt người nghèo hơn mình. Thái độ này kể cả con người cũng chẳng mấy ai ưa thích. Trong chuyến tông du đến Philippines năm 2012, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khiến giới trí thức Công giáo ngỡ ngàng khi ngài xác tín vai trò bất khả phân ly giữa người nghèo với sứ điệp của Đức Kitô: “Nếu chúng ta loại người nghèo ra khỏi Tin Mừng, chúng ta không thể hiểu được toàn bộ sứ điệp của Đức Kitô.”

Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết sống khiêm tốn, biết cậy dựa vào Chúa và biết quan tâm đến tha nhân. Xin giúp chúng con biết dùng của cải trần thế mà mua lấy vinh quang nước trời, để mai sau chúng con được sum vầy bên Chúa mãi mãi. Amen.

Hồng Xóm Núi, fmm.