Thế Nào Là Niềm Vui Trọn Hảo

Niềm vui này không chỉ là một tình cảm, nhưng phát sinh những hoa trái cụ thể trong cuộc sống, bằng cách sống hiền hòa và rộng rãi với mọi người nhưng niềm vui đó chỉ trọn vẹn khi chúng ta biết hoán cải cuộc sống của mình.

Một lần nọ thầy Lê-ô hỏi thánh Phanxicô:

- Thưa cha, xin hãy nói cho con biết đâu là niềm vui trọn hảo?

Thánh Phanxicô trả lời:

- Khi chúng ta đến tu viện "Maria, Nữ Vương các thiên thần" (Sainte-Marie des Anges), chúng ta bị ướt đẫm nước mưa và rét mướt vì giá lạnh, chân lấm đầy bùn và cơn đói hành hạ, lúc đó chúng ta gõ cửa và thầy giữ cửa giận dữ mở cổng rồi nói:

- Các ông là ai?

Chúng ta sẽ trả lời:

- Chúng tôi là hai người anh em của thầy.

Thầy ấy sẽ nói:

- Các ông nói dối, các ông chỉ là hai kẻ bê tha đi đánh lừa mọi người và ăn cắp của bố thí dành cho người nghèo, hãy cút ra ngoài với cơn đói và giá lạnh tới khi đêm xuống.
Bấy giờ, chúng ta nhẫn nại chịu đựng, không xao xuyến, không xì xầm chống lại thầy ấy dẫu có bao lời nguyền rủa, bao hung dữ và bao hắt hủi. Và nếu chúng ta khiêm nhường yêu thương nghĩ rằng thầy giữ cửa thật sự biết chúng ta, rằng Chúa đã cho thầy ấy nói lời chống lại chúng ta. Ôi, anh Lê-ô, hãy ghi nhận rằng đó là niềm vui trọn hảo.

Và nếu chúng ta kiên trì gõ cửa, thầy ấy lại giận dữ trở ra và xua đuổi chúng ta như những tên vô lại chờ cơ hội với những lời thoá mạ và sỉ nhục nặng nề:

- Hãy cút khỏi đây, những tên trộm bần cùng, hãy đi tới nhà thương đi, ở đây không có chỗ cho các ngươi ăn và trú ngụ đâu.

Nếu chúng ta chịu đựng tất cả điều đó với lòng nhẫn nại và hân hoan, trong tinh thần bác ái, ôi anh Lê-ô, hãy ghi nhận rằng đó là niềm vui trọn hảo...”

Với Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay được gọi là Chúa Nhật “màu hồng” hay Chúa Nhật của niềm vui. Trong bầu khí tràn đầy hy vọng của màu tím, nốt chấm màu hồng nổi lên báo hiệu niềm vui đã gần kề. Niềm vui của ngày Con Thiên Chúa Nhập Thể và Giáng Sinh.

Trong bài đọc I: Ngôn sứ Xôphônia  kêu gọi dân chúng hãy vui lên, lý do là vì: "Án lệnh phạt ngươi Thiên Chúa đã rút lại, và thù địch của ngươi Ngài đã đẩy lùi xa".(Xp 3,15) Giữa cảnh ngặt nghèo như vậy, Thiên Chúa vẫn cứ đoái thương nhìn đến và tha thứ mọi lỗi lầm cho toàn dân. 

Cũng trong tâm tình đó, trong bài đọc II: Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Philipphê:“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa, tôi nhắc lại, vui lên anh em!”. Niềm vui này không chỉ là một tình cảm, nhưng phát sinh những hoa trái cụ thể trong cuộc sống, bằng cách sống hiền hòa và rộng rãi với mọi người nhưng niềm vui đó chỉ trọn vẹn khi chúng ta biết hoán cải cuộc sống của mình.

Trong bài Tin Mừng, thánh sử Luca tường thuật lại việc dân chúng từ khắp nơi kéo đến với ông Gio-an để chịu phép rửa tìm ơn tha thứ và Thánh nhân đã không hắt hủi một ai, dù là gái điếm hay thu thuế cho đế quốc Rô-ma. Nhưng ông đòi hỏi mọi người phải tích cực huy động tinh thần liên đới. Trong thế giới ngày nay, khi con người mải lo chạy theo danh lợi vật chất, nạn tham nhũng lan tràn, Thiên Chúa gần như bị lãng quên. Dịch bệnh xuất hiện như một lời mời gọi con người hãy quay về với Nguồn Cội của mình, từ bỏ đi những tham lam, bất công, sống đời hoán cải trong tình liên đới với tha nhân.

Trước tiên, hãy trở về bằng việc thực hành bác ái: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). Bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo”. Thánh nhân không đòi hỏi những người đến với mình bỏ đi những gì mình đang có: của cải vật chất, công việc, chức vụ… nhưng Thánh nhân mời gọi mọi người hãy biết bằng lòng với những gì mình đang có, bằng lòng với số lương mà công việc mang lại, đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định dẫn đến lỗi đức công bằng và cũng đừng hà hiếp hay bóc lột ai…. (Lc 3:14-15). 

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ III của Mùa Vọng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta sám hối để có thể trở về với Chúa. Nhưng sám hối không chỉ là quay trở về với quá khứ, mà còn hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Sám hối không chỉ có tính cách cá nhân, mà còn mang tính liên đới trong cộng đoàn. Sám hối không chỉ là một cảm xúc mông lung, nhưng chính là một quyết tâm hành động. Sám hối không chỉ là hướng tới đời sống thánh thiện, mà là trở về với một Đấng thánh: Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, sám hối chính là dành cho Chúa Kitô cơ hội để Người thanh tẩy tâm can, thay đổi con người, nhất là để Người biến những tâm tình và ước muốn của chúng ta nên giống những tâm tình và ước muốn của Người.

Lạy Chúa Giêsu, canh tân sám hối và đổi mới đời sống là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu chúng con. Nhưng chúng con thường quên lãng, hay cứng lòng mà lìa xa tình Chúa. Mùa vọng là dịp thuận tiện để chúng con trở về với lòng mình và trở về với Chúa. Xin ban Thánh Thần của Chúa xuống trên chúng con, giúp chúng con biết mở lòng ra, trở nên mềm mại để Chúa uốn nắn hầu chúng con xứng đáng đón mừng ngày Con Chúa ngự đến. Amen.

Hồng Xóm Núi