Lòng Bác Ái, Hoa Trái Của Niềm Tin

“Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo...”

Đây là điều mà Lời Chúa trong bài đọc 2 của Chúa Nhật 24 mùa thường niên, năm B hôm nay thánh Gia-cô-bê đã trình bày cho chúng ta một cách rất rõ ràng, không úp mở khi nói rằng, Đức tin phải được chứng tỏ bằng hành động và bằng việc làm, vì đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (x. Gc 2: 14 -18). Chính Đức Giê-su cũng nói như thế trong (Mt 7: 21) “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu.”

Nếu chúng ta đối chiếu (Gc 2: 14 -18) với (Gl 3) chúng ta có thể cảm thấy ở đây như hai giáo huấn trái ngược nhau. Thánh Phao-lô thì nói: ông Áp-ra-ham được kể là người công chính nhờ lòng tin chứ không phải nhờ giữ lề luật. Ngược lại, thánh Gia-cô-bê lại nói, người ta được cứu độ nhờ đem đức tin ra thực hành. Thực ra, khi nói về thực hành, thánh Phao-lô nói tới các nghi lễ  và cách giữ luật trong Do-thái giáo là những điều không sinh ích lợi gì để được cứu độ, và ngài nói rằng đức tin là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô giáo. Còn thánh Gia-cô-bê, khi nói về thực hành, thì nghĩ đến việc làm phát xuất từ lòng mến.

Thánh Mác-cô trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 8: 27-35) cũng trình thuật lại việc Chúa Giê-su chất vấn về lòng tin của các môn đệ là những người đã theo người bấy lâu về sự khám phá và lòng tin của các ông đặt nơi Người. Thánh Phê-rô đã đại diện anh em tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Kế đến Người mặc khải chương trình thương khó và đưa ra điều kiện để theo Người “ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống”(Mc 8: 34-35). Nghĩa là Đức Giê-su đòi hỏi những người đi theo phải có một hành động là chọn lựa dứt khoát, không úp mở, không lý thuyết suông, đó là phải từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi ích kỷ của mình để sống điều mà Tin Mừng đòi hỏi. Vậy, là những Ki-tô hữu chúng ta phải sống như thế nào trong việc thực thi điều Chúa đã dạy chúng ta trong Tin Mừng? Dưới đây là câu chuyện minh họa.

Trong tác phẩm “Những người khốn khổ”, Đại văn hào Pháp Victor Hugo đã tạo ra một câu chuyện, trong đó có hai nhân vật điển hình. Nhân vật thứ nhất là Jean Vanjean ( Giăng Văn Giăng) mồ côi cha mẹ từ nhỏ và sống với chị gái. Chị gái anh quá nghèo và có tới 7 đứa con nheo nhóc. Một hôm, không có gì ăn, thương các cháu bị đói, anh đã tới cửa hiệu bánh của lão Mobe, đạp tủ kính, lấy trộm bánh về cho các cháu. Jean Vajean bị bắt và hầu tòa. Tòa kết án anh 5 năm khổ sai về tội ăn trộm có phá hại nhà cửa. Sau lần vượt ngục không thành, Giăng Văn Giăng bị nhân mức án lên 13 năm tù khổ sai. Bất mãn vì  tình đời éo le, luật lệ bất công của xã hội: vì một chiếc bánh mà phải xiềng xích khổ sở 13 năm tù… Anh quyết tâm, ra khỏi tù, anh sẽ trả thù người đời cho hả giận. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Khi anh ra tù, với số tiền lộ phí nhà giam cấp cho anh, anh đi bộ về quê nhà. Giữa đường, trời tối, anh vào một quán ăn, nhưng khi người ta khám phá ra anh là một phạm nhân mới được tự do, thì không một ai dám chứa chấp anh, mặc dầu anh có đủ tiền trả một bữa ăn và qua một đêm trọ. 

Anh phải lang thang giữa đường phố, cuối cùng anh định ngủ ở tháp chuông của một ngôi thánh đường. Nhưng có mấy bà đi nhà thờ, chỉ cho anh biết: anh có thể đi tới ngủ nhờ nơi tòa Giám mục của Giám mục Myrien (GM. Myrien) ở gần đó. 

GM.Myrien là con người sống đạo đức, sống bác ái, quảng đại với mọi người. Tối hôm đó, Jean Vajean tới tòa Giám mục xin ở trọ một đêm. Anh bỡ ngỡ vì chính Đức Cha Myrien niềm nở đón tiếp anh, coi anh như một vị khách quý. Ông bắt người giúp việc soạn bữa để anh cùng ngồi bàn dùng cơm chung với ngài. Cũng như thường lệ, khi có khách, Đức Cha thường đưa bộ muỗng đĩa bạc để tiếp. Anh được Đức Cha Myrien gọi bằng “ông” : tiếng mà suốt đời anh chưa ai gọi bao giờ.Tuy nhiên anh vẫn còn nuôi lòng căm thù, hận đời. Đêm đó, Jean Vajean được Đức Cha Myrien cho ngủ trong phòng khách thông liền với phòng Đức Cha

Nửa đêm thức giấc, anh sang phòng Đức Cha Myrien, thấy Đức Cha đang ngủ ngon, nét mặt vẫn tỏa ra một vẻ thánh thiện, bình thản, êm đềm, đáng kính nên anh không  nỡ tâm sát hại mà chỉ qua phòng ăn lấy bộ đồ muỗng, thìa, đĩa bạc rồi tẩu thoát. 

Sáng sớm, người giúp việc càu nhàu và cho Đức Cha biết là “ông khách quý” của Đức cha đã ra đi và mang theo bộ đồ ăn quý nhất của Giám mục. Ông chỉ cười và coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng lát sau, người ta thấy cảnh sát điệu Jean Vajean vào tòa Giám mục, vì cảnh sát vừa bắt được anh, khám xét thấy trong hành lý của anh có bộ đồ ăn bạc. Cảnh sát nghi là anh đã ăn trộm những đồ này của tòa Giám Mục và giải anh vào gặp Đức Cha Myrien để tìm hiểu thực hư. Nhưng Đức Cha Myrien vừa thấy anh, ngài đã niềm nở chào anh và nói: “Hôm qua tôi cho anh bộ muỗng nĩa, tôi còn cho anh cả đôi chân đèn trong phòng ngủ, đôi chân đèn này cũng bằng bạc, ít ra cũng bán được 200 quan, sao anh lại bỏ quên không lấy ?” Rồi Đức Cha đưa cả đôi chân đèn trong phòng ngủ cho anh. Thấy vậy, cảnh sát bỏ đi, vì cho là chính Đức Cha đã tặng anh các đồ vật đó. 

Khi cảnh sát đi rồi, Jean Vajean sững sờ đứng một mình với Đức Cha. Đức Cha nói nhỏ với anh: “thôi con đi, đừng bao giờ quên lời cha. Con hứa với cha là con sẽ dùng số tiền bán các đồ này để làm lại cuộc đời, sống lương thiện giúp ích cho xã hội”. Thái độ nhân từ của Đức Cha Myrien đã biến đổi cuộc đời Jean Vajean, một người đã nung nấu hận thù ròng rã 13 năm, nhưng qua một đêm sống với Đức Cha Myrien, anh đã đổi thành con người mới, bỏ lòng hận thù, quyết tâm làm lại cuộc đời.Anh không về quê, anh qua Montreil vào đúng buổi chiều xảy ra đám cháy… Chính anh đã liều mạng xông vào lửa, cứu hai con của ông cảnh sát khỏi bị cháy… và anh đã đổi tên là Madeleine. Anh trân trọng giữa hai chân đèn của Giám Mục Myrien để luôn ghi nhớ và thực hành điều Đức Cha dạy anh (Cartas Việt Nam).

Câu chuyện trên cho chúng ta bài học về tình yêu thương và lòng bác ái, niềm tin của chúng phải được thể hiện qua hành động. Thời gian này, rất nhiều người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Không chỉ về vật chất mà thôi, mà còn cần đến những lời động viên, khích lệ an ủi, sẻ chia... không phải bên ngoài nhưng bằng con tim thổn thức của chúng ta trước nỗi đau của đồng loại. Xin Chúa giúp chúng ta không chỉ tuyên xưng niềm tin của mình không chỉ trên môi miệng, những bằng hành động và cả cuộc sống chúng ta như Lời Chúa mời gọi hôm nay.

Hồng Xóm Núi.