Đỉnh Cao Yêu Thương

Thánh giá là chính là đỉnh cao của yêu thương, là một minh chứng của mối tâm giao giữa Thiên Chúa và con người ; là mối tình đích thực và vĩnh cửu sẽ mang lại niềm hạnh phúc vĩnh cửu cho những ai biết đón nhận thập giá trong cuộc đời.

Hôm nay chúng ta đã bước sang tuần thứ 5 Mùa Chay,  nên các bài đọc dẫn ta đến gần đỉnh cao thập giá ! Nói đến thập giá là hình tượng cả một  ‘bể khổ’ ! Tuy nhiên bể khổ này lại mang lại một sức sống mãnh liệt và vĩnh cửu. Đây là sự khác biệt với bể khổ trần gian, vì Thánh Phaolo đã khẳng định : Thập giá chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa ! Tại sao đó là sự khôn ngoan ? Bởi đó là chính là đỉnh cao của yêu thương, là một minh chứng của mối tâm giao giữa Thiên Chúa và con người ; là mối tình đích thực và vĩnh cửu sẽ mang lại niềm hạnh phúc vĩnh cửu cho những ai biết đón nhận thập giá trong cuộc đời.

Bắt đầu một giao ước là bắt đầu hành trình của tình yêu đích thực :« Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta ». (Gr 31, 34).  Lời giao ước cho thấy giữa Thiên Chúa và con người là mối tương quan tình yêu. Tình yêu này là sự tùy thuộc vào nhau như vợ chồng hay như cha mẹ. Tuy nhiên thế giới ngày nay ngôn từ tình yêu đang bị tục hóa bởi cảnh ly dị do não trạng hết duyên, nhân quả hoặc sống vội yêu cuồng bất chấp luân lý đạo đức và giá trị sống. Vậy ở đây tình yêu của Thiên Chúa sẽ hiểu và thấy được tình yêu đích thực đó ra sao. Chúng ta tiếp tục đi tiếp con đường thập giá của Chúa trong lịch sử nhân loại để thấu hiểu tình Chúa yêu ta.

Vì giao ước Chúa đặt để nơi dân Do Thái thời cựu ước, đến khi Đức Giêsu nhập thể, giao ước này không còn cho dân Do Thái mà cho toàn thể nhân loại, cách riêng cho những người đón nhận Tin Mừng và tin vào Đức Kitô Giêsu. Để cho giao ước này hiện thực, Đức Giêsu đã phải trả giá cả mạng sống mình trong suốt quá trình làm người như Thánh Phaolo nói trong bài đọc hôm nay : « Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục » (Hr 5,8). Người trải qua đau khổ để học sự vâng phục là để phục hồi tình yêu Thiên Chúa cho con người mà trước đây Adam đã đánh mất vì sự bất tuân của mình nơi vườn địa đàng. Tại sao phải vâng phục mới tìm lại được vườn địa đàng ? Vườn địa đàng là ngôn từ ngày nay được diễn tả là nơi mang lại đời sống tuyệt vời, hạnh phúc ! Thế nhưng trong địa đàng mà thiếu sự vâng phục Thiên Chúa thì điều đó sẽ mất và để khôi phục thì phải học sống sự vâng phục.

Vâng phục Thiên Chúa để được điều gì ? Đó có phải là mất tự do không ? Có lẽ ngày nay để hạn chế được những điều ác xảy ra, người ta cần có luật để là cán cân công lý và tình thương. Vậy vâng phục Thiên Chúa là đi trong lối đường tốt lành mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta khi Người tạo dựng. Lối đường ấy chính là tình thương. Tình thương của Thiên Chúa là tình thương của sự hy sinh và cho đi, không phải là thứ tình thương tìm thoải mãn dục vọng và ích kỷ. Tình thương Thiên Chúa là tình thương của sự tín trung và kiên vững đến cùng vì người mình yêu, chứ không phải loại tình thương của luật nhân quả : gieo xấu phải chịu nhận hậu quả của nghiệp chướng ! Do vậy tình thương Kito giáo là một tình thương cho đi và cho đến cùng cuộc sống của mình như Đức Kitô đã sống.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định :  « Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời (Ga 12, 24-25). Tục ngữ có câu : « Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo ». Lời này Chúa Giêsu không chỉ nói, nhưng Ngài đã sống. Bằng chứng là thập giá ! Chính trên thập giá Chúa Cha đã chứng thực Chúa Giêsu đã đi trọn kiếp người cách hoàn hảo để có thể cứu độ chúng ta, cứu những gì mà Adam đánh mất. Cái mất từ Adam : sự nhu nhược, bất tuân và hành xử như không có Thiên Chúa trong cuộc đời đang khi ông sống trong vườn địa đàng của Chúa. Còn Chúa Giêsu khôi phục lại bằng chính cuộc sống chịu nhiều đau khổ để trả giá cho một lối sống hư hỏng của Adam.

Lối sống của Adam ngày nay không thiếu. Vẫn còn đó di chứng của tội tổ tông. Nếu như ta cứ thỏa mãn với lối sống dung tục, thực dụng và thiếu công chính. Hậu quả của tội kéo theo là : nghèo đói, lười biếng, trộm cướp, bóc lột, bạo hành, phá thai, ly dị, lạm dụng, gây chiến, tham lam, giành giựt, đổ lỗi… Với ý nghĩa tình thương mà Chúa chết trên thập giá, Chúa cần mình hy sinh mạng sống để có được sự sống hạnh phúc và vĩnh cửu thì đó chính là đỉnh cao của yêu thương. Và tình yêu như Chúa mới là tình yêu đích thực và đem lại sức sống cho chúng ta ở đời này và đời sau.

Anna Phạm Tuyết, fmm.