Mối Tình Chủ Chiên

Mối tình Chủ - Chiên khởi đi từ sự chăm sóc của chủ với đàn chiên của mình.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội đang xảy ra vì Covid-19, khiến sinh hoạt tôn giáo phải dừng: vị chủ chăn dâng thánh lễ mà không có đoàn chiên tham dự. Chủ chiên thấy trống vắng vì thiếu đoàn chiên! Đoàn chiên như bị mất chủ ! Chiên khao khát thánh lễ, khao khát đến nhà thờ... Kinh nghiệm thiếu vắng này tỏ rõ mối tương quan thân thiện giữa mục tử và đoàn chiên của mình. Khởi từ kinh nghiệm cụ thể này, ta hiểu được phần nào mối tình Chủ - Chiên trong bài Tin Mừng của tuần 4 Phục Sinh hôm nay.

Chúng ta thường quen với hình ảnh của Người Mục tử nhân lành mà đôi khi quên đi vào chiều sâu mối tương quan giữa chủ với chiên như thế nào. Mối tình Chủ - Chiên khởi đi từ sự chăm sóc của chủ với đàn chiên của mình. Người chủ lo lắng, canh phòng thú dữ cho chiên được bình an và dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi để chiên được no thỏa. Người chủ đó là chính Chúa. Ngài luôn đi bước trước đến với chúng ta. Ngài chăm sóc và bảo vệ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng tình thương đó quá chan hoà và thầm lặng đến độ thành thói quen hiển nhiên khiến ta dễ quên mất Chủ đang chăm sóc mình! Cho đến khi một biến cố ập đến! Tai họa xảy ra! Ta hỏi Chúa đâu rồi? Chúa đó, vẫn ở bên và bảo vệ ta. Điều quan trọng là trong cuộc sống thường ngày ta có tập thói quen để chính ta nghe tiếng Chúa để làm theo sự hướng dẫn của Người đi vào đồng cỏ không? Hay ta chỉ hùa theo con chiên khác để hưởng lợi trong đồng cỏ của chủ mà không trực tiếp nghe và hiểu hết ý của Chủ mình. Như thế chúng ta thiếu kinh nghiệm cá nhân với Chúa. Và chính vì thiếu kinh nghiệm cá nhân với Chúa, nên cái lợi vật chất là tiếng của kẻ trộm dễ dàng hướng ta đi trệch đàn, không nhận ra tiếng Chúa!

« Chiên Ta thì nghe tiếng Ta ». Để nghe được tiếng Chúa, ta cần có kinh nghiệm cá vị với Chúa. Bằng chính kinh nghiệm này trong cuộc sống, ta mới cảm nghiệm được đâu là tình Chúa yêu thương. Gioan, vị tồng đồ Chúa yêu đã thấy mộ trống và hiểu được Chúa đã Phục Sinh, nên ông tin. Lý do là vì ông yêu Chúa, chính kinh nghiệm của riêng ông với Chúa giúp ông nhớ Lời Ngài nói. Vì thế, khi sự kiện xảy ra, ông hiểu và « tin Chúa ».  Bài đọc 2, Phêrô đã diễn tả tình yêu của vị Chủ Chiên : « Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người đã phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành » (1Pr 2,24). Lời này của Thánh Phêrô viết ra không phải lời suy niệm mà là bằng chính kinh nghiệm sống đức tin mà ông đã đụng chạm đến Chúa, Người mà ông theo và tín trung cho đến chết. Với những kinh nghiệm yếu đuối chối Chúa, nhát đảm, bộc trực, nóng nảy… Phêrô cảm nghiệm sâu hơn tình Chúa. Còn với chúng ta, kinh nghiệm cá nhân nào với Chúa khiến ta có thể dễ dàng nhạy bén với tiếng Chúa trong cuộc sống để kiên định theo Ngài. Vì chính Ngài là Cửa cứu độ (Ga 10). Bản chất của Chúa là luôn bảo vệ, cứu chữa và yêu thương. Còn bản chất của ‘kẻ trộm là chiếm đoạt, giết hại và phá hủy’.

« Chúa đến để cho chiên được sống và sống dồi dào ». Đó là bản chất tình yêu của Chủ Chiên. Tình yêu của Ngài tỏ lộ bằng việc bảo vệ và cứu chữa bằng tình thương. Ấy thế mà đôi khi chiên lại rẽ lối để nghe tiếng kẻ trộm ! Bởi lẽ kẻ trộm khôn lỏi tìm điểm yếu của chiên để tấn công. Chiên nào không thường xuyên nghe tiếng Chủ thì không biền biệt đâu là tiếng Chủ và dễ hướng chiều theo tiếng kẻ trộm. Sự sống dồi dào mà Chủ ban tặng, nó không chỉ là ‘vỗ béo’ về mặt chất, nhưng chính là dồi dào về cả vật chất lẫn tinh thần. Người có nội lực mạnh về tinh thần, thì thể chất mới biểu hiện sự mạnh mẽ, thần thái, niềm vui và hạnh phúc. Còn kể trộm ‘vỗ béo về mặt vật chất’ để chúng chiếm hữu chiên. Cái ‘no tròn và thỏa mãn’ về mặt vật chất không đủ để làm ta hạnh phúc lâu bền.

Mối tình Chủ-Chiên chỉ có khi cả hai cùng tương tác. Hình ảnh vị Mục Tử nhân lành hôm nay mời gọi chúng ta không chỉ có hình ảnh về Ngài Nhân Lành, nhưng cũng mời gọi chúng ta mở lòng ra để đón nhận ơn lành từ Ngài. Chúng ta cần mềm dẻo lắng nghe tiếng Chúa nói trong sâu thẳm của lòng mình qua giờ cầu nguyện, qua việc lắng nghe Lời Chúa và thinh lặng chiêm nghiệm tình Chúa trong các biến cố cuộc đời. Ở lại, lắng nghe và bám sát vào Chủ Chiên của mình, ắt mình sẽ nghe được tiếng Ngài.

Anna Phạm Tuyết, fmm.