Kìa Đức Vua Của Ngươi Đang Đến

« Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa… » (Mt 21,1-11)

Trong ngày 27/3/2020 vừa qua, cả thế giới theo dõi trực tuyến để nhận lãnh phép lành Urbi et Orbi đặc biệt ngoại thường của Đức Thánh Cha. Đây là một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử. Trước cơn đại dịch toàn cầu, với tư cách là vị chủ chủ chăn không được tiếp xúc với đàn chiên của mình. Một đàn chiên đang oằn mình gánh chịu nỗi sợ hãi giữa ranh giới của sự sống và sự chết. Đức Giáo Hoàng Phanxico, vị cha chung đại diện Chúa Kito cho toàn thế giới đã chủ động hiện diện trong cuộc sống của mỗi tín hữu bằng Phép Lành Orbi et Urbi qua phương tiện truyền thông,  để nói rằng : ngài vẫn và đang hiện diện hiệp thông sâu xa với đoàn chiên của ngài trong lúc ngặt nghèo này.  Hình ảnh nhân từ của ngài trên truyền hình đã đánh động lòng người. Hình ảnh đó hiện rõ nét ngài là sứ giả, là chứng nhân của VUA GIÊSU HIỀN HẬU của chúng ta.  Hôm nay Chúa Nhật Lễ Lá, nhắc cho chúng ta, Chúa đã đến và đang ở giữa chúng ta để cùng ta gánh chịu cơn đại dịch này.  

Có thể tâm trạng nhiều người trong chúng ta lúc này sẽ hỏi Chúa đâu rồi ? Sao Ngài không ra tay ? Hoặc mong đợi quyền năng Chúa sẽ thực hiện phép lạ ngay ! Có lẽ những suy tưởng đó không phải là đường lối Chúa. Thật là hợp phụng vụ khi Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt hiền hậu của Đức Vua Kito. Khác với các nhà lãnh đạo uy quyền trên thế giới, Vua Kito đang đến với dáng vẻ hiền hậu : Nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức, biết lắng nghe tiếng Chúa như Người môn đệ; Ngài bất bạo động : giơ má cho người ta giật râu, giơ mặt cho người ta phỉ nhổ với một niềm phó thác vào Chúa (Is 50, 4.5) . Trong đau khổ Ngài hiền lành thinh lặng để đón nhận trong phó thác, đồng cảnh nỗi đau để thấu hiểu tận cùng sự đau khổ con người đang gánh chịu : Đức Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy thân nô lệ… và hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết ô nhục trên thập giá (Pl 2, 6.8).

Lặng ngắm nhìn lên Chúa thật sâu thẳm của lòng nhân hậu trong cơn quằn quại của đại nạn này, khi mà ranh giới giữa sự sống và sự chết kề nhau, chúng ta thấu hiểu sao với hình ảnh của Vị Vua Kitô nhân hậu đang đến ? Ngài giải cứu ta điều gì ? Khỏi sự chết  do dịch bệnh phần xác với một sự sống ngắn ngủi này ? Hay Ngài đang chữa lành ta khỏi sự chết của lòng ngạo mạn, đố kỵ, tham lam giành giựt quyền lợi, tham vọng lãnh đạo, tham vọng thống trị, tham gia những việc bất chính, trục lợi trên sự đau khổ của người đồng loại và tội ác thâm độc sản sinh ra vũ khí giết người bằng virus của dịch bệnh, virus của những lời nói thâm độc giết người không dao và dùng lời để thanh trừng nhau !!! Lắng sâu và lắng sâu hơn nữa để nghiệm xem Vị Vua nhân hậu của chúng ta đang đến, Ngài giải phóng ta khỏi điều gì ? Có chăng Ngài sẽ giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi để làm ta tốt lành hơn. Chính đời sống công chính, sự đơn thành, biết sống chia sẻ và cho đi mới là sự sống đích thực mà Chúa đang mời gọi chúng ta. Sự sống đó đang sống dậy khi người giàu  biết chia sẻ cho người nghèo trong nạn đại dịch này. Những hình ảnh chia sẻ thực phẩm nuôi sống những nghèo khi có lệnh cấm ra ngoài đường tránh virus ; người người thức tỉnh theo dõi thánh lễ trực tuyến để hiệp thông cầu nguyện trong gia đình ; chưa kể đến có những gương hy sinh thật âm thầm để hiệp thông cầu nguyện cho thế giới mà chỉ mình Chúa mới biết…

Là người Kitô hữu, ước mong sao chúng ta biết sống biến cố này như một cuộc thanh luyện đức tin, thanh luyện lối sống lệch lạc của chúng ta vì những tiện nghi vật chất, đầy đủ khiến ta không còn thấy Chúa và những hy sinh cần có trong đời sống chúng ta. Một cuộc thức tỉnh với chúng ta hiện nay, không phải chỉ là lời Chúa theo chu kỳ phụng vụ, nơi mà hằng năm các tín hữu được cùng hiệp thông với nhau tại Thánh Đường, nhưng là thức tỉnh trong lo âu sợ hãi vì cái chết cận kề với từng người trong bối cảnh không được cùng sống, cùng nhìn thấy, cùng gặp gỡ nơi thánh đường.

Chúa Giêsu hôm nay Ngài cũng đang cận kề với cái chết, chỉ sau cuộc tung hô này, là Ngài bị treo trên thập giá. Sự tín thác của Ngài là gì ? Trách Cha bỏ con hay Ngài sống sự tín thác : “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” (Mt 26,42).  Chúa Giêsu  đã đi đến tận cùng sự đau khổ và Ngài ở đó cho đến khi được Cha tôn vinh. Vậy lúc này đây, điều gì mời gọi chúng ta ?

Anna Phạm Tuyết, fmm.