Các Bài Suy Niệm Lễ Thăng Thiên năm C

Chớ gì mỗi người chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể trải nghiệm niềm vui và niềm hy vọng. Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan lên đường thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.

Các Bài Suy Niệm Lễ Thăng Thiên năm C

Lc 24, 46-53

NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

 

1. Khai mở một trang sử mới – Keith Witfield

(Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ)

Khai mở trang sử mới của Giáo hội

“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi” (Mc 16,20)

Theo Thánh Luca, biến cố Chúa về trời mang chở một ý nghĩa sâu xa, nhằm biến đổi các tông đồ và khởi sự sứ vụ rao giảng Tin mừng của toàn thể Hội Thánh. Thánh Luca thuật lại biến cố này để kết thúc Tin mừng và cũng để khởi đầu sách Tông đồ Công vụ.

Việc Chúa Thăng Thiên mang lại một âm hưởng sâu xa nơi các môn đệ. Đối diện trước biến cố này, các ông ngỡ ngàng, mắt vẫn còn đăm đăm ngước lên trời cao (Cv 1,10), và chưa thể hình dung sự việc xảy ra như thế nào. Nhưng sau đó, các ông đã hiểu. Chính xác hơn, là các tông đồ đã dần dần hiểu ra và tiến sâu vào thế giới của huyền nhiệm khi nhớ lại những lời Đức Giêsu đã căn dặn. Cuối cùng, “Các ông bái lạy Người. Các ông trở về Giêrusalem lòng đầy hân hoan và họ ở trong đền thờ, ngày đêm chúc tụng Chúa. (Lc 24,52-53).

Thoạt đầu, phản ứng của các tông đồ khiến chúng ta dễ đặt nghi vấn. Đức Giêsu vừa “rời bỏ” các ông. Sự ra đi nào cũng để lại biết bao sầu thương và nỗi nhớ. Các ông buồn, nhưng sau đó các ông lại “ngập tràn niềm vui”. Tại sao các tông đồ lại có phản ứng trái chiều mau lẹ đến thế? Chúng ta nhớ lại trong diễn từ ly biệt, ở phần cuối chương 13 của Tin mừng Gioan, Đức Giêsu báo trước là Ngài sẽ bỏ lại các ông, và tâm hồn các ông sẽ xao xuyến. Nhưng sau đó Ngài trấn an và nói về Thánh Thần, là nguyên lý chữa trị những sầu buồn và tuyệt vọng (Ga 14-17). Ngài nói với các học trò của mình đừng lo lắng, các ông sẽ không mất Ngài, những Ngài vẫn ở với các ông mọi ngày cho đến tận thế qua một dạng thức khác, nhờ Thánh Thần.

Việc Chúa về trời khơi dậy niềm vui. Các tông đồ sớm nhận ra rằng khi Đức Giêsu trở về với Chúa Cha, họ sẽ lãnh nhận được nhiều đặc phúc. Trước hết, đó là quà tặng Thánh Thần. Lời hứa về Chúa Thánh Thần sẽ được thực hiện tròn đầy. Các tông đồ nhìn xem Chúa lên trời, nhưng lòng đầy vui mừng bởi vì các ông nhớ lại lời hứa của Chúa về “ Đấng sẽ đến”. Những nghi ngại và sợ hãi dần tan biến. Các tông đồ thâm tín rằng Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết và vẫn đang sống. Qua sự phục sinh của Đức Kitô, các tông đồ trải nghiệm niềm vui và hy vọng về sự chiến thắng trước mãnh lực tử thần. Họ tín thác vào Chúa. Vì thế, sự ra đi của Đức Giêsu để trở về với Chúa Cha đem lại cho họ niềm vui. Niềm vui đó được cắt nghĩa với những lý do sau:

- Đức Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian. Ngài đã tiến nhận cái chết một cách bi thương và đã được quyền năng Chúa Cha làm cho sống lại. Cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là bằng chứng chắc chắn về ơn cứu độ và sự tha thứ tội lỗi (Do Thái 10,22-24). Đây là căn nguyên niềm vui nơi các môn đệ cũng như nơi chúng ta.

- Khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đảm nhận vai trò trung gian giữa con người với Chúa Cha. Nhờ Ngài và với Ngài, chúng ta được thông dự vào thế giới thần linh cùng Chúa Cha (1Ga 2,1).

- Khi Chúa lên trời, vương quốc vĩnh cửu của Ngài bắt đầu khai mở. Đó là vương quốc đánh bại kẻ thù là Satan và ác thần. Thánh Phêrô đã viết: “ Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền (1P 3,22).

- Cuối cùng, Khi Đức Giêsu lên trời, Hội thánh được phú ban năng quyền để thực thi sứ mệnh Chúa trao phó. Khi nói về việc Đức Giêsu sống lại và lên trời, Thánh Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Êphêsô đã khẳng quyết: “ Thiên Chúa đã đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Giêsu và đặt Người làm đầu toàn thể hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn (Eph 1,22-23).

Đức Giêsu được đưa về trời, khai mở vương quốc bất diệt. Ngài là Vua, là Chúa tể hoàn vũ và Satan không thể làm được gì đối với vương quốc ấy. Satan cám dỗ con người để chúng ta quên đi Đức Kitô là Vua vũ trụ. Ma quỷ làm mọi cách để cắt đứt sự liên lạc giữa chúng ta với Ngài. Sách Tông đồ Công vụ thuật lại, trước khi bị ném đá đến chết, Thánh Stêphanô đã ngước mắt lên trời và thấy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha. Các sách tân ước đều khải thị cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu Đấng Cứu thế, là Vua hoàn vũ, là Vua chiến thắng, để gọi mời chúng ta tin vào Ngài.

Trước sự kiện Chúa lên trời, tâm hồn các tông đồ ngập tràn niềm vui, chứa chan niềm hy vọng và sẵn lòng rộng mở để thực thi sứ mạng mà Đức Giêsu đã chuyển giao. Đây là ba nét căn bản đã làm đổi thay các tông đồ một cách toàn diện: Niềm vui, niềm hy vọng, và việc thực thi sứ mạng rao giảng.

Chớ gì mỗi người chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể trải nghiệm niềm vui và niềm hy vọng. Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan lên đường thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.

 

2. Chứng nhân

(Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

Truyện kể: Thấy một thổ dân Phi Châu đang đọc sách. Một nhà buôn Âu Châu đi ngang qua, hỏi xem anh đọc gì? Anh đáp: Đọc Kinh Thánh. Nhà buôn cười cười nói: Thứ đó, ở xứ tôi đã lỗi thời rồi! Người Phi Châu đáp: Nếu ở đây mà Kinh Thánh lỗi thời, thì ông đã bị ăn thịt từ lâu rồi.

Kinh Thánh là lời mạc khải của Thiên Chúa ban cho con người. Đọc Kinh Thánh giúp cho chúng ta nhận biết về chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dân tộc Do-thái được Thiên Chúa chọn lựa, cưu mang và phát triển là để đón nhận Đấng Cứu Thế. Sự hình thành của Kinh Thánh Cựu Ước kéo dài cả mấy ngàn năm đón chờ. Tuy dù dân tộc Do-thái được chuẩn bị cách rất cẩn thận qua Kinh Thánh mạc khải, qua các dấu chỉ và qua các lời tiên tri loan báo, nhưng nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ Đấng mà cha ông bao năm mong chờ. Bởi lẽ các vị lãnh đạo tôn giáo như các Thượng tế, Thầy cả, Tư tế, Luật sĩ, Biệt phái, Nhóm Sađucêô và các Đầu mục, Kỳ lão đã dẫn dân đi lạc vào ngõ khác. Chúa Giêsu đã đến hoàn tất mọi lời Kinh Thánh loan báo về Ngài. Chúa đến không phải để hủy phá lề luật, nhưng làm cho nên trọn. Chúa Giêsu là phiến đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường. Ngài chính là cột trụ trung tâm duy nhất của mọi niềm tin.

Cuộc lữ hành trần thế của dân Do-thái tiến bước dần đến ơn cứu độ. Suy tư và não trạng chung của nhiều người vẫn còn bám víu vào những truyền thống và tục lệ cha ông. Vì thế, họ không dễ dàng mở cửa đón nhận những làn gió mới. Đạo Do-thái với những sinh hoạt tôn giáo, những hệ thống thần học, những luật lệ và những thực hành sống đạo đã ăn rễ sâu trong niềm tin. Một hệ thống tôn giáo quá nặng về phần tổ chức, sống vị luật và chú tâm hình thức. Tâm hồn họ dần rời xa cốt lõi của niềm tin là đời sống nội tâm. Nhiều người chỉ còn tôn thờ Thiên Chúa ngoài môi miệng nhưng lòng họ lại rời xa. Chúa Giêsu xuất hiện như cai gai trước mắt nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời. Chúa công khai giảng dạy tại trung tâm tôn giáo ở Giêrusalem. Chúa đã gặp gỡ mọi thành phần trong dân và đối diện với các nhóm lãnh đạo chuyên biệt. Chúa Giêsu tìm đưa dẫn họ về với căn cốt của đạo. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Sống đạo nội tâm. Sống đạo trong yêu thương, bác ái và vâng phục.

Chúa Giêsu đến để rao giảng tin mừng cứu độ. Chúa mời gọi mọi người sám hối vì Nước Trời đã gần kề. Thời gian đã viên mãn. Chúa thực hiện một cuộc vượt qua mới trong tinh thần mới. Chiếc xe thời gian đã đến, ai không bước lên, sẽ bị tụt lại sau. Mặc dầu có nhiều sự chống đối và chối từ, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh hy sinh cứu độ. Chúa hiến thân chịu chết và đã sống lại. Chúa Phục Sinh đã trở thành niềm hy vọng tuyệt đối cho nhiều người. Có rất nhiều người cùng đồng hành chia sẻ với cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Chúa không dấu diếm hay lừa dối những người tin theo Chúa, nhưng Chúa đã báo trước những sự khó khăn, sự bách hại, xua đuổi và chịu hy sinh đau khổ. Qua thánh giá khổ đau mới có thể bước vào vinh quang sự sống. Stêphanô là hoa qủa đầu mùa của niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh đã lãnh nhận triều thiên tử đạo.

Người ta thù ghét cả những người tin vào Chúa Kitô sống lại. Các nhà lãnh đạo tôn giáo là những người đầu tiên lên tiếng phủ nhận, phản đối và bách hại. Tác giả sách Tông Đồ công Vụ kể rằng trước khi bị ném đá cho chết, Stêphanô được đầy ơn Chúa Thánh Thần: Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”(Tđcv 7,56). Stêphanô đã tuyên xưng đức tin một cách can đảm, dầu phải đối diện với sự đau khổ và sự chết kề bên. Ông đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Stêphano hiểu ý nghĩa lời dạy: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước trời là của họ. Nhưng những người đồng hương không thể chấp nhận một giáo lý mới của một người đã bị kết án tử hình: Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô (Tđcv 7,57-58).

Stêphanô thấm nhuần Tin Mừng của Chúa: Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ (Tđcv 7,60). Chúng ta biết máu của các vị thánh tử đạo là hạt giống ươm mầm đức tin. Thật vậy, sau cái chết của Stêphanô, ông Saolô đã được ơn trở lại. Saolô cùng đồng cảnh, đồng thuyền với nhóm đồng hương nhân danh đạo giáo để kết án ném đá Stêphanô. Chúa Giêsu phục sinh đã mở đường đưa dẫn ông Saulô trở về làm nhân chứng cho Ngài. Ông Saulô đã đổi đời và đổi tên thành tông đồ Phaolô. Phaolô trở thành một nhân chứng nhiệt thành. Không sợ gian nan, đau khổ và bách hại, ông đã sống chết cho niềm tin. Cả cuộc đời còn lại Phaolô đã không ngừng rao giảng Chúa Kitô phục sinh cho nhiều người. Ngài cũng đã chịu tử vì đạo và lấy máu đào chứng minh cho niềm tin sắt son.

Chúa Giêsu là kiên thuẫn, là đá tảng và là nơi nương náu cho những tâm hồn tìm kiếm Chúa. Chúa mời gọi mọi người lắng nghe và thực hành lời Chúa, họ sẽ được chia phần vinh quang hạnh phúc: Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một (Ga 17,22). Chúa Giêsu yêu mến những người Chúa đã chọn và tất cả những ai thuộc về Chúa. Ngài muốn ấp ủ chúng ta như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Chúa đã tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành (Ga 17,24).

Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được tẩy sách tội xưa và cùng được tham dự vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu và tất cả chúng ta là chỉ thể. Chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa trong một đoàn chiên theo một Chúa Chiên. Chúa cầu nguyện để mọi người nên một trong Chúa. Trở nên một trong ý nghĩa phổ quát. Không phải nên một với người này, người kia hay nhóm này, nhóm nọ. Chúng ta nên một với Chúa Kitô để cùng tôn thờ Thiên Chúa Cha. Chúng ta cùng chia sẻ một niềm cậy trông và một niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu ngày sau. Chúng ta tuyên xưng chỉ có một Chúa, một đức tin và một phép rửa. Chúng ta tin nhận Chúa Kitô: Là An-pha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 22,13).

Trong cuộc sống, chúng ta nhận biết rằng có rất nhiều tổ chức các tôn giáo khác nhau. Tuy các tôn giáo có khác nhau về cơ cấu, tổ chức và thực hành sống đạo nhưng cùng quy hướng về sự tôn thờ một Thiên Chúa và hy vọng cuộc sống vĩnh cửu ngày sau. Chúa Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Con đường dẫn lối vào Nước Trời tuy hẹp nhưng Chúa Giêsu đã đi trước và mở lối đưa đường. Chúa Giêsu phán: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6). Chúa Kitô là trung tâm điểm qui tụ mọi niềm tin về một mối để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa, chúng con đã lãnh nhận hạt giống đức tin qua Bí tích Rửa Tội, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm sống niềm tin và hăng say làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.

 

3. Suy niệm của Giuse Trần Xuân Chiêu

 

Sau khi sống lại 40 ngày, và sau những lần gặp gỡ với các môn đệ, Đức Giêsu đã thực hiện lời Người đã nói trước, người đã từ biệt các ông và lên Trời.

Nhưng tại sao Đức Giêsu dạy các môn đệ làm phép Rửa đã, sau đó mới giảng dạy cho họ? Tại sao không nói Chúa về Thiên đàng mà lại lên Trời, dễ làm người ta hiểu lầm ở một điểm nào trên không gian? Tại sao cho đến lúc này vẫn có những môn đệ còn hoài nghi? Theo Matthêu thì Đức Giêsu lên Trời tại Galilêa, vậy tại sao thánh Luca (Lc 24,50-53) lại nói Chúa lên Trời ở Bêtania?

1. Galilêa

Matthêu không có ý nhấn mạnh tới địa danh nơi Chúa lên Trời, nhưng tác giả muốn nhấn những sự kiện có liên quan tới công trình cứu thế của Đức Giêsu tại Galilêa:

Galilêa là một địa danh rộng lớn thuộc phía bắc It-ra-en, nơi có đủ các thứ dân sinh sống. Đây là khu vực mà người It-ra-en ở Giê-ru-sa-lem coi khinh, cho là vùng đất của dân ngoại. Nơi đây được coi như trung tâm của các giao tiếp, sắc tộc, ngôn ngữ, thương mại, hoà trộn tín ngưỡng và vô tín ngưỡng.

Galilêa được coi là điểm hẹn lí tưởng giữa Thiên Chúa và con người: Trên núi Sinai, nơi Môi-sen đã ở trên đó 40 ngày đêm và được Thiên Chúa mạc khải cho 10 điều răn. Ngôn sứ Isaia và sau này là thánh Matthêu nhắc tới địa danh Galilêa như một điểm sáng: “Hỡi Galilêa miền đất của dân ngoại, những dân đang ngồi trong bóng tối tử thần được nhìn thấy ánh sáng” (Is.9,1).

Galilêa gắn liền với sứ vụ của Đức Giêsu: Na-da-ret nằm trong vùng đất Galilêa, nơi gia đình Đức Giêsu sinh sống, lớn lên và làm việc. Trên núi Ô-liu, nằm phía đông Giê-ru-sa-lem, là nơi Đức Giêsu thường xuyên đến để cầu nguyện. Tại đây còn có vườn Giêt-si-ma-ni, có làng Bêtania, nơi Người đã cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại, có ngọn núi Bet-pha-giê nơi khởi điểm cuộc rước Đức Giêsu long trọng vào thành Giê-ru-sa-lem và tiên báo thành này bị tàn phá không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào.

Galilêa còn là dấu chỉ hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ: Cũng có mây mù che phủ, như đã từng che phủ Môi-sen trên núi Si-nai, cũng như Đức Giêsu với ba môn đệ yêu dấu ở Ta-bo-rê; cũng con số 40 kì diệu: 40 ngày trên núi Si-nai của Môi-sen hay 40 ngày chay tịnh của Chúa; 40 ngày sau khi Đức Giêsu sống lại, Người đã gặp gỡ lần cuối với các môn đệ như đã chỉ định trước: “Các bà hãy mau về nói với các môn đệ rằng người đi Galilêa trước các ông” (Mt.28,7).

Như vậy Galilêa là nơi Chúa Giêsu đã sống gương mẫu, rao giảng chân lí, thành lập Giáo Hội và tuyển môn đệ. Đức Giêsu đã làm xong nhiệm vụ và đi trước để dọn chỗ cho những ai tiếp tục sứ mệnh Người giao phó.

2. Cõi Trời

Chúa Giêsu về Trời, là về nơi Người phát xuất: Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ của Người ở trần gian, Người cần được hưởng vinh quang với Ba Ngôi Thiên Chúa. Mười một Tông đồ đã đến điểm hẹn, có một số còn hoài nghi. Thực ra tất cả các môn đệ đều khởi đầu từ chỗ hoài nghi rồi đến tin tưởng, và dám đổ máu mình ra để chứng tỏ niềm tin đó. Các ngài vẫn còn những hạn chế của con người, như Phê-rô, Tô-ma, hay hai môn đệ Emmau; các ngài còn phải được học hỏi các màu nhiệm mặc khải, các ngài phải được thử thách đủ, trước khi làm nhiệm vụ. Các Tông đồ còn được chứng kiến Thầy mình về Trời để các ông hi vọng. Chỉ có sự thật mới thuyết phục được các ngài theo Chúa; tất cả nói lên rằng, Đức tin là một hành động hoàn toàn tự do dành cho con người.

Chúa lên Trời là đi từ chỗ hữu hình vào nơi vô hình: Nói Chúa lên Trời, là nói theo kiểu thế gian. Người ta thường quan niệm trời là tất cả không gian ngoài trái đất, trời là nơi Đấng Tạo Hoá ngự trị và điều khiển muôn loài. Tuy nhiên, Trời đây không phải là một điểm nào, không phụ thuộc chiều cao của không gian vật lý, không phụ thuộc vào quy luật của vũ trụ, thời gian, có thể cân đong đo đếm. Chúa lên Trời không phải là lánh xa trái đất, đến ngự trị trong một vì tinh tú hào quang, Chúa lên Trời là thay đổi từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái siêu nhiên. Trời hay Thiên đàng là một, Người hiện diện khắp mọi nơi.

Đức Giêsu về Trời để nhận nhiệm vụ mới: Người duy trì sự hiện diện của Người nơi nhân loại: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đức Giêsu được trao toàn quyền trên trời, dưới đất, vũ trụ hữu hình và vô hình. Người đánh bại cái chết, Người làm Vua vũ trụ, Đấng sáng tạo và bảo tồn vũ trụ, không có gì nằm ngoài quyền của Người.

3. Thế gian

Đức Giêsu đã về Trời và trao lại nhiệm vụ cho Giáo Hội. Người đã lệnh cho mọi người trên trái đất phải thi hành chỉ thị của Người:

Vậy anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ Thầy. Môn đệ đây được hiểu là các Kitô hữu. Đức Giêsu gọi các môn đệ và muốn họ nhân rộng ra, tăng mạnh lên. Chúa tạo dựng con người và muốn cho họ hưởng hạnh phúc. Các Tông đồ được coi là người kế nghiệp Chúa Ki-tô, là những thợ gặt lành nghề. Họ phải biết đưa mọi người vào Nước Chúa. Chúa từ chối Sa-tan với tất cả vinh hoa của nó, Người muốn các Tông đồ tiếp tục chinh phục toàn thể vũ trụ để đưa mọi người vào Nước Trời hạnh phúc mà Người đi trước dọn chỗ, để mọi người có thể tận hưởng muôn đời.

Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Đức Giêsu muốn thâu nạp nhiều môn đệ qua phép Thanh Tẩy. Người đã thánh hoá nước, để nước có sức thánh hoá nhờ Thánh Linh. Người muốn họ nối kết với nhau trong một tập thể, mà Ba ngôi Thiên Chúa là mối dây, là tình yêu liên đới, là sức sống sung mãn dồi dào trong toàn thể, cũng như từng cá nhân. Không thể nhân danh cá nhân nào, không nhân danh thụ tạo nào, thần thánh nào, mà là nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, để họ được gia nhập vào gia đình thánh thiện của Chúa.

Hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Việc Đức Giêsu đặt nhiệm vụ này cuối cùng, không phải là Người dạy họ phải làm theo thứ tự như vậy, đó chỉ là câu nói nhằm mục đích kêu gọi môn đồ. Người muốn họ phải hiểu biết đầy đủ, để chia sẻ Lời dạy của Chúa, phải biết được giá trị của việc làm, để thực thi nhiệm vụ của một môn đệ.

Nhiệm vụ Chúa giao phó cho các Tông đồ cũng là nhiệm vụ của chúng ta. Chúa không muốn riêng ai quản lí màu nhiệm Mạc khải, Chúa ra lệnh mỗi người phải mạnh dạn ra đi rao giảng và làm chứng về Người, hầu được hưởng phúc Nước Trời với Thiên Chúa Ba Ngôi.

***

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời. Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển. Amen! (Origênê)

 

4. Những chứng nhân mới

(Lm. Trần Thanh Sơn)

Khởi từ cuộc Phục Sinh của mình, Đức Giêsu đã đổi mới mọi sự. Ngài đã vượt qua sự chết để khai mở sự sống. Từ đây, lịch sử nhân loại bước sang một giai đoạn mới. Các thế lực sự dữ như: đau khổ, gian nan, vất vả, và nhất là cái chết vẫn còn đó, nhưng không còn được sức mạnh. Tất cả đã bị Đấng Phục Sinh khuất phục. Nhờ sự Phục Sinh của Đức Giêsu thế giới cũ đã qua đi và một thế giới mới đã bắt đầu xuất hiện (x.Kh 21,1-5).

Ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, ngang qua hình ảnh ngôi mộ trống, phụng vụ lời Chúa cho thấy bởi sự sống lại của mình, Đức Giêsu đã tạo dựng nên một thế giới mới. Và rồi không chỉ lập nên một thế giới mới, Đấng Phục Sinh còn lập nên một dân mới khi Ngài thổi hơi ban Thánh Thần để biến đổi các tông đồ từ những kẻ nhát đảm ở trong những căn phòng đóng kín cửa, thành những con người can đảm dám mở bung cửa, ra đi loan báo Tin mừng cho muôn dân. Từ đây, bước đi giữa biển đời tăm tối, dân mới do Đấng Phục Sinh thiết lập không còn bơ vơ, nhưng họ có Lời Chúa làm kim chỉ nam, định hướng cho cả cuộc đời của họ. Họ chỉ cần để tâm lắng nghe và khiêm tốn thực hành lời dạy của Đấng Phục Sinh, chắc chắn họ sẽ thu được kết quả, như mẻ cá lạ mà các tông đồ đã kéo được trên bờ biển Tibêria năm xưa.

Hơn thế nữa, dân mới là Giáo Hội do Đấng Phục Sinh thiết lập còn được chính Ngài làm Thủ Lãnh. Ngài chính là vị Mục Tử Nhân Lành biết rõ từng người trong dân mới. Ngài hằng chăm sóc và ban cho họ được sống và sống dồi dào. Đồng thời, trong tư cách là vị Mục Tử nhân lành, Đấng Phục Sinh cũng mời gọi mỗi người chúng ta là thành phần trong dân mới hãy sống yêu thương nhau như Ngài đã hằng yêu thương chúng ta. Mặt khác, đối với Đấng Phục Sinh, việc chúng ta tuân giữ lời dạy yêu thương không những là một dấu chỉ để mọi người nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài, nhưng còn là một biểu hiệu cụ thể chứng tỏ lòng yêu mến của chúng ta đối với Ngài, như lời Ngài tuyên bố: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23).

Và hôm nay, trước khi chấm dứt sự hiện diện hữu hình của mình giữa nhân loại, Đấng Phục Sinh đã mời gọi các tông đồ và cả từng người chúng ta lên đường ra đi loan báo cho muôn dân biết về Tin Mừng Phục Sinh mà chúng ta đã lãnh nhận. Chính vì thế, theo truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật lễ Thăng Thiên hôm nay đã được chọn làm ngày “Thế giới truyền thông”.

1. GIÁ TRỊ CỦA ĐAU KHỔ:

Trở lại với bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy sứ điệp đầu tiên mà mỗi người chúng ta cần loan báo cho mọi người đó là cuộc khổ nạn của Đức Kitô, như lời Ngài phán với các môn đệ trước lúc về trời: “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình”. Khi nhắn gởi với các tông đồ sứ điệp này, một lần nữa, Đức Giêsu khẳng định với chúng ta rằng: không thể có cuộc Phục Sinh và Thăng Thiên vinh hiển hôm nay, nếu trước đó, Ngài đã không đi đến tận cùng con đường thập giá. Hay nói cách khác, Kitô giáo không hứa hẹn một con đường dễ dãi, hấp dẫn, nhưng để đạt đến một đời sống vĩnh cửu, mỗi người cần phải đi theo con đường Đức Giêsu đã đi, con đường thập giá, con đường của đau khổ. Kitô giáo không tôn sùng đau khổ và cũng không chạy trốn đau khổ, nhưng mời gọi chúng ta sẵn sàng đối diện và đón nhận mọi biến cố vui buồn trong cuộc sống hàng ngày, và biến chúng trở thành phương thế dẫn đưa chúng ta đến với cuộc sống vĩnh cửu.

Nói đến việc đón nhận đau khổ, trái ý… vào giờ này, ở nơi đây, trong ngôi Thánh Đường này thì dễ, nhưng để đón nhận những đau khổ và thử thách ngay trong cuộc sống thực tế hàng ngày, thì quả thật không dễ chút nào. Đối mặt với đau khổ, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là tìm cách trốn chạy đau khổ. Thế nhưng, có một thực tế mà nhiều khi chúng ta không muốn nhận, đó là tự sức mình, chúng ta không thể nào loại trừ hết mọi đau khổ. Đau khổ vẫn còn đó vì trong từng người chúng ta vẫn còn dục vọng, vẫn còn “Tham, Sân, Si”. Càng chạy trốn, càng vùng vẫy đau khổ như càng thắt chặt cuộc đời của chúng ta. Chính vì chỉ cậy vào sức mình như thế, nên cuối cùng có nhiều người đã đi vào con đường tuyệt vọng.

Biết rõ sự yếu đuối và giới hạn của con người chúng ta, nên trước khi về Trời, Đức Giêsu đã hứa với các tông đồ và với từng người chúng ta: “Thầy sẽ sai đến với các con Đấng Cha Thầy đã hứa”. Chính vì ý thức được sự mỏng dòn của mình, và trong tâm tình tin tưởng vào lời hứa của Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô đã lên tiếng cầu xin cho chúng ta: “Xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, dể nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi”. Thánh nhân, xin Thiên Chúa ban Thần trí của Ngài cho chúng ta, để nhờ ánh sáng của Ngài soi dẫn, chúng ta biết vững lòng trông cậy vào ơn Chúa. Nhờ đó, chúng ta đủ can đảm đón nhận những gì Chúa gởi đến trong cuộc sống mỗi ngày.

2. TIN MỪNG PHỤC SINH:

Tuy nhiên, chúng ta đón nhận đau khổ không phải vì đau khổ, nhưng chúng ta đón nhận nó như một phương tiện để giúp chúng ta đến với cuộc sống vĩnh cửu. Đau khổ, chỉ là một bước thanh luyện cần thiết để giúp chúng ta đạt đến vinh quang Phục Sinh. Chính Đức Giêsu, mặc dù đã đi con đường thập giá, nhưng Ngài không dừng lại ở cái chết khổ nhục trên thập giá. Đàng sau cái chết, đó là cuộc Phục Sinh vinh hiển. Chính sự sống lại của Đức Giêsu đã làm cho con đường thập giá trở nên có giá trị.

Sau này trong thư gởi tín hữu Corinhtô, thánh Phaolô đã tuyên bố: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). Ý thức điều đó, sau những lời nói về cuộc thương khó của Đức Giêsu, thánh sử Luca liền cho chúng ta biết về sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: “Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng; Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày”. Tin Mừng Phục Sinh phải là điều mà mỗi người chúng ta cần xác tín và là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống mỗi người chúng ta.

Như thế, vững lòng đón nhận mọi biến cố vui buồn sướng khổ trong cuộc sống hiện tại, và luôn hướng lòng về đời sống vĩnh cửu là hai mặt gắn liền không thể tách rời của mỗi người kitô hữu. Đồng thời, đó cũng là sứ điệp mà mỗi người chúng ta cần loan truyền cho mọi người trong thế giới hôm nay. Chúng ta phải dùng chính đời sống của mình để loan báo cho mọi người về giá trị của con đường thập giá và niềm vui Phục Sinh, như lời dặn của Đấng Phục Sinh: “Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa, và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Hơn nữa, rao giảng bằng cuộc sống, cũng chính là cách thức truyền giáo thích hợp nhất trong thế giới hôm nay.

Chớ gì nhờ sức mạnh của Đấng Phục Sinh nâng đỡ, mỗi người chúng ta không tuyệt vọng khi gặp thử thách gian nan, nhưng luôn bình an trong mọi sự. Nhờ đó, chúng ta trở nên những chứng nhân mới cho Đấng Phục Sinh trong thời đại hôm nay. Amen.

 

5. Chúa lên trời

 

Khi còn ở với các môn đệ, đã nhiều lần Chúa Giêsu nói trước là Ngài sẽ về trời, giờ đây là lúc Ngài thực hiện điều đó. Việc Chúa Giêsu lên trời mãi mãi là một huyền nhiệm. Dùng ngôn ngữ loài người để tả một huyền nhiệm của Trời thì thật khó biết bao. Nhưng điều quan trọng là biến cố đã xảy ra. Thật khó mà tưởng tượng rằng sự xuất hiện của Chúa Giêsu cứ thưa dần, thưa dần cho tới khi tắt hẳn. Nếu thế đức tin con người sẽ tàn lụi. Nếu như Chúa Giêsu biến thành Đấng Kitô của cõi trời và không còn liên hệ gì với cõi trần này, lúc đó chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng.

Đối với các Kitô hữu, sự thăng thiên của Chúa Giêsu có ba ý nghĩa:

1) Đó là sự kết thúc. Một giai đoạn đã qua và một giai đoạn khác bắt đầu.

Ý nghĩa trọng đại của việc Chúa thăng thiên là sự cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện cho loài người qua cái chết đền tội và sống lại của Ngài đã hoàn thành và viên mãn cho tới đời đời. Tác giả thư Do thái viết: “Ngài là phản ảnh của vinh quang, là ấn tượng của bản lĩnh Người, và cầm giữ vạn vật bằng lời quyền năng của Ngài; sau khi đã thi hành việc thanh tẩy tội lỗi. Ngài đã lên ngự bên hữu Đấng oai nghi chốn cửu trùng” (Dt 1,3). “Không phải nhờ máu dê hay máu bê, nhưng là nhờ chính Máu của Ngài, Ngài đã vào thánh điện — duy chỉ một lần — sau khi đã thành đạt việc cứu chuộc muôn đời” (Dt 9,12). Chúa Giêsu đã làm xong công tác cứu chuộc, đã hoàn thành sứ mạng Cha Ngài đã trao phó là cứu chuộc nhân loại tội lỗi, bằng chính cái chết đền tội trên thập giá và đã sống lại để ban cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài được sự sống đời đời. Sự cứu chuộc ấy đã hoàn toàn đầy đủ cho đến muôn đời. Và như vậy đã chấm dứt thời kỳ mà niềm tin của các môn đệ đặt vào một vị Thầy bằng xương bằng thịt, vào sự hiện diện của thân thể Thầy. Từ nay các môn đệ sẽ liên kết với một Đấng đời đời vượt khỏi thời gian và không gian.

2) Và như vậy đây là một khởi đầu

Các môn đệ ra về trong sự vui mừng chứ không phải với tấm lòng sầu muộn, vì họ biết rằng từ nay không gì có thể ngăn cách mình với Thầy của mình. Thánh Phaolô đã phát biểu: “Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô?” (Rm 8,35) và ông khẳng định: “Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta!” (Rm 8,38-39)

3) Hơn thế nữa, sự thăng thiên của Chúa quyết chắc với các môn đệ rằng họ chẳng những có một người Thầy ở thế gian mà còn có một người Thầy ở trên trời nữa.

Thánh Phaolô thách thức: “Ai sẽ cáo tội những kẻ Thiên Chúa đã chọn — Thiên Chúa đã giải án tuyên công, ai sẽ là người lên án? — Phải chăng là Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và là Đấng đang chuyển cầu cho ta” (Rm 8,33-34)

Chẳng hề có ai, vì Chúa đã chết đền tội chúng ta, đã sống lại làm Cứu Chúa của chúng ta và hiện đang ngồi bên hữu cầu thay cho chúng ta như một trạng sư. Bên hữu Cha là chỗ có thế lực, có uy quyền nên sự cầu thay của Chúa Giêsu rất linh nghiệm.

Còn một điều quan trọng hơn nữa, sự thăng thiên của Chúa Giêsu là điều kiện để Ngài sai Chúa Thánh Thần xuống, mà chúng ta sẽ mừng mầu nhiệm này vào Chúa nhật tới.

Nếu chúng ta biết Chúa Giêsu của chúng ta đang ở trên trời thì lòng chúng ta phải hướng về đó. Không có nơi nào đáng yêu bằng nơi đó. Đó là nơi mà các thánh đã yêu mến, đã yêu mến một quê hương tốt hơn -quê hương trần gian- mà các ngài gọi là quê hương trên trời. Thánh Phaolô khuyên chúng ta là những người cùng chết, cùng sống lại với Chúa Giêsu cũng sẽ được cùng cất lên trời để gặp Ngài: “Vậy đã cùng sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những điều trên cao, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Lòng trí hãy hướng về những điều trên cao, đừng (hướng) về những điều dưới đất. (Cl 3,1-2)

Chúng ta phải cẩn thận về điều thánh Phaolô muốn nói ở đây, chắc chắn Ngài không hề biện hộ cho việc mơ tưởng tới một thế giới khác khiến những người tin Chúa tự rút mình ra khỏi các công tác, các hoạt động thuộc về đời này, chẳng làm gì ngoài việc chiêm ngưỡng cõi đời đời mà thôi. Vì ngay sau đó, thánh Phaolô tiếp tục quy định một loạt các nguyên tắc đạo đức vạch rõ rằng người Kitô hữu cứ tiếp tục công việc ở đời này và duy trì mọi mối liên hệ bình thường với thế gian này. Nhưng phải có chỗ khác biệt là từ nay trở đi, Kitô hữu phải nhìn mọi sự trong ánh sáng, trong bối cảnh là cõi đời đời. Người ấy sẽ không sống dường như đời này là tất cả những gì mình phải quan tâm đến, nhưng phải đặt thế gian này trong bối cảnh của cõi đời đời.

Rõ ràng điều ấy sẽ đem đến cho người Kitô hữu một loạt các giá trị mới. Kitô hữu sẽ không còn bận tâm đến những điều mà người thế gian xem là quan trọng nữa. Các tham vọng đang ngự trị thế gian sẽ bất lực và không thể làm cho người ấy vướng bận nữa. Người ấy sẽ tiếp tục sử dụng những điều thuộc về thế gian này nhưng trong một cách thức mới. Người ấy sẽ đặt việc ‘cho đi’ lên trên việc ‘thu góp’, phục vụ trên cai trị, tha thứ ở trên báo thù. Tiêu chuẩn về giá trị của người ấy sẽ là tiên chuẩn của cõi trời chứ không phải cõi đời.

Khi người thanh niên giàu có đến xin Chúa Giêsu chỉ cho anh phương cách để được sống vĩnh cửu. Chúa bảo anh về đem tài sản phân phát cho kẻ nghèo để được của cải trên trời. Điều gì đã làm vì tình yêu sẽ bền vững muôn đời.

Thật an ủi khi biết rằng Đấng chờ đợi ta ở trên trời cũng là Đấng đã, đang bao bọc ta ở dưới đất.

 

6. Sống Mầu Nhiệm Lên Trời

(Lm. Thiện Duy)

Kinh Nghĩa Đức Tin mà chúng ta đọc mỗi ngày Chúa Nhật, là tóm kết tất cả những điều chúng ta phải tin và những việc chúng ta phải làm để thể hiện đức tin của chúng ta. Trong niềm tin đó có việc Chúa Giêsu chịu chết, sống lại, khỏi 40 ngày lên trời. Còn trong Kinh Tin Kính cũng có đoạn nói về sự việc này là Chúa Giêsu sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Trong những tuần vừa qua, nếu có đi lễ ngày thường chúng ta sẽ được nghe diễn từ giã biệt của Chúa Giêsu, có nghĩa là những lời từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Ngài cho các môn đệ biết là Ngài sẽ trở về với Chúa Cha.

Cụ thể trong những bài đọc hôm nay cũng có nhắc đến việc Chúa Giêsu lên trời: “Nói xong Người được cất lên ngay trước mắt các ông”. Còn Tin Mừng Maccô trong Chúa Nhật năm B thì sẽ có tường thuật giống như sách Tông Đồ Công Vụ: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Vì thế việc Chúa Giêsu “lên trời” là một sự thật. Tuy nhiên Chúa Giêsu lên trời có phải là Ngài không còn ở với chúng ta nữa hay không? Chúng ta phải hiểu “lên trời” nghĩa là gì? Việc “lên trời” của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì trong cuộc sống chúng ta? Và cuối cùng là chúng ta phải làm gì khi nghe những lời sau cùng của Chúa Giêsu trước khi lên trời?

I/ BIẾN CỐ LÊN TRỜI CỦA CHÚA GIÊSU

1/ Lên trời nghĩa là gì?

Đức Kitô Phục Sinh đã vào trong vinh quang, đó là một tín điều. Nhưng đó còn là một mầu nhiệm vượt quá kinh nghiệm giác quan, và có lẽ không chỉ hạn hẹp nơi ngọn núi ở Galilê mà Chúa Giêsu hẹn gặp các môn đệ hôm nay. Lên trời là giải thích theo ngôn ngữ của con người cho dễ hiểu. Theo quan niệm phổ biến của Thánh Kinh, trời là chỗ ở của thần minh, do đó cũng được dùng một cách tượng trưng để chỉ Thiên Chúa. Còn đất là nơi loài người cư ngụ. Tình trạng tốt đẹp, khá hơn thì gọi là “lên” (gặp một người làm ăn khá giả mình nói: “lúc này lên hương rồi hé!”). Tình trạng lùi lại, xấu hơn thì gọi là “xuống” (Lâu ngày gặp lại một người bạn ốm nhom, hốc hác, mình nói: “sao lúc này xuống dữ vậy!”).

Ngày xưa khi Ngài nhập thế thì gọi là “xuống trần”. Hôm nay Ngài trở lại với tình trạng vinh quang thì gọi là “lên trời”. Vì vậy “lên trời” đối với Chúa Giêsu không phải là một hành động bay đến một nơi, nhưng đó là tình trạng Ngài đã lấy lại vinh quang. Ngài vẫn còn ở bên cạnh chúng ta, vì Ngài đã nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Hiểu như vậy để chúng ta đừng nghĩ rằng Chúa Giêsu lên trời là Ngài rời bỏ chúng ta, không còn ở với chúng ta. Nhưng mừng lễ Chúa Giêsu lên trời là chúng ta mừng vinh quang của Chúa, mừng Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tuy nhiên Ngài không còn hiện diện một cách hữu hình với con người nữa, hay nói cách khác: xác phàm của con người không thể thấy được vinh quang của Đức Kitô Phục Sinh.

2/ Biến cố “lên trời” trong đời sống kitô hữu

Khi lần chuỗi với mầu nhiệm năm sự mừng, chúng ta đọc: “Thứ hai ĐGS lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”. Thánh Phêrô thì khuyên các tín hữu của mình: “Nếu anh em sống lại làm một với Đức Kitô, thì anh em cũng phải tìm kiếm những thực tại cao siêu ở trên trời”. Còn trong Hiến Chế về Giáo Hội của Công Đồng Vatican II thì xác quyết: “Giáo Hội trần thế là một cuộc lữ hành về quê hương trên trời”. Vì thế, tuy sống ở đời này, nhưng chúng ta phải lo vun đắp cho hạnh phúc mai sau. Thánh tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh đã nói trước khi bị hành hình: “Thân xác tôi đây các ông muốn làm gì thì làm đi, nó sẽ chết nhưng mai này sẽ sống lại vinh quang”. Không cần ở đâu xa, ngay tại họ đạo Tắc Sậy của Giáo Phận Cần Thơ cũng có một con người biết qu#ý trọng thực tại cao siêu ở trên trời nên đã sẵn sàng từ bỏ những thứ chóng qua ở đời này để đổi lấy hạnh phúc đời sau. Người đó không ai khác hơn là cha Px. Trương Bửu Diệp.

3/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu

Điểm thứ 3 mà chúng ta cần lưu ý qua biến cố Chúa Giêsu lên trời là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Đây là mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chọn Giêrusalem vừa là thủ đô, vừa là cái nôi của Kitô giáo để gặp gỡ các môn đệ, nhưng Ngài chọn Galilê là vùng đất bị người Dothái loại trừ, là biểu tượng của dân ngoại. Ngài không chọn vùng đồng bằng để tâm sự với các ông, nhưng lại chọn ngọn núi cao vốn là nơi mặc khải của Thiên Chúa, để từ nơi cao đó các ông sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh phải tỏa rạng vinh quang của Thiên Chúa. Vì vậy những lời sau cùng của Chúa Giêsu, cách thức gặp gỡ của Ngài muốn nhắc nhở các môn đệ sứ mạng truyền giáo, bằng cuộc sống tỏa sáng cho mọi người noi theo.

II/ CUỘC SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU

Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời với 3 sự thật về ý nghĩa của việc lên trời, về việc Chúa lên trời trong đời sống của người kitô hữu và mệnh lệnh truyền giáo của Chúa, chúng ta phải sống những điều đó như thế nào đây?

1/ Chúa lên trời nhưng vẫn ở với con người

Trước hết chúng ta đã biết lên trời là tình trạng vinh quang của Chúa Giêsu. Vì vậy nhờ vinh quang mà Ngài càng có thể ở cạnh con người, càng giúp đỡ con người một cách đắc lực hơn. Cho nên chúng ta hãy nhớ rằng Chúa sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, để chúng ta sống là sống cho Chúa, sống trong Chúa và sống với Chúa. Mọi sự bất toàn nơi con người chúng ta là do không ý thức sự hiện diện của Chúa. Nếu chúng ta biết và nhớ rằng Chúa luôn ở bên cạnh tôi thì làm sao chúng ta có thể làm những điều xấu được. Vì vậy làm sao để chúng ta ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta đây?

Chúng ta hãy dựa vào những phương thế siêu nhiên mà Chúa và Giáo Hội đã dạy chúng ta. Đó là năng đọc và suy niệm lời Chúa; lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Giải Tội; siêng năng lần chuỗi mân côi; đọc lời nguyện tắt, có nghĩa là chọn một câu nào đó mình thích để lặp đi lặp lại suốt ngày trong đời sống chúng ta. Ví dụ: “Lạy Chúa Giêsu xin thương xót con”, hay: “Lạy Chúa Giêsu con yêu mến Chúa”. Chúng ta hãy nhớ rằng tự sức chúng ta và những phương thế tự nhiên không thể nào thắng được ba thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt đâu; chỉ có ơn Chúa và phương thế siêu nhiên mới có thể giúp sức cho chúng ta mà thôi.

2/ Hướng lòng lên trời

Từ việc Chúa lên trời cho chúng ta một niềm tin chắc chắn rằng một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được về trời với Chúa. Vì vậy ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Chuẩn bị cho cuộc sống mai sau có nghĩa là chúng ta phải biết rằng cuộc sống này chỉ là tạm bợ, chóng qua, để chúng ta không bám víu vào mà chỉ lo tìm kiếm những thứ thuộc về đời này, những thứ mà Chúa Giêsu gọi là thuộc về thế gian. Đồng thời chúng ta phải sống thực tại Nước Trời ngay tại trần gian này. Mà thực tại Nước Trời là gì nếu không phải là tình yêu thương. Do đó dấu hiệu để chúng ta biết mình sống ở đời này mà có lo vun đắp cho hạnh phúc mai sau hay không chính là việc chúng ta có thể hiện tình yêu thương trong cuộc sống hay không.

3/ Thực hiện lệnh truyền giáo

Cuối cùng, chúng ta phải thực hiện di chúc của Chúa Giêsu, đó là “anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Đó cũng là ước nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu, muốn cho mọi người được vào Nước Trời với Chúa. Vì vậy bổn phận của chúng ta là phải đem Chúa đến cho những người chưa biết Chúa, hay còn gọi là truyền giáo. Truyền giáo là làm sao? Chúng ta khoan hãy nghĩ đến chuyện lôi kéo nhiều người vô đạo, làm sao cho càng có nhiều người được rửa tội càng tốt… đó là cách thức của việc truyền giáo.

Nhưng trước hết chúng ta hãy nghĩ đến nội dung truyền giáo, có nghĩa là Tin Mừng mà chúng ta muốn truyền đạt là như thế nào; có hấp dẫn người ta mới theo, có đáng tin người ta mới vào. Điều đó đòi hỏi bản thân chúng ta trước hết phải cảm nhận được điều mình muốn truyền đạt. Mình phải cảm thấy niềm vui, hạnh phúc trong đời sống đạo thì mình nói người ta mới tin. Khi đã có nội dung của Tin Mừng rồi thì phần còn lại là cách chúng ta trình bày cho người  khác bằng lời rao giảng, bằng cách sống đạo, bằng lời cầu nguyện… Lúc đó người ta tin chúng ta không phải vì lời rao giảng, không phải vì những việc chúng ta làm, nhưng vì hạnh phúc chúng ta đang cảm nhận, niềm vui chúng ta đang có, và hy vọng chúng ta đang mong chờ.

Tóm lại, Phụng Vụ Lời Chúa trong lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay cho chúng ta biết rằng việc lên trời của Ngài là trở lại tình trạng vinh quang thuở ban đầu, nên Ngài vẫn hiện diện và càng ở bên cạnh để ban ơn giúp sức cho chúng ta. Nhờ Chúa Giêsu lên trời mà chúng ta tuy sống ở đời này nhưng vẫn hướng lòng về trời cao để sống giá trị của Nước Trời ngay tại thế này để hy vọng một ngày nào đó cũng được về trời với Chúa. Cuối cùng vì niềm tin vào việc chúng ta cũng sẽ được về trời với Chúa nên chúng ta có bổn phận làm cho người khác cũng được vào Nước Trời, bằng cách phải cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc vì tôi là người kitô hữu, từ đó lời rao giảng của chúng ta mới có sức mạnh lôi kéo người khác. Lạy Chúa, xin cho con lòng ái mộ những sự cao siêu ở trên trời.

 

7. Hãy là chứng nhân của Thầy

(Suy niệm của Lm. Giuse Vinc. Ngọc Biển)

Toàn Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Thăng Thiên, tức là lên trời. Việc Chúa lên trời, Ngài đã chấm dứt cuộc đời trần thế theo ý muốn của Chúa Cha.

Vậy, đâu là ý nghĩa của việc Chúa lên trời? Ngài lên trời có chấm dứt sự hiện diện trong Giáo Hội hay không? Trước khi lên trời, Chúa đã để lại cho Giáo Hội sứ mạng gì? Và, mỗi người Kitô hữu chúng ta sống niềm hy vọng Thiên Quốc ra sao?

1. Ý nghĩa của việc Chúa lên trời

Sự kiện Chúa Giêsu về trời cho chúng ta thấy: Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Đã chu toàn sứ mạng cứu độ con người qua cái chết trên thập giá. Ngài đã sống lại để làm chứng những lời Ngài đã loan báo. Và, hôm nay, Ngài lên trời để đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mai ngày cũng được về trời với Ngài như lời Ngài đã nói: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26).

Việc Chúa Giêsu lên trời cũng là lúc kết thúc những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt và mở ra một cuộc gặp gỡ thiêng liêng, vượt lên trên không gian và thời gian. Sự kiện này không chấm dứt mọi hoạt động của Ngài trên trần gian. Nhưng qua đó, Chúa Giêsu hiện diện cách phổ quát: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, qua Giáo Hội, trong con người của các chứng nhân. Vì thế, Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, nhưng Ngài lại khai mở ra cho các Tông đồ và Giáo hội một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của việc loan báo và làm chứng về Đấng Phục Sinh.

2. Sứ mạng của các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời

Chúa Giêsu về trời, Ngài trao ban sứ mạng truyền giáo cho Giáo hội, khởi đi từ các Tông đồ. Lệnh truyền của Chúa Giêsu:”Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), để “muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19) phải là lời mời gọi, một lệnh truyền cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước khi Chúa Giêsu về trời, về với Đấng là Cha đã sai mình đến trần gian, Ngài đã truyền lệnh cho các tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18; x. 20,21). Anh em hãy ra đi và loan báo về: “Đức Mêsia phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ từ cõi chết chỗi dậy. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24,46-47).

Khi Chúa đã lên trời, thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi, phải ra đi để đến với muôn dân như lời Ngài đã truyền. Các ông ra đi để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng đã chết và đã phục sinh. Vào Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Vào Đấng đã yêu thương con người, đã chết và đã sống lại vì hạnh phúc và phần rỗi của con người. Đấng ấy đã lên trời để đem lại niềm hy vọng cho những ai tin vào Ngài cũng được lên trời như các ông đã thấy Ngài lên trời.

Chính trong giây phút này, các ông nhận lãnh sứ mạng xây dựng Giáo Hội, một Giáo Hội có Thiên Chúa là Chủ và có nhau là anh em. Một Giáo Hội yêu thương, hiệp nhất. Một Giáo Hội công bằng văn minh.

Khi Ngài lên trời, Ngài đã giơ tay chúc lành cho các Tông đồ. Hành vi giơ tay được hiểu như là cử chỉ của sự trao ban bình an và đồng thời cũng là biểu hiện sự tin tưởng và trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các Tông đồ.

Sứ mạng mà các ông lãnh nhận và tiếp nối nơi Thầy của mình không phải là một công việc dễ dàng. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Vì thế, “anh em hãy ở khôn như rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mc 10,16b).

Khó khăn! Đúng vậy. Chẳng bao lâu, các ông đã bị vua Chúa, quan quyền truy nã vì loan báo về danh Chúa Giêsu… Vì thế, các Tông đồ phải chạy trốn hết thành này sang thành nọ. Hơn bao giờ hết, các ông thấm thía chân lý của hạt lúa gieo vào lòng đất. Chân lý ấy đã được Thầy của mình sống cách triệt để và mời gọi mình bước theo: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Hiểu được điều đó, các ông đã không sợ bất cứ ai hay một thế lực nào làm cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng.

Quả thế, Thánh Phaolô đã nói: “Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban. Quả thế, nhờ Đức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người. Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục” (Pl 1,28-30). Cuối cùng, các ông đã không thể ngồi yên khi biết bao con người chưa nhận biết Chúa, nên lại một lần nữa, Phaolô diễn tả tâm trạng đó như sau: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

3. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của mỗi chúng ta

Tiếp nối các Tông đồ, có biết bao nhiêu người đã lên đường, đến những nơi heo hút treo leo. Đã biết bao vị thừa sai bỏ lại mạng sống nơi rừng thiêng nước độc. Miễn sao Tin mừng được loan báo. Quả thật: việc truyền giáo hay loan báo Tin mừng là bản chất của Giáo hội Chúa Kitô (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 4;16). Sứ mạng ấy bắt nguồn từ việc Chúa Cha đã trao cho Con của Ngài là Chúa Giêsu, và chính Ngài cũng trao phó cho các Tông đồ và cho mỗi chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18; x. 20,21).

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ từ nơi Ngài. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy ra khỏi sự ổn định, an toàn của bản thân và hãy lên đường loan báo Tin Mừng, dẫu biết rằng, công cuộc ấy chẳng mấy tốt đẹp theo kiểu con người suy nghĩ. Vì thế, Chúa Giêsu đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21,17). Và “hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,29). Nhưng hãy học nơi các Tông đồ: càng bị sỉ nhục, bắt bớ và tù đày, các ông lại càng “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Bởi xác tín rằng “… trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33; x. Rm 8,35-37).

Lời loan báo của chúng ta vào Đức Giêsu phục sinh quả là một hành trình, đòi hỏi chúng ta phải là những người đã cảm nghiệm được về Đấng mà chúng ta loan báo: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Không ai lại đi loan báo về một người mà chúng ta không biết và không tin; hay loan báo vào những thời điểm hay một nhóm người nhất định trong một không gian cụ thể, mà là: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1,8). Trong hành trình loan báo đó, dù gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng vào sự bảo trở của Đấng mà Chúa Giêsu đã ban xuống trên các Tông đồ khi xưa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem và khắp cùng thế giới” (x. Cv 1,8).

Chúng ta mừng lễ Chúa lên trời, cũng là lúc một lần nữa chúng ta xác định về vai trò ngôn sứ và chứng nhân của mỗi chúng ta. Mong thay lời bài hát “Đẹp Thay” của Linh mục Nhạc sĩ Mi Trầm lại một lần nữa được vang lên trên môi miệng những ngôn sứ của Lời trong xã hội hôm nay: Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi. Đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về trong tiếng cười. Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới, loan tình thương Chúa Trời, loan niềm vuii cứu đời, cho mọi người và mọi nơi.

Để kết thúc, xin cũng mượn lời của Đức cố Hồng y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng của ngài, khi nói về những khó khăn mà người môn đệ của Chúa Giêsu sẽ phải chịu trên con đường loan báo Tin Mừng; đồng thời cũng xác tín mạnh mẽ những ân ban cho những ai trung thành đến cùng trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Con run sợ: vấp ngã, khó khăn, hiểu lầm, công kích, sỉ nhục, tử hình… Con quên Phúc Âm sao? Chúa Giêsu đã chịu tất cả. Cứ theo Ngài con sẽ Phục Sinh” (ĐHV số 44).

Lạy Chúa, hôm nay Chúa về trời, Chúa đã chúc lành cho các Tông đồ và cũng cho tất cả mỗi người chúng con là những người tin Chúa; đồng thời Chúa cũng trao phó cho các ngài và Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin Chúa cho mỗi chúng con ý thức được điều đó và sẵn sàng ra đi làm chứng cho Chúa trong lòng xã hội hôm nay dầu có phải chịu đau khổ, thử thách. Amen.

 

8. Suy niệm của R. Gutzwiller

 

Ý nghĩa Phục sinh

‘Đức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba sống lại từ cõi chết, rồi phải nhân danh Ngài rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi –khởi từ Giêrusalem’. Đấng chịu đóng đinh và Phục sinh sẽ là Đấng mà lề luật, các tiên tri và thánh vịnh đã hứa. Biến cố daỳ vò các tông đồ không phải là cái gì khác hơn là sự thực hiện chương trình vĩ đại về việc cứu độ của Thiên Chúa. Được phác hoạ trong Cựu ước và hoàn thành trong Tân ước. Đường dây nối mọi sách thánh lại là Đấng Messia đến, hành động, hy sinh. Và kết quả riêng tức ý nghĩa sâu xa nhất là sự thứ tha tội lỗi cho mọi dân moị nước. Phổ quát tính của ơn cứu độ, ý nghĩa bao quát của hy sinh thập giá được diễn tả qua những lời đó. Hy sinh thập giá là hy tế đem lại ơn cứu chuộc. Và Đấng Thiên Sai khi hoàn tất hy tế ấy đã trở nên ơn cứu độ cho Israel cũng như cho cả nhân loại.

Loan báo Phục sinh

‘Các anh em là những chứng nhân về điều đó’. Sứ điệp Kitô giáo không phải là một ý tưởng sáng tạo một sáng kiến độc đáo chi phối những khám phá mới, cũng không phải là việc tìm kiếm các chân lý, nhưng chính là xác quyết sự kiện: Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Kitô giáo trước hết là một biến cố, rồi từ biến cố ấy thành lịch sử. Và lịch sử đó không tường thuật lại những hoạt động của loài người nhưng là những hoạt động của Thiên Chúa, nhất là sự hy sinh, của một vị Thiên Chúa nhập thể, đem ơn cứu chuộc đến cho mọi dân tộc. Loan truyền sứ điệp ấy có nghĩa là chứng thực biến cố ấy, vững lập trường về sự kiện ấy. Đó là làm chứng bằng lời nói, bằng đời sống và có khi phải bằng máu nữa. Đã làm chứng được như vậy, con người phải đón nhận sức mạnh Thánh Thần Thiên Chúa ‘Ta sắp sai đến trên anh em, điều Cha Ta đã hứa’.

Chính Chúa Thánh Linh là chứng tá đích thực. Ngài sẽ làm chứng trong các tâm hồn bằng đức tin bên trong, còn con người làm chứng bên ngoài bằng việc rao giảng. Bởi thế, sự Phục sinh của Chúa Kitô là nội dung chính cốt của sứ điệp Kitô giáo qua các lời giảng dạy của các tông đồ cũng như qua sách công vụ và các thơ, đứng trước biến cố trọng đại ấy, tất cả đều phai nhoà đi hết. Việc rao giảng Kitô giáo không phải là trình bày các qui luật luân lý, giảng giải các chân lý giáo điều hoặc trình bày cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng sự rao giảng ấy trước hết là một khẳng định rõ về cái chết và sự Phục sinh của Chúa, vì đó là những yếu tố trung tâm của lịch sử ơn cứu độ.

TỪ BIỆT

Đây là lần cuối cùng Chúa Giêsu ở giữa các tông đồ. Ngài ở giữa họ để nói lên lời từ biệt. Sự việc xảy ra gần Bêtania ở cửa thành thánh. Thánh Luca trình bày sự kiện này hết sức ngắn gọn, nhưng Ngài sẽ trở lại vấn đề trong chương Tin mừng sách Công Vụ với nhiều chi tiết hơn là ở đây, khi nói đến việc Chúa về Trời. Theo Tin mừng ta thâý việc kết thúc sứ vụ loan báo Tin mừng

1. Đức Kitô

Chúng ta được biết Đức Kitô từ biệt các tông đồ đang khi các Ngài chúc lành cho họ. Ngài không còn giảng dạy và ra lệnh gì nữa. Mọi cái mờ ám đều biến dạng. Cho dầu cuộc khổ nạn, việc Phêrô chối Chúa, sự nghi ngờ Chúa sống lại và sự phập phồng sau lần hiện ra cuối cùng. Mọi sự đều được sáng tỏ. Tất cả đều kết thúc tốt đẹp bằng phúc lành của Chúa, Đấng sẽ ban cho họ sinh lực để sống dù Ngài không còn hiện diện trước mắt nữa, và để họ hành động và tiếp tục sự nghiệp, họ sẽ giữ kỷ niệm sống động, việc Thày chúc lành.

Chúa lên trời chẳng qua là sự Người trở về cùng Chúa Cha và được biến hình cả thể xác lẫn tình thần, việc Chúa lên trời đó đối với các môn đệ cũng là một dấu chỉ tối cao về việc Ngài trở lại và nhờ đó, các ông cũng được lên trời. Từ giờ đó, họ biết rằng đời họ là một cuộc hành trình tiến về ánh sáng và bất chấp mọi trở ngại của cuộc sống trần gian cũng như quân thù bách hại, mọi chuyện sẽ hoàn tất trong ánh sáng của sự biến hình.

2. Các tông đồ

Họ quì gối xuống và thờ lạy. Họ không còn u tối, sợ sệt, phập phồng, hồ nghi gì nữa. Vì thế họ tin kính thờ lạy. Việc Ngài Phục sinh và lên trời chứng minh rõ ràng cho họ biết nguồn gốc cũng như bản tính Thiên Chúa của Ngài và Ngài được cất nhắc lên ngự bên hữu Chúa Cha. Thờ lạy, thán phục chỉ là cách thức nói lên sự hân hoan của họ. ‘Rồi họ trở lại Giêrusalem, vui mừng khôn xiết, và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa’. Tin mừng kết thúc trong niềm hoan lạc, việc Chúa trở lại ‘uy nghi’ cho các tông đồ có cơ hội tôn vinh Ngài.

Khi nhìn lại, khi nhớ đến lời truyền tin cho Giacaria và Đức Maria, khi nhớ lại các sứ điệp các thiên thần gởi cho các mục tử, nhớ đến việc dâng Chúa trong Đền thờ, rồi ơn kêu gọi riêng họ, việc họ thông dự vào quyền giảng dạy và làm các phép lạ của Chúa, từ đây họ hiểu rằng mọi sức đối kháng của thù địch đều không làm gì được và qua cuộc khổ nạn và thập giá Chúa, sự đối kháng ấy cũng góp phần vào việc đặt nền cho hoạt động cứu thế đúng nghĩa, cho hy tế cứu chuộc để cứu rỗi thế giới, sau cùng họ thấy rằng Chúa biến hình, từ đây không còn khổ đau nữa, thì họ chỉ còn biết tạ ơn Thiên Chúa với lòng thành tín khôn tả. Kế hoạch Ngài đã thực hiện, sự nghiệp Ngài đã hoàn thành, vinh quang Ngài đã tỏ hiện cho loài người. chính Thánh Luca đã kết thúc Tin mừng của ông bằng thánh thi ngợi khen vậy.

 

9. Chúa lên trời

 

Cách đây mấy ngàn năm, khi khoa học về vũ trụ chưa được phát triển, dân Do Thái cũng như những dân tộc vùng cận đông thường có một cái nhìn đơn sơ về vũ trụ. Họ coi trái đất là như một chiếc mâm, chung quanh đất là biển, dưới lòng đất là âm phủ, nơi ở của những người đã khuất. Còn bầu trời là như cái lồng bàn úp lên trên đất và biển. Trên chiếc lồng bàn này có nhiều thứ kho: kho nước, kho mây, kho gió, kho tuyết, kho sương mù. Mỗi khi Thiên Chúa mở cửa những kho này là chúng ta lập tức sẽ có những hiện tượng thiên nhiên tương ứng.

Vòm trời cũng là nơi Ngài treo các vì tinh tú để soi sáng cho mặt đất. Thiên Chúa ngự trên chốn trời cao cùng với các thiên thần. Vậy khi nói Chúa Giêsu được đưa lên trời, thì có nghiã là Ngài được đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Ngài được tôn vinh bên Chúa Cha, sau khi đã hoàn tất công trình cứu độ nhân loại.

Đối với chúng ta thì hơi khác một chút. Điều cốt lõi của biến cố Chúa về trời không phải là chuyện Chúa đã bay lên, thoát khỏi sức hút của trái đất, mà là mầu nhiệm Ngài được Chúa Cha nâng dậy từ cõi chết và đưa vào chung hưởng vinh quang bên Chúa Cha. Nơi ở của Thiên Chúa là thiên đàng. Nhưng thiên đàng ở đây, chúng ta không được rõ. Toan tính đi tìm thiên đàng bằng một con tàu vũ trụ điều đó chỉ đưa đến thất vọng và chứng tỏ một thái độ ấu trĩ, vì thiên đàng nằm ngoài khả năng cảm nhận của giác quan, như lời thánh Phaolô: Tai chưa hề nghe, mũi chưa hề ngửi và trái tim chưa một lần cảm nghiệm được những điều Thiên Chúa dành cho những người trung thành phụng sự Ngài. Chúng ta không thấy thiên đàng nhưng thiên đàng còn có thực hơn cả vũ trụ hữu hình này, bởi vì thế giới của con người sống nhờ vào thế giới của Thiên Chúa.

Mặc dù Chúa đã về trời nhưng Ngài vẫn còn ở lại với chúng ta luôn mãi; bởi vì lên trời không phải là đi vào một thế giới xa lạ với thế giới loài người và cắt đứt mọi liên hệ với trần thế… Tuy chúng ta không còn thấy Ngài một cách hữu hình nhưng Ngài vẫn tiếp tục hiện diện giữa chúng ta dưới những hình thức khác.

Chúng ta có thể gặp Ngài qua những kỳ công trong vũ trụ. Chúng ta có thể gặp Ngài qua những lời giảng dạy. Chúng ta có thể gặp Ngài qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể gặp Ngài qua Giáo Hội. Chúng ta có thể gặp Ngài nơi những người anh em, nhất là những kẻ khổ đau và bất hạnh. Như thế Ngài được tôn vinh lên trời không phải là làm một cuộc đi xa, nhưng trái lại là một cuộc đến gần. Phục sinh và Lên Trời là để làm tròn sứ vụ giữa lòng thế giới. Chính vì thế mà Ngài đã truyền cho các môn đệ cũng như cho chúng ta phải tiếp tay với Ngài: Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Bởi đó, hãy chu toàn bổn phận của chúng ta, bằng cách sống đức tin và đem đức tin đến cho những người chung quanh, để rồi trong ngày sau hết, chúng ta sẽ được chia sẻ niềm hạnh phúc thiên đàng với Ngài.

 

10. Chú giải của Noel Quesson

 

Cũng như đối với trình thuật về cuộc Thương khó và Phục sinh, ta nên suy niệm những trình thuật khác nhau về biến cố Thăng Thiên được ghi lại cho ta: suy niệm tận nguồn gốc đặc biệt của chúng, để khỏi lẫn lộn Người với một thứ hình tượng -người máy.

Năm nay, chúng ta có may mắn được nghe hai trình thuật diễn tả cùng một biến cố do cùng một tác giả thuật lại đó là Luca. Thật rõ ràng, nếu Luca không nỗ lực dung hòa toàn diện hai đoạn văn mô tả của ông, là vì theo ông, chính những khác biệt đó có một ý nghĩa… vượt qua tính lịch sử được hiểu theo nghĩa hẹp.

Trong Tin Mừng, Luca giới thiệu biến cố Thăng Thiên ngay chiều hôm Phục sinh, và chác chắn ngay trong đêm tiếp theo ngày thứ nhất trong tuần (Lc 24, 1. 24, 13. 24, 36. 24, 50), nếu ta nhớ lại khi các môn đệ làng Em-mau vào bàn ăn, thì “trời đã muộn“ (Lc 24, 29), và các ông phải đi bộ khoảng 12 cây số trong “hai tiếng đồng hồ“ (Lc 24, 13) để trở lại Giêsusalem. Còn Đức Giêsu đã mất giờ giải thích Lề luật, các ngôn sứ và Thánh Vịnh liên hệ đến Người, với các môn đệ (Lc 24, 44) ngay chiều Phục sinh…

Trước khi dẫn họ đến Bê-tha-ni-a, ở đó Người được đem về trời (Lc 24, 50). Trái lại, trong Công vụ Tông đồ, cũng chính Luca xác định biến cố Thăng Thiên vào lúc kết thúc “bốn mươi ngày” (Cv 1,3). Ngoài những tưởng tượng có tính cách ấu trĩ mà ta cần phải từ bỏ, hiển nhiên là giữa những lần “hiện ra” khác nhau của Người, Đức Giêsu không lánh ẩn trong một khu phố tại Giêrusalem, trong một nơi bí mật, để chờ đợi “ên” trời về cùng Chúa Cha! Thực sự, Phục sinh, Thăng Thiên và Hiện xuống, là ba khuôn mặt của cùng một “mầu nhiệm” duy nhất: bởi vì vừa sống lại, thì Đức Giêsu đã bước vào vinh quang của Chúa Cha và ngự bên hữu Người “theo kiểu nói của khải huyền. Đặc biệt, Luca nhấn mạnh đến sự kiện Đức Giêsu “rời bỏ“ những kẻ mà Ngài đã cho họ được gặp mặt… Người biến mất trước cái nhìn của họ (Lc 24, 31 – 24, 51).

Như thế, Thăng thiên vào chiều tối Phục sinh xảy ra để gắn liền cuộc sống nhân loại của Đức Giêsu với việc tôn vinh quyền năng Thiên Chúa của Người…và đó là trang cuối cùng của Tin Mùng!

Trong khi biến cố Thăng Thiên vào “ngày thứ bốn mươi” để bắt đầu cuộc sống mới của Đức Giêsu vượt qua không gian và thời gian… thì cũng là lúc khởi sự trang đầu tiên của Công vụ Tông đồ! Kết thúc thời gian của Đức Giêsu Nadarét…là bắt đầu thời kỳ của Giáo hội.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”.

Đức Giêsu nói: “Khi Thầy còn ở với anh em”. Điều đó chứng tỏ rằng Người không còn ở trái đất như trước nữa. Thăng thiên sắp tới chỉ lặp lại những gì đã diễn ra do biến cố Phục sinh: từ đây trở đi, sự hiện diện của Chúa Phục sinh, dù có thực sự đi nữa, thì cùng ở trong một trạng thái khác… Người đã bước vào thế giới của Thiên Chúa rồi.

“Việc ứng nghiệm… và hiểu biết Kinh Thánh!”. Đức tin là phương thế duy nhất để đạt được “thế giới của ‘Thiên Chúa” mà Đức Giêsu đang hiện diện, vì giờ đây Người “không còn ở với chúng ta theo cùng một cách thức như trước nữa”. Ngay trên bước đường đi đến Em-mau, Đức Giêsu đã khiển trách hai người đồng hành với Người là những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin” (Lc 24, 25).

“Như sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy”. Chỉ khi sống lại, Người mới giải thích Kinh thánh: thực vậy, cần phải “chết đi sống lại”, để khi người ta đọc lại Kinh Thánh, mới có thể nhận ra điều đó đã được loan báo. Do đó, trong đời sống của chúng ta, có một số những biến cố đột nhiên xảy đến, soi sáng trở lại những sự việc, những lời nói mà trước đó chúng ta chưa hiểu được cách sâu xa.

“Các Thánh Vịnh”: Đức Giêsu đã thuộc lòng và hằng ngày dùng Thánh vịnh để cầu nguyện. Còn tôi thì sao? Liệu tôi có đủ độ nhớ chỉ một Thánh Vịnh để cầu nguyện, nhất là một trong những Thánh Vịnh nói về Đức Giêsu không?

Có lời Kinh Thánh chép rằng: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.

Luca nhấn mạnh đến sự kiện: chỉ nhờ biến cố Phục sinh, các môn đệ mới hiểu được “những lời Kinh Thánh chép”. Như thế, đời sống của riêng ta, đời sống của mọi người, đời sống của những kẻ mà ta vẫn tưởng rằng mình có tương quan thân mật nhất… chỉ sáng tỏ trong ngày của Chúa. Đúng vậy, những biến cố liên hệ đến cuộc đời của Đức Giêsu, trước ngày đó, vẫn làm cho các môn đệ hoang mang, khó hiểu! “Đau khổ” của Đức Giêsu trên thập giá, có vẻ như một sự ngẫu nhiên, một tai nạn, một thất bại. Nhưng giờ đây họ mới khám phá ra, đó là sự ứng nghiệm chương trình mầu nhiệm của Chúa Cha: “Cần phải ứng nghiệm không gì đã được Kinh Thánh báo trước… “.

Đó không phải là một định mệnh, cũng không phải là một số mệnh nghiệt ngã và khắt khe… mà là một chương trình yêu thương! Nhưng cho tới ngày đó, họ chưa nhận ra. Giờ đây, họ sắp trở nên chứng nhân cho những điều đó. “Ngày Phục sinh ngày dài nhất của thời gian… “Ngày thứ nhất” đó sẽ kéo dài, tới vô tận! Không có ngày nào khác như thế nửa. Ta hiểu ra rằng, Luca đã muốn gom cách tiêu biểu để cả trong ngày duy nhất đó, và ngày này sẽ được kéo dài qua đời sống chứng tá của Giáo hội suốt dòng lịch sử.

Hiện nay, chúng ta có luôn là “nhân chứng” cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa không? Đức Giêsu, trước thái độ kịch liệt công phẫn của những người được coi là “sạch” đã nghiêng về phứa những người Samari ngoại giáo… những kẻ lạc đường, đĩ điếm, ngoại tình… những kẻ dốt nát, bị nhóm Pharisêu và thông giỏi khinh bỉ… những kẻ thông đồng với dân ngoại, những người thu thuế cộng tác với đế quốc Rôma… mọi người nghèo khổ bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ thấp kém, bệnh tật, phong cùi. Thay vì ra hình phạt của Thiên Chúa mà lề luật đòi buộc, Đức Giêsu lại loan báo “ơn tha thứ” không giới hạn, không loại trừ một người nào khỏi ơn cứu độ phổ quát được cống hiến cho mọi người, bắt đầu từ Giêrusalem”.

Đúng vậy, Thiên Chúa là Cha những người tội lỗi. Người tha thứ cho mọi người. Và noi gương Thiên Chúa, ta cũng phải tha thứ cho mọi người, ngay cả những kẻ thù của mình! Vì đã rao giảng những điều như thế nên Đức Giêsu đã bị kết án và bị đóng đinh như kẻ “phạm thượng”. Nhưng rõ ràng việc sống lại minh chứng rằng, Ngài đã có lý. Những người đại diện cho lề luật bị lên án. Đấng chịu đóng đinh luôn sống động. Mọi điều Đức Giêsu đã giảng dạy và hành động… sẽ tiếp tục và được chính Thiên Chúa minh chính hóa.. “Anh ern sẽ là chứng nhân!”.

Lạy Chúa, Chúa đòi chúng con phải thay đổi trở về thế nào đây? Thực sự, chúng con chưa làm chứng đầy đủ cho tình yêu cứu độ phổ quát!

Và đây chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.

Họ rất cần điều đó. Chúng ta cũng rất cần điều đó, cần “quyền năng” không do ta, chứng từ trời cao ban xuống! Bởi vì các môn đệ sắp phải sống và rao giảng trong một thế giới, bề ngoài chưa có gì thay đổi cả: sự dữ bạo lực, hận thù, chết chóc… độc ác, tà thuyết, sai lầm, dốt nát, áp lực đủ thứ… vẫn còn tiếp diễn.

Đấng sẽ trao ban quyền năng đó… ở đây không nêu tên… bởi vì, cũng như Chúa Cha “không ai trông thấy bao giờ.. và khác với Đức Giêsu, Đấng là khuôn mặt hữu hình của Thiên Chúa… Thần Khí không có dạng hình. Hay, đúng hơn Ngài mang bộ mặt của ta, theo cách nói của Thánh Phaolô: “Anh em là thân thể của Đức Kitô. Khi cây nến Phục sinh được tắt đi vào Lễ Thăng Thiên, thì độ là lúc các ngọn lửa được thắp sáng:để xâm chiếm mỗi người môn đệ vào Lễ Hiện Xuống.

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được lên trời.

Đó là sự “rời khỏi”. Chỉ mình Luca sử dụng từ ngữ đây ý nghĩa đó.

So sánh với cùng một trình thuật trong Công vụ Tông chúng ta nhận thấy có nét giản dị hơn. Ở đây, không có yếu tố mô tả nào, không có “đám mây” cũng không có hai Người mặt áo trắng”. Không phải là Luca không hay biết tới ngôn ngữ khải huyền. Trong một trình thuật khác, ông sẽ sử dụng thứ ngôn ngữ này. Nhưng trong đoạn văn trên, ông muốn tương đối hóa, đơn giản hóa nó.

Tất cả đều rất bí mật, và chúng ta thử dõi theo Đức Giêsu xem sao: “Người dẫn các ông…”, “Người giơ tay chúc lành cho các ông”. “Người rời khỏi các ông để trở về với Chúa Cha trên trời”.

Chưa bao giờ Đức Giêsu đã “chúc lành” cho các tông đồ. Nhưng đây là một cảnh từ biệt. Luca có ý nối kết lại một truyền thống Kinh Thánh phong phú. Các nhân vật quan trọng trong Kinh Thánh thường kết thúc đời mình bằng một cử chỉ chúc lành cho những kẻ tiếp sau: Giacóp (St 49), Môsê (Đnl 33), Đavit (1Sb 28-29). “Phép lành” của Đức Giêsu là cử chỉ cuối cùng của Người. Một cử chỉ mà Người sẽ không ngừng thể hiện, nhờ mỗi linh mục, đại diện của Người, làm lại trên chúng ta vào lúc chào tạm biệt trong Thánh lễ, bằng cách “giơ tay lên” để chúc lành cho chúng ta nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giênlsalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Thật là nghịch lý! Đức Giêsu rời khỏi họ, thế mà họ không buồn, lại vui tươi. Cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu đã trở thành nhóm người “tôn thờ” Đức Giêsu và cùng nhau “ca tụng Thiên Chúa”. Đức Giêsu ở “trên trời”. Các môn đệ của Người ở “trong Đền Thánh’. Đó chỉ là một biểu tượng… một sự đối xứng. Một phụng tự mới.