Chương 3: Đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo

Thiên Chúa lưu tâm đến đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo và Ngài luôn làm vậy. Nhà lãnh đạo mà có đời sống dành riêng cho Thiên Chúa thì sẽ có tầm ảnh hưởng trên thế giới xung quanh mình...

Trở nên nhà lãnh đạo Chúa muốn

Chương 3: Đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo

Người Babylon thì một dân tộc tàn bạo. Nguyên tắc đạo đức và công lý của họ thì lạ đời và trái ngược đối với dân Do Thá tù đầy. Đối với họ việc giết một con người chẳng khác nào đập một con ruồi. Vậy mà người Do Thái lại sống trong vùng đất đó, họ là những nô lệ sợ sệt sống trong vùng đất đầy hung ác, họ đối mặt với những nguyên tắc, luật lệ và yêu cầu ngược lại với những gì họ được dạy thời còn nhỏ. Họ lớn lên đối diện với những điều xem ra là xung khắc không thể vượt qua được; vậy mà một người trong số họ lại leo lên được vị trí có thẩm quyền và quyền lực – một đế chế tràn ngập bạo lực, mê tín và thờ ngẫu tượng. Trong suốt thời kỳ bị giam cầm, người đàn ông này có lẽ đã bị các vua dân ngoại chiêu mộ phục vụ trong bộ phận quyền lực cao nhất của vùng đất đó. Một điều đáng lưu ý nhất là ông ta là con người kiên định trong việc thờ phượng Thiên Chúa thật và sống động. Chúng ta có thể nhìn vào đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo nỗi bật này.

Đa-ni-en là đứa trẻ duy nhất được vua Na-bu-cô-đô-nô-xo chọn cho một nhiệm vụ đặc biệt. Cậu là một trong số ít những đứa trẻ được vua dạy “biết chữ viết và tiếng nói của người Can-đê”. (Đn 1:4). Cậu ấy cùng ba đứa trẻ khác là những đứa trẻ ưu tú với những phẩm chất đặc biệt “Những đứa trẻ này phải là những đứa không khuyết tật, diện mạo khôi ngô, đã được học mọi lẽ khôn ngoan, hiểu rộng biết nhiều, trí khôn sắc sảo, có khả năng đứng chầu trong điện vua”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì chúng là những đứa trẻ có thể trạng tốt, thông minh, trí tuệ sắc bén, học thức cao, ngoại giao tốt.

Bất cứ hiệu trưởng trường cao đẳng hay đại học nào cũng đều chào đón những sinh viên có những tố chất như vậy. Các tập đoàn sẽ thu hút những tài năng trẻ như thế về đầu quân cho họ. Nhưng điều thú vị là: Thiên Chúa chỉ để cho một trong số họ đảm nhận vai trò lãnh đạo thiêng liêng cao trọng nhất. Tại sao vậy? Vì những phẩm chất nền tảng trong đời sống nội tâm của con người đó. Chúng ta hãy cùng khám phá ba phẩm chất quan trọng nhất đó.

Đời Sống Trong Sạch

Một phẩm chất có nơi Đa-ni-en chính là đời sống trong sạch. “Phần Ða-ni-en, vì quyết tâm không để mình bị ô uế” (Đn 1:8). Thật thú vị khi nhận ra rằng một trong những điều đầu tiên mà Thiên Chúa làm khi khởi sự việc tạo dựng là tách ánh sáng ra khỏi bóng tối. Hành động đó biểu trưng cho một sự thật thiêng liên lớn lao: bạn phải thuộc bên này hoặc bên kia – chứ không có vị trí đứng giữa hàng rào.

Nơi địa ngục không có ánh sáng, và trên thiêng đàng thì không có bóng tối. Chúng ta, những con người dâng đời sống mình cho Đức Kitô, trải nghiệm tình yêu và lòng khoang dung của Người, một ngày nào đó sẽ chung phần với Người trên thiêng quốc; khi ấy chúng ta sẽ cư ngụ nhà Ngài và hưởng nhan thánh Ngài. Để chuẩn bị cho ngày trọng đại đó, chúng ta cần phải làm quen với việc bước đi trong ánh sáng trên lữ thứ trần gian này.

Thánh Phaolô tông đồ nói tiếp về đề tài này: “Anh em đừng mang chung một ách với những kẻ không tin. Thật thế, làm sao sự công chính lại liên kết được với sự bất chính? Làm sao ánh sáng lại dung hòa được với bóng tối? Làm sao Ðức Kitô lại hòa hợp được với Bêlia? Làm sao người tin lại chung phần được với người không tin? Làm sao Ðền Thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được? Vì chính chúng ta là Ðền Thờ của Thiên Chúa hằng sống” (2 Cr 6:14-16).

Thánh Phaoolô sử dụng năm câu hỏi đề cập trên để vẽ ranh giới phân biệt giữa Thiên Chúa và những gì đối nghịch. Một bên Thánh Phaolô đề cập đến sự cộng chính, ánh sáng, Đức Kitô, niềm tin và nhà của Chúa. Bên kia thì ngài liệt kê sự bất công, bóng tối, sa tăng, người không tin và tà thần. Thánh nhân nhấn mạnh rằng chúng ta không thể nhập nhằng giữa hai danh sách này. Bạn phải chọn sống theo bên này hay bên kia. Đó là sự thật rõ ràng, nhưng nhiều người trong chúng ta hay cố thoả hiệp với tội lỗi. Các nhà lãnh đạo phải làm gương trong hành vi phù hợp với tiêu chuẩn Tin Mừng của họ: “giám quản phải là người không ai chê trách được” (1 Tm 3:2).

Thiên Chúa lưu tâm đến đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo và Ngài luôn làm vậy. Khi Thiên Chúa từ bỏ vua Sa-un và chọn người kế vị thì Ngài nói với Sa-mu-en “Ðừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Ðức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” (1Sm 16:7). Bạn và tôi có khuynh hướng đánh giá người khác bằng những tiêu chuẩn hời hợt: chỉ những gì chúng ta nhìn thấy. Còn Thiên Chúa thì nhìn vào bên trong.

Cách đây vài năm một cơn bão lớn ập đến thành phố chúng tôi. Nó thổi bể nát các cửa sổ kính của các cửa tiệm và nhà băng trong phố. Herb Lockyer, người đã dạy chúng tôi trong trường nhà thờ trong nhiều năm, và vợ ông ấy là Ardis đang lái xe về nhà thì bà ấy thấy điều gì mà khiến bà ấy thót tim. Một trong những cây đẹp nhất trong phố bị gió thổi bật rễ. Bà ấy vội gọi Herb và thốt lên “Nhìn kìa Herb! Bên trong cái cây đã thối rữa”

Thật tế là vậy. Cái cây được mọi người ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp và sự hùng vĩ của nó thì bị thối rữa bên trong. Và vì nó bị thối rữa bên trong nên vào ngày mà gió mạnh thổi thì nó không đứng vững nỗi. Nó bị lật đỗ và những ai từng ngưỡng mộ những nhánh cây to lớn và những chiếc lá rộng của nó đã biết được sự thật. Dù vẻ bên ngoài là đẹp đẽ nhưng bên trong đã thối rữa.

Đời sống của chúng ta cũng vậy. Nếu người Kitô hữu cố tô vẽ bên ngoài mà không củng cố sự trong sạch và thánh thiện trước mặt Chúa, thì ngày nào đó một kiểm chứng sẽ tỏ lộ bản chất và tính cách thật của họ. Vì vậy, nhà lãnh đạo phải sống một đời sống trong sạch.

Thánh Phaolô chia sẻ với ông Timôthê một lý do khác về đức trong sạch.

Tuy nhiên, nền móng vững chắc Thiên Chúa đã đặt thì tồn tại; trên đó có ghi tạc lời này: Chúa biết những kẻ thuộc về Người, và phàm ai kêu cầu danh Chúa phải tránh xa điều bất chính. Trong một ngôi nhà lớn, không phải chỉ có những đồ vật bằng vàng bằng bạc, nhưng cũng có những đồ vật bằng gỗ bằng sành; thứ thì dùng vào việc cao quý, thứ thì dùng vào việc thấp hèn. Vậy nếu ai thanh tẩy mình cho sạch những điều xấu nói trên, thì sẽ là một đồ vật dùng vào việc cao quý, một đồ vật được thánh hiến, có ích cho chủ, sẵn sàng làm mọi việc lành. (2 Tm 2:19-21)

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra một sự thật hiển nhiên trong các gia đình chúng ta. Đồ dùng khác nhau có công dụng khác nhau. Trong nhà tôi có một cái rổ đựng rác và một cái khác được dùng như là tô đựng rau ăn. Và vợ tôi không dùng lộn chúng và sử dụng đổi chức năng. Sự thật thiêng liêng đơn giản là con người có thể lựa chọn trở thành vật dụng nào trong nhà Chúa. Tùy con người chọn là vật dụng cao quý hay thấp hèn. Tiêu chí giúp Thiên Chúa quyết định  Ngài sẽ sử dụng ai cho mục đích đời đời nào trên trần gian được đề cập trong câu cuối (câu 21): nếu ai thanh tẩy mình cho sạch những điều xấu nói trên, thì sẽ là một đồ vật dùng vào việc cao quý.

Cách đây vài năm cậu của vợ tôi cho cô ấy một bộ ly pha lê cỗ điển rất đẹp. Bộ ly đó được trưng bày ở một nơi trang trọng trong nhà chúng tôi và chỉ được sử dụng trong những dịp đặt biệt. Giã dụ như bạn đến nhà tôi chơi và khát nước. Tôi sẽ dẫn bạn xuống nhà bếp và mời bạn cứ tự nhiên lấy nước mát từ vòi nước mà uống. Và khi bạn mở tủ lấy một chiếc ly thì bạn sẽ thấy từng cái ly pha lê đẹp đẻ đó mờ tịt và bụi bẩn. Và trên quầy ngay trước mặt bạn sẽ thấy một cái hũ đựng đậu phộng cũ nhưng sạch như chiếc còi để thổi. Bạn sẽ dùng cái nào?

Câu trả lời thì quá rõ ràng. Đúng là bạn không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Ngài mong đợi cuộc sống trong sạch và vẹn toàn. Để rồi cuộc sống đó sẽ là “một đồ vật dùng vào việc cao quý, một đồ vật được thánh hiến, có ích cho chủ, sẵn sàng làm mọi việc lành”.

Hãy lưu ý từ thánh hiến. Có nhiều bất đồng trong cộng đồng dân Chúa về từ này, nhưng tất cả đều đồng ý một trong những ý nghĩa cơ bản của nó là “dành riêng”. Để tôi minh hoạ nhé. Tôi có một người bạn là sĩ quan cấp cao trong thuỷ quân lục chiến. Bất cứ nơi nào anh ấy đến anh ấy đều được cấp một chiếc xe jeep để sử dụng cho nhu cầu cá nhân. Chiếc xe jeep ấy luôn sẵn sàng để anh sử dụng và bất cứ khi nào cần đến anh ta đều biết nó đang đậu ở đâu. Khốn cho trung uý nào dám sử dụng xe đó cho việc riêng của mình. Chiếc xe jeep đó là dành riêng. Nó thuộc về viên sĩ quan và chỉ phục vụ cho riêng anh ta thôi.

Nhà lãnh đạo mà có đời sống dành riêng cho Thiên Chúa thì sẽ có tầm ảnh hưởng trên thế giới xung quanh mình. Thiên Chúa đã hứa sẽ mạc khải chính Ngài cho người khác ngang qua nhà lãnh đạo đó. “Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa – sấm ngôn của Ðức Chúa là Chúa Thượng – khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng”. (Ed 36:23).

Các nhà lãnh đạo thường được dân chúng hỏi rất cụ thể trong việc xác định điều gì là đúng, điều gì là sai. Nhà lãnh đạo muốn lãnh đạo những đời sống trọn lành nhưng thật lòng thì bản thân họ cũng không chắc chắn về vài vấn đề. Kinh Thánh không chỉ giúp ích những việc cụ thể mà còn hữu ích trong những nguyên lý vĩnh cữu. Thiên Chúa đã dùng bốn trong số những nguyên lý đó trong đời tôi.

Ngay sau khi tôi nhận biết Đức Kitô tôi nhận ra rằng một số thói quen và hành xử trong đời tôi cần phải được loại bỏ. Tôi biết chúng là những điều sai trái và không tôn vinh Thiên Chúa. Một số điều khác thì chưa rõ lắm. Chúng có sai hay không? Kinh Thánh thì đề cập rất cụ thể về nói bậy, ăn cắp, nói dối, nhưng còn về những điều hoài nghi mà Kinh Thánh không nói đến một cách rõ ràng thì sao?

Chẳng bao lâu sau khi tôi tự hỏi về điều này, Thiên Chúa ban cho tôi ba đoạn Kinh Thánh rất hữu ích trong nhiều năm. Những đoạn đó chứa đựng nguyên tắc “làm thế nào để phân định đúng, sai”. Tôi gọi đó là nguyên tắc 6-8-10 bởi vì chúng được tìm thấy trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô 6, 8 và 10.

1. Điều đó có hữu ích không? “Tôi được phép làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Tôi được phép làm mọi sự”; nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi” (1 Cr 6:12). Dựa trên câu Kinh Thánh này tôi có thể tự hỏi: Điều đó có hữu ích không? Bất cứ điều gì tôi định làm có hữu ích hay tác hại cho tôi về mặt thể lý? Điều đó hữu ích cho tinh thần của tôi hay nó sẽ hướng tinh thần tôi đến những dịp tội? Câu Kinh Thánh này hướng dẫn tôi trước việc chọn lựa phim ảnh, chương trình tivi, sách báo và tạp chí. Và điều đó có hữu ích cho đời sống thiêng liêng của tôi không? Điều đó giúp tôi thăng tiến hay ngăn cản thăng tiến đời sống thiêng liêng của tôi?

2. Điều đó có khiến tôi lệ thuộc vào nó không? Điều đó có khiến tôi trở thành nô lệ của nó không? Tôi kết luận từ câu Kinh Thánh đó (1 Cr 6:12) rằng bất cứ điều gì trói buộc tôi – trở thành một hói quen mà tôi không thể loại bỏ – thì tôi cần phải tránh xa. Tôi có nhiều người bạn là nô lệ cho thuốc lá, bia rượu và thuốc phiện. Thánh Phaolô đã nói: “tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi”. (1 Cr 6:12)

3. Điều đó sẽ khiến cho người khác sa ngã? “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Ðức Kitô! Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã” (1 Cr 8:12-13). Điều tôi sẽ làm có khiến cho người khác sa ngã không? Có thể về phần tôi thì không đến nỗi nào nhưng điều tôi làm đó sẽ có ảnh hưởng đến những người đang thấy tôi làm điều đó không? Điều đó có gây khó khăn cho họ không? Những hành động đó của tôi có dẫn họ tới những rắc rối không? Không ai là một hòn đảo. Những gì tôi làm được người khác nhìn thấy và thỉnh thoàng bắt chước. Có thể tôi là hình ảnh người Kitô hữu duy nhất mà ai đó biết đến. Vì vậy tôi phải nghĩ cho người khác khi tôi quyết định về hành động của mình.

4. Điều đó có tôn vinh Thiên Chúa không? “Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31). Hành động dự định làm đó có tôn vinh Thiên Chúa không? Lưu ý câu hỏi đầu tiên của giáo lý Wesminster rút gọn: “Đâu là cùng đích của con người?”. Câu trả lời: “Cùng đích của con người là tôn vinh Thiên Chúa và vui hưởng nhan thánh Ngài muôn đời”. Bạn và tôi cần phải sống đời sống của mình để làm vinh danh Chúa. Vì vậy tôi phải hỏi chính mình: Tôi có thể tôn vinh Chúa khi làm điều này không?

Ba đoạn Kinh Thánh này đã được kiểm chứng qua thời gian. Nó chứa đựng những nguyện tắc vĩnh cữu từ Thiên Chúa của tình yêu và Đấng thấu hiểu mọi sự.

Và rồi Thiên Chúa sẽ hỏi nội tâm là gì? Những thể hiện bên ngoài sẽ phản ánh đời sống nội tâm. Các nhà lãnh đạo phải duy trì việc bước đi trong Chúa trước mặt người của mình và thường xuyên áp dụng 1 Ga 1:9 “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Ðấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”.

Tính khiêm nhường

Một phẩm chất quan trọng khác khi nhìn vào đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo là tính khiêm nhường. Khi đối diện với một hoàng cảnh thì đa số chúng ta chấp nhận chỉ sống ở mức tồn tại thôi thì Đa-ni-en lại vươn tới nơi của quyền lực và tầm ảnh hưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đa-ni-en thì triều đại của vua rất thịnh vượng và ông ấy còn đưa ra những tư vấn và hướng dẫn cho nhà vua. Tuy vậy, dù với vị thế đó Đa-ni-en vẫn giữ tâm thế là tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa. Rất nhiều lần, đáng ra ông ấy đã có thể tự đề cao mình, nhưng ông ấy lại dâng hết những vinh quang đó cho Chúa.

Ông Ða-ni-en đáp lời vua và nói: “Ðiều bí nhiệm mà đức vua hỏi thì các nhà thông thái, các pháp sư, các thầy phù thủy và các thầy bói không thể nào trình bày cho đức vua được. Nhưng có Ðức Chúa Trời là Ðấng mặc khải những điều bí nhiệm, chính Người cho đức vua Na-bu-cô-đô-nô-xo biết điều gì sẽ xảy ra sau này. Ðang khi nằm trên giường, ngài đã chiêm bao và thấy trong đầu như thế này: Tâu đức vua, khi nằm trên giường, ngài đã để trí suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra sau này; và Ðấng mặc khải các điều bí nhiệm đã cho ngài biết điều gì sẽ xảy ra. Còn thần đây, dù chẳng thông thái hơn ai, nhưng điều bí nhiệm này đã được mặc khải cho thần, để thần trình bày cho đức vua lời giải nghĩa, ngõ hầu đức vua biết những ý nghĩ trong lòng đức vua. (Đn 2:27-30)

Tinh thần khiêm nhường là một phẩm chất của người được Thiên Chúa sử dụng. Thiên Chúa cần phẩm chất đó nơi các tôi tớ của Ngài. “Ta là Ðức Chúa, đó là danh Ta. Vinh quang của Ta, Ta không nhường cho ai khác; lời tán tụng dành cho Ta, Ta không để các tượng thần tước đoạt.” (Is 42:8). Khi dân của Ngài đi trệch khỏi quỹ đạo của tính khiêm nhường và trở nên tự kiêu thì Thiên Chúa có cách đưa họ trở lại đường ngay nẻo chính.

Một kỳ hè kia tôi hân hạnh thăm một vùng truyền giáo nọ. Một trong những nhà truyền giáo ở đó kể tôi nghe một câu chuyện thú vị.

Có vẻ như khi ông ấy ra đi truyền giáo ông ấy coi mình là món quà của Thiên Chúa gởi đến thế giới và đất nước mà ông đến. Thái độ cơ bản của ông ta là “Hãy đợi tôi tới. Tôi sẽ chỉ dẫn mọi người. Khi tôi tới nơi tôi sẽ uống nắn mọi người và làm cho chương trình truyền giáo triển nở”. Với thái độ đó ông ấy tới nơi và làm việc.

Không cần phải nói, với thái độ đó ông ta không được anh em trong cộng đoàn yêu mến. Họ thấy nơi ông tính tự kiêu và họ không hợp tác với ông. Tệ hơn nữa, Thiên Chúa nhận ra điều đó và đã khiến cho những nỗ lực của ông không đem lại hoa trái gì. Chẳng đạt được điều gì tốt đẹp nào. Tất cả những hoạch định của ông ta đều tiêu tan. Kinh Thánh nói,

Cũng vậy, những người trẻ hãy vâng phục các kỳ mục: anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để người cất nhắc anh em khi đến thời người đã định (1 Pr 5:5-6)

Thiên Chúa lên án chứ không chúc phúc cho tính tự kiêu và một khi Ngài lên án thì Ngài cũng rất quyết liệt. Khỏi phải nói, nhà truyền giáo đó đã đánh mất chính mình.

Tuy vậy câu chuyện kết thúc có hậu. Ông ấy nhận ra lỗi phạm của mình và ăn năn hối lỗi và bắt đầu bước đi trong khiêm nhường với Chúa. Và cuộc đời ông ta được chúc phúc. “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào Ðức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.” (Mk 6:8).

Nhiều đoạn Kinh Thánh cũng nói đến điều này. Sau đây là một số đoạn điển hình:

Cn 6:16-17: “Có sáu điều làm Ðức Chúa gớm ghét, có bảy điều khiến Người ghê tởm: mắt kiêu kỳ, lưỡi điêu ngoa, tay đổ máu người vô tội” Hãy lưu ý từ đứng trước danh sách các điều!

Cn 8:13: “Kính sợ Ðức Chúa là gớm ghét điều dữ. Thói kiêu căng ngạo mạn, và lối sống bất lương cũng như những lời gian manh, tráo trở, đó là những điều ta chê ghét.” Hãy lưu ý từ đầu đoạn Kinh Thánh.

Tại sao Thiên Chúa lại chống lại tính tự kiêu quyết liệt như vậy? Đó phải chăng chỉ là những hướng dẫn vô nghĩa mà Ngài trao ban? Không, tất nhiên không phải vậy. Với tất cả những Lời trong Kinh Thánh thì một khi Thiên Chúa cố gắng hướng chúng ta đến với chuẩn mực của Ngài thì cũng chỉ vì muốn chúng ta hạnh phúc mà thôi. Phương cách để có được cuộc sống tràn đầy và hạnh phúc là không nhìn vào bản thân, mà sống cho người khác. Các nhà lãnh đạo chỉ thăng tiến khi họ bước đi trong tinh thần đó. Tính tự kiêu là một trong những công cụ hữu hiệu mà sự dữ khiến chúng ta qui chiếu về bản thân và không quan tâm người khác.

Khi bạn qui chiếu về bản thân thì bạn không còn để ý đến những nhu cầu của người khác nữa. Bạn thấy bản thân mình trải qua một cuộc sống toàn là làm cho người khác đau lòng, xúc phạm người khác, sử dụng người khác, lạm dụng người khác, mà thậm chí bản thân còn không biết mình đang làm như vậy. Tôi đã quan sát khía cạnh này trong đời sống của những người đảm nhận vai trò lãnh đạo, thật là đau buồn nhìn thấy sự xuống dốc về chiều kích thiêng liêng của họ.

Pl 2:3-4: “Ðừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.”

Đời sống của Út-di-gia-hu, một vị vua của dân Giu-đa, là một ví dụ rõ nét về tác hại của tính tự kiêu. “Vua được mười sáu tuổi khi lên ngôi và trị vì năm mươi hai năm ở Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Giơ-khôn-gia-hu, người Giê-ru-sa-lem.” (2 Sb 26:3). Ban đầu nhà vua có thái độ rất tốt lành. “Vua đã tìm kiếm Thiên Chúa suốt thời ông Dơ-khác-gia-hu, người đã dạy cho vua biết kính sợ Thiên Chúa. Bao lâu vua tìm kiếm Ðức Chúa, thì Thiên Chúa cho vua được thành công.” (2 Sb 26:5). Nhà vua trở thành nổi tiếng và rất thành công. “Người Am-mon đã triều cống vua Út-di-gia-hu; danh tiếng vua vang đến tận ranh giới Ai-cập, vì uy lực của vua đã đạt tới cao độ.” (2 Sb 26:8). Nhà vua xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, và được Chúa chúc phúc.

Thế mà sự xa ngã lại ập đến. “Nhưng hùng mạnh rồi, vua sinh lòng tự cao tự đại đến nỗi ra hư hỏng. Vua xúc phạm đến Ðức Chúa, Thiên Chúa của vua, vì đã cả gan vào Ðền Thờ của Ðức Chúa đốt hương trên bàn thờ dâng hương” (2 Sb 26:16). Do đâu mà nhà vua ra nông nổi vậy? Nhà vua đã ngủ quên trên chiến thắng. Nhà vua trở nên tự kiêu. Thiên Chúa trừng phạt khiến ông mắc bệnh cùi.

Các nhà lãnh đạo phải vạch ra và truyền đạt mục tiêu của mình và sau đó xác định đường hướng để đạt được những mục tiêu đó. Tính tự kiêu chính là kẻ thù lớn nhất của các nhà lãnh đạo ngay tại điểm kết nối đó. Một khi ai đó đầy tính tự kiêu thì họ không thể nhận ra con đường tốt nhất để đạt đến mục đích của họ, vì họ chỉ nhìn thấy điều gì đã đem lại danh lợi và sự ca ngợi cho họ. Đôi khi tính tự kiêu che mắt các nhà lãnh đạo, khiến họ không thể thấy con đường tốt nhất. Họ khước từ việc phân định. Họ chỉ thấy những gì tính tự kiêu thúc đẩy họ nhìn mà thôi. Và thế là kết cục bi đát xảy đến.

Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã xa ngã vì điều đó. “Nhưng khi trở nên tự cao tự đại và sinh lòng kiêu căng quá mức, người đã bị truất ngôi và mất hết vinh dự.” (Đn 5:20).

Trái lại, tiên tri Isaia mô tả hình ảnh con người được Thiên Chúa sử dụng thì như thế này: Ðức Chúa phán thế này: “Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta. Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi? Tất cả những vật ấy, chính tay Ta đã làm. Tất cả những vật ấy đều là của Ta – sấm ngôn của Ðức Chúa. Kẻ được Ta đoái nhìn: đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ.” (Is 66:1-2).

Tôi đã từng nghe Billy Graham chia sẻ trong nhiều sự kiện rằng ông dâng cho Chúa tất cả những vinh quang từ những gì mà sứ vụ tông đồ của ông gặt hái được. Ông còn nhấn mạnh rằng một khi ông giữ những vinh quang đó cho riêng mình thì coi như ông đánh mất tất cả.

Vì vậy tính tự kiêu dẫn đưa các nhà lãnh đạo đến hồi kết thúc. Đối với Thiên Chúa thì điều đó sẽ phá huỷ hiệu quả công việc của họ vì nó sẽ phát tán hai căn bệnh hiểm nghèo vào tâm hồn. Một là sự dốt nát. Tính tự kiêu khiến cho con người trở nên tự mãn và không thể học hỏi thêm gì được nữa. Nó khiến cho họ không thể nhận ra nhu cầu của mình nữa. Nó khiến cho họ bỏ ngoài tai những lời khuyên, tư vấn tốt lành của người khác.

Qua Kinh Thánh Thiên Chúa hướng chúng ta đến những giá trị lớn lao của những lời khuyên. “Thiếu bàn bạc, chương trình đổ vỡ, nhiều cố vấn, ắt sẽ thành công” (Cn 15:22).

Vì vậy những lời khuyên thiêng liêng chính là sự quan tâm của Thiên Chúa nhắn nhủ đến con tim chúng ta. Những lời khuyên đó là những gì tốt đẹp nhất cho vương quốc của Thiên Chúa. Nhiều người chỉ tìm kiếm những lời khuyên từ những ai đồng thuận với họ; có những người khác thì không quan tâm đến lời khuyên vì họ không thể tìm ra những lời khuyên nào mà không thiêng vị. Thậm chí những lời khuyên từ những người rất yêu mến bạn và hết mực vì lợi ích của bạn vẫn có thể dẫn bạn đến những kết cục không tốt.

Tôi còn nhớ có lần tôi trao đổi với G. Christian Weiss, một nhà truyền giáo được nhiều người kính trọng. Ông ấy bảo tôi là nếu ông ấy nghe lời khuyên của bạn bè và họ hàng thì có lẽ ông ấy đã không đến được vùng truyền giáo. Họ cảm thấy việc ông đi truyền giáo chẳng khác nào là ông từ bỏ cuộc sống của mình. Họ yêu mến ông và quan tâm đến lợi ích của ông đấy chứ.

Các nhà lãnh đạo cần phải chuẩn bị trước những điều này khi họ cho hay nhận lời khuyên. Họ phải là người dễ học hỏi chứ không phải dễ tin. Họ phải suy xét lời khuyên dưới ánh sáng Kinh Thánh và lợi ích của vương quốc của Chúa. Họ phải giữ tấm lòng rộng mở và sẵn lòng hướng dẫn người khác. “Thiếu lãnh đạo, dân tộc bị sụp đổ, nhiều cố vấn, đất nước được an ninh” (Cn 11:14).

Căn bệnh thứ hai do tính tự kiêu gây ra là sự bất an. Các nhà lãnh đạo mà chỉ qui chiếu về bản thân thì lo lắng một cách thái quá về việc họ trông ra sao trong mắt người khác. Họ thường xuyên dùng thành tích của người khác là thước đo cho mình. Lời Chúa chỉ rõ đó là cách làm ngu xuẩn, thiếu khôn ngoan. “Thật ra, chúng tôi đâu dám cho mình ngang hàng hay so sánh mình với những kẻ tự cao tự đại kia. Nhưng khi họ lấy mình làm tiêu chuẩn để tự đánh giá và so sánh, thì họ không được khôn” (2 Cr 10:12).

Thay vì cậy dựa vào sự hiểu biết đã được Thiên Chúa ban cho là “Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn” (1 Cr 12:18), những nhà lãnh đạo với sự bất an luôn lo lắng xem người khác nghĩ gì về họ. Điều này khiến cho họ kém hiệu quả hơn trong công việc vì mắt họ không còn nhìn đến những mục tiêu nữa. Những đồng nghiệp của họ trở thành mối đe doạ hơn là sự trợ giúp.

Hai thái cực có thể xảy đến. Hoặc là sẽ cố gây ấn tượng với người khác bằng những kế hoạch hay chương trình đầy tham vọng nhằm “chứng tỏ cho người khác thấy điều họ có thể làm,” hoặc là họ rút lui, chẳng làm gì cả. Nếu họ triển khai một chương trình lớn, thì dường như họ thực hiện với một nhiệt huyết cao độ, nhưng rồi cuối cùng lại thất bại. Tôi nhớ đã từng quan sát một người làm như vậy với một kết quả thảm hại. Chẳng kháo nào đang quan sát một nhà máy khổng lồ đang chạy hết công suất. Bụi bay mịt mù, máy mọc chạy ầm ầm, công nhân thì bận rộn, nhưng dây chuyền lắp ráp chẳng cho ra một sản phẩm nào. Sự bất an của các nhà lãnh đạo khiến họ chỉ tập trung vào quản bá sự náo động của những hoạt động, nhưng thiếu ơn lành của Chúa.

Tất nhiên thái cực kia là nỗi lo sợ thất bại đến nỗi khiến cho mọi sự án binh bất động. Thay vì thừa nhận điểm yếu của mình và bước đi trong niềm tin thì họ lại chẳng làm gì cả. Thánh Phaolô Tông Đồ nhận ra yếu điểm của mình, nhưng với thái độ đúng đắn thì ngài lại nhận thấy đó lại là một tài sản quý giá cho sứ vụ của Đức Kitô: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ở mãi trong tôi.” (2 Cr 12:8-9). Một tinh thần khiêm nhường trong đời sống của nhà lãnh đạo chính là nguồn lực quyền năng trong tay Thiên CHúa Toàn Năng.

Làm thế nào để nhà lãnh đạo duy trì được tinh thần khiêm nhường trước mặt Chúa? Tất nhiên, có nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố nỗi trội nhất. Để có thể bước đi trong khiêm cung trước mặt Chúa, nhà lãnh đạo cần phải sống một đời sống của sự tôn vinh đích thật. Trên thiêng quốc các Con Vật  quanh ngai Thiên Chúa ngày đêm không ngừng hô lên “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Ðức Chúa, Thiên Chúa toàn năng” (Kh 4:8). Nếu các nhà lãnh đạo sống trong tinh thần tôn vinh đó, thì họ sẽ được nhắc nhở về những yếu đuối và tội lỗi của mình. Nhưng sự nhắc nhở đó không xuất phát từ đời sống nội tâm không tốt lành, mà đến từ con tim tràn đầy sự tôn vinh dành cho Thiên Chúa vì sự thánh thiện và quyền năng của Ngài. Đáp lại Thiên Chúa có thể sử dụng điều đó để dẫn họ đi trong đức tin và niềm phó thác vào lời hứa, “Với Ðấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” (Pl 4:13)

Đức Tin

Phẩm chất quan trọng thứ ba trong đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo là đc tin. Kinh Thánh nói: “Mà không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Ðấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” (Dt 11:6). Vì vậy chúng ta thường nghe rằng Thiên Chúa tìm kiếm đức tin như đức tin của trẻ nhỏ nơi các môn đệ của mình. Nhưng đức tin là gì? Đức tin liên quan đến điều gì? Chúng ta sẽ trao đổi bốn phạm trù sau.

Thứ nhất, đức tin nghĩa là chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. “Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Ðức Kitô Giêsu.” (Pl 4:19). Tôi nhận công việc tông đồ đầu tiên tại Pittsburgh. Tôi đến nơi chỉ với một chiếc áo sơ mi trên vai và tất cả chỉ có thế. Nguồn tài chính thì hạn hẹp mà nhu cầu của tôi thì vô vàng.

Nhà chúng tôi thì được sử dụng triệt để cho việc tông đồ, nhưng phòng khách thì trống không ngoại trừ một chiếc ghế bành nằm sát cửa sổ. Vì vậy vợ tôi là Ken Smith, cũng là một người dấn thân, đã quyết định cầu nguyện cho nhu cầu cụ thể để trang bị cho phòng khách của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin hai chiếc bàn dài, một bàn cà phê và một chiếc ghế để gốc tường.

Ngày hôm sau chuông điện thoại reo. Một người đàn ông tìm hỏi Ken và nói: “Ông Smith quý mến, tôi không biết ông có nhớ tôi không, nhưng ông đã chia sẻ cho chúng tôi ngay trung tâm ngày hôm trước. À, tôi chuyển đến Buffalo, New York, ở đó tôi sẽ làm công việc phun cát áp lực cao. Tôi đã thu xếp hầu hết đồ nội thất của nhà tôi, nhưng còn vài thứ tôi chẳng biết giải quyết thế nào. Hy vọng là tôi không làm phiền ông, nhưng tôi chợt có suy nghĩ không biết ông có cần dùng những đồ dùng đó không. Ông xem thử ông có cần hai cái bàn dài, một bàn cà phê và một ghế gốc tường không?

Ken đánh rơi chiếc điện thoại. Anh nhặt điện thoại lên và trả lời cho người đàn ông đó là chúng tôi sẽ đến ngay. Chúng tôi thuê một cái rờ mọoc và thế là chiều hôm đó căn phòng được trang bị đầy đủ.

Chúng tôi sống ở phía bắc thành phố, nguyên việc đi đến đại học ở phía đông thì cũng rất khó khăn. Tôi làm việc tám tiếng ở trường để chia sẻ với sinh viên và thật sự cần một chiếc xe. Một chủng sinh trẻ tên là Ray Joseph có hẹn định kỳ với tôi mỗi 5h sáng thứ tư để cầu nguyện cho cuộc sống và sứ vụ của chúng tôi. Một buổi sáng nọ chúng tôi cầu nguyện một cách rất cụ thể là xin Chúa ban cho một chiếc xe để đi làm việc.

Tối thứ tư sau đó điện thoại reo. Đó là người phụ nữ từ nhà thờ First Presbyterian, người dạy lớp người lớn. Bà ấy nói là một trong học viên trong lớp tên là Bill Newton vừa mới sắm một chiếc xe mới. Cửa hàng xe mua lại chiếc xe cũ giá rất thấp nên ông muốn cho ai đó chiếc xe cũ. Lớp học nghe tôi đang làm việc ở trường đại học và không biết tôi có cần một chiếc xe không. Tôi nói với bà ấy là thực ra tôi đang cầu xin một chiếc xe.

Bà ấy nói “Lời cầu xin của ông đã được nhậm lời!”

Bill và Edie Newton không chỉ cho tôi chiếc xe, mà cả lớp còn quyên góp được $ 125 để sửa chiếc xe, mua bảo hiểm một năm, thay bảng số và còn cho chúng tôi $50 để đỗ xăng.

Tôi chuyền từ bờ tây sang Pittsburgh và sớm nhận ra quần áo của tôi không phù hợp với trường học ở bờ đông. Học sinh vùng này mặc áo khoác xám đậm, khăn quàng cỗ màu đen xám và giày, vớ đen. Mỗi tối thứ hai chúng tôi ăn tối tại nhà một hội sinh viên khác nhau và chia sẻ Lời Chúa. Giữa rừng màu đen thì tôi nổi bật như là cây nến. Tôi có chiếc áo khoác xanh nhẹ, khăn quàng cỗ đầy màu sắc và hoa hòe, và đôi giày có đế màu vàng. Vì thế tôi cầu nguyện cho ngăn tủ quần áo của tôi. Trong tuần đó Chúa ban cho tôi một bộ áo quần màu đen rất hợp với học sinh. Tuần sau đó Ken Smith và tôi đang giúp một phụ nữ trong nhà thờ của anh ấy mấy việc vặt trong nhà bà ấy. Khi chúng tôi xong việc và đang bước ra khỏi nhà thì bà ấy dúi một bao giấy vào tay tôi. Trên đường về nhà tôi mở bao giấy ra và khám phá đó là một đôi giày màu đen rất vừa chân.

Tôi có một nhu cầu khác là chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ cũ của tôi đã bị mấy cháu nhỏ làm vỡ khi tôi hướng dẫn khoá học Kinh Thánh trong kỳ nghĩ tại quê nhà Neola, Iowa. Vì không có đồng hồ nên thỉnh thoảng tôi trễ hẹn và tôi biết việc đó không làm vinh danh Chúa. Vì vậy tôi cầu xin để có chiếc đồng hồ.

Một tối nọ tôi chia sẻ điều đó với lớp học Kinh Thánh buổi tối thứ bảy. Tối thứ tư tuần sau một học viên đến nhà tôi với món quà cám ơn. Đó là chiếc hộp cỡ quyển tập học Kinh Thánh của Halley và tôi rất cảm kích. Nhưng khi mở nó ra, đó không phải là quyển tập mà là một chiếc đồng hồ đeo tay tự động hiệu Omega mà tôi còn đeo đến bây giờ. Đối với tôi, một lãnh đạo công giáo trẻ tuổi tại một thành phố mới, Thiên Chúa đã hết lần này đến lần khác mặc khải cho tôi rằng Ngài sẵn sàng, mong muốn và có thể đáp ứng những nhu cầu của tôi.

Đức tin cũng có nghĩa là chúng ta tin tưởng rng nhng gì chúng ta làm cho Chúa thì s sinh hoa trái. “Người ấy tựa cây trông bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành” (Tv 1:3)

Khu đất của chúng tôi có một con lạch chảy qua – con lạch được cỏ dại, cây cối và hoa dại bao phủ. Khu vườn của vợ tôi, cũng là niềm tự hào và niềm vui của cô ấy, cũng nằm gần con lạch. Cô ấy thường xuyên chăm sóc khu vườn. Khi cây nào trông có vẻ không tươi tốt thì cô ấy nuôi dưỡng bằng cách tưới nước, bón phân. Tuy nhiên, cô ấy không đến sát con lạch để chăm sóc những cây cối, bụi rậm mọc hoang gần đó. Cô ấy chỉ đế mắt tới những cây cối mà cô ấy vun trồng thôi. Kinh Thánh dạy rằng chúng ta không phải những cây cỏ hoang dại mọc đây đó. Chúng ta là “cây” được Cha trên trời “vun trồng”. Chúng ta được Ngài quan tâm, bảo vệ không ngơi, chúng ta được bao bọc bởi con sông tình yêu, lòng thương xót và hồng ân của Ngài.

Một lần nữa các thánh vịnh gia nhấn mạnh sự thật này: “Xin Ðấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Ðấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính CHÚA là Ðấng canh giữ bạn, chính CHÚA là Ðấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề.” (Tv 121: 3-5)

Gần đây, tôi có đọc được một câu chuyện đến trong đời của một thuyền trưởng nổi tiếng trong những tháng ngày làm việc trên chiếc thuyền viễn dương. Khi đang băng qua Đại Tây Dương, trên đường từ Loverpool đến New York, thì con tàu gặp phải một cơn bão dữ dội. Sóng biển thì khổng lồ, gió thổi kèm giông tố, và con tàu như bị hất tung lên một cách khiếp đảm.

Hành khách thì kinh hãi, choàng áo phao vào và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Con gái tám tuổi của thuyền trưởng cũng có mặt trên tàu trong chuyến đi đó. Con bé bị thức giấc bởi những tiếng ồn ào, đã khóc thét và hỏi có chuyện gì vậy. Mọi người nói với con bé về cơn bão và tình trạng nguy hiểm của con tàu.

Con bé hỏi, “Bố tôi có trên boong tàu không?”. Họ chắc chắn với con bé là có. Con bé mỉm cười và ngã đầu xuống gối rồi ngủ tiếp trong chốc lát.

Đức tin kiểu của trẻ con như vậy làm hài lòng Thiên Chúa. Ngài đảm bào rằng Ngài sẽ gìn giữ tâm hồn chúng ta, rằng Ngài sẽ không ngủ quên.

Hơn nữa, đức tin nghĩa là chúng ta tín thác tuyt đi vào Thiên Chúa. Điều này được minh hoạ qua con trai út của tôi. Khi cháu đã lớn hơn chiếc xe đạp mình đang có thì muốn một chiếc xe đạp lớn hơn. Chúng tôi đến tiệm bán xe đạp và chọn lựa các loại ở đó. Cu nhóc không mè nheo và than van gì khi chúng tôi trao đổi xem chúng tôi có đủ tiền để mua không. Thái độ của cu nhóc là “Chiếc nào bố mẹ thấy tốt nhất là được, bố ạ”

“Lạy CHÚA, Ngài quả là chính trực, quyết định của Ngài thật công minh. Ngài đem thánh ý ban hành, thảy đều một mực chí thành chí công.” (Tv 119 : 137-138). Thiên Chúa chẳng bao giờ làm điều gì sai. Những gì Ngài mời gọi chúng ta tin tưởng và thi hành là hoàn toàn đúng. Lời Ngài là chính đáng tuyệt đối. Ngài quyết định gì, Ngài dẫn đưa đến đâu, và Ngài nói gì đều đúng. Lời hứa của Ngài là chắn chắn. Mong muốn của Ngài thì tốt lành, được đón nhận và hoàn hảo.

Bên cạnh việc cậy dựa vào lời hứa, sự quan phòng và đáng tin cậy của Thiên Chúa thì chúng ta có thể quan sát một vẻ đẹp sáng ngời từ bản tính của Thiên Chúa và liên quan đến đức tin, đó là quyền năng của Chúa. Mùa hè này tôi suy niệm câu chuyện về người chia và đứa con trong Mc 9. Khi Chúa Giê-su và ba môn đệ từ trên núi xuống thì biết một câu chuyện phiền lòng.  Người cha đem con đến cho các môn đệ chữa trị, nhưng họ làm không nổi. Chúa Giê-su hỏi người cha là đứa con bị như vậy từ bao lâu rồi.

Người cha trả lời “từ thuở bé” (Mc 9 : 21). Ông ấy nói tiếp “Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9 :22). Lưu ý từ làm được gì. Người cha mong chờ bất cứ sự cứu giúp nào.

Nhưng Chúa Giê-su trả lời, “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (Mc 9 :23)

Câu trả lời của Ngài thật tuyệt vời. Người cha nói, “Nếu ngài có thể.” Chúa Giê-su trả lời ” Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin.” Người cha nói  “làm được gì.”; Chúa Giê-su đáp “cái gì cũng có thể.”. Vấn đề không hệ ở việc Chúa Giê-su có thể làm được gì hay bao nhiêu. Mà vấn đề hệ ở chỗ chúng ta có tin hay không. Giống như Chúa Giê-su bảo hai người mù trong một câu chuyện khác. “Các anh tin thế nào thì được như vậy”. (Mt 9 :29).

Đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo sẽ hoặc là giúp họ thăng tiến hoặc huỷ hoại họ. Nếu họ thờ ơ trong việc gieo sự trong sạch, tính khiêm nhường và đức tin thì họ sẽ gặp khốn khó. Trái lại, nếu họ chọn lựa trở thành dân của Chúa, “Bởi vì Ðức Chúa đưa mắt rảo khắp hoàn cầu để gia tăng sức mạnh cho những ai giữ lòng trung nghĩa với Người.” (2 Sb 16 :9). Với ơn Chúa bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo như vậy.

Hướng dẫn học cá nhân và tập thể

Đời sống trong sạch, tính khiêm nhường và đức tin là những phẩm chất nền tảng và chính yếu trong đời sống nội tâm của nhà lãnh đạo

Xây dựng cộng đồng

1. Làm việc trong nhóm, liệt kê lên bảng những phẩm chất của một nhà lãnh đạo thiêng liêng lý tưởng? Nếu cần thiết thì thống nhất một vai trò cụ thể nào đó (ví dụ, linh mục, giáo lý viên, ban hành giáo, hội trưởng hội phụ nữ, v.v). Đánh dấu những phẩm chất chính yếu.

2. Giả định bạn là tổng giám đốc của một công ty bán lẻ. Khi bạn phỏng vấn những ứng viên tiềm năng cho một vị trí quản lý quan trọng thì bạn tìm kiếm những phẩm chất nào?

Câu hỏi khám phá

1. Đâu là sự liên kết giữa những đức tính ngoại tại người ta mong muốn có (chẳng hạn những đức tính của Đa-ni-en và những người bạn đã được đề cập đầu chương 3 này) với những phẩm chất nội tại như là đời sống trong sạch, tính khiêm nhường và đức tin?

2. “Phần Ða-ni-en, vì quyết tâm không để mình bị ô uế” (Đn 1:8). Từ “quyết tâm” có ý nghĩa gì với bạn? Từ này đóng vai trò gì trong đời sống trong sạch?

3. Đã có lúc bạn đã đánh giá ai đó qua diện mạo rồi sau đó bạn phát hiện ra mình đã nhận định sai? Hãy nhớ lại một ví dụ bạn nhận định quá tích cực và một ví dụ quá tiêu cực.

4. Trong nội dung “Đời sống trong sạch” Eims chia sẻ “nguyên tắc 6-8-10” để phân định đúng, sai trong những bối cảnh khó phân định. Hãy chọn việc gì đó khiến bạn khó chọn lựa và áp dụng thử bốn nguyên tắc để xác định phải chăng việc đó giúp bạn có được đời sống trong sạch. Bạn có đồng ý với kết quả không? Tại sao và tại sao không?

5. Có sự khác biệt về tiêu chuẩn trong sạch giữa những nhà lãnh đạo và những ai không đóng vai trò lãnh đạo không? Vui lòng giải thích

6. Eims nhấn mạnh tính khiêm nhường là một đức hạnh của nhà lãnh đạo. Làm thế nào mà nhà lãnh đạo nhận ra rằng họ đang qui chiếu vào bản thân quá nhiều và rơi vào cái bẫy của tính tự kiêu? Đâu là những cách khắc phục?

7. Eims nói rằng tính tự kiêu phát tán hai “căn bệnh hiểm nghèo vào tâm hồn: sự dốt nát và nỗi bất an”. Bạn nhìn nhận hai căn bệnh này trong đời sống của bạn thế nào?

8. Hầu hết mọi người đều đồng hoá tinh thần tự kiêu với sự tự tin thái quá thay vì với sự bất an? Bạn nghĩ sao?

9. Hãy nêu lên bốn chiều kích về ý nghĩa của đức tin trong nội dung “Đức tin”. Ý nghĩa nào khó khăn nhất đối với bạn?

10. Đâu là một số phương thức mà một nhóm các nhà lãnh đạo có thể cùng làm việc để giúp đỡ lẫn nhau thăng tiến và gìn giữ đời sống nội tâm thánh thiện?

Gợi ý cầu nguyện

Hãy dâng đời sống nội tâm của bạn cho Chúa và xin Ngài uốn nắn bạn trở nên nhà lạnh đạo biết phụng sự Thiên Chúa. Xin Ngài giúp bạn đừng đánh giá người khác bằng vẻ bên ngoài nhưng có khả năng nhìn nhận họ như Ngài nhìn nhận.

Những hoạt động khác

1. Trong tuần này cố thử nhìn nhận lại lúc bạn đánh giá ái đó bằng vẻ bên ngoài

2. Làm một khảo sát nhỏ với hai bạn trẻ và hai người lớn. Hỏi họ xem họ ngưỡng mộ những nhà lãnh đạo nào nhất và tại sao. Lưu ý là lý do cho sự ngưỡng mộ là ngoại tại hay nội tại của nhà lãnh đạo.

Bài tập

1. Đọc chương 4 và làm bài tập

2. Để ý thái độ cơ bản của bạn trước người khác, tập trung đặc biệt vào con tim phục vụ và/hoặc sự nhạy bén