Tông Huấn “Christus Vivit” - Chương Hai

Theo những điều Phúc âm cho biết, chúng ta có thể nói rằng trong những năm tuổi trẻ, Đức Giêsu đã “tự rèn luyện”, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy.

CHƯƠNG HAI

Đức Giêsu Kitô luôn trẻ trung

22. Đức Giêsu là “người trẻ giữa những người trẻ để nên mẫu gương cho người trẻ và thánh hiến họ cho Chúa”. [3] Chính vì thế Thượng Hội đồng nói rằng “tuổi trẻ là một thời kỳ độc đáo và đầy hứng khởi trong cuộc đời, chính Đức Giêsu đã trải qua và thánh hoá thời kỳ này”. [4] Phúc âm nói gì với chúng ta về tuổi trẻ của Đức Giêsu?

Tuổi trẻ của Đức Giêsu

23. Chúa “trút linh hồn” (Mt 27,50) trên thập giá lúc Người chỉ mới ngoài ba mươi (x. Lc 3,23). Cần nhớ rằng Đức Giêsu là một người trẻ. Người đã hiến mạng sống khi đang ở độ tuổi mà ngày nay được coi là tuổi thanh niên. Người bắt đầu sứ mạng công khai khi đang tràn đầy sức sống của tuổi thanh xuân, và như thế, “một ánh sáng rực rỡ” (Mt 4,16) đã xuất hiện, nhất là khi Người hiến mạng sống mình cho đến cùng. Kết cục ấy không phải là ngẫu nhiên, nhưng toàn bộ tuổi trẻ của Người là một sự chuẩn bị quý giá, trong từng khoảnh khắc, vì “mọi sự trong đời sống của Đức Giêsu là một dấu chỉ mầu nhiệm của Người” [5]và “cả cuộc đời của Đức Kitô là mầu nhiệm cứu chuộc”. [6]

24. Phúc âm không nói đến thời thơ ấu của Đức Giêsu, nhưng kể cho chúng ta một vài biến cố thuở niên thiếu và thời thanh niên của Người. Mátthêu đặt giai đoạn tuổi trẻ của Người vào giữa hai sự kiện: việc gia đình của Đức Giêsu trở về Nadarét sau thời gian lánh nạn, và việc Người chịu phép rửa ở sông Giođan để bắt đầu sứ vụ công khai. Những hình ảnh cuối cùng về trẻ Giêsu là những hình ảnh của một em nhỏ tị nạn ở Ai Cập (x. Mt 2,14-15) rồi hồi hương về Nadarét (x. Mt 2,19-23). Những hình ảnh đầu tiên của Đức Giêsu như một người trưởng thành là những hình ảnh cho thấy Người ở trong đám đông trên bờ sông Giođan, để được người anh họ là Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho, cũng như mọi người khác trong dân (x. Mt 3,13-17).

25. Phép rửa ấy không giống như phép rửa của chúng ta, dẫn chúng ta vào đời sống ân sủng, nhưng là một sự thánh hiến trước khi Người bắt đầu sứ mạng trọng đại của cuộc đời Người. Phúc âm nói rằng phép rửa của Đức Giêsu làm cho Chúa Cha rất hân hoan và hài lòng: “Con là Con yêu dấu của Ta” (Lc 3,22). Rồi Đức Giêsu được tràn đầy Thánh Thần và được Thánh Thần dẫn vào hoang địa, chuẩn bị ra đi rao giảng và làm các dấu lạ, giải thoát và chữa lành (x. Lc 4,1-14). Như thế mọi người trẻ, khi cảm nhận mình được kêu gọi nhận lãnh một sứ mạng trong thế giới này, cũng được mời gọi nhận ra những lời ấy của Chúa Cha trong tâm hồn mình: “Con là con yêu dấu của Ta”.

26. Giữa hai trình thuật này, có một trình thuật khác nói về Đức Giêsu ở tuổi thiếu niên. Đó là lúc Người cùng với cha mẹ mình trở về Nadarét, sau biến cố hai ông bà lạc mất Người rồi lại tìm thấy Người trong Đền thờ (x. Lc 2,41-51). Trình thuật cho biết “Người vâng lời cha mẹ” (x. Lc 2,51), vì Người không chối bỏ gia đình mình. Rồi Thánh Luca thêm rằng Đức Giêsu “lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2,52). Nghĩa là Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhân. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng Đức Giêsu không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn “về tâm linh nữa”, vì “sự viên mãn của ân sủng nơi Đức Giêsu tương ứng với tuổi tác: luôn có sự viên mãn, nhưng sự viên mãn ấy gia tăng theo độ tuổi của Người”. [7]

27. Theo những điều Phúc âm cho biết, chúng ta có thể nói rằng trong những năm tuổi trẻ, Đức Giêsu đã “tự rèn luyện”, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy.

28. Khi Đức Giêsu còn ở tuổi niên thiếu và tuổi trẻ, mối tương quan của Người với Chúa Cha là tương quan của người Con yêu dấu. Vì gắn bó với Chúa Cha nên Người lớn lên với niềm thao thức về các công việc của Chúa Cha: “Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con sao?” (Lc 2,49). Nhưng đừng nghĩ rằng Giêsu là một thiếu niên sống cô độc hay một thanh niên khép kín. Mối tương quan của Đức Giêsu với mọi người là mối tương quan của một người trẻ chia sẻ cả cuộc sống của một gia đình hoà nhập với dân tộc. Người học việc với cha, rồi sau đó thay cha làm thợ mộc. Vì thế trong Phúc âm có lần Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55), và lần khác, đơn giản là “chàng thợ mộc” (Mc 6,3). Chi tiết ấy cho thấy Người là một thanh niên bình thường trong dân chúng, có những mối tương quan bình thường. Chẳng ai xem Người như một anh chàng xa lạ hay tách biệt với những người khác. Chính vì thế, khi Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy, người ta mới không hiểu bởi đâu mà Người có được sự khôn ngoan ấy: “Đây không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4,22).

29. Thật vậy, “Chúa Giêsu đã không lớn lên trong mối tương quan khép kín và đơn độc chỉ với Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng Người sống vui vẻ trong gia đình lớn, nơi có bà con và bạn hữu”. [8] Thế nên chúng ta có thể hiểu tại sao khi trên đường hành hương Giêrusalem về, cha mẹ Người vẫn yên trí rằng cậu bé mười hai tuổi (x. Lc 2,42) đang la cà với những người khác, mặc dù suốt cả ngày hai ngài chẳng nhìn thấy cậu: “Nghĩ là con mình có trong đoàn lữ hành, nên ông bà đã đi một ngày đàng” (Lc 2,44). Chắc hẳn – các ngài nghĩ vậy – cậu Giêsu vẫn đang ở giữa đoàn người, chạy qua chạy lại, vui đùa với những cậu bé đồng trang lứa, nghe những người lớn kể chuyện và chia sẻ buồn vui với những người cùng đi. Ở đây, từ Hy lạp “synodía” mà Luca dùng để chỉ đoàn người hành hương chính là nói về cộng đoàn đang lữ hành, trong đó có Thánh Gia. Vì được cha mẹ tin tưởng nên cậu Giêsu có thể tự do đi lại và học cách cùng bước đi với người khác.

Tuổi trẻ của Đức Giêsu soi sáng cho chúng ta

30. Những khía cạnh này trong đời sống của Đức Giêsu có thể truyền cảm hứng cho tất cả các bạn trẻ đang lớn lên và chuẩn bị thi hành sứ mạng của mình. Điều này đòi hỏi người trẻ phải lớn lên trong mối tương quan với Chúa Cha, trong ý thức thuộc về một gia đình và một cộng đồng, trong việc mở lòng ra để được tràn đầy Thánh Thần và được hướng dẫn thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác, là ơn gọi riêng của mình. Trong mục vụ giới trẻ, không được bỏ qua điểm nào trên đây, kẻo lại lập ra những dự án tách rời người trẻ khỏi gia đình và thế giới, hoặc biến họ thành một thiểu số ưu tuyển, được bảo vệ khỏi mọi ô nhiễm. Nhưng chúng ta cần những dự án giúp cho người trẻ được vững vàng, đồng hành với họ, thúc đẩy họ gặp gỡ những người khác, quảng đại phục vụ và đảm nhận sứ mạng.

31. Các bạn trẻ thân mến, Đức Giêsu không dạy các con từ xa hay từ bên ngoài, nhưng Người chia sẻ với các con ngay trong chính tuổi trẻ của các con. Điều quan trọng là các con hãy chiêm ngắm người thanh niên Giêsu mà các sách Phúc âm trình bày cho chúng ta, vì Người thực sự là một người trong các con, và nơi Người chúng ta nhận ra nhiều đặc điểm của những con tim trẻ trung. Chẳng hạn, chúng ta thấy điều này trong những đặc điểm sau đây: “Đức Giêsu đã tin tưởng Chúa Cha cách tuyệt đối, Người đã nâng niu tình bạn giữa Người và các môn đệ và ngay cả khi có biến động, Người vẫn trung thành với tình bạn ấy. Người đã biểu lộ một lòng trắc ẩn sâu xa đối với những người yếu kém nhất, đặc biệt là người nghèo, người bệnh tật, người tội lỗi và người bị loại trừ. Người đã dũng cảm đương đầu với giới cầm quyền trong tôn giáo và chính trị thời bấy giờ; Người đã trải qua kinh nghiệm bị hiểu lầm và bị chối bỏ; Người đã cảm thấy sợ hãi trước đau khổ và đã biết đến sự mong manh của Khổ nạn; Người đã hướng mắt nhìn về tương lai, phó thác trong vòng tay vững chãi của Chúa Cha và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Giêsu, mọi người trẻ có thể tìm thấy chính mình.” [9]

32. Đàng khác, Đức Giêsu đã sống lại và Người muốn chúng ta thông dự vào nét mới mẻ của cuộc phục sinh ấy. Người là nét trẻ trung đích thực của một thế giới già cỗi, cũng là nét trẻ trung của một vũ trụ “sắp sinh nở” (Rm 8,22) đang chờ được mặc lại ánh sáng và sự sống của Người. Ở bên Người, chúng ta được uống từ nguồn mạch đích thực có sức làm cho những giấc mơ, những kế hoạch và lý tưởng cao cả của chúng ta luôn sống động, đồng thời thúc đẩy chúng ta loan báo một cuộc sống thật đáng sống. Trong hai chi tiết thú vị của Phúc âm Máccô, chúng ta lưu ý đến lời mời gọi sống tuổi trẻ đích thực của những người được sống lại. Một đàng, trong cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta thấy có một thanh niên nhút nhát muốn đi theo Đức Giêsu, nhưng lại sợ hãi bỏ cả áo xống chạy trốn (x. Mc 14,51-52); anh không có can đảm liều mất mọi sự để theo Chúa. Đàng khác, nơi ngôi mộ trống, chúng ta thấy một thanh niên khác, “mặc áo trắng dài” (Mc 16,5), bảo các phụ nữ đừng sợ và loan báo cho họ tin vui phục sinh (x. Mc 16,6-7).

33. Chúa kêu gọi chúng ta thắp lên những ánh sao trong đêm tối của các bạn trẻ khác, Ngài mời chúng ta nhìn lên những vì sao đích thực, đó là những dấu chỉ đủ loại mà Ngài ban tặng để chúng ta không chỉ đứng nhìn, nhưng bắt chước người gieo hạt: họ ngắm nhìn các vì sao trên trời để biết cách trồng trọt. Thiên Chúa thắp sáng các vì sao để chúng ta luôn bước đi: “Các vì sao hân hoan chiếu sáng, ở chỗ của chúng; Ngài gọi chúng và chúng đáp lại: Chúng tôi đây!” (Br 3,34-35). Chính Đức Kitô là ánh sáng hy vọng rạng rỡ cho chúng ta và soi đường chúng ta trong đêm tối, vì Người là “sao mai chiếu rạng” (Kh 22,16).

Nét trẻ trung của Hội Thánh

34. Tuổi trẻ là một giai đoạn trong cuộc đời; nhưng trước hết tuổi trẻ là một tình trạng của tâm hồn. Vì thế một tổ chức kỳ cựu như Hội Thánh có thể đổi mới và trẻ hoá ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử rất lâu dài của mình. Thật vậy, vào những thời khắc bi thảm nhất trong lịch sử của mình, Hội Thánh cảm nhận được lời mời gọi thực tâm trở về với tình yêu ban đầu. Khi nhớ lại sự thật này, Công đồng Vaticanô II khẳng định rằng “với một lịch sử lâu dài và luôn sống động, đang khi hướng tới sự hoàn thiện con người trong thời gian và hướng tới những định mệnh cuối cùng của lịch sử và của đời sống, Hội Thánh thực sự là tuổi trẻ của thế giới”. Nơi Hội Thánh, người ta luôn luôn có thể gặp được Đức Kitô, “là người đồng hành và người bạn của giới trẻ”. [10]

Một Hội Thánh sẵn sàng canh tân

35. Chúng ta hãy xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những kẻ muốn làm cho Hội Thánh già đi, giam hãm Hội Thánh trong quá khứ, kềm hãm hay làm cho Hội Thánh bị tê liệt. Chúng ta cũng hãy xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi một cám dỗ khác: tin rằng mình trẻ trung vì đã chấp nhận tất cả những gì thế giới mời mọc, tin rằng mình đổi mới vì đã quên đi sứ điệp của mình mà bắt chước người khác. Không! Hội Thánh trẻ trung khi Hội Thánh là chính mình, khi Hội Thánh đón nhận sức mạnh luôn mới mẻ của Lời Chúa, của Thánh Thể, của sự hiện diện của Đức Kitô và sức mạnh Thánh Thần của Người mỗi ngày. Hội Thánh trẻ trung khi Hội Thánh có khả năng không ngừng trở về nguồn.

36. Là thành viên của Hội Thánh, chắc chắn chúng ta không được sống tách biệt với người khác. Họ phải cảm nhận được chúng ta là anh em, là người thân cận của họ, như các Tông đồ “được toàn dân mến phục” (Cv 2,47; x. 4,21; 5,13). Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải dám khác biệt, có những ước mơ khác mà thế gian không có, dám làm chứng cho vẻ đẹp của sự quảng đại, tinh thần phục vụ, sự trong sạch, dũng cảm, tha thứ, trung thành với ơn gọi riêng của mình, của cầu nguyện, tranh đấu cho công lý và công ích, yêu thương người nghèo và tình thân hữu với mọi người.

37. Hội Thánh của Đức Kitô luôn có nguy cơ sa chước cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, bởi không còn nghe tiếng Chúa mời gọi liều mình vì đức tin để cho đi tất cả không đắn đo trước những hiểm nguy, mà quay về tìm kiếm những an toàn giả tạo của thế gian. Chính những người trẻ có thể giúp Hội Thánh giữ được tinh thần trẻ trung, không rơi vào băng hoại; không dừng lại, không kiêu hãnh, không biến thành giáo phái, nhưng trở nên nghèo khó và có khả năng làm chứng hơn nữa, gần gũi với những người hèn kém và những người bị bỏ rơi, biết đấu tranh cho công lý và khiêm tốn đón nhận những chất vấn. Người trẻ có thể đem đến cho Hội Thánh vẻ đẹp của sự trẻ trung khi họ khơi gợi khả năng “vui mừng về những khởi đầu, luôn cho đi chính mình, canh tân và lại lên đường để đạt những thành quả mới”. [11]

38. Ai trong chúng ta không còn trẻ nữa thì cần có những cơ hội gần gũi với tiếng nói và lòng nhiệt thành của người trẻ, chính “sự gần gũi ấy tạo điều kiện để Giáo hội trở thành nơi đối thoại và nơi làm chứng về tình huynh đệ”. [12] Chúng ta cần tạo thêm nhiều không gian hơn cho người trẻ lên tiếng: “Khi có lòng thấu cảm, lắng nghe có thể dẫn đến trao đổi ơn ban cho nhau… Đồng thời, lắng nghe tạo điều kiện để việc loan báo Tin Mừng có thể thực sự chạm đến con tim cách thiết thực và phong phú”. [13]

Một Hội Thánh quan tâm đến các dấu chỉ của thời đại

39. “Đối với rất nhiều người trẻ, những từ “Thiên Chúa”, ‘tôn giáo’ và ‘Giáo hội’ dường như không có ý nghĩa gì, nhưng họ lại bị đánh động bởi nhân vật Giêsu, khi họ được nghe giới thiệu cách hấp dẫn và thiết thực về Người”. [14] Vì thế, điều cần thiết là Hội Thánh đừng quá bận tâm về mình, nhưng trước hết phải phản ánh Đức Giêsu Kitô. Điều này đòi hỏi Hội Thánh khiêm tốn nhìn nhận rằng có một số điểm cụ thể phải được thay đổi, và để làm điều đó thì Hội Thánh phải trân trọng quan điểm và cả những phê bình của người trẻ.

40. Tại Thượng Hội đồng, mọi người nhìn nhận rằng “một số lớn giới trẻ, với nhiều lý do khác nhau, không đòi hỏi gì ở Hội Thánh vì họ cho rằng Hội Thánh chẳng có liên can gì đến cuộc đời họ. Một số còn minh nhiên yêu cầu Hội Thánh để họ yên thân, vì họ cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là bực bội, khi Hội Thánh hiện diện. Thường thì yêu cầu này không xuất phát từ một thái độ khinh miệt thiếu suy xét và bốc đồng, nhưng bắt nguồn từ những lý do nghiêm trọng và đáng trân trọng: các vụ bê bối tình dục và kinh tế; sự thiếu chuẩn bị nơi những thừa tác viên có chức thánh khiến những người này không nắm bắt được cách cảm nhận của giới trẻ một cách thích đáng; sự thiếu chuẩn bị cho bài giảng lễ và cho việc trình bày lời Chúa; vai trò thụ động dành cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô hữu; các khó khăn mà Hội Thánh thường gặp khi phải giải thích cách hợp lý cho xã hội đương thời về các lập trường tín lý và đạo đức của mình”. [15]

41. Mặc dù có nhiều người trẻ hài lòng khi thấy một Hội Thánh khiêm tốn tin tưởng vào những ân huệ của mình, và có khả năng phê phán cách đúng đắn và huynh đệ, nhưng một số khác lại đòi hỏi Hội Thánh biết lắng nghe nhiều hơn, chứ không phải lúc nào cũng lên án thế gian. Họ không muốn thấy một Hội Thánh im lặng và e ngại lên tiếng, cũng không muốn thấy một Hội Thánh chỉ biết loay hoay tranh đấu cho vài ba vấn đề ám ảnh mình. Để được người trẻ tín nhiệm, đôi khi Hội Thánh cần tìm lại sự khiêm tốn và đơn sơ lắng nghe, biết nhận ra một ánh sáng nơi những gì người khác nói giúp Hội Thánh hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Hội Thánh luôn phòng thủ, thiếu khiêm tốn, không biết lắng nghe, không chấp nhận bị chất vấn, sẽ đánh mất đi sự tươi trẻ và biến mình thành một viện bảo tàng. Khi đó, làm sao Hội Thánh có thể đáp lại những ước mơ của người trẻ? Tuy Hội Thánh nắm giữ chân lý Phúc âm, nhưng không có nghĩa là Hội Thánh đã hoàn toàn hiểu rõ Tin Mừng; đúng hơn, Hội Thánh phải luôn lớn lên trong sự hiểu biết về kho tàng bất tận này. [16]

42. Chẳng hạn, một Hội Thánh quá sợ hãi và gắn chặt với cơ cấu thì có thể luôn chỉ trích các chủ trương bảo vệ nữ quyền cũng như hay vạch ra những nguy cơ và sai lầm có thể có trong những đòi hỏi ấy. Trái lại, một Hội Thánh sống động thì lại có thể phản ứng bằng cách lưu tâm đến các đòi hỏi chính đáng của phụ nữ muốn có công bằng và bình đẳng nhiều hơn. Hội Thánh ấy có thể nhớ lại lịch sử và thừa nhận rằng nam giới có những mưu toan chuyên quyền, đàn áp, cũng như nhiều hình thức nô lệ, lạm dụng và bạo lực tình dục khác. Nhờ cái nhìn ấy, Hội Thánh mới có thể tham gia vào những đòi hỏi quyền lợi của phụ nữ, và tin tưởng đóng góp phần mình để phái nam và phái nữ hỗ trợ nhau nhiều hơn, mặc dù không hẳn đã tán thành tất cả những gì mà một số nhóm nữ quyền đề nghị. Theo hướng đi này, Thượng Hội đồng muốn canh tân cam kết của mình “chống lại mọi hình thức kỳ thị và bạo lực liên quan đến khuynh hướng giới tính”. [17] Đây là đáp ứng của một Hội Thánh biểu lộ nét trẻ trung và để cho sự nhạy cảm của người trẻ chất vấn và thôi thúc mình.

Mẹ Maria, thiếu nữ ở Nadarét

43. Đức Maria ngời sáng ở trung tâm của Hội Thánh. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Hội Thánh trẻ trung muốn quảng đại và ngoan hiền bước theo Đức Kitô. Khi còn rất trẻ, được sứ thần báo tin, Đức Maria đã không ngại nêu ra những thắc mắc (x. Lc 1,34). Nhưng với tâm hồn luôn sẵn sàng, Mẹ đã thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38).

44. “Sức mạnh của lời thưa ‘xin vâng’ nơi cô gái trẻ Maria luôn khiến chúng ta xúc động. Đó là sức mạnh của lời đáp “xin hãy làm cho tôi như thế!” mà Mẹ đã thưa cùng sứ thần. Điều này khác với sự chấp nhận thụ động hay miễn cưỡng. Điều này khác với tiếng “xin vâng” hàm ý: để xem điều gì sẽ xảy ra. Đức Maria không có ý nói: cứ chờ xem. Mẹ dứt khoát, Mẹ hiểu điều đang nói và đã thưa ‘xin vâng’, không hề do dự. Tiếng đáp ấy là một cái gì khác, còn hơn thế nữa. Đó là lời ‘xin vâng’ của một người muốn dấn thân và chấp nhận rủi ro, đánh cuộc mọi thứ, mà không có bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài niềm xác tín rằng Mẹ là người đang mang một lời hứa. Cha xin hỏi từng người trong các con: các con có cảm nhận được mình là những người đang mang một lời hứa không? Tôi đang mang trong lòng, đang theo đuổi lời hứa nào? Chắc chắn sứ mạng của Mẹ sẽ là sứ mạng khó khăn, nhưng những khó khăn ấy không phải là lý do gì để nói ‘không’. Chắc chắn Mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy không phải là thứ khó khăn bởi sự hèn nhát làm người ta tê liệt vì mọi sự không rõ ràng hoặc không được bảo đảm trước. Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ! Mẹ đã mạo hiểm và vì thế Mẹ trở nên mạnh mẽ, trở nên một influencer (người có uy thế). Mẹ là một influencer của Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” và mong muốn phục vụ thì mạnh mẽ hơn những nghi nan và khó khăn”. [18]

45. Không lẩn tránh cũng không ảo tưởng, “Mẹ sát cánh với nỗi thống khổ của Con mình; nâng đỡ Con bằng ánh mắt và che chở Con bằng quả tim. Nỗi đau Mẹ mang lấy không làm cho Mẹ buông xuôi. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ thưa tiếng ‘xin vâng’, là người nâng đỡ và đồng hành, che chở và ôm ấp. Mẹ là người gìn giữ niềm hy vọng thật tuyệt vời… Chúng ta học từ nơi Mẹ để biết nói lời ‘xin vâng’ với sự nhẫn nại bền chí và tinh thần sáng tạo của những người luôn mạnh dạn bắt đầu lại”. [19]

46. Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), đôi mắt ngời sáng ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiêm ngắm cuộc đời bằng đức tin và lưu giữ mọi sự trong lòng (x. Lc 2,19.51). Đó là người phụ nữ ân cần, mau mắn lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình, chẳng bận tâm về các kế hoạch của mình, nhưng “vội vã” ra đi đến miền đồi núi (Lc 1,39).

47. Và khi phải bảo vệ con mình, Mẹ đã cùng đi với Giuse đến một xứ sở xa xôi (x. Mt 2,13-14). Mẹ lại cùng với các môn đệ quy tụ để cầu nguyện đang khi chờ đợi Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Như thế, trước sự hiện diện của Mẹ, một Hội Thánh trẻ trung được khai sinh, rồi các Tông đồ lên đường để sinh hạ một thế giới mới (x. Cv 2,4-11).

48. Ngày nay, Đức Maria là người Mẹ chăm sóc chúng ta, những người con của Mẹ; trên hành trình cuộc đời chúng ta thường gặp mệt mỏi và thiếu thốn, nhưng mong sao ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Đó là điều chúng ta mong ước: ánh sáng hy vọng sẽ không tàn lụi. Mẹ của chúng ta đoái nhìn đoàn dân lữ hành này, một dân gồm những người trẻ mà Mẹ yêu thương, một dân kiếm tìm Mẹ trong cõi lặng của tâm hồn, ngay cả khi trong cuộc hành trình có nhiều ồn ào, nhiều huyên náo và phân tâm. Nhưng dưới ánh nhìn của Mẹ, chỉ còn sự thinh lặng chất đầy hy vọng. Thế nên Đức Maria soi sáng tuổi trẻ của chúng ta luôn mãi.

Các vị thánh trẻ

49. Trong lòng Hội Thánh cũng có rất nhiều vị thánh trẻ, đã dâng hiến đời mình cho Đức Kitô, và nhiều vị đã đi đến chỗ chịu chết vì đạo. Các ngài là những nét phản chiếu Đức Kitô trẻ trung; nét phản chiếu quý giá ấy ngời sáng để khích lệ và đánh thức chúng ta ra khỏi cơn mê. Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng “nhiều vị thánh trẻ đã cho thấy vẻ đẹp rực rỡ của tuổi trẻ và, thời ấy, các ngài là những tiên tri đích thực thay đổi đời sống; gương sáng của các ngài cho thấy người trẻ có khả năng làm được những gì khi họ mở lòng ra để gặp gỡ Chúa Kitô”. [20]

50. “Qua sự thánh thiện của giới trẻ, Hội thánh có thể bắt đầu sống lại nhiệt huyết thiêng liêng và lòng hăng say tông đồ. Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Hội thánh và của thế giới, và đưa chúng trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời: các thánh trẻ thúc đẩy chúng ta trở về với tình yêu ban đầu (x. Kh 2,4)”. [21] Có những vị thánh chưa là người lớn, nhưng đã để lại cho chúng ta chứng tá về việc sống tuổi trẻ theo một cách khác. Ta hãy nhìn lại một số vị ấy, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, mỗi vị đã nên thánh theo cách của mình:

51. Vào thế kỷ thứ ba, Thánh Sebastianô là một chỉ huy trẻ trong Lực lượng Cận vệ Hoàng đế. Người ta kể rằng đi đâu ngài cũng nói về Đức Kitô và tìm cách làm cho các đồng đội của mình theo đạo, đến mức ngài bị buộc phải chối bỏ đức tin. Vì bất tuân lệnh ấy, ngài phải hứng một trận mưa mũi tên, nhưng ngài vẫn sống sót và tiếp tục rao giảng về Đức Kitô mà không hề sợ hãi. Cuối cùng, họ đánh đòn ngài cho đến chết.

52. Thánh Phanxicô Assisi là một người trẻ đầy mơ ước. Ngài nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi trở nên nghèo khó như Người và cải tổ Hội Thánh bằng chứng tá đời sống. Ngài đã hân hoan từ bỏ mọi sự, và nay trở thành vị thánh của tình huynh đệ phổ quát, người anh em của mọi người, ca ngợi Chúa vì công trình tạo dựng của Chúa. Thánh nhân qua đời năm 1226.

53. Thánh Jeanne d’Arc sinh năm 1412, là một thiếu nữ nông dân. Dù tuổi đời còn trẻ, ngài đã chiến đấu bảo vệ nước Pháp chống kẻ ngoại xâm. Bị hiểu lầm về cách ứng xử và cách sống đức tin của mình, thánh nhân đã bị thiêu sống.

54. Chân phước Anrê Phú Yên là một thanh niên Việt Nam sống vào thế kỷ 17. Ngài là một giáo lý viên và là trợ tá của các vị thừa sai. Ngài bị tống giam vì đức tin, và vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài đã bị giết. Anrê chết trong lúc đang kêu Danh Thánh Giêsu.

55. Cũng vào thế kỷ 17, Thánh Kateri Tekakwitha, một thiếu nữ thổ dân Bắc Mỹ, đã bị bách hại vì đức tin. Cô bỏ trốn bằng cách đi bộ hơn ba trăm kilômét trong một khu rừng rậm. Kateri đã dâng hiến mạng sống cho Thiên Chúa, và khi chết ngài thốt lên: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”

56. Thánh Đaminh Saviô thì dâng mọi đau khổ của mình cho Đức Maria. Khi Thánh Gioan Bosco dạy ngài rằng nên thánh nghĩa là lúc nào cũng vui vẻ, ngài đã mở lòng ra với một niềm vui có sức lan toả. Saviô tìm cách gần gũi các bạn của ngài, những người bị bỏ rơi và bệnh tật nhiều nhất. Thánh nhân qua đời năm 1857, lúc 14 tuổi, khi ấy ngài reo lên: “Tôi đang nhìn thấy điều kỳ diệu biết bao!”

57. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sinh năm 1873. Lúc 15 tuổi, ngài đã vượt qua nhiều khó khăn để được gia nhập tu viện Cát Minh. Têrêsa đã sống con đường bé nhỏ của lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Chúa, và muốn dùng đời sống cầu nguyện để làm cho ngọn lửa tình yêu đang linh hoạt Hội Thánh luôn bùng cháy.

58. Chân phước Ceferino Namuncurá là một thanh niên người Argentina, con trai một thủ lãnh lớn của một bộ tộc bản địa. Ngài trở thành một chủng sinh Salêdiêng, rất tha thiết trở về bộ tộc của mình để đưa mọi người đến với Chúa Giêsu Kitô. Ceferino qua đời năm 1905.

59. Chân phước Isidore Bakanja là một giáo dân người Congo làm chứng về đức tin. Ngài bị hành hạ một thời gian dài vì đã giới thiệu Kitô giáo cho các bạn trẻ khác. Isidore qua đời năm 1909 trong khi tha thứ cho kẻ hành hình mình.

60. Chân phước Pier Giorgio Frassati, qua đời năm 1925, “là một thanh niên tràn đầy niềm vui có sức lan toả, niềm vui vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đời của ngài”. [22] Pier Giorgio nói rằng ngài muốn đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu mà ngài lãnh nhận khi rước lễ, bằng cách đi thăm và giúp đỡ người nghèo.

61. Chân phước Marcel Callo là một thanh niên người Pháp, qua đời năm 1945. Marcel bị giam trong một trại tập trung ở Áo, ở đó ngài đã củng cố đức tin cho các bạn tù, giữa môi trường lao động khổ sai.

62. Chân phước trẻ Chiara Badano, qua đời năm 1990, “đã cảm nghiệm rằng đau khổ có thể được biến đổi nhờ tình yêu… Bí quyết để có an bình và vui tươi của Chiara là hoàn toàn tín thác nơi Chúa và đón nhận bệnh tật như một biểu lộ huyền nhiệm Ý Chúa để mưu ích cho cô và cho tất cả mọi người”. [23]

63. Nguyện xin các vị ấy, và nhiều vị khác nữa đã sống Phúc âm cách triệt để trong âm thầm mà chẳng ai biết đến, chuyển cầu cho Hội Thánh để Hội Thánh có nhiều người trẻ vui tươi, can đảm và dấn thân, cống hiến cho thế giới những chứng tá mới về sự thánh thiện.

 

[3] THÁNH IRÊNÊ, Adversus Hæreses, 22, 4: PG 7, 784.

[4] VK 60.

[5] GLHTCG, 515.

[6] Ibid., 517.

[7] Bài Giáo lý (27/06/1990), 2-3: Insegnamenti 13, 1 (1990), 1680-1681.

[8] AL 182.

[9] VK 63.

[10] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sứ điệp gửi Người trẻ (08/12/1965): AAS 58 (1966), 18.

[11] Ibid.

[12] VK 1.

[13] Ibid., 8.

[14] Ibid., 50.

[15] Ibid., 53.

[16] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải Dei Verbum, 8.

[17] VK 150.

[18] Huấn từ cho Giới trẻ trong buổi Canh thức, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (26/01/2019): L’Osservatore Romano, 28-29/01/2019, 6.

[19] Lời nguyện kết thúc Đàng Thánh giá, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (26/01/2019): L’Osservatore Romano, 27/01/2019, 6.

[20] VK 65.

[21] Ibid., 167.

[22] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Bài nói chuyện với Giới trẻ tại Torino (13/04/1980) 4: Insegnamenti 3, 1 (1980), 905.

[23] BÊNÊĐICTÔ XVI, Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII (15/03/2012): AAS 194 (2012), 359.