Tông Huấn “Christus Vivit” – Chương Một

Trong một thời đại mà người trẻ ít được coi trọng, một số bản văn cho thấy Chúa có một cái nhìn khác về họ.

CHƯƠNG MỘT

Lời Chúa nói gì về người trẻ?

5. Chúng ta hãy dựa vào kho tàng Sách Thánh, ở đó có nhiều đoạn nói về người trẻ và về cách thức Chúa đến gặp gỡ người trẻ.

Trong Cựu Ước

6. Trong một thời đại mà người trẻ ít được coi trọng, một số bản văn cho thấy Chúa có một cái nhìn khác về họ. Chẳng hạn, chúng ta thấy Giuse là người nhỏ tuổi nhất trong nhà (x. St 37,2-3), nhưng Thiên Chúa lại cho cậu thấy những điều lớn lao trong giấc mơ và khi chỉ mới khoảng hai mươi tuổi, cậu đã vượt xa tất cả các anh mình trong những việc quan trọng (x. St 37- 47).

7. Nơi Ghiđêon, chúng ta thấy sự thẳng thắn của người trẻ, họ không có thói quen xoa dịu thực tế. Khi thiên sứ bảo cậu rằng Chúa ở với cậu, cậu đáp lại: “Nếu Chúa ở với chúng tôi, thì sao tất cả những điều này lại xảy ra với chúng tôi?” (Tl 6,13). Thiên Chúa không cảm thấy bị xúc phạm vì lời trách móc đó, nhưng vẫn ra lệnh cho cậu: “Hãy mạnh dạn lên đường để cứu thoát Israel!” (Tl 6,14).

8. Khi Samuen còn là một cậu bé kém tự tin, thì Chúa đã nói chuyện với cậu. Theo lời khuyên của một người lớn, cậu đã mở lòng ra để nghe tiếng Chúa gọi: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sm 3,9-10). Thế nên cậu trở thành một tiên tri lớn, từng can thiệp vào những thời khắc quan trọng của đất nước mình. Vua Saun cũng thế, vua còn trẻ khi được Chúa kêu gọi thực hiện sứ mạng (x. 1 Sm 9,2).

9. Vua Đavít được chọn khi còn là một cậu bé. Khi tiên tri Samuen tìm kiếm vị vua tương lai cho Israel, có người đề cử với ông những người con lớn tuổi và từng trải hơn. Nhưng vị tiên tri lại nói rằng người được chọn là Đavít, người đang chăn chiên (x. 1 Sm 16,6-13), vì “con người chỉ nhìn bề ngoài, còn Chúa nhìn thấu lòng người” (c. 7). Vinh quang tuổi trẻ hệ tại nơi tâm hồn, hơn là nơi sức mạnh thể lý hay ấn tượng đối với người khác.

10. Salômôn, khi phải kế vị cha mình, cảm thấy hoang mang nên đã thưa với Chúa: “Con mới chỉ là một đứa trẻ, con chẳng biết lãnh đạo thế nào” (1 V 3,7). Tuy nhiên, tính bạo dạn của tuổi trẻ đã khiến anh cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan và anh đã tận hiến cho sứ mạng. Điều tương tự như thế cũng diễn ra với tiên tri Giêrêmia, được kêu gọi khi còn rất trẻ, để thức tỉnh dân mình. Anh sợ hãi kêu lên: “Ôi lạy Chúa, con chẳng biết ăn nói, vì con chỉ là một đứa trẻ!” (Gr 1,6). Nhưng Chúa bảo anh đừng nói thế (x. Gr 1,7), rồi Ngài thêm: “Đừng sợ khi đứng trước mặt họ, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,8). Sự tận tụy của tiên tri Giêrêmia trong sứ mạng cho thấy điều gì phải xảy ra khi sự tươi trẻ của tuổi thanh niên gắn kết với quyền năng của Thiên Chúa.

11. Một cô gái trẻ người Do Thái, người hầu của Naaman, viên chỉ huy quân đội ngoại bang, với lòng tin đã can thiệp giúp ông lành bệnh (x. 2 V 5,2-6). Cô gái trẻ Rút là mẫu gương của lòng quảng đại khi cô ở lại với mẹ chồng đang trong hoàn cảnh bất hạnh (x. 1,1-18) và cô cũng biểu lộ lòng dũng cảm khi tiếp tục bước đi trong đời (x. R 4,1-17).

Trong Tân Ước

12. Trong một dụ ngôn (x. Lc 15,11-32), Chúa Giêsu kể câu chuyện người con thứ muốn bỏ nhà cha mình để đi đến một vùng đất xa xôi (x. cc. 12-13). Nhưng giấc mơ tự lập của cậu đã biến thành cuộc sống phóng đãng trụy lạc, và cậu đã phải nếm trải nỗi cay đắng của cô đơn và nghèo đói (x. cc. 14-16). Nhưng rồi cậu đã biết hồi tâm để bắt đầu lại (x. cc. 17-19) và cậu quyết tâm đứng dậy trở về (x. c. 20). Đó là đặc điểm của con tim trẻ trung, sẵn sàng thay đổi, có khả năng đứng dậy và học hỏi từ cuộc sống. Làm sao lại không nâng đỡ người con ấy trong quyết tâm mới đó? Nhưng, người anh cả lại có một trái tim già cỗi, để cho lòng tham, thói ích kỷ và tính đố kỵ chiếm hữu (Lc 15,28-30). Chúa Giêsu khen cậu em là tội nhân đã trở lại đường ngay chứ không khen người anh cứ tưởng mình trung tín, mà lại không sống tinh thần yêu thương và thương xót.

13. Chúa Giêsu, Đấng trẻ trung muôn đời, muốn ban cho chúng ta một con tim trẻ mãi. Lời Chúa đòi chúng ta “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1 Cr 5,7), đồng thời mời gọi chúng ta cởi bỏ “con người cũ” và mặc lấy “con người mới” (Cl 3,9.10). [1]Giải thích về ý nghĩa của việc mặc lấy sự trẻ trung vốn là sự đổi mới này, (x. c. 10), Lời Chúa khẳng định đó là mặc lấy “những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại; chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Như thế trẻ trung đích thực có nghĩa là có một trái tim có khả năng yêu thương. Trái lại, tất cả những gì ngăn cách chúng ta với người khác sẽ làm cho tâm hồn trở nên già cỗi. Và Lời Chúa kết luận: “Trên hết mọi sự, hãy có tình yêu thương, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).

14. Chúng ta cũng hãy nhớ: Đức Giêsu không hề thích người lớn coi thường hoặc áp đặt người trẻ. Ngược lại, Người đòi hỏi: “Người lớn nhất phải trở nên như người nhỏ nhất, và người đứng đầu phải trở nên như người phục vụ” (Lc 22,26). Đối với Người, tuổi tác không tạo ra đặc quyền, và ít tuổi hơn không có nghĩa là kém giá trị hay kém phẩm giá hơn.

15. Lời Chúa nói rằng người trẻ phải được đối xử “như những người anh em” (1 Tm 5,1), và khuyên các bậc cha mẹ đừng “phẫn nộ với con cái, kẻo chúng trở nên nhát đảm” (Cl 3,21). Người trẻ không được nản chí; nhưng phải mơ ước những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời rộng lớn, khát vọng cao hơn, muốn chinh phục thế giới, có khả năng chấp nhận những thách đố và cống hiến hết mình để xây dựng điều tốt đẹp hơn. Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh với các bạn trẻ rằng đừng để mình bị cướp mất hy vọng; và tôi nhắc lại với mỗi bạn trẻ: “Đừng để ai coi thường tuổi trẻ của các con” (1 Tm 4,12).

16. Tuy nhiên, người trẻ cũng được khuyên nhủ “hãy vâng phục những người lớn tuổi” (1 Pr 5,5). Kinh Thánh luôn mời gọi kính trọng người già, vì người già có cả một kho tàng kinh nghiệm; họ đã nếm trải những thành công và thất bại, những niềm vui và sầu khổ của cuộc đời, những hy vọng và thất vọng; và trong cõi lặng của tâm hồn, họ lưu giữ nhiều câu chuyện có thể dạy chúng ta đừng phạm sai lầm hay để cho những ảo tưởng lôi cuốn. Đây là lời của một bậc cao niên khôn ngoan kêu gọi tôn trọng một số giới hạn và biết làm chủ mình đúng lúc: “Hãy khuyên các thanh niên giữ chừng mực trong mọi sự” (Tt 2,6). Thái độ sùng bái tuổi trẻ hoặc khinh rẻ người lớn tuổi hay người thuộc thế hệ khác đều không phải lẽ. Chúa Giêsu nói rằng người khôn ngoan có khả năng rút ra từ kho tàng của họ cả những điều mới lẫn điều cũ (x. Mt 13,52). Một người trẻ khôn ngoan mở ra với tương lai, nhưng luôn có thể rút tỉa được điều gì đó từ kinh nghiệm của người khác.

17. Trong Phúc âm Máccô, có một người, khi nghe Chúa Giêsu nói về các điều răn, đã thưa rằng: “Tất cả những điều này tôi đã tuân giữ từ lúc còn trẻ” (10,20). Thánh vịnh gia cũng nói điều tương tự: “Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của con, […] là niềm tin tưởng của con từ khi con còn trẻ [...]. Chúa đã dạy dỗ con từ khi con còn trẻ và giờ đây con loan báo những kỳ công của Chúa” (71,5.17). Chúng ta đừng bao giờ hối tiếc về việc đã dành tuổi trẻ của mình làm người tốt, khi mở lòng ra cho Chúa và sống một cách khác. Tất cả những điều ấy không hề lấy mất tuổi trẻ của chúng ta, nhưng lại làm cho tuổi trẻ mạnh mẽ và được đổi mới: “Tuổi trẻ của ngươi được đổi mới tựa chim bằng” (Tv 103,5). Vì thế, Thánh Augustinô đã than thở: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng! Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính vừa luôn mới mẻ! Con đã yêu Chúa quá muộn màng! Con đã yêu Chúa quá muộn màng!” [2] Nhưng chàng thanh niên giàu có kia, tuy đã trung thành với Chúa khi còn trẻ, lại để cho thời gian cướp đi những giấc mơ vì anh yêu thích của cải của mình hơn (x. Mc 10, 22).

18. Ngược lại, trong Phúc âm Mátthêu, có một chàng thanh niên (x. Mt 19,20.22) đến bên Chúa Giêsu để hỏi thêm Ngài (x. c. 20), với tinh thần cởi mở của người trẻ thích đi tìm những chân trời mới và những thách đố lớn. Thực ra, tinh thần của anh lại không trẻ trung, vì anh gắn bó với của cải và tiện nghi. Miệng thì nói anh muốn một điều gì đó hơn nữa, nhưng khi Chúa Giêsu bảo anh rộng tay phân phát của cải của mình, anh mới nhận ra rằng anh không thể từ bỏ những gì mình đang có. Cuối cùng, “nghe những lời này, chàng thanh niên buồn bã bỏ đi, vì anh có nhiều của cải” (c. 22). Anh đã từ bỏ tuổi trẻ của mình.

19. Phúc âm cũng kể cho chúng ta về mấy cô gái khôn ngoan, tỉnh thức và chờ đợi, còn những cô khác lại lơ đãng và thiếp ngủ (x. Mt 25,1-13). Thật vậy, tuổi trẻ của chúng ta có thể trôi qua trong lơ đãng, hời hợt, mê ngủ, không có khả năng vun đắp các mối tương quan sâu xa và đi vào trọng tâm của đời sống. Như thế chúng ta chuẩn bị cho mình một tương lai nghèo nàn, không có thực chất. Hoặc chúng ta có thể dùng tuổi trẻ của mình để vun đắp những điều đẹp đẽ và lớn lao, đó là chuẩn bị một tương lai đầy sức sống và phong phú nội tâm.

20. Nếu con đánh mất sức sống nội tâm, những giấc mơ, lòng nhiệt thành, niềm hy vọng và lòng quảng đại, Chúa Giêsu sẽ đứng trước mặt con như ngày xưa Người đã làm thế với đứa con trai đã chết của một bà goá, và với tất cả quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người sẽ thúc giục con: “Này con, Ta bảo con: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14).

21. Chắc chắn nhiều đoạn khác của Lời Chúa có thể soi sáng cho chúng ta trong giai đoạn này của đời sống. Chúng ta sẽ nói đến một số đoạn ấy trong các chương sau.

 

[1] Từ Hy Lạp có nghĩa là “mới”, nhưng còn nghĩa khác là “trẻ”.

[2] Tự thuật X, 27: PL 32, 795.