Diễn đàn "Nói không với giả dối"

...Nói cho đúng, câu chuyện giả dối trong xã hội ta được nhiều người quan ngại từ lâu. Nhưng bệnh vẫn ngày càng tăng đến mức trầm trọng và đến lúc này đã lây lan khắp mọi lĩnh vực của đời sống. Căn bệnh này, như nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc, là “nặng nhất, chí tử nhất” bởi vì nó gây ra sự mất niềm tin của người dân. Mà mất niềm tin là mất tất cả!

 

Nói không với giả dối

Triệt tận gốc căn bệnh giả dối

TT - LTS: Cảm ơn bạn đọc đã tham gia diễn đàn “Nói không với giả dối” với những ý kiến sôi nổi, tâm huyết. Dù diễn đàn kết thúc, nhưng Tuổi Trẻ vẫn mong muốn bạn đọc tiếp tục viết choTuổi Trẻ những bài viết về chủ đề này.

 

 

Để kết thúc diễn đàn này, trong bài viết hôm nay Tuổi Trẻ xin trích lược một số ý kiến của bạn đọc liên quan đến chủ đề: Làm thế nào để chống bệnh giả dối?

Tự soi lại mình

Thực tiễn cho thấy mấy ai trong chúng ta tự nhận thấy mình đang mắc phải căn bệnh giả dối. Với những bản tự kiểm điểm hằng năm bao giờ cũng thấy mỗi cán bộ công chức lặp lại môtíp “tốt nhiều, xấu ít” và thường thì phần “ưu” luôn chiếm tỉ lệ nhiều hơn phần “khuyết”, rồi phần hạn chế của bản thân cũng được sử dụng ở “liều lượng” vừa phải với những ngôn từ quen thuộc như: chưa tự giác, không thường xuyên, thiếu tích cực...

Để mỗi người có thể chiến thắng bản thân thì biện pháp phê bình và tự phê bình chính là một trong những vũ khí sắc bén, giống như việc ta tự “bắt mạch” cho ta. Song việc lắng nghe ý kiến phê bình của người khác đối với những khuyết điểm của bản thân không hẳn đã được mỗi người trong chúng ta dễ dàng tiếp thu. Thành ngữ có câu “trung ngôn, nghịch nhĩ”, sự thật nói ra không phải lúc nào cũng dễ được chấp nhận.

Đợt triển khai việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình mà trung ương đang phát động sẽ là dịp để mỗi chúng ta ngẫm lại mình, tự sửa chữa căn bệnh giả dối.

BÙI VŨ MINH (Hà Nội)

Cơ quan, công sở phải nêu gương

Ở cơ quan nhà nước, công tác thi đua, khen thưởng cũng như việc đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm nhìn chung thực chất thì ít, tính hình thức lại có phần nhiều hơn. Hầu như tất cả các vị đứng đầu cơ quan đều luôn luôn tích cực, gương mẫu, đạt những danh hiệu thi đua cao quý. Nhưng trong các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn bị phanh phui, có không ít nhân vật “cộm cán” đều là “chiến sĩ thi đua” (hoặc cao hơn); “đảng viên loại 1” trong các chi bộ, đảng bộ xuất sắc được bình chọn trước đó chưa lâu. Trên địa bàn dân cư cũng vậy, do chạy theo thành tích, hiện có vô số gia đình văn hóa, tổ dân phố, khu phố, phường (xã) đạt danh hiệu “văn hóa”, nhưng thực chất chẳng văn hóa chút nào.

Muốn khắc phục bệnh nói dối thì phải làm một cách đồng bộ, có hệ thống ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước. Đặc biệt là ngành giáo dục nên đi đầu trong việc đấu tranh xóa bỏ bệnh nói dối. Một khi trong nhà trường mà còn giả dối thì xã hội dối trá là chuyện đương nhiên!

PHAN TRỌNG HIỀN (TP.HCM)

Xóa bỏ “văn hóa chạy”

Theo TS Đặng Cảnh Khanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, điều đáng buồn và đáng báo động hiện nay là nhiều người cho rằng sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi, người trung thực bị coi là “kẻ ngốc”. Ông cũng nói thanh niên không có lỗi khi suy nghĩ như vậy mà trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối.

Chia sẻ về ý kiến này của TS Khanh, tôi rất bức xúc và trăn trở với nạn chạy chức, chạy quyền ở xã hội ta. Có thể nói chạy chức, chạy quyền đã trở thành một thứ “văn hóa” không mong muốn trong xã hội. Đây thật sự là một nguy cơ lớn!

Muốn xóa bỏ “văn hóa chạy”, ta phải có luật rõ ràng, phải tạo cho được sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Và đặc biệt là cần xóa bỏ độc quyền ở một số ngành. Điều quan trọng nữa là phải triệt để xóa bỏ bao cấp. Còn quá nhiều ngành được bao cấp hoặc mang tiếng là xóa bao cấp nhưng chỉ xóa... nửa vời. Chính cái nửa vời mập mờ này đã tạo kẽ hở cho các “cò” lợi dụng để “chạy”.

Cuối cùng, xin muốn nói đến việc nâng cao đạo đức công chức. Đây không phải là giải pháp mà là lương tâm trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức. Không nên đổ lỗi cho cơ chế tiền lương mà quên đi trách nhiệm của mình.

Vấn đề là biện pháp đã có nhiều, nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến vẫn còn thiếu. Thái độ cương quyết làm trong sạch nội bộ, bịt các “cửa chạy” của mỗi người dù ở bất kỳ cấp nào, tổ chức nào, giờ đây là thước đo phẩm chất cách mạng, lòng trung thành với chế độ, có lẽ chỉ cần như vậy là đủ. Sự thờ ơ, tránh né không cương quyết tuyên chiến với tệ chạy, để nó nghiễm nhiên trở thành “chuyện thường ngày” của xã hội, một thứ phản văn hóa, làm mất đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, có thể coi thái độ như vậy là tội ác.

DIỆP VĂN SƠN (TP.HCM)

Không phải là bệnh “vô phương cứu chữa”

Muốn dân giàu, nước mạnh thì phải loại trừ bệnh giả dối, phải đặt ra giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết, cùng với việc mỗi người phải tự soi lại mình, trong quan hệ giữa người với người nên lấy chữ “tín” làm phương châm hành động, người lớn làm gương cho người nhỏ, cấp trên làm gương cho cấp dưới, công khai minh bạch trong mọi vấn đề không thuộc phạm vi bí mật quốc gia. Xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, trừng trị nghiêm những hành động gian dối. Về lâu dài, trị bệnh giả dối phải bắt đầu từ giáo dục. Một nền giáo dục tiên tiến phải xuất phát từ giá trị đạo đức của con người, dạy học trước hết phải dạy làm người. Trong cuộc đổi mới giáo dục toàn diện sắp tới cần cải tổ bộ máy giáo dục từ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhà giáo.

Tóm lại, nếu có quyết tâm thì việc gì cũng làm được. Chúng ta không nên bi quan.

TRẦN XUÂN KHOA (Đắk Lắk)

Nỗi ám ảnh của tôi

Có thể nói căn bệnh thành tích trong giáo dục đã quá nặng, trở thành thứ bệnh mãn tính nên chúng ta vẫn thường nghe thấy trong các kỳ thi tốt nghiệp không chỉ giám thị ném phao thi, giáo viên coi thi dễ dãi mà chính bản thân các bậc phụ huynh có con đi thi cũng đã “tích cực” tham gia, tiếp tay cho sự dối trá, thiếu trung thực ở các em.

Tôi còn nhớ năm 1997 tôi thi tú tài (sau này mới đổi thành thi tốt nghiệp phổ thông). Trong phòng thi các bạn thoải mái trao đổi bài làm và sử dụng tài liệu. Giáo viên coi thi chỉ nhắc nhở đôi lần cho có lệ.

Kết thúc buổi thi, trên đường đạp xe chở tôi về nhà, bố tôi có nói không ít phụ huynh đứng ở ngoài cổng trường phải “góp” 10.000 đồng bồi dưỡng cho giám thị và giáo viên coi thi để con em mình được thi dễ dàng hơn một chút. “Bố cũng đóng góp, ai có con đi thi cũng làm như vậy, không lẽ mình không đưa thì kỳ lắm” - bố tôi nói.

Đến giờ tôi đã là một cán bộ nhà nước trong ngành xây dựng nhưng những hành động dối trá trong thi cử vẫn là nỗi ám ảnh cứ mãi trong tâm trí, không thể nào quên được.

NGUYỄN ĐƯỚC (Quảng Ngãi)

 

Giả dối trong giáo dục: nhà nghiêng từ móng

TTO - Tham gia diễn đàn "Nói không với giả dối", nhiều bạn đọc nhấn mạnh giả dối ngay trong giáo dục - lĩnh vực góp phần xây dựng nhân cách con người - là khía cạnh quan trọng nhất và cần quan tâm nhất.

Đặc biệt, sau khi đọc ý kiến của giáo sư Hoàng Tụy, nhiều bạn đọc lo lắng là những người từng nói dối trong giáo dục lại trở thành những nhân tố trong ngành giáo dục thì thói giả dối sẽ rất có thể tăng theo cấp số nhân.

Tuổi Trẻ Online tiếp tục giới thiệu các ý kiến vừa tham gia diễn đàn.

 

Ảnh chụp từ clip quay cảnh quay cóp của thí sinh tại phòng thi số 8 ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trong buổi thi môn toán được tung lên mạng vào đầu tháng 6-2012. Sự kiện này gây bức xúc dư luận một thời gian - Ảnh: chụp từ clip 

 

Cô đơn bởi trung thực còn hơn bơi trong thế giới giả dối

Không phủ nhận trong cuộc sống đôi lúc cũng cần nói dối. Nhưng có thể khẳng định nói dối là một tính xấu, đáng chê trách, lên án.

Nói dối sinh ra rắc rối, gây khó chịu, hoang mang cho người khác. Nói dối làm giảm giá trị bản thân, mất lòng tin với mọi người. Đáng sợ nhất là khi nói dối trở thành thói quen, nếp nghĩ của ai đó, nhất là với những người có quyền, có trách nhiệm, có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.

Tôi thường nghe mãi những lời chắc nịch của ai đó "sẽ xử lý tới nơi tới chốn, rõ ràng, công khai, dứt khoát... dù ở cấp bậc nào". Tiếc rằng nhiều lời chắc nịch đó là những lời nói dối. Tôi từng nghe nhiều lời hứa từ các cơ sở giáo dục, đào tạo như sẽ có việc làm ngay khi học viên tốt nghiệp; sẽ giúp tìm việc thích hợp, giúp đào tạo nâng cao... Đa số là những lời có cánh bởi những lời hứa đó chỉ thành hiện thực khi bạn phải "chấp nhận hợp tác mọi mặt". Vậy mà trước đó có ai "ngỏ lời" thế đâu? Tôi cũng từng bị "đem con bỏ chợ" như thế.

Trong thực tế, gian dối vẫn còn là mảnh đất màu mỡ cho nhiều người bám víu, leo trèo... Nó vẫn sống được, sống khỏe vì lắm người chấp nhận nó, xem nó như phương thuốc, như nấc thang mang đến sự thăng tiến trên đường đời. Khi giả dối được "bình thường hóa" nhiều nơi, nhiều chốn thì thẳng thắn, trung thực khó mà tìm chốn dung thân.

Tôi ghét giả dối, gian xảo, thích sống thẳng thắn, trung thực, luôn tôn trọng chữ tín. Có lẽ vì vậy mà tôi không có nhiều bạn. Tôi mặc kệ bởi trong chuyện bạn bè, tôi cần "chất lượng" hơn số lượng. Thà sống cô đơn với sự trung thực còn hơn bơi trong thế giới giả dối. Với quan điểm đó, tôi vẫn thành đạt trong cuộc sống, là niềm tin của gia đình, được nhiều người nhìn bằng ánh mắt trân trọng và có cả những ánh mắt "chê bai trong nể phục" của nhóm người giả dối.

TRIỆU NGỌC DIỆP

Thói giả dối tăng theo cấp số nhân

Sự phát triển của con người là kết quả của sự giáo dục từ mọi người xung quanh như cha mẹ, thầy cô, cộng đồng dân cư cùng chung sống. Nếu con người ấy có cha mẹ giả dối, hàng xóm láng giềng giả dối, thầy cô bạn bè giả dối, đồng nghiệp giả dối, cấp trên giả dối... thì con người ấy dễ trở nên giả dối hơn là người chân thật.

Có mấy ai ý thức rằng mình cần phải sống trung thực để “giáo dục” mọi người quanh mình cũng trung thực như mình? Có câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Vậy sao lại nảy nòi cái thói giả dối đáng ghét kia? Ngày con tôi còn đi nhà trẻ, tôi được biết rằng ở nơi ấy đồ chơi dành cho các cháu chỉ để trưng bày, chăn chiếu gối đẹp chỉ được dùng khi có người đến kiểm tra…

Một cháu nhỏ học lớp 1, một hôm tan học về khoe với mẹ: “Con biết làm thế nào để được 10 điểm toán rồi mẹ ạ!”. Mẹ hỏi: "Con làm sao?”. “Chỉ cần đợi bạn ngồi cạnh làm xong rồi chép nhanh đem nộp cho cô là khỏe nhất! Cô cũng có dặn các bạn phải giúp bạn ngồi cạnh vậy đó mẹ à!”. Cứ như thế cho đến khi người "bị giáo dục để giả dối" trở thành những nhân tố trong ngành giáo dục thì thói giả dối sẽ tăng chóng mặt theo cấp số nhân.

NGUYEN THONG

Gian dối bị phát hiện chỉ còn nước độn thổ

Nguyễn Công Trứ từng nói một câu bất hủ với đại ý rằng: làm quan chẳng lấy đó làm vinh, làm lính chẳng lấy đó là nhục, tức là ở cương vị nào làm tròn trách nhiệm ở cương vị đó. Những người mua bằng tiến sĩ, thạc sĩ để trở thành người có học vị, để đánh bóng tên tuổi mình, để thăng quan tiến chức nhưng sở học chẳng tương xứng thì khi bị phát hiện chỉ còn nước độn thổ vì xấu hổ.

LÊ VĂN NHUNG

Trẻ con còn biết giá của thật thà

Tôi có đứa cháu họ năm nay 5 tuổi, học lớp lá trường mẫu giáo của địa phương. Một hôm đi học về, cháu nói với mẹ rằng cháu đã nhìn thấy lúc chia cơm cho học sinh buổi trưa, cô giáo cắt cho mỗi cháu một nửa quả trứng. Số còn lại cô giáo bỏ vào một cái hộp. Cháu còn khẳng định cháu biết cả nơi cô giấu chiếc hộp. Cháu nói thêm rằng cả món canh cô cũng cất bớt.

Nghe chuyện mẹ cháu mới bảo ngày mai mẹ sẽ báo với cô hiệu trưởng. Ngay lập tức cháu liền ngăn mẹ không được báo, cháu nói nếu báo cáo thì cháu sẽ bị cô giáo "đì". Bé như cháu còn biết cái "đạo lý" nói trên thì người lớn như chúng ta nói thật để làm gì?

MAI DANH THUẬN

 

Giả dối: khuyết tật của nền giáo dục

TT - Tham gia diễn đàn Nói không với giả dối, Tuổi Trẻ phỏng vấn GS Hoàng Tụy và nhà thơ Võ Quê.

 

Bàn về căn bệnh giả dối trong giáo dục - đào tạo, GS Hoàng Tụy nói:

 

GS Hoàng Tụy - Ảnh: VIỆT DŨNG

 

- Kể tên những thứ giả dối trong giáo dục thì rất nhiều. Thầy giáo đổi tình, đổi tiền lấy điểm, tiếp tay cho việc chạy trường, chạy lớp, chạy bằng giả, chạy chức vụ, học hàm, học vị. Học sinh, sinh viên học hành đối phó, gian lận, đạo luận án, đạo nghiên cứu khoa học. Nhà quản lý lập dự án gian dối để kiếm tiền, báo cáo thành tích không trung thực để xếp hạng cao trong thi đua, gian lận trong sử dụng tài chính. Cả xã hội có vô số học sinh giỏi, toàn người học đại học, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ nhưng một bộ phận lớn trong đó trình độ lại thấp kém, không đáp ứng được yêu cầu nhân lực. Những thứ giả dối này là biểu hiện cụ thể của sự khuyết tật trong hệ thống giáo dục.

 

"Một nền giáo dục lành mạnh trước hết hãy khoan dạy những cái cao siêu, mà nên tập trung dạy học sinh sống lương thiện và trung thực"

GS HOÀNG TỤY

* Có ý kiến cho rằng giả dối trong giáo dục chỉ nhiều lên và trở nên trầm trọng trong thời gian gần đây. Giáo sư nghĩ thế nào về nhận định này?

 

- Đúng là giả dối bắt đầu nhiều từ khoảng 20 năm trở lại đây. Nếu trước đây, bối cảnh lịch sử thời chiến khiến chúng ta phải chấp nhận một số bất cập để vì mục đích lớn lao hơn là giành độc lập, thống nhất đất nước thì ở thời hiện tại, những bất cập ấy lớn dần lên, trầm trọng hơn gây cản trở cho sự phát triển của nền giáo dục cũng như sự phát triển của xã hội.

* Ngành giáo dục trong thời gian qua đặt ra không ít mục tiêu từ tầm vĩ mô và vi mô. Liệu đây có phải vì chạy theo mục tiêu mà dẫn đến giả dối?

- Tôi cứ ví nền giáo dục là một cỗ xe đi trên đường trường. Nếu người ta đặt một cái đích quá xa, vượt khỏi tầm nhìn của cỗ xe đó thì cũng coi như chả có đích nào cả. Mục tiêu giáo dục cũng thế, muốn làm được thì phải có những đích đến phù hợp với điều kiện, phải có tính khả thi. Còn nếu cứ đặt những cái đích thật hoành tráng nhưng không làm được, đó là giả dối, là gốc rễ để tạo ra nhiều sự giả dối khác. Từ chuyện phổ cập giáo dục, xóa phòng học tạm, xây trường chuẩn quốc gia, tăng tỉ lệ học sinh khá giỏi, tăng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đến những mục tiêu lớn hơn đều được coi là tốt. Nhưng không tính đến thực tế, không tính đến việc thực hiện thế nào, không tính đến giải pháp đảm bảo chất lượng nên đã tạo ra sự giả dối trong đầu tư cho giáo dục, trong dạy học, thi cử.

* Chủ trương mở ra nhiều trường đại học để đạt tỉ lệ số sinh viên/vạn dân ngang bằng khu vực và thế giới khiến nhiều trường đại học sinh non và chết yểu, chất lượng thấp kém. Ông bình luận gì về chuyện này?

- Nó cũng là một biểu hiện giả dối. Giả dụ như giả dối trong tuyển sinh, trong cam kết chất lượng, trong việc liên kết đào tạo giữa trường công với trường tư, trong việc đào tạo các hình thức phi chính quy cốt chỉ để thu hút người học mà không màng đến chất lượng. Gần đây người ta còn có định hướng mỗi tỉnh thành có một trường đại học. Để trường được thành lập, người ta phải nói dối về điều kiện đảm bảo chất lượng, chủ trương xã hội hóa.

* Trong giáo dục, những chính sách nào mà giáo sư cho rằng gây nhiều bức xúc vì sự giả dối?

- Đó là chính sách đối với nhà giáo. Cứ nói “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và nhà giáo là nghề cao quý, được tôn vinh nhưng thử xem lương của nhà giáo thế nào? Lương nhà giáo mới ra trường cộng thêm phụ cấp vẫn không bằng lương những người lao động bình thường ở một số doanh nghiệp. Lương nhà giáo thấp không phải vì đất nước quá nghèo, mà do chính sách bất hợp lý. Chuyện này tôi đã nói từ 15-20 năm nay, nhưng không thay đổi.

Nhà giáo không sống được bằng lương Nhà nước thì họ phải tự cứu mình. Có người vật lộn với cuộc mưu sinh nhưng vẫn giữ được sự chừng mực, nhưng có người không thế. Từ đây đẻ ra nhiều tiêu cực như dạy thêm, học thêm tràn lan. Muốn học sinh phải học thêm, nhiều thầy cô đã không dạy hết mình ở giờ chính khóa. Rồi thì thỏa hiệp với việc chạy trường, chạy lớp. Những chuyện này bản chất cũng là sự dối trá phổ biến ở nhiều cấp học, nhiều địa phương. Nhà quản lý giáo dục vì lợi ích riêng cũng bịa ra nhiều hoạt động, nhiều việc không cần thiết, không thực chất để rút tiền Nhà nước. Ở bậc đại học cũng không kém gì phổ thông. Tình trạng đạo văn, chuyện mua điểm, mua bằng, tiêu cực trong nghiên cứu khoa học đều xuất phát từ chính sách không thỏa đáng cho nhà giáo.

Đã có thời gian giáo viên cả nước háo hức với lời hứa “năm 2010 nhà giáo sẽ sống được bằng lương”, nhưng hai năm trôi qua rồi lương nhà giáo may ra nuôi sống gia đình họ được một tuần. Điều này khiến nhà giáo mất dần niềm tin, tâm huyết.

* Những tiêu cực nói chung và sự giả dối nói riêng trong nhà trường cũng có phần tác động từ xã hội...

- Đúng là như thế. Một xã hội nhìn có quá nhiều sự giả dối, tiêu cực thì dĩ nhiên nó ảnh hưởng đến thầy cô giáo, học sinh. Bởi thế, hành vi giả dối của thầy, của trò không hoàn toàn là trách nhiệm của ngành GD-ĐT. Giả dối có sự tác động lẫn nhau ở nhiều lĩnh vực đời sống.

* Trong bối cảnh hiện tại, theo giáo sư, ngành GD-ĐT nên làm gì trước mắt để khắc phục căn bệnh giả dối?

- Theo tôi, cần có một cuộc vận động lớn nêu cao tính trung thực trong toàn ngành giáo dục: sửa đổi ngay những quy định chính sách có thể khuyến khích hay dung túng giả dối như thi đua, báo cáo thành tích, những quy định tài chính còn nhiều sơ hở...

Nhưng quan trọng hơn cả là sửa ngay chế độ lương và phụ cấp cho nhà giáo các cấp, để nhà giáo thật sự sống được tử tế bằng đồng lương.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện

 

“Sự thật muôn đời vẫn là sự thật”

 

Nhà thơ Võ Quê - Ảnh: MINH TỰ
Đó là ý kiến của nhà thơ Võ Quê - nguyên chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, khi đề cập chuyện giả dối. Nhà thơ Võ Quê nói:

 

- Nói cho đúng, câu chuyện giả dối trong xã hội ta được nhiều người quan ngại từ lâu. Nhưng bệnh vẫn ngày càng tăng đến mức trầm trọng và đến lúc này đã lây lan khắp mọi lĩnh vực của đời sống. Căn bệnh này, như nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc, là “nặng nhất, chí tử nhất” bởi vì nó gây ra sự mất niềm tin của người dân. Mà mất niềm tin là mất tất cả!

* Là nhà thơ, ông nói thế nào về bệnh giả dối trong lĩnh vực văn học nghệ thuật?

- Bệnh giả dối trong văn học nghệ thuật không phải bây giờ mới có, đó là những vụ đạo văn, ăn cắp ý tưởng, chiếm đoạt bản quyền của nhau... Hoặc viết bài ca ngợi nhau theo kiểu “đổi công”, hoặc lăngxê đánh bóng những tác phẩm kém chất lượng “theo đơn đặt hàng”... Giả dối trong văn học nghệ thuật tạo ra những hậu quả tồi tệ lâu dài. Nghệ sĩ là người tạo ra cái đẹp, định hướng cho xã hội về giá trị thật của cái đẹp. Nếu nghệ sĩ giả dối thì anh ta sẽ tạo ra cái gì?

* Theo ông, nguyên nhân gây ra căn bệnh giả dối là do đâu?

- Thói háo danh, háo lợi làm nảy sinh giả dối. Mà háo danh, háo lợi vốn là bản năng của con người. Vì vậy, cần phải có pháp luật nghiêm minh và đạo đức lành mạnh để kiềm chế nó. Khi pháp luật không nghiêm minh, đạo đức băng hoại thì đó là điều kiện cho thói háo danh, háo lợi hoành hành.

* Vậy làm gì để trị bệnh giả dối?

- Cần một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Có như vậy thì giả dối dù luôn có mầm mống trong xã hội vẫn không có điều kiện để phát bệnh được. Còn khi giả dối đã phát bệnh rồi, muốn trị nó lại càng phải đòi hỏi sự trung thực và can đảm của hệ thống chính trị. Muốn có một hệ thống chính trị như vậy phải có sự giám sát của người dân, bằng việc phát huy quyền làm chủ của dân. Dân chủ, công bằng, văn minh chính là sức đề kháng của xã hội. Chỉ sức mạnh đó mới phòng trừ được bệnh giả dối.

* Ông có cho rằng nếu quyết tâm sẽ diệt trừ được căn bệnh này chứ?

- Tôi theo trường phái lạc quan. Bác sĩ vẫn luôn khuyên bệnh gì cũng phải lạc quan mới chữa được bệnh. Tôi vẫn luôn tin sự thật muôn đời vẫn là sự thật, cái đẹp vẫn tồn tại, cái xấu sẽ bị triệt tiêu. Tất nhiên niềm tin phải đi liền với giải pháp. Diễn đàn “Nói không với giả dối” của báo Tuổi Trẻ cũng là một trong những giải pháp.

MINH TỰ thực hiện

Mảnh giấy làm nên tiến sĩ

Bản tin Tài chính kinh doanh VTV tối 8-10-2012 đưa vụ Công an quận Đống Đa (Hà Nội) khám phá vụ án làm giả giấy tờ bằng cấp, trong đó đưa hình ảnh những tấm bằng tiến sĩ giả có giá 15 triệu đồng, bằng thạc sĩ 12 triệu... Những tấm bằng giả với phôi thật ấy có tên người sở hữu hẳn hoi và chắc chắn nó có địa chỉ sử dụng.

Từ câu chuyện này phản ánh một sự thật khác đau đớn hơn, đó là cả xã hội cuống cuồng chạy theo bằng cấp. Bằng cấp xưa nay để khẳng định học vấn, tài năng và xã hội thời nào cũng trọng dụng người có học và đỗ đạt. Nhưng tư duy bằng cấp thời nay đã tạo ra rất nhiều thứ giả dối. Suy cho cùng tư duy bằng cấp đẩy người ta đến một sự giả dối mà hậu quả của nó khôn lường...

Ngày trước, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh của ông tiến sĩ giấy để nói về ông tiến sĩ thật đương thời, vạch trần bản chất giả dối của kẻ hợm mình, bằng cách chỉ ra mâu thuẫn giữa hình thức hào nhoáng và cái bên trong rỗng tuếch, đáng ghét. Tiến sĩ giấy cũng không chỉ có ý nghĩa nhất thời, chỉ diễn ra ở thời đại của cụ Tam Nguyên Yên Đổ mà trở thành hình tượng nghệ thuật mang giá trị trường tồn. Trong cơ chế thị trường hôm nay, những giá trị thật giả lẫn lộn, vật chất đang làm đảo lộn nhiều giá trị, con người được định đoạt không phải là tài năng, đức độ, cống hiến mà bằng đủ thứ danh hiệu, do đó loại người như kiểu tiến sĩ giấy ngày càng nhiều. Họ thiếu tu chí học hành để đỗ đạt bằng tài năng và sở học của mình, nên dùng bằng cấp đi mua hoặc chạy chọt mà có. Họ thậm chí hãnh tiến, lộng hành, rồi khi có chức có quyền thì tham nhũng, cửa quyền, ham thành tích lừa dối cấp trên…

Kiểu tư duy bằng cấp cho ra đời vô số tiến sĩ giấy. Tư duy ấy đã buộc người ta phải lừa dối bằng cách đi mua bằng về sử dụng như là cái tem dán lên lý lịch tên tuổi để tiến thân. Để bắt bệnh và bốc đúng thuốc, nên chăng bắt đầu lại về kiểu tư duy, về những quy định trong tiêu chuẩn cán bộ... Đừng “chuẩn hóa” bằng cách bắt tất cả cán bộ cơ quan đều thành tiến sĩ.

TÂN LINH

 

Nói dối quen đến nỗi tưởng mình đang nói thật!

TTO - Diễn đàn "Nói không với giả dối" tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, kể về những lần "nói thật rồi bị thê thảm" của mình, nói về nguyên nhân của căn bệnh này... Nói thật khó ra sao?

 

* Tại sao chỉ là nói không?

Rất hoan nghênh báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Nói không với giả dối". Diễn đàn xuất hiện thật là đúng lúc và cần thiết vì ai cũng thấy giả dối đang trở thành căn bệnh trầm kha của xã hội ta đến mức tưởng chừng hết thuốc chữa.

Tuy nhiên, chúng tôi xin góp ý với ngay tên gọi của diễn đàn. Tại sao lại là "Nói không"? Nếu chúng tôi không lầm thì cụm từ "Nói không" được sử dụng nhiều sau phong trào "Nói không" với các tiêu cực trong ngành giáo dục. Và từ đó đến nay như một cái "mốt", cụm từ "Nói không" được sử dụng cho mọi khẩu hiệu của các cuộc vận động chống lại các tiêu cực tệ nạn trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, ở mọi ngành, mọi địa phương.

Đáng tiếc là cụm từ "Nói không" chỉ thể hiện sự từ chối của cá nhân, sự bất hợp tác, chứ không có ý nghĩa đấu tranh chống lại và tiêu diệt cái xấu. Ví dụ: "Nói không với giả dối", chỉ là bản thân mình không giả dối chứ chưa mang ý nghĩa là đấu tranh chống lại sự giả dối của xã hội và loại trừ tệ nạn giả dối ra khỏi đời sống xã hội.

Như vậy cụm từ "Nói không" vừa cải lương về mặt ngôn từ, vừa nửa vời về mặt ý nghĩa sử dụng. Vì vậy chúng tôi đề nghị mọi người, nhất là các cơ quan chức năng nên xem xét nếu thấy ý kiến của chúng tôi là đúng thì từ nay chúng ta đồng lòng "Nói không với khẩu hiệu nói không".

Phú Xuân

* Diễn đàn quá hay, trễ còn hơn không

 

Tôi có đứa con gái nhỏ. Nó có tật hay xin người này cái này, người kia cái kia. Tôi rầy la và cấm. Một hôm tôi mang cái thang sắt về nhà. Nó hỏi ở đâu bố có vậy? Tôi nói của chú cho. Nó vừa nói vừa chế giễu "dạy con đừng xin của ai mà mình đi xin". Tôi hết hồn nên phải tìm cách giải thích cho nó hiểu.

Lại một hôm dọn nhà, cái giấy chứng nhận "gia đình văn hóa" bị rơi ra. Tôi bảo nó nhặt lên. Nó nói "vợ chồng cãi nhau hoài mà gia đình văn hóa gì". Vợ tôi đứng gần phải giải thích "vì đang làm nhà nên bố mẹ tranh luận nhau thôi". Nó nói "tranh luận gì mà to tiếng" khiến vợ tôi phải nói "tại giọng mẹ hơi lớn...". Tôi nhắc vợ phải nên để ý, nếu không mình trở thành kẻ nói dối thì nguy.

nguyenvanmien.bts@...

Thật sự TTO có 1 diễn đàn thế này thì hay quá, trễ còn hơn không. Bệnh sính thành tích và giả dối để che giấu cái chưa tốt, cái dở, cái xấu đã ăn vào tâm trí của nhiều người Việt. Thời nay, tôi thấy giả dối nhất là môi trường giáo dục. Ai cũng biết tiểu học bây giờ học trò điểm 9-10 (xuất sắc) còn đông hơn điểm khá, trung bình...

 

Thử nghĩ trong một tập thể, số lượng giỏi, xuất sắc đông áp đảo so với phần còn lại thì ai mới là người giỏi? Nói thế này sẽ có nhiều người (nhất là bệnh thành tích nặng) sẽ nói rằng con nít thời nay giỏi hơn thời xưa. Giỏi ngoại ngữ, máy tính, công nghệ... là giỏi hơn ư?

Và rồi không chỉ giả dối vì sính thành tích, mà người ta giả dối vì sợ đụng chạm, sợ khó thăng tiến, sợ bị chèn ép... trong cuộc sống cơm áo gạo tiền. Thấy cái xấu, cái sai của người có "vị trí" cao hơn mình chẳng ai dám nói ra. Ai can đảm nói ra thì những người có quyền lợi liên quan hoặc có thể bị ảnh hưởng sẽ cùng nhau cho người đó ra rìa, bị cười nhạo hoặc ghét bỏ.

Chính bản thân tôi, đang học đại học văn bằng 2 tại một trường đại học công lập (thuộc ĐHQG TP.HCM), cũng bị tập thể lớp tẩy chay và ghét bỏ chỉ vì "dám làm đơn khiếu nại giáo viên". Nỗi sợ của họ là khiếu nại thì các môn sau sẽ bị học và thi khó hơn, khiếu nại là xúc phạm thầy cô, khiếu nại thì nhân danh cá nhân chứ đừng nhân danh lớp.

Tôi cũng nhiều lần bị dè bỉu và ghét bỏ chỉ vì cái "tội" nói thẳng sự thật và dám lên tiếng vì sự thật. Nhưng cũng may mắn cho tôi, tôi vẫn còn lòng tin yêu ở cuộc sống: lý lẽ sẽ chiến thắng, không phải lúc này thì lúc khác vậy.

Vincent Tran

* Đã từ lâu người ta không dám nói lên sự thật?

Lý do là vì sẽ bị quy kết "Làm mất uy tín cán bộ, làm ảnh hưởng đến thành tích cơ quan, địa phương, làm mất đoàn kết nội bộ, làm giảm ý chí chiến đấu của tập thể"... Và rồi ở bên ngoài ai cũng nghe được những lời báo cáo có cánh hoặc xoa dịu kiểu: nói chung là tốt nhưng cũng còn đôi điều... giới hạn. Thế rồi về nhà, ai cũng học được bài học nói dối. Nói dối quen đến nỗi tự tin rằng mình đang nói thật!

 Tung Xeng