Xơ Emmanuelle, xơ sắp 100 tuổi… Xơ có tiếc gì không?

Xơ Emmanuelle, nhân vật ngoại hạng, người có cá tính phi thường đã thay đổi cuộc sống của những người khốn khổ nhất. Công việc của xơ hiện nay được tiếp tục qua Hiệp hội ASMAE (asmae.fr), Trợ giúp y tế-sức khỏe cho tuổi thơ, một Hiệp hội từ thiện giúp đỡ cho rất nhiều nơi trên thế giới.

Xơ Emmanuelle, xơ sắp 100 tuổi… Xơ có tiếc gì không?

20-10-2018 nước Pháp kỷ niệm 10 năm ngày Xơ Emmanuelle qua đời. Xơ sống gần trọn thế kỷ 16-11-1908 – 20-10-2018 và dành hết thì giờ, công sức của mình để mang lại tương lai cho những người đi bươi rác ở Ai Cập.

Chúng tôi xin giới thiệu xơ Emmanuelle, nhân vật ngoại hạng, người có cá tính phi thường đã thay đổi cuộc sống của những người khốn khổ nhất. Công việc của xơ hiện nay được tiếp tục qua Hiệp hội ASMAE (asmae.fr), Trợ giúp y tế-sức khỏe cho tuổi thơ, một Hiệp hội từ thiện giúp đỡ cho rất nhiều nơi trên thế giới.

Bài phỏng vấn do nữ ký giả Caroline Pigozzi, Paris Match thực hiện hai tháng trước khi xơ qua đời. Xơ vẫn giữ nguyên vẹn tính hài hước.

“Tôi sắp chết và khi gặp Chúa, Chúa sẽ không hỏi xem tôi có nhận Huân Chương danh dự hoặc được ông Drucker mời lên ti-vi hay không.”

Nói đến xơ Emmanuelle trước hết là nói đến giọng nói ấm áp, khẳng khái, hơi cao và tiếng Pháp rất hay. Có vẻ như xơ đem từ Ai Cập về sự vui vẻ, cọng thêm cách xưng hô thân mật. 

Xơ ranh mãnh giải thích “Không có cách xưng hô ông bà trong tiếng Ả Rập nên tôi quyết định với ai tôi cũng xưng bạn hết. Giải quyết một lần cho xong, không lôi thôi.” Cách nói điệu đàng này xơ áp dụng với cả tổng thống Pháp Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy hay cả với ông Patrick Poivre d’Arvor, ngay lập tức xơ tạo một bầu khí bằng hữu với người đối diện. Xơ thừa hưởng giáo dục của những người trưởng giả, xơ vẫn còn giữ các điệu bộ thanh lịch. Phần còn lại là công việc của thông minh của quả tim. Xơ không mang hình ảnh của một nữ tu sốt sắng, độc tài nhưng là người biết thúc đẩy người khác ý thức và mở lòng ra với Hiệp hội của xơ dù bản chất của xơ không phải là người thích đi cổ động. 

Đó là vào mùa hè vừa qua, tôi cùng Marina, cô con gái 18 tuổi của tôi đến thăm xơ. Xơ không nói đến tôn giáo với con tôi, xơ hỏi con tôi có người yêu chưa, nếu có thì nhớ “o chuyện này.” Và khi tôi hỏi thăm cha Bouhla, bạn thân cùng làm việc với xơ ở Ai Cập, bên cạnh những người đi bươi đống rác bây giờ ra sao rồi. Xơ cười nói về hưu thì cha lập gia đình rồi, mà như vậy thì tốt, cả đời cha lo cho người khác, cuối đời cha có người lo cho mình, con còn muốn gì hơn! Đó là sức mạnh của xơ, không bao giờ đè nặng lên đời người khác. Căn phòng nhỏ bé, đầy ánh sáng, ở tầng hai trên sườn đồi Callian của xơ tràn ngập hình ảnh các em bé, tràn ngập kỷ niệm của một đời phục vụ.

Trên bàn là thuốc men, tràng chuổi, sách kinh, điện thoại có hộp nhắn. Theo những tiêu chuẩn riêng của xơ, cũng có một chút nét khiêu khích trong đó, xơ thích trả lời điện thoại cho người ái mộ chưa quen biết hơn là trả lời cho một chính trị gia quan trọng. Khía cạnh ít bảo thủ và tự do của xơ mà tuổi tác cao làm xơ bình tâm hơn nhưng cũng có đôi chút mất kiên nhẫn nên cũng làm bực mình các đồng bạn lớn tuổi. Chắc chắn họ không hiểu vị sứ giả của người nghèo. Hiện đại và vi tế trong lời phát biểu đã, vì bản chất tự nhiên và tính quả quyết, làm cho khái niệm hiền như ma-xơ thành lỗi thời. Xơ đã mang lại cho nhà dòng Notre-Dame de Sion một ý nghĩa mới cho chữ nữ tu” mà họ chưa nhận ra. Cho một phẩm cách cao cả hơn và trường cửu hơn cho nhà dòng. 

– Xơ Emmanuelle, xơ sắp 100 tuổi.

– Tôi cũng ngạc nhiên một chút! Tôi không chờ đến tuổi này… Một thế kỷ thật dài… Làm sao tôi có thể mang trên vai bao nhiêu năm tháng như vậy mà không cảm thấy già? Trong đầu tôi, đôi khi tôi nghĩ tôi 25 tuổi, muốn la hét, ca hát, nhảy nhót, cười đùa… Tính tôi lúc nào cũng trẻ dù phải làm quen với ý nghĩ mình sắp trăm tuổi.

– Xơ có tiếc gì không?

– Không, bởi vì tôi có một cuộc sống say sưa, nhất là thời gian ở Ai Cập với những người đi bươi đống rác. Tôi có may mắn có một cá tính là không thấy mình thiếu cái gì. Đời đến với tôi như thế nào thì tôi chấp nhận như thế đó. Với những gì có và không có, tôi đều cám ơn Chúa… 

– Trong một trăm năm vừa qua, cái gì làm xơ nhớ nhất?

– Mẹ Elvira, mẹ bề trên đầu tiên của tôi ở Istanbul. Mẹ đã yêu thương tôi, nâng đỡ tôi dù tôi không dễ tính chút nào! Bà dạy cho tôi yêu Chúa và yêu tha nhân. Tôi còn rất trẻ, còn thích tưng tưng, bà đã lớn tuổi. Đúng là bà đã giúp cho tôi rất nhiều.  

– Tổng thống Pháp Sarkozy sắp vinh danh xơ.

– 16-11 này tôi được 100 tuổi, tôi sẽ được tổng thống Pháp thưởng Huân Chương nhưng tôi không cảm động đâu, dù tôi rất có cảm tình với Nicolas Sarkozy, tôi bầu cho ông mà. Trước khi đắc cử, ông và Cecilia có đến Callian thăm tôi. Tôi làm việc với cả một nhóm nữ tu ở Ai Cập, thưởng huân chương thì cả nhóm cùng được thưởng, bây giờ chỉ một mình tôi được huân chương thì không đúng và không công bằng, dù tôi được khen nhưng tôi cũng cảm thấy hơi phiền phiền. Hơn nữa, tôi cũng sắp chết, lúc đó Chúa không hỏi xem tôi có nhận Huân Chương Danh Dự chưa hoặc được ông Drucker hay ông d’Arvor mời lên ti-vi chưa! 

– Vì sao xơ lại thành một trong những người được lòng người Pháp nhất?

– Tôi không giải thích điều này. Tôi nghĩ chỉ vì người ta cần một biểu tượng rồi họ dựng lên. Có thể trước hết người Pháp thích một cái gì nhẹ nhàng, không quá nghiêm túc chăng? Tôi là tôi. Đối với tôi, dù bị chỉ trích hay được khen cũng vậy thôi… Tôi xin cám ơn những người đã yêu thương tôi và cả những người khác. Tại sao người Pháp lại quan tâm đến người trăm tuổi như tôi? Có thể vì tôi tự nhiên, bộc phát. Tôi muốn cuộc đời tôi là món quà tặng của tình yêu và niềm vui, tôi mang hạnh phúc đến mỗi ngày cho cuộc đời bởi vì tôi nhìn khía cạnh tốt của cuộc đời. Cũng có thể người ta cho tôi giở trò! Chính tôi cũng không biết gì, người khác nghĩ mình như vậy. Cũng có thể đúng, nhưng cũng không đến nổi dữ lắm. 

– Xơ nghĩ gì mỗi buổi sáng thức dậy?

– Sắp sống một ngày đẹp với Chúa và với người khác. Tôi có một cuộc sống đầy đủ, không có vấn đề gì lớn: tôi thở bầu khí tình yêu, thở vào cũng tình yêu, thở ra cũng tình yêu… Tôi lần chuỗi chuổi từ từ vì tôi không còn sức để tập trung, tôi quá mệt mà xâu chuổi thì không mệt nên tôi có thể đọc Kính Mừng Maria rồi thả đầu óc theo trí tưởng tượng, trước mắt tôi là bức ảnh Truyền Tin tuyệt đẹp của họa sĩ Fra Angelico. Rồi tôi hát trong lòng, khi tôi gẫm đến đoạn Đi Viếng thì tôi như thấy Đức Mẹ đi bên cạnh Chúa…  

– Xơ có theo dõi chuyện thời sự không?

– Tôi đọc báo Thập Giá (La Croix). Tôi ít xem ti-vi lắm, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt. Thỉnh thoảng tôi có xem đá banh. Lúc nước Pháp thắng, tôi hồi hộp lắm. Tôi đọc các sách về tôn giáo và đọc Phúc Âm, vậy là đủ cho tôi! Trước đây tôi đọc sách trinh thám tiếng Anh của Agatha Christie để ru ngủ, như người ta đếm cừu ấy. Tôi biết tiếng Anh là cũng nhờ tác giả này… Bây giờ tôi uống trà nhẹ để đi ngủ, tôi không còn cần đến sách của bà Agatha Christie nữa!  

– Xơ có đi lễ hàng ngày không?

– Ở đây tôi đi lễ hàng ngày ở nhà nguyện Callian. Những ngày lễ lớn như Noel và Phục Sinh, tôi đến phòng sách để xem Đức Giáo Hoàng trên ti-vi. Sau lễ 10 giờ sáng chúa nhật ở nhà nguyện thì tôi ngồi xem lễ 11 giờ trên ti-vi, tôi không khi nào bỏ lễ này cả.  

– Xơ có sợ chết không?

– Tôi không sợ chết nhưng sợ những giây phút trước khi chết, sợ lúc hấp hối. Cha Théodore Ratisbonne, nhà sáng lập dòng nữ tu Sion giải thích chết là một đoạn đường phải đi qua. Cha là người Do Thái trở lại, cha nói : Các con, ngày chết là ngày vui nhất đời vì cuối cùng, mình sẽ gặp Đấng cả đời mình yêu thương. Chúng ta sẽ đứng trước mặt Ngài… Thật là tuyệt vời; đó là cánh cửa mở ra cho tất cả mọi sự. Nghĩ đến hấp hối là tôi sợ run. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Mẹ, tôi chấp nhận… 

– Xơ Sara ở Ai Cập có đến dự lễ sinh nhật của xơ không?

– Tôi cũng mong, xơ Sara thay thế tôi lo cho các người đi bươi rác ở Ai Cập. Tôi cũng mong bạn thân của tôi là ông Jacques Delors cũng đến dự sinh nhật. Ông làm ở Hội Đồng Âu châu, ông giúp tôi nhiều lần để cứu trẻ con, tôi biết ơn lắm. Tôi cũng vui nếu có cháu tôi là Chantal tới. Chantal viết nhiều sách và dịch sách từ tiếng Phạn ra, cháu dịch nhiều bài của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người đến dự sinh nhật tôi ngày hôm đó ở trụ sở hiệp hội Asmae của tôi. 

– Mặc áo dòng bây giờ có lỗi thời không?

– Tôi vẫn còn mặc áo dòng vì tôi muốn, ai gặp tôi lần đầu sẽ biết ngay tôi là nữ tu. Nhưng bây giờ có nhiều xơ muốn mặc áo thường, dù sao, một cách nào đó, mặc áo thường là làm cho mọi người giống nhau, bình đẳng với nhau, cũng là rất tốt. 

– Chúa cho xơ nhiều sức khỏe.

– Tôi có một máy trợ thính nhỏ và không còn thích ăn. Tôi phải cố gắng mới ăn được. Tôi thích mật, sô-cô-la đen, mấy thứ đó làm mình thêm năng lực! Còn gia sản sức khỏe di truyền thì tự nhiên là do cha mẹ để lại, tôi có được sức khỏe tốt. Chị Marie Louise ở Bỉ của tôi có năm người con, bà thọ 101 tuổi, em trai tôi thọ 80 tuổi.  

– Xơ nghĩ gì về chuyến thăm nước Pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma?

– Tôi rất vui, tôi thán phục ông nhưng tôi ít quan tâm đến chính trị. Tôi thích nhất là cá tính của ông. Đúng là một người có cá tính. Còn vấn đề Ti-bê thì vượt quá sức của tôi; tôi tiếc là Ti-bê không được tự do. Ngài đến đây thì tốt cho chúng ta, ngài tăng can đảm cho mình, lời nói của ngài có sức thuyết phục. Ngài có một ý nghĩa cho cuộc sống và ngài nhấn mạnh là phải vượt qua những gì ở trần thế này để tiến đến trước.  

– Xơ có một lời nào cho niềm hy vọng?

– Chắc chắn, phải nhìn khía cạnh tích cực của cuộc sống, đừng bi thảm hóa thêm những gì đã xấu. Dũng cảm chấp nhận, đấu tranh và làm giảm thiểu cái xấu cũng đã là quý rồi! Nhưng cũng đừng quên là phải nói lên những gì tốt. Như thế cuộc sống sẽ lý thú hơn… Với kinh nghiệm lâu năm như tôi, tôi thấy những người lúc nào cũng bám riết và không nản lòng sẽ là những người chiến thắng. Với tất cả các bạn của tôi, tôi hay nói: “Chiến đấu lên! Yalla! Bạn sẽ vượt lên trở ngại nhờ sức lực nội tâm của bạn. Làm tất cả những gì bạn có thể làm… Bám riết vào và bạn sẽ thành công.”  

– Xơ nghĩ gì về trợ tử?

– Đương nhiên là tôi chống vì Chúa cho mình sự sống và chỉ có một mình Chúa mới lấy đi sự sống. Mình không quyết định được ngày sinh thì cũng không quyết định được ngày chết. Phải chấp nhận đau khổ dù đôi khi nó rất khó chấp nhận. Một khi vượt qua được thì sẽ có đời sống vĩnh cửu trong niềm vui với Chúa… tôi cũng biết có nhiều người hấp hối quá lâu. Cực kỳ khó khăn cho họ nhất là khi họ không có đức tin… Tháo giây ra? Làm sao trả lời khi mình không phải là bác sĩ? Phải thử nhớ lại Chúa cũng đã chết trên thập giá và cũng đã đau đớn. Đương nhiên ở cương vị tu sĩ nói như vậy thì dễ, tôi thú nhận là tôi chưa bao giờ đau khủng khiếp nên tôi dễ dàng nghĩ như vậy. Nhưng người đau, người bất hạnh, họ không chịu đựng được nữa và có khi họ phải tự tử. Chắc chắn Chúa sẽ đón nhận họ với tấm lòng thương xót. Như thế tôi có thể thông cảm với trợ tử, tha thứ cho trợ tử nhưng dù sao trên nguyên tắc thì tôi lên án nó.  

– Chắc chắn xơ sẽ được chôn cất như một ngôi sao!

– Ồ, tôi không cần chuyện đó! Ai muốn làm gì thì làm với cái xác của tôi. Tôi có xin chôn tôi ở đây, với các đồng bạn mà tôi quý mến, lễ lạc thật đơn giản. Nếu có lễ ở Paris thì tôi mong được làm ở đường du Bac, trong nhà nguyện để được gần Đức Mẹ. 

– Trước khi chết, nếu phải khuyên tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy một lời khuyên thì xơ sẽ khuyên như thế nào?

– Tôi sẽ nói ông lo thêm nữa cho những người thất nghiệp và những người bất hạnh, giúp đỡ các nước châu Phi quá khốn khổ. Giúp họ phát triển đất nước. 

– Xơ có bực mình khi tổng thống lập gia đình lại không?

– Đương nhiên, nhưng chuyện đó bây giờ là hợp thời trang. Bỏ nhau, lấy nhau rồi lại bỏ nhau, cứ làm lui làm tới nhiều lần và rồi người ta có hạnh phúc hơn không? Tôi không biết gì hết về chuyện này. Tuy nhiên tôi thích có được tự do cá nhân. Có người có đời sống thông thoáng, có người không, đó là việc của mỗi người; họ làm những gì họ muốn.  

– Cái gì làm cho xơ thắc mắc bây giờ?

– Tôi không bị sốc khi thấy các vị giám đốc có những tài sản khổng lồ, cái tôi không chịu được là họ không biết chia sẻ. Một ngày nọ, có một ân nhân rộng lượng mời tôi đến ăn điểm tâm và ký cho tôi một chi phiếu 50.000 eu-rô, ông nói ông có rất nhiều tiền, ông cho số tiền này nhưng nó chẳng suy suyển gì đến chương mục của ông. Nghe như vậy, tôi quá bực.  

– Cái gì làm cho xơ thắc mắc bây giờ?

– Các nữ tu bây giờ không bắt buộc phải đồng trinh nhưng một khi vào nhà dòng thì họ phải khấn đức khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời. Một sự cố, có thể xảy ra… Dù sao họ cũng là phụ nữ, cũng là con người. Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục vướng thì họ nên ra khỏi dòng!  

–Tại sao bây giờ xơ không còn tiếp các phóng viên, muốn gặp xơ họ phải đi qua Asmae, hiệp hội của xơ?

– Vì các bạn đồng nghiệp của con bề ngoài quá. Con không vậy. Con đào sâu hơn, hơn nữa tôi biết con đã mười lăm năm nay, từ Ai Cập đến Ismalia… 

– Ngày 16-11 sắp tới, khi mọi người hát: “Mừng sinh nhật xơ Emmanuelle”

– Tôi sẽ trả lời: “Cám ơn Chúa đã cho con sống một thế kỷ tuyệt vời.” Và tận đáy lòng tôi, tôi nghĩ tôi có quá nhiều may mắn. 

Đêm 20-10-2008 xơ Emmanuelle thanh thản về với Chúa. 

Marta An Nguyễn dịch

(phanxico.vn 22.10.2018)