Sự kiện do Caritas Áo khởi xướng và được Hội đồng Giám mục Áo quyết định tại kỳ họp toàn thể vừa qua, nhằm thu hút sự chú ý đến hàng triệu người mỗi ngày đang phải chịu đói hoặc chết vì hậu quả của nạn đói. Đồng thời, tiếng chuông cũng là một lời kêu gọi hành động chống lại nạn đói, cũng như vì công lý toàn cầu và bảo vệ khí hậu.
Theo Caritas Áo, “733 triệu người trên thế giới đang phải đói”, con số này cao hơn đáng kể so với trước đại dịch COVID-19. Gần một phần ba dân số thế giới không có quyền tiếp cận thực phẩm an toàn, và khủng hoảng khí hậu là nguyên nhân chính. Chỉ riêng tại Nam Sudan, khoảng 7 triệu người đang chịu đựng nạn đói, trong khi cứ ba trẻ em ở châu Phi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng, với những hậu quả không thể phục hồi đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của các em.
Đức Tổng Giám Mục Franz Lackner của Salzburg và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo nhấn mạnh, nạn đói là “người bạn đồng hành tàn nhẫn” của chiến tranh và “luôn ảnh hưởng đặc biệt đến những người nghèo, yếu đuối nhất, trẻ em và người già”. Mặc dù ký ức về nạn đói gần như đã biến mất ở châu Âu, nhưng “ngay cả ở vùng đất của chúng ta, vẫn có người chết đói, thường trong thầm lặng”. Do đó, tiếng chuông không chỉ là một dấu chỉ thiêng liêng của tình liên đới, “dành cho những người đang đau khổ ngày nay, nhưng còn cho những ai muốn giúp đỡ, những người không đứng yên nhìn sự việc xảy ra”.
Chỉ riêng tại Tổng Giáo Phận Salzburg sẽ có hơn 300 chuông nhà thờ vang lên, và trên toàn nước Áo sẽ có khoảng 3.000 giáo xứ tham gia. Trong một thông cáo báo chí, bà Nora Tödtling-Musenbichler, Chủ tịch Caritas Áo giải thích, chiến dịch quốc gia này nhằm gửi đi một “tín hiệu mạnh mẽ chống nạn đói trên thế giới”.
Thảm hoạ thiên nhiên đang gia tăng, cùng với các đợt hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt. Sự gia tăng các cuộc chiến và xung đột, đặc biệt ở Trung Đông và nhiều quốc gia châu Phi, cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực và dẫn đến suy dinh dưỡng.
Nhờ sự đóng góp của người dân Áo, mỗi năm, tổ chức bác ái Công giáo có thể hỗ trợ gần 100.000 người trong cuộc chiến chống nghèo đói, thông qua các dự án nông nghiệp, hoặc phân phát thực phẩm và hạt giống để trồng trọt.
Tiếng chuông vang lên không chỉ nhằm nhắc nhở mọi người rằng mỗi ngày vẫn còn có nhiều người chết đói, nhưng còn để tạo ra ý thức trách nhiệm chung trước sự bất công này, kêu gọi tất cả mọi người cùng dấn thân trong cuộc chiến chống nạn đói và khủng hoảng khí hậu.
Nguồn Vatican News