Chuyến Tông Du Của Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Hungary - NGÀY 29/4

Trưa ngày 29/4/2023, sau khi gặp gỡ người nghèo và người tị nạn, Đức Thánh Cha đã đi đến nhà thờ Công giáo Hy Lạp Sự bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa để thăm Cộng đoàn Công giáo Hy lạp ở đây và cầu nguyện với họ theo nghi lễ Byzantine.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ CÁC BẠN TRẺ HUNGARY

Trong cuộc gặp gỡ cuộc đối thoại ấm áp và chân thành giữa Đức Thánh Cha và các bạn trẻ Hungary, những người trẻ nói với Đức Thánh Cha về việc tìm kiếm Thiên Chúa và về một cuộc sống đích thực và hạnh phúc, còn Đức Thánh Cha chỉ ra con đường: vượt lên trên lợi ích của bản thân và dấn thân như Chúa Giêsu để phục vụ anh em.

Hồng Thủy - Vatican News 

Lúc gần 4 giờ chiều thứ Bảy 29/4/2023, Đức Thánh Cha đã rời Toà Sứ thần đi xe đến nhà thi đấu Papp László Budapest, cơ sở thể thao có mái che lớn nhất của Budapest, có sức chứa đến 12.500 khán giả. Cơ sở này được bắt đầu xây dựng vào năm 2001, thay thế cho cơ sở thể thao trước đó đã bị hư hại nặng nề bởi trận hoả hoạn vào năm 1999. Từ ngày 28 tháng 5 năm 2004, nhà thi đấu này mang tên của nhà vô địch quyền anh nổi tiếng người Hungary László Papp.

Sau khi đi xe mui trần xung quanh nhà thi đấu chào các bạn trẻ, Đức Thánh Cha được Đức cha Palánki Ferenc, phụ trách mục vụ giới trẻ, tiếp đón giữa tiếng hát chào đón của khoảng 12.000 bạn trẻ.

Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm ra câu trả lời của cuộc sống

Đáp lại lời chào mừng của Đức cha Ferenc và chứng từ của 4 bạn trẻ đại diện cho các học sinh trung học và sinh viên đại học, Đức Thánh Cha cho biết ngài rất vui khi được ở bên các bạn trẻ. Nhắc lại lời Đức cha Ferenc, tuổi trẻ là thời gian của những câu hỏi quan trọng và những câu trả lời tuyệt vời, Đức Thánh Cha nói rằng điều quan trọng là có ai đó gợi mở và lắng nghe câu hỏi của các bạn trẻ, và không đưa ra cho họ những câu trả lời dễ dàng và sẵn có, nhưng giúp họ dũng cảm đối mặt với cuộc phiêu lưu của cuộc đời để tìm kiếm những câu trả lời tuyệt vời. Và ngài khẳng định: "Trên thực tế, đây là những gì Chúa Giêsu đã làm. Đức Kitô là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, Thiên Chúa Trời hằng sống Đấng đến gần với chúng ta; Người là Bạn, người bạn tốt nhất, là Anh em, người anh em tốt nhất."

 Chúa rất giỏi trong việc đặt câu hỏi. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của Chúa Giêsu với những người sẽ trở thành môn đệ của Người, Chúa hỏi hai người đi theo Người: "Các anh tìm gì?" (Ga 1,38). Người nói: "Hãy đến mà xem" (c. 39). Đức Thánh Cha giải thích: "Chúa không giảng dạy, nhưng đồng hành với họ trên đường: Người không muốn các môn đệ của mình là những học trò lặp lại một bài học, nhưng là những người trẻ tự do và luôn hướng tới, những người bạn đồng hành của một Thiên Chúa lắng nghe những nhu cầu của họ và quan tâm đến ước mơ của họ."

Chúng ta không trở nên vĩ đại khi dẵm lên người khác nhưng khi phục vụ họ

Khi hai môn đệ trẻ yêu cầu Chúa Giêsu một điều sai trái, được ở bên phải và bên trái của Chúa khi Người lên làm Vua. Chúa không quở trách họ vì đã dám nói điều đó. Đức Thánh Cha nhận xét: "Chúa không phá vỡ những ước mơ của họ, nhưng sửa dạy cho họ cách để đạt được chúng; Người chấp nhận ước muốn trở nên vĩ đại của họ, nhưng nhấn mạnh đến một điều mà cả chúng ta cũng phải luôn ghi nhớ: chúng ta không trở nên vĩ đại khi dẵm lên người khác, nhưng bằng cách hạ mình xuống giúp đỡ họ. Chúng ta không đạt được điều vĩ đại bằng cách làm hại người khác, nhưng bằng cách phục vụ họ (xem Mc 10,35-45)."

Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: "Các bạn thân mến, như các bạn thấy đấy, Chúa Giêsu rất vui khi chúng ta đạt được những điều tuyệt vời. Người không muốn chúng ta lười biếng "ngủ nướng", không muốn chúng ta im lặng và nhút nhát; ngược lại, Người muốn chúng ta sống động, năng động, sẵn sàng nhận trách nhiệm. Người không bao giờ xem thường những kỳ vọng của chúng ta nhưng ngược lại, nâng cao mức độ mong muốn của chúng ta. Chúa Giêsu sẽ đồng ý với câu tục ngữ của các bạn, câu mà tôi hy vọng sẽ phát âm đúng: Aki mer az nyer [Những người dám làm sẽ chiến thắng]."

Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary

Hướng đến những mục tiêu vĩ đại và rèn luyện

Nhưng làm thế nào để chúng ta chiến thắng trong cuộc sống? Đức Thánh Cha liệt kê hai bước cơ bản. Trước hết, nhắm mục tiêu cao, sau đó rèn luyện. Đức Thánh Cha mời gọi hãy dùng tài năng vào việc tốt. Ngài đưa ra câu hỏi, "Trong thâm tâm các bạn có cảm thấy mình có khả năng giúp đỡ người khác không? Các bạn có cảm thấy yêu mến Chúa, muốn có một gia đình đông con, giúp đỡ những người túng thiếu tốt biết bao không?" Và ngài nhắc nhở: "Đừng nghĩ rằng đây là những mong muốn không thể đạt được. Thay vào đó, hãy đầu tư vào những mục tiêu lớn của cuộc đời! Sau đó, rèn luyện."

Thinh lặng và đối thoại với Chúa Giêsu

Rèn luyện thế nào? Đức Thánh Cha chỉ dạy: "Bằng cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, vì người là huấn luyện viên giỏi nhất. Người lắng nghe các bạn, khuyến khích, tin tưởng các bạn và có thể phát huy những điều tốt nhất nơi các bạn. Người không ngừng mời gọi các bạn trở thành một thành viên trong nhóm, không bao giờ đơn độc nhưng với những người khác: trong Giáo hội, trong cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm của các bạn với những người khác." Ngài lưu ý về một cám dỗ lớn ngày nay đó là chúng ta hài lòng với một chiếc điện thoại di động và một vài người bạn. Điều đó không tốt hay lành mạnh.

Một điều thiết yếu mà những người trẻ tuổi và cả người lớn đang thiếu, đó là sự thinh lặng, bởi vì chúng ta sợ cô đơn. Do đó Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: "đừng sợ bơi ngược dòng, hãy dành chỗ cho một khoảnh khắc thinh lặng mỗi ngày, một khoảnh khắc để dừng lại và cầu nguyện." Nhưng ngài cũng nhắc họ hãy cẩn thận "đừng đắm chìm trong tâm trạng ủ rũ hoặc nghiền ngẫm về những vấn đề của mình. Đừng lãng phí thời gian nghĩ xem ai đã làm điều này điều nọ với mình, tra hỏi về động cơ của người khác. Điều đó cũng không tốt hay lành mạnh."

Đức Thánh Cha nói về ích lợi của sự thinh lặng: "Thinh lặng là mảnh đất trên đó chúng ta vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp. Nó cho phép chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu bất cứ điều gì chúng ta đang cảm thấy, mang đến với Người những khuôn mặt và những cái tên, chia sẻ những khó khăn của chúng ta, nhớ đến bạn bè và cầu nguyện cho họ. Sự thinh lặng giúp chúng ta có cơ hội đọc một trang Tin Mừng có thể nói với tâm hồn của chúng ta, để thờ phượng Thiên Chúa, để lấy lại bình an nội tâm... Sự thinh lặng cho phép chúng ta quan sát thiên nhiên, để chúng ta không chỉ tiếp xúc với các thiết bị và đồ dùng mà còn khám phá vẻ đẹp tự nhiên xung quanh chúng ta. Thinh lặng không phải để ngồi dán mắt vào điện thoại di động hoặc trên mạng xã hội."

Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary

Mẫu gương cầu nguyện của nhạc sĩ Franz Liszt

Thinh lặng như cánh cửa của cầu nguyện và cầu nguyện là cánh cửa tình yêu. Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta. Đức Thánh Cha nói: "Người không ngần ngại giúp các bạn vượt qua mọi trở ngại trên con đường của các bạn. Cầu nguyện giúp các bạn trong việc này, bởi vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa Giêsu, cũng như Thánh lễ là cuộc gặp gỡ với Người, và Xưng tội là vòng tay ôm mà các bạn nhận được từ Người."

Đức Thánh Cha đưa ra mẫu gương cầu nguyện của nhạc sĩ vĩ đại người Hungary: Franz Liszt. Ngài kể: "Trong quá trình phục hồi cây đàn piano của ông, người ta đã tìm thấy một số hạt từ chuỗi tràng hạt của ông; tràng hạt đã bị đứt và những hạt đó đã rơi vào nhạc cụ. Điều này khiến chúng ta nhận ra rằng trước khi sáng tác hoặc biểu diễn, có lẽ ngay cả sau giây phút thích thú với cây đàn piano, ông thường cầu nguyện. Ông đã nói chuyện với Chúa và Đức Mẹ về những gì ông yêu thích và ông đã mang nghệ thuật và tài năng của mình để cầu nguyện." Từ đó Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ: "Khi các con cầu nguyện, đừng ngại trình bày với Chúa Giêsu mọi điều đang xảy ra trong cuộc sống của các con: cảm xúc và nỗi sợ hãi, vấn đề và kỳ vọng, ký ức và hy vọng của các con. Cầu nguyện là đối thoại; cầu nguyện là cuộc sống."

Thiên Chúa cần những con người thực sự và đích thực

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa không làm những điều vĩ đại với những người phi thường, nhưng với những người bình thường, có những giới hạn. Những người cậy dựa vào khả năng của mình và luôn lo lắng để tỏ ra tốt đẹp trước mặt người khác, thì không nghĩ đến Thiên Chúa bởi vì chỉ nghĩ đến bản thân họ. Chúa Giêsu, bằng những câu hỏi và bằng tình yêu của Người, cùng với Thánh Thần của Người, tác động sâu xa trong chúng ta để biến chúng ta thành những con người thực sự, đích thực. Và ngày nay chúng ta rất cần những con người thực sự và đích thực như vậy.

Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary

Giúp thế giới sống hoà bình

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc đến lời cảnh tỉnh của Tódor, nói rằng lòng nhiệt thành của chúng ta đối với sứ vụ có thể bị giảm sút khi sống trong an ninh và thoải mái, trong khi cách đây không xa, chiến tranh và đau khổ là thực tế hàng ngày. Đây là thách đố thực sự: kiểm soát cuộc sống của chúng ta để giúp thế giới của chúng ta sống trong hòa bình. Đức Thánh Cha mời gọi đặt câu hỏi thật khó: "Tôi đang làm gì cho người khác, cho Giáo hội, cho xã hội? Tôi có chỉ nghĩ về bản thân mình không? Hay tôi tự vì người khác, mà không tính toán đến lợi ích của chính mình? Chúng ta hãy suy tư về khả năng quảng đại, khả năng yêu thương của chúng ta như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, đó là bằng cách phục vụ người khác."

Đức tin dẫn đến sự chia sẻ

Điều cuối cùng Đức Thánh Cha chia dựa trên trình thuật Chúa hóa bánh ra nhiều trong chương sáu của Tin Mừng Thánh Gioan, trong đó một bạn trẻ là trung tâm câu chuyện. Cậu có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng nó thấm gì khi có rất đông người?" (câu 9). Dù số bánh ít ỏi. nhưng được dâng tặng cho Chúa Giêsu, nó được biến nên nhiều và đủ cho tất cả mọi người. Từ sự chia sẻ của cậu bé đó phép lạ đã xảy ra.

Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: "Đức tin là như vậy: nó bắt đầu bằng việc cho đi một cách tự do, với sự nhiệt tình và quảng đại, vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta và tiến bước!" Mỗi người trong các bạn đều quý giá đối với Chúa Giêsu và với tôi! Không ai có thể thay thế vị trí của họ trong lịch sử của Giáo hội và thế giới: Không ai có thể thay thế vị trí của các bạn, không ai có thể làm điều chỉ các bạn có thể. Vì vậy, chúng ta hãy giúp đỡ nhau để tin rằng chúng ta được yêu thương và quý giá, rằng chúng ta được tạo ra cho những điều vĩ đại."

Sau khi ban phép lành cho các bạn trẻ Đức Thánh Cha đã trở về Toà Sứ thần để gặp riêng các tu sĩ Dòng Tên ở Hungary.

Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary

ĐỨC THÁNH CHA THĂM CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO HY LẠP Ở HUNGARY

Hồng Thủy - Vatican News 

Cộng đoàn Công giáo Hy Lạp Hungary

Ngày 8/1/1905, Đức Hồng y Ferenc Kolis Vaszary, Tổng Giám mục của Estergom và Giáo chủ Hungary đã thành lập giáo xứ Công giáo Hy Lạp của Budapest.

Cộng đoàn thuộc Tổng giáo phận Hajdúdorog; từ năm 1980 giáo phận này giành cho tín hữu Công giáo nghi lễ Bizantine trên toàn nước Hungary. Phụ trách Tổng giáo phận là Đức cha Fulop Kocsis, thuộc cộng đoàn đan tu Dámóc.

Giáo hội Công giáo Hy Lạp đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tái tổ chức vào tháng 3/2015 và nâng thành Giáo hội tự quản, hoàn toàn độc lập với Giáo hội Công giáo Latinh về quyền tài phán. Các Giám mục Công giáo Hy Lạp ở Hungary là thành viên của Hội đồng Giám mục Hungary với quyền tự do bỏ phiếu.

Hai lá phổi của Giáo hội: tinh thần Đông phương và Tây phương

Đến nhà thờ sự Bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha được Đức Tổng Giám mục Kocsis đón tiếp và trong lời chào đón Đức Thánh Cha, Đức cha nói rằng nhờ Thánh Gioan Phaolô II, tín hữu Công giáo Hy Lạp hiểu rằng Giáo hội Chúa Kitô thở bằng hai lá phổi, đó là tinh thần của phương Đông và tinh thần của phương Tây, cùng nhau làm cho Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô sống động. Hình ảnh này được thể hiện qua hình ảnh của hai nhà thờ Thánh Elizabeth của Công giáo Latinh và sự Bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa của Công giáo Hy Lạp ở bên cạnh nhau tại Quảng trường Hoa hồng.

Cầu nối giữa hai Giáo hội

Tổng Giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp ở Hungary cũng nhắc lại rằng các vị tử đạo đã chết vì trung thành với Giáo hội Công giáo dưới bạo lực của cộng sản. Ngài nói: "Do đó, không ai có thể nghi ngờ rằng, trong khi cố gắng trung thành với cội nguồn Đông phương của mình, chúng con không muốn tách mình ra, nhưng muốn trở thành cầu nối giữa hai Giáo hội, vì theo một nghĩa nào đó, chúng con thuộc về cả hai."

Giáo hội Công giáo Hy Lạp là thành viên bình đẳng trong gia đình Công giáo 

Đức cha khẳng định: "Với chuyến thăm của Đức Thánh Cha hôm nay, chúng con có một xác nhận mạnh mẽ rằng chúng con là những thành viên bình đẳng trong gia đình Công giáo và chúng con hứa sẽ dấn thân mang đến cho mọi người một thông điệp về sự hiệp nhất và tình huynh đệ."

Sau đó, Đức Tổng Giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp xin Đức Thánh Cha cùng cầu nguyện với cộng đoàn và hát kinh cầu bình an theo nghi thức Byzantine. Đức Thánh Cha đã cùng hát câu đáp bằng tiếng Hungary: Uram, irgalmazz! Nghĩa là Xin Chúa thương xót chúng con!

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha ban phép lành cho mọi người hiện diện.____

 

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA GẶP NGƯỜI NGHÈO VÀ NGƯỜI TỊ NẠN TẠI NHÀ THỜ THÁNH ELISABETH CỦA HUNGARY

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (29.4.2023) – Trong buổi gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, ngôn ngữ bác ái. Ngài nhắc mọi người nhớ rằng, trong khi thực thi bác ái phải quan tâm đến con người toàn diện, và ước mong Giáo hội nói thông thạo ngôn ngữ bác ái.

Sau khi thăm các trẻ em khiếm thị và có hoàn cảnh đặc biệt tại Viện Chân phước László Batthyány-Strattmann, vào lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hungary cách đó 10 km, để thăm người nghèo và người tị nạn.

Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary

Nhà thờ Thánh Elizabeth

Nhà thờ Thánh Elizabeth nằm ở Quảng trường Hoa hồng, được bao quanh bởi một công viên công cộng có hàng rào, ở quận VII của Budapest, khu Do Thái lịch sử của thành phố. Công trình xây dựng tòa nhà bắt đầu từ năm 1895, khi số tín hữu Công giáo ở quận Erzsébetváros gia tăng. Đức Tổng Giám Mục János Simor đã mua mảnh đất ở Quảng trường Hoa hồng. Kiến trúc sư Imre Steindl nổi tiếng được chọn thiết kế Nhà thờ. Nhà thờ được hoàn thành và cung hiến vào năm 1901. Trong dự án, ông Steindl đã chuyển đổi truyền thống Gothic của Pháp, kết hợp nó với các giải pháp kỹ thuật hiện đại.

Vào năm 1931, dịp kỷ niệm 700 năm ngày qua đời của Thánh Elizabeth của Hungary, vị thánh được biết đến với sự phục vụ dành cho người nghèo, một bức tượng của Thánh nữ, con gái của vua Hungary Andrew II đã được đặt trước Nhà thờ.

Trong Thế chiến thứ hai, quảng trường đã bị đánh bom và tòa nhà bị hư hại nặng. Nhà thờ chỉ được tái xây dựng và phục hồi nhờ vào Quỹ dành cho Giáo xứ Thánh Elizabeth, được thành lập vào năm 1992, và do đó đã lấy lại được vẻ đẹp trước đây.

Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo và tị nạn

Đón tiếp

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được chào đón tại lối vào Nhà thờ Thánh Elizabeth bởi Chủ tịch Caritas Hungary và linh mục quản xứ, người trao Thánh giá và nước thánh cho ngài.

Trong khi ca đoàn hát thánh ca Đức Thánh Cha và mọi người đến trước bàn thờ. Buổi gặp gỡ được bắt đầu với lời chào mừng của Chủ tịch Caritas Hungary. Tiếp theo đó là lời chứng của một gia đình Công giáo Hy Lạp, một gia đình tị nạn và hai vợ chồng phó tế.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong bài diễn văn sau đó, Đức Thánh Cha bắt đầu bằng việc nhắc lại rằng, người nghèo luôn là trung tâm của Tin Mừng, vì Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta “để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Vì thế, người nghèo đặt ra cho chúng ta một thách đố lớn: Đức tin mà chúng ta tuyên xưng không bị giam cầm bởi một lòng đạo đức xa rời cuộc sống, một thái độ “ích kỷ tâm linh”, một nền linh đạo do chính tôi tạo ra nhằm duy trì sự yên tĩnh nội tâm và tự mãn cho chính mình. Đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, ngôn ngữ bác ái. Như Thánh Phaolô khẳng định, chúng ta có thể nói nhiều thứ tiếng, rất khôn ngoan và giàu có, nhưng nếu không có đức ái, chúng ta chẳng có gì, chúng ta chẳng là gì (1Cr 13,1-13).

Ngôn ngữ bác ái dành cho người nghèo

Tới đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chính Thánh Elizabeth là người đã nói ngôn ngữ bác ái này. Theo ngài, những ai “gắn bó với Thiên Chúa”, như Thánh Phanxicô Assisi, người đã truyền cảm hứng cho Thánh Elizabeth, thì mở lòng bác ái với người nghèo. Vì “nếu ai đó nói: 'Tôi yêu mến Thiên Chúa' và ghét anh chị em mình, người đó là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Thánh Elizabeth, con gái của một vị vua, đã lớn lên trong sự giàu sang của cuộc sống cung đình, trong một môi trường sang trọng và đặc quyền. Tuy nhiên, một khi đã được chạm đến và biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Thánh nữ nhanh chóng cảm thấy khước từ sự giàu có và phù vân của thế gian, tìm cách từ bỏ chúng và chăm sóc những người túng thiếu. Vì vậy, ngài không chỉ bán của cải nhưng còn dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo, người phung cùi và người bệnh, tận tình chăm sóc họ, thậm chí còn vác họ trên vai. Đây là ngôn ngữ bác ái.

Đức Thánh Cha gặp người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary

Cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái

Đi vào thực tế của xã hội Hungary và qua lời chứng của cô Brigitta, người đã cảm nhận được sự nâng đỡ của Chúa qua Giáo hội Công giáo Hy Lạp, Đức Thánh Cha giải thích về cách can thiệp của Chúa trong những lúc chúng ta gặp khó khăn: Đấng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, “xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn” và “nâng người sa ngã” (Tv 146, 7-8), hầu như không bao giờ đến giải quyết các vấn đề của chúng ta từ trên cao, nhưng đến gần với vòng tay yêu thương dịu dàng và khơi dậy lòng trắc ẩn nơi những anh chị em nhận ra điều đó và không thờ ơ. Brigitta nói với chúng ta: cô đã có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa nhờ Giáo hội Công giáo Hy Lạp, nhờ nhiều người đã làm hết sức để giúp đỡ, khuyến khích cô, tìm cho cô việc làm và hỗ trợ cô về nhu cầu vật chất cũng như trong hành trình đức tin. Đây là chứng tá mà chúng ta cần phải có: thể hiện lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người, đặc biệt những người đang sống trong nghèo đói, bệnh tật và đau đớn. Chúng ta cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái, ngôn ngữ phổ quát mà mọi người đều có thể nghe và hiểu, kể cả những người ở xa nhất, kể cả những người không tin.

Ca đoàn

Cám ơn Giáo hội Hungary vì sự phục vụ bác ái

Tới đây, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn Giáo hội Hungary vì sự phục vụ bác ái một cách quảng đại và rộng khắp. Giáo hội đã tạo ra một mạng lưới kết nối nhiều nhân viên mục vụ, nhiều tình nguyện viên, Caritas giáo xứ và giáo phận, cũng như các nhóm cầu nguyện, các cộng đoàn tín hữu, các tổ chức thuộc các hệ phái khác, nhưng hiệp nhất trong tình hiệp thông đại kết phát sinh từ đức ái. Và ngài cám ơn mọi người về cách chào đón – không chỉ với lòng quảng đại nhưng còn với sự nhiệt tình – rất nhiều người tị nạn từ Ucraina.

Đức Thánh Cha nói ngài xúc động khi nghe lời chứng của Oleg và gia đình anh; “hành trình hướng đến tương lai” – một tương lai khác, khác xa nỗi kinh hoàng của chiến tranh – thực sự bắt đầu bằng một “hành trình của ký ức”, bởi vì Oleg nhớ lại sự chào đón nồng nhiệt mà anh nhận được ở Hungary nhiều năm trước khi anh đến làm đầu bếp ở đây. Ký ức về trải nghiệm đó đã khuyến khích anh đưa gia đình đến Budapest, nơi anh nhận được sự tiếp đón với lòng hiếu khách quảng đại. Ký ức về tình thương nhận được thắp lên hy vọng, khích lệ con người dấn thân vào những chặng đường đời mới. Thật vậy, ngay cả trong đau đớn và khổ sở, một khi chúng ta đã nhận được sự xoa dịu của tình thương, chúng ta sẽ có can đảm để tiến bước: đó là sức mạnh giúp chúng ta tin rằng tất cả không mất đi và một tương lai khác là có thể. Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và Người truyền cho chúng ta phải sống như thế giúp loại bỏ khỏi xã hội, khỏi các thành phố và nơi chúng ta đang sống, cái xấu của sự thờ ơ và ích kỷ, và thắp lại niềm hy vọng cho một thế giới mới, công bằng và huynh đệ hơn, nơi mọi người có thể cảm thấy như ở nhà.

Đức Thánh Cha

Bác ái phải quan tâm đến con người toàn diện

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi rất xúc động khi biết rằng, cùng với những nhu cầu vật chất, anh chị em chú ý đến lịch sử và phẩm giá bị tổn thương, quan tâm đến sự cô đơn, cuộc đấu tranh của người nghèo để họ cảm thấy được yêu thương và chào đón trên thế giới. Điều này áp dụng cho toàn thể Giáo Hội: cung cấp cơm bánh cho no bụng thì chưa đủ, còn phải nuôi tâm hồn con người nữa! Bác ái không chỉ là sự giúp đỡ về mặt vật chất và xã hội, nhưng quan tâm đến con người toàn diện và mong muốn giúp họ đứng vững trở lại bằng tình yêu của Chúa Giêsu: một tình yêu giúp lấy lại vẻ đẹp và phẩm giá”.

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người luôn nói ngôn ngữ bác ái, và một lần nữa nhắc đến mẫu gương của Thánh Elizabeth: “Người ta kể rằng Chúa đã từng biến bánh mà thánh nữ mang đến cho người nghèo thành hoa hồng. Đối với anh chị em cũng vậy: khi anh chị em dấn thân mang cơm bánh cho người nghèo đói, Chúa làm cho niềm vui nở hoa và tỏa hương thơm cho sự hiện diện của anh chị em bằng tình yêu mà anh chị em trao ban. Tôi cầu chúc anh chị em luôn mang hương thơm bác ái vào Giáo hội và đất nước của anh chị em. Và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn”.

Buổi gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.

 

Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elizabeth của Hungary.

ĐỨC THÁNH CHA THĂM VIỆN “CHÂN PHƯỚC LÁSZLÓ BATTHY

Vatican News Tiếng Việt

Vatican News (29.4.2023) – Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng thứ Bảy 29/4/2023, ngày thứ hai trong chuyến tông du viếng thăm Hungary, từ Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha đến viện “Chân phước László Batthyány-Strattmann” cách đó 3,5 km để gặp riêng các em và những người có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc ở đây.

Viện Chân phước László Batthyány-Strattmann, nằm ở quận XII của thủ đô, trong một tòa nhà nhiều tầng. Trung tâm có trường mẫu giáo và tiểu học dành cho các trẻ em khiếm thị hoặc cần được giáo dục đặc biệt. Các em được chăm sóc bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần, cùng với các công cụ giáo dục và vật lý trị liệu hiện đại nhất, hồ bơi và phòng tập thể dục.

Một em bé của Viện

Ngôi nhà dành cho trẻ em mù được điều hành bởi sơ Anna Fehér - "Mẹ Têresa của Hungary", như đã được nhìn nhận trong những năm 1980 -, cho đến khi sơ qua đời vào năm 2021.

Năm 1982, với sự giúp đỡ của Đức Hồng Y László Lékai, sơ Anna, nhà sư phạm, cũng là người khiếm thị thuộc Dòng các Nữ tu Thánh Elizabeth Hungary, thiết lập Ngôi nhà dành cho trẻ em khiếm thị, ở quảng trường Batthyány, trong một căn hộ chỉ 100 mét vuông. Do căn hộ không đủ rộng để đón nhiều trẻ em nghèo, vào năm 1989 cơ sở đã được chuyển đến địa điểm hiện nay.

Giữa nhiều bách hại và khó khăn, nhưng nhờ sự dấn thân quên mình trong đức tin, đức cậy và đức mến, sơ Anna đã đem lại hy vọng và cơ hội mới cho nhiều trẻ em khuyết tật.

Đức Thánh Cha thăm viện “Chân phước László Batthyány-Strattmann”

Từ năm 2016, Ngôi nhà được quản lý bởi tổ chức "Kolping", còn được gọi là "KOSZISZ", trực thuộc Hội đồng Giám mục Hungary.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Giám đốc trung tâm chào đón tại lối vào chính. Sau đó, Giám đốc đưa Đức Thánh Cha đi thăm một số phòng của Viện.

Buổi chào đón Đức Thánh Cha diễn ra sau đó một cách ngắn gọn và ấm cúng, với lời chào mừng của Giám đốc, bài hát Đức Mẹ, một thành viên của Viện biểu diễn sáo, trao đổi qua tặng, và kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.

Giám đốc viện chào mừng Đức Thánh Cha

Vào cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha cũng có những lời cám ơn đối với Giám đốc và nhân viên của Viện vì sự chào đón và chăm sóc dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha được tháp tùng đến phòng trệt để chào các nhân viên của Viện.

 

Video Đức Thánh Cha gặp các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ

Đọc thêm: Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp các giám mục, các linh mục và phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ_

Video Đức Thánh Cha bắt đầu chuyến tông du đến Hungary

Nguồn: vaticannews.va/vi