Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Congo và Nam Sudan

Sáng thứ Ba ngày 31/1/2023 Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi sự chuyến tông du thứ 40 của ngài tại nước ngoài với hai chặng dừng: trước tiên tại Cộng hòa Dân Chủ Congo cho đến sáng ngày 3/2/2023, và tiếp đó là tại Nam Sudan, cho đến ngày 5/2/2023. Cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi nhưng khẩn trương. Giáo Hội và xã hội tại 2 nước đều nồng nhiệt mong đợi cuộc viếng thăm này.

Chương trình cụ thể của ĐTC tại Congo và Nam Sudan

Thứ Ba ngày 31/1/2023

RÔMA – KINSHASA (dưới đây là giờ Việt Nam)

13h55 Khởi hành máy bay từ phi trường quốc tế Rôma/Fiumicio đến Kinshasa
21h Đến phi trường quốc tế Ndjili ở Kinshasa
21h Đón tiếp chính thức 
22h30 Nghi thức chào đón ở Dinh Quốc gia 
22h45 Viếng thăm xã giao Tổng thống nước Cộng hòa trong Văn phòng Tổng thống ở Dinh Quốc gia  
23h30 Gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao ở vườn của Dinh Quốc gia

Thứ Tư ngày 1/2/2023

KINSHASA

15h30 Thánh lễ ở phi trường Ndolo
22h30 Gặp gỡ các nạn nhân ở miền Đông của đất nước tại Tòa Sứ Thần  
00h30 Gặp gỡ các đại diện của một số tổ chức từ thiện tại Tòa Sứ Thần

Thứ Năm ngày 2/2/2023

KINSHASA

15h30 Gặp gỡ giới trẻ và giáo lý viên tại sân vận động các vị Tuẫn đạo 
22h30 Gặp gỡ cầu nguyện với các linh mục, phó tế, những người sống đời thánh hiến và các chủng sinh tại nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Congo
00h30 Gặp gỡ riêng với các thành viên của Dòng Tên tại Tòa Sứ Thần

Thứ Sáu ngày 3/2/2023

KINSHASA – DJOUBA

14h30 Gặp gỡ các Giám mục tại CENCO
16h10 Nghi thức từ biệt tại phi trường quốc tế Ndjili ở Kinshasa
16h40 Khởi hành máy bay từ phi trường quốc tế Ndjili ở Kinshasa đến Djouba

Chuyến tông du đến Nam Sudan được thực hiện với Đức Tổng Giám mục của Canterbury và Vị điều hành Tổng Công nghị của Giáo hội Scotland

21h Đến phi trường quốc tế  Djouba
21h Nghi thức chào đón 
21h45 Thăm xã giao Tổng thống nước Cộng hòa tại Dinh Tổng thống 
22h15 Gặp gỡ các vị phó tổng thống của nước Cộng hòa    
23h Gặp gỡ với chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại vườn Dinh Tổng thống

Thứ Bảy ngày 4/2/2023

DJOUBA

15h Gặp gỡ với các Giám mục, Linh mục, Phó tế, những người sống đời thánh hiến tại nhà thờ Chánh tòa thánh Têrêsa 
17h Gặp gỡ riêng với các thành viên Dòng Tên tại Tòa Sứ Thần  
22h30 Gặp gỡ người di cư nội địa tại Hội trường Tự Do
24h Cầu nguyện đại kết tại Lăng John Garang

Chúa Nhật ngày 5/2/2023

DJOUBA – RÔMA

14h45 Thánh lễ tại Lăng John Garang  
17h Nghi thức từ biệt tại phi trường quốc tế Djouba
17h30 Khởi hành máy bay từ phi trường quốc tế Djouba về Rôma
23h30 Đến phi trường quốc tế Rôma/Fiumicino

 

Vào ngày đầu tiên của chuyến tông du Châu Phi, 31/1/2023, Đức Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Congo về trách nhiệm, khước từ đề cập cách minh nhiên vai trò của Rwanda trong tình trạng bất ổn đang diễn ra ở phía đông của đất nước.

Người ta chưa từng thấy một đám đông vây quanh Đức Thánh Cha như thế kể từ năm 2018, ở Pêru. Hôm 31/1/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đón tiếp bởi hàng chục ngàn người, tập trung trên vệ đường ngăn cách phi trường ở Kinshasa, thủ đô của nước Cộng hòa dân chủ Congo, với Dinh Quốc gia, nơi ngài có bài phát biểu trước giai cấp chính trị của đất nước.

Đám đông khổng lồ

Trên quãng đường 23 km, Đức Phanxicô, trên xe giáo hoàng, đã được một dòng người Kinshasa liên tục hoan hô, chờ đợi hàng giờ trong cái nóng ẩm ướt của thủ đô, mang theo những tấm biển và hình ảnh của Đức Thánh Cha.

Ở Dinh Quốc gia, Tổng thống Félix Tshisekedi, được bầu vào năm 2019, trong bài phát biểu trước sự hiện diện của khoảng 1000 người, các nhà lãnh đạo chính trị, dân sự, tôn giáo và truyền thống của đất nước, đã thẳng thừng tố cáo « những kẻ thù của hòa bình » đang hoạt động ở phía đông của đất nước, nơi căng thẳng đã gia tăng gấp đôi trong những tuần qua, và là nơi các cuộc đụng độ giữa lực lượng dân quân nổi dậy M23 và quân đội đã gây ra cái chết của hàng chục người. Vì thế, đất nước này cần sự hòa giải hơn bao giờ hết, và Đức Thánh Cha thực hiện chuyến thăm này xoay quanh chủ đề « Tất cả được hòa giải trong Chúa Giêsu-Kitô ».

Cáo buộc « các thế lực nước ngoài tham lam khoáng sản » phải chịu trách nhiệm về tình trạng bất ổn, Tổng thống Congo đã đả kích hành vi cướp bóc được thực hiện « với sự hỗ trợ trực tiếp và hèn nhát của nước láng giềng Rwanda của chúng tôi ». « Nước Cộng hòa Dân chủ Congo đảm nhận và sẽ tiếp tục đảm nhận trách nhiệm của mình, đặc biệt là việc bảo vệ lãnh thổ cho người dân của mình », Tổng Thống phát biểu trước sự hoan nghênh của đám đông.

Đức Thánh Cha gợi lên những nguy cơ của « sự chia cắt » đất nước

Trước diễn văn hiếu chiến này, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài phát biểu của mình, đã cẩn thận tránh nói về Rwanda, hoặc thậm chí về sự cần thiết cộng tác giữa các quốc gia láng giềng. Dù không ám chỉ minh nhiên đến hoàn cảnh, nhưng ngài rõ ràng đề cập đến những nguy hiểm của «  chế độ bộ lạc » và « sự chia cắt » của đất nước. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Cứng đầu đứng về phía sắc tộc hay lợi ích riêng của mình, nuôi dưỡng vòng xoáy hận thù và bạo lực, là gây bất lợi cho tất cả mọi người khi ngăn chặn sự thay đổi cần thiết của toàn bộ ».

Bên cạnh lời kêu gọi hiệp nhất này, chính với lời của một Tiến sĩ Hội Thánh người châu Phi, thánh Augustinô, mà Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Congo đảm nhận trách nhiệm của họ : « Nếu công lý không được tôn trọng, Nhà nước là gì nếu không phải là những băng trộm cướp ? », Đức Thánh Cha chất vấn, một câu vang dội như một cú đấm trong khu vườn của Dinh Quốc gia.

« Thiên Chúa đứng về phía những ai khao khát công lý », Đức Thánh Cha nói tiếp và đồng thời diễn giải Tin Mừng theo thánh Matthêu. Trước Tổng Thống Congo, mà việc bầu cử vào năm 2019 đã bị bôi xấu bởi nhiều nghi ngờ về những điều bất thường, và mười tháng bầu cử quyết định cho đất nước, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức các cuộc bầu cử « tự do, minh bạch và đáng tin cậy ».

Nếu không như thế, thì sự tồn tại dai dẳng « của bóng  tối của bất công và tham nhũng che khuất ánh sáng của sự thiện ». Những lời giống như một câu trả lời cho nhiều biểu ngữ, có thể nhìn thấy trên đường đến phi trường nơi vẽ hình Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo chính trị khác nhau chào đón ngài đến với đất nước, trong một thủ đoạn công cụ hóa không mấy kín đáo.

Phản đối « chủ nghĩa thực dân kinh tế »

Ngoài tình hình ở Cộng hòa Dân chủ Congo, và như ngài đã làm nhiều lần, Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng ngài nhìn thấy nơi châu Phi một lục địa nạn nhân của mọi hình thức khai thác bóc lột, làm mồi cho một « chủ nghĩa thực dân kinh tế » kế thừa « chủ nghĩa thực dân chính trị » mà nó đã từng là nơi diễn ra trong nhiều thập niên. Đức Thánh Cha kêu gọi : « Hãy bỏ tay ra khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo, rút tay ra khỏi châu Phi ! », « Hãy ngưng bóp ngạt châu Phi ! ».

Đức Thánh Cha nói tiếp : lục địa « không phải là một mỏ để khai thác, cũng không phải là một mảnh đất để cướp bóc. Hãy để châu Phi là nhân vật chính cho vận mệnh của nó ! » Đức Thánh Cha Phanxicô, người luôn ưu tiên các chuyến viếng thăm đến các khu vực ngoại vi của thế giới, để lôi kéo sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến chúng, cũng đã đi theo hướng này : « Ước gì châu Phi, nụ cười và niềm hy vọng của thế giới, được cọi trọng hơn nữa : chúng ta hãy nói về nó nhiều hơn, nó hãy có nhiều trọng lượng và đại diện hơn nữa giữa các quốc gia ! »

Ở CHDC Congo, nơi phía đông của đất nước, đặc biệt giàu tài nguyên thiên nhiên, đang bị nội chiến tàn phá, Đức Thánh Cha dường như thất vọng khi ngài khơi lên một « cộng đồng quốc tế » « hầu như cam chịu bạo lực đang nuốt chửng » phần này của thế giới. « Chúng ta không thể quen với dòng máu đã chảy trên đất nước này, từ nhiều thập niên nay, giết chết hàng triệu người mà nhiều người không hay biết ». Rồi, một lần nữa lo lắng về một dạng mù quáng của phương Tây đối với các nước nghèo nhất : « Chúng ta  cần biết điều gì đang xảy ra ở đây »...

(Tổng hợp nguồn: vatican.va)