Đừng Nghĩ Tháng 8 Là Tháng Chậm Chạp Ở Vatican

Ngày xửa ngày xưa, sau ngày lễ Thánh Phêrô-Phaolô 29 tháng 6 là kết thúc năm làm việc, bắt đầu thời gian chậm chạp tại Vatican.

Giáo hoàng và nhân viên giáo triều rời thành phố để đi nghỉ hè. Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI thường dành vài ngày đầu tháng 7 để lên rặng núi Alpes trước khi về đồi Castel Gandolfo để nghỉ thời gian còn lại của mùa hè.

Các văn phòng Vatican thưa thớt, các công việc, các dự án quan trọng nhất tạm ngưng. Văn phòng trung ương Giáo hội để ở chế độ “tự động điều khiển”, chỉ khi nào có sự kiện khẩn cấp vĩ đại mới kéo họ ra khỏi giấc ngủ (chuyện này cũng thỉnh thoảng xảy ra).

Nhưng kể từ tháng 6 năm 2013 với mùa hè đầu tiên của Đức Phanxicô, tất cả các chuyện này đã thay đổi. Giáo hoàng Dòng Tên Achentina thực sự đã biến mùa đông Nam Mỹ thành mùa hè Rôma, ngài nổi tiếng người không bao giờ nghỉ hè (và thường bị công kích về chuyện này).

“Đúng, đúng, người ta nói tôi như vậy!” Tháng 8 năm 2014, trên chuyến bay từ Nam Hàn về, khi các ký giả hỏi có lành mạnh cho ngài không nếu ngài không nghỉ hè, ngài đã thú nhận như trên.

“Tôi đã có kỳ nghỉ hè của tôi, vừa ở nhà xong và tôi thường làm như vậy, vì… tôi vừa đọc xong một quyển sách hay “Bạn hãy hạnh phúc, bạn bị chứng loạn thần kinh!” (quyển sách xuất bản năm 1936 của tâm lý gia người Mỹ Louis E. Bisch qua đời năm 1963, ‘Be Glad You’re Neurotic’).

Ngài nói đùa: “Tôi có các chứng thần kinh nho nhỏ riêng, nhưng mình phải chăm lo cho chúng, phải phục vụ chúng mỗi ngày, các chứng thần kinh nho nhỏ này ”, ngài muốn nói đến loại trà maté nhiều chất cà-phê đặc biệt của người Nam Mỹ.

Ngài giải thích: “Một trong các chứng thần kinh này là tôi quá gắn bó với nơi ở của tôi. Lần cuối tôi ra khỏi nhà đi nghỉ hè là năm 1975 ở Buenos Aires với cộng đoàn Dòng Tên chúng tôi.”

Ngài nói: “Tôi luôn có kỳ nghỉ hè – thực sự là nghỉ hè! Nhưng trong căn nhà của tôi, Tôi ngủ lâu hơn, tôi đọc sách tôi thích; tôi nghe nhạc; tôi bỏ nhiều thì giờ hơn để cầu nguyện… Những chuyện này giúp tôi thư giãn. Tôi làm những chuyện này trong tháng 7, tháng 8 và nó giúp tôi nghỉ ngơi rất nhiều.” Và như thế ngài đã bảo vệ cho việc nghỉ ngơi của mình. Nhưng không phải như thế với Đức Phanxicô, ngay cả những ngày thời tiết nóng nực ở Rôma vào đầu tháng 7 đến nửa tháng 8.

“Đi công chuyện” thay vì đi nghỉ hè xa Rôma

Điều này rõ ràng ngay năm đầu tiên, thay vì đi rặng núi Alpes đầu tháng 7 như các vị tiền nhiệm của mình, ngài đến đảo Lampedusa nước Ý, cổng vào Âu châu của những người tị nạn bị đắm tàu và những người làm đơn xin tị nạn.

Chuyến đi ngày 8 tháng 7 năm 1963 là để nói lên cảnh ngộ bi thảm của những người tị nạn và di dân. Và bây giờ sáu năm sau, một trong các đặc nét quan trọng nhất triều giáo hoàng của ngài là ngài trở thành tiếng nói ngôn sứ và người bảo vệ cho những “người phải thiên di” này trên thế giới.

Đức Phanxicô năm nay 82 tuổi, trong những năm vừa qua, ngài đã có chuyến tông du vào tháng 8, chuyến đầu tiên đi Nam Hàn từ 13 đến 18 tháng 8 năm 2014. Hai năm sau, ngài đi Assisi, để kỷ niệm 800 năm ngày Tha thứ của Assisi của Thánh Phanxicô, Thánh bổn mạng của ngài.

Và năm ngoái ngài đi Dublin, Ai Len vào cuối tháng 8 để dự đại hội gia đình thế giới. Chuyến đi này kết thúc đau buồn với vụ cựu giám mục sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, Carlo Maria Viganò đã công bố một bức thư tấn công Đức Phanxicô dữ dội, buộc tội ngài nói dối, đồng lòng trong các vụ bê bối. Giám mục Viganò yêu cầu ngài từ chức.

Các cải cách không ngừng ở tháng 8

Tháng 8 năm nay, Đức Phanxicô không “đi công tác”, ngài ở lại Vatican và tiếp tục các buổi tiếp kiến chung hàng tuần sau khi nghỉ tháng 7.

Dự kiến ngài sẽ nghiên cứu bản dự thảo cuối cùng của hiến chương tông đồ và các đề nghị gần đây của các giám mục và thần học gia trên thế giới cho cuộc chỉnh đốn trọng yếu và cải cách lớn của giáo triều.

Dù tài liệu này đang được xem lại trước khi công bố, có lẽ phải đến cuối năm, nhưng Đức Giáo hoàng sẽ tiếp tục công bố các cải cách và các vụ đề cử cụ thể.

Từ ngày được bầu chọn, gần như Đức Phanxicô đều làm chuyện này vào tháng 8.

Năm ngoái ngài đã viết lại phần 2267 của Giáo lý công giáo để thêm vào đây tính vô đạo đức của án tử hình.

Ngài viết thêm vào: “Do đó, Giáo hội dạy, dưới ánh sáng của Tin Mừng, án tử hình là không chấp nhận được, vì nó vi phạm đến quyền bất khả xâm phạm và nhân phẩm con người”, và Giáo hội quyết tâm theo đuổi công việc xóa bỏ án tử hình trên toàn thế giới.

Tháng 8 năm ngoái, ngài công bố “Thư gởi dân Chúa”, trong đó ngài xem nạn giáo quyền là một trong các yếu tố chính của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của các linh mục.

Vào giữa tháng 8 năm 2016, ngài đã chính thức sát nhập một số văn phòng của Vatican và đã thành lập Bộ Giáo Dân, Gia đình và Sự Sống do hồng y Kevin Farrell đứng đầu. Ngoài ra ngài cũng hoàn tất việc sát nhập một số văn phòng khác, và thành lập Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản toàn diện.

Tháng 8 năm 2016, Đức Phanxicô cũng thành lập một ủy ban nghiên cứu quốc tế về chức phó tế cho phụ nữ, mở ra một cuộc thảo luận trên toàn thế giới về một vấn đề không bao giờ chấm dứt. 

Chờ mặt trời tháng 8

Vào thời xa xưa (có nghĩa là thời trước thời Đức Phanxicô). Đôi khi Vatican chờ đến tháng 8 khi đa số các cơ quan truyền thông nghỉ hè, họ không chú ý gì nhiều để có một vài biện pháp hoặc đưa ra các đề cử nhân sự có thể gây ra tranh luận.

Một số người còn nhớ ngày 17 tháng 8 năm 2009 khi Đức Bênêđictô XVI gởi một trong các nhân vật quan trọng nhất Vatican (“bộ trưởng bộ Ngoại giao”) ở vị trí ngoại giao xa xôi ở Venezuela. Sự kiện này đã gây ra xáo trộn nội bộ và theo một số người, đó là lúc Đức Bênêđictô bắt đầu đi ra khỏi đường ray.

Người bị gởi đi Venezuela thời đó bây giờ là hồng y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh của Đức Phanxicô. Hồng y được Đức Phanxicô đề cử vào chức vụ này ngày 31 tháng 8 năm 2013.

Cũng tháng 8,  năm 2013 Đức Phanxicô đã đề cử linh mục Ba Lan Konrad Krajewski 49 tuổi ở văn phòng các nghi lễ phụng vụ giáo hoàng vào chức vụ đứng đầu Almoner Văn phòng Từ thiện giáo hoàng. Năm năm sau ngài là hồng y trước sự ngạc nhiên gần như của tất cả mọi người ở Vatican.

Trong những năm qua, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng, đặc biệt là các giám mục ở những nơi chủ chốt trên thế giới vào tháng 8, tháng thường được xem là tháng yên lặng. Trong số các giám mục này, ngài đã bổ nhiệm một số người làm hồng y. 

Mong đợi gì ở tháng 8 này

Trong vài tuần qua, Đức Phanxicô đã có các bổ nhiệm quan trọng trong giới truyền thông. Ngày 19 tháng 7 ngài đề cử ông Matteo Bruni, một giáo dân người Ý gốc Anh làm giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Một tuần sau ngài đề cử bà Cristiane Murray làm phó giám đốc cho ông Bruni, bà là giáo dân người Ba Tây làm việc cho Radio Vatican từ năm 1995,.

Bộ truyền thông dự trù sẽ có nhiều thay đổi khác, đặc biệt là việc thành lập “cơ quan báo chí” Vatican. Vẫn chưa rõ khi nào cải cách sẽ được công bố, nhưng nó có thể sớm nhất là vào tháng tới.

Đức Phanxicô cũng phải đề cử một giám chức cho bộ Kinh tế, chức vụ bị bỏ trống từ tháng 2 vừa qua khi hồng y George Pell chấm dứt nhiệm kỳ năm năm của mình. Trên thực tế, chức vụ này bị bỏ trống hai năm qua vì từ cuối tháng 6 năm 2017 hồng y Pell phải về Úc để bị xét xử trong vụ án lạm dụng tình dục (và đã bị kết án).

Có những thông tin cho rằng sắp tới đây Đức Phanxicô sẽ đề cử người kế vị hồng y Pell và nhiều người có trách nhiệm chính trong lãnh vực tài chánh đa dạng của  Vatican. Hứa hẹn một tháng 8 nóng bỏng.

Vì thế, như người Anh hay nói, hãy bình thản và tiếp tục. Bởi vì chính xác đó là những gì giáo hoàng sẽ làm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch