Các bài suy niệm Lễ Phục Sinh – Năm C

Là Kitô hữu, tôi không chỉ mừng lễ Chúa Phục Sinh, mà còn phải làm chứng nhân việc Chúa đã sống lại, hay đúng hơn làm chứng về một tình yêu tha thứ trở nên bền vững. Vậy thì hãy để tâm lắng nghe cảm nghiệm sâu lắng nhất trong tôi vào lúc này: phải chăng đó có thể là cảm nghiệm của Phêrô, hay của Gioan, hay của Maria Mácđala, hay của cả ba gộp lại?

Các bài suy niệm Lễ Phục Sinh – Năm C

Ga 20,1-9

 

1. Các nhân chứng phục sinh

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

Có ba nhân chứng về Tin Mừng Phục Sinh được nhắc tới trong bài trình thật phục sinh của cuốn Phúc Âm thứ tư, đó là Maria Mácđala, Phêrô và Gioan. Họ được coi như các nhân chứng diện F1 duy nhất của cái biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: một tử tội đã chết treo trên cây thập tự, đã được mai tang trong mồ, thì nay đã sống lại. Thế nhưng chứng cứ lịch sử khách quan, hay tất cả những gì họ có thể chưng ra làm bằng chứng cho cái biến cố trọng đại ấy thì lại quá giản dị: ‘lúc trời còn tối, bà Maria Mácdala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ’, Gio-an ‘tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó’, Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi, ‘ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi’…

Chi tiết thật đấy, nhưng chỉ có thế; hầu như những chứng cứ họ đưa ra chẳng thuyết phục nổi ai! dầu vậy thì Gioan, một người trong số họ, vẫn đưa ra lời xác quyết hùng hồn; “Ông đã thấy và đã tin”. Chỉ với các tang chứng mơ hồ trên đã đủ để ông minh định, không phải chỉ một sự kiện mà còn cả một niềm tin có khả năng thay đổi cuộc sống của chính ông và của toàn nhân loại. Sau này ông còn dành trọn cuộc đời còn lại để loan truyền biến cố này, và sẵn sàng chết để minh chứng nó.

Tại sao lại như vậy?; chúng ta hãy cùng nhau đi vào tâm tình của các nhân chứng này, mong hiểu ra rằng: niềm tin Phục Sinh luôn gắn liền với các cảm nghiệm riêng tư sâu lắng nhất.

Phêrô: Khi chạy ra ngôi mộ, ông đang trải nghiệm một điều có thể coi là đáng xấu hổ nhất trong đời: phản bội Thầy mình. Qua kinh nghiệm sống, ông đã từng trải sự mỏng dòn của con người với bao tội lỗi và khiếm khuyết; vì thế mà ông rất chân thành khẩn khoản: “Lạy Thầy, xin xa con ra, vì con là người tội lỗi!” (Lc 5:8) Thế nhưng ông chưa bao giờ hình dung nổi sự yếu hèn của mình lại có thể rơi xuống tới mức hạ đẳng đến thế. Được chọn làm môn đệ tiêu biểu, ông đã từng quả quyết cách chắc nịch: “Cho dầu mọi người có bỏ Thầy, con quyết không bao giờ!” (Mt 26:33) giờ thì… ông đâu có ngờ mình lại như thế! Chính với cái trải nghiệm đáng xấu hổ này mà ông tiến vào ngôi mộ trống, quan sát đống vải liệm… để rồi tin. Niềm tin cho phép ông thoáng nhận biết, với các tang chứng vật chứng này, có một điều gì còn mạnh hơn cả cái chết, mạnh hơn cả sự đốn hèn của con người, mạnh hơn cả ‘chối bỏ Thầy’ mà ông đã phạm. Ngôi mộ trống đối với ông là cả một khám phá mới, một sức mạnh mới, một hy vọng mới: lòng nhân ái của Thiên Chúa (tỏ hiện nơi Đức Kitô) vượt trên tất cả, vượt xa hơn tất cả.

Gioan: là môn đệ được Đức Giêsu thương mến, ông đã cảm nhận được tình yêu đó trong bữa tiệc ly khi tựa đầu vào ngực Người, đã chứng kiến tình yêu đó khi nhìn thấy giọt máu hòa với nước cuối cùng vọt ra từ con tim bị đâm thủng của Người. Tuy nhiên, yêu bao nhiêu thì lại đau buồn thất vọng bấy nhiêu, nhất là khi ông phải chứng kiến: tình yêu nồng ấm đó đi tới hồi kết thúc, bị chôn vùi trong nấm mồ hoang lạnh. Khi tiến vào ngôi mộ mở toang, với các băng vải còn ở đó, Gioan lần đầu tiên nghiệm ra: tình yêu đó, không chỉ mãnh liệt, trọn vẹn, mà còn vĩnh cửu trường tồn. Tình yêu đó không những mạnh hơn cái chết hiểu theo nghĩa thông thường (đám chết vì yêu), mà còn chứa đựng một nội dung cho tới nay chưa từng được minh chứng: tình yêu đó vĩnh viễn toàn thắng sự chết, cả về thể lý cũng như trong diện tinh thần thiêng liêng, tới độ không gì ngăn cản nổi nó; bất cứ ai tin và chấp nhận tình yêu này sẽ không bao giờ phải thất vọng. Quả thật, ông được thuyết phục: Thầy Giêsu đích thực là sự sống lại, như chính Người đã từng tuyên bố, Người là sự sống vĩnh cửu trong tình yêu.

Maria Mácđala: nhân chứng số một của biến cố Phục Sinh trọng đại. Được đặc ân này có lẽ vì bà đã gộp được cả hai trải nghiệm của Phê-rô lẫn của Gio-an lại thành một. Trải nghiệm tội lỗi, đối với bà, là trải nghiệm của thân phận cả một kiếp người bị đầy đọa tới đáy vực thẳm, còn trải nghiệm yêu thương, là trải nghiệm gắn liền với việc gặp được lòng nhân lành thứ tha, đã nâng bà lên tới trời. Cái cảm nghiệm được giải phóng đó do Thầy Giêsu mang lại đang thăng hoa thì đột nhiên rơi vào bế tắc cùng với cái chết Thập Giá của Người, đã bị chặn đứng sau hòn đá che lấp phần mộ. Chính vì thế mà bà khắc khoải muốn tìm lại Thầy cho bằng được: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”, đồng thời cũng nhận ra ngay cái chi tiết nhỏ, nhưng rất quan trọng đối với bà: ‘hòn đá đã lăn khỏi mồ’. Thầy Giêsu đã sống lại và ra mồ…, hòn đá đã được lăn ra, có nghĩa là giải phóng sẽ là vĩnh viễn, và thăng hoa sẽ là bất tận.

Là Kitô hữu, tôi không chỉ mừng lễ Chúa Phục Sinh, mà còn phải làm chứng nhân việc Chúa đã sống lại, hay đúng hơn làm chứng về một tình yêu tha thứ trở nên bền vững. Vậy thì hãy để tâm lắng nghe cảm nghiệm sâu lắng nhất trong tôi vào lúc này:  phải chăng đó có thể là cảm nghiệm của Phêrô, hay của Gioan, hay của Maria Mácđala, hay của cả ba gộp lại?

Lạy Chúa Phục Sinh, con vui mừng vì Chúa đã sống lại! Đời con đã không thiếu những trải nghiệm đớn hèn của Phêrô hay Macđala; con cũng không phải là không có chút ít trải nghiệm của Gioan, nhất là trong ơn gọi Kitô hữu, tu sĩ Sa-lê-diêng và linh mục của mình. Xin cho con hưởng trọn niềm vui Phục Sinh vĩ đại xuất phát từ chính những kinh nghiệm bản thân, để con có thể chân thành ca ngợi việc Chúa Sống Lại và loan truyền Tin Mừng Phục Sinh vẻ vang cho mọi người cách thâm tín và phấn khởi nhất. Amen.

 

2. Đức Giêsu vẫn sống

(Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi đến thăm mồ Đức Giêsu, chị Maria Magdala phát hiện không có xác Đức Giêsu trong đó. Chị cho rằng có ai đã lấy xác Đức Giêsu và quăng đi đâu đó, vì có lẽ chị không biết mồ nơi chôn táng Đức Giêsu là tài sản của ông Giuse Arimathia. Chị chạy về báo tin cho các tông đồ, cụ thể là cho Phêrô và Gioan. Hai môn đệ này tới, và cũng nhận thấy xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa. Tin mừng Gioan cho thấy “người môn đệ đến trước”, đã thấy và đã tin (Ga.20, 8); tuy nhiên tin mừng lại không cho thấy ông tin điều gì. Theo tin mừng Maccô, không có tông đồ nào tin Đức Giêsu Phục Sinh khi các chị phụ nữ báo tin Đức Giêsu đã phục sinh (Mc.16, 9-14).

Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, khi các ông gặp gỡ Ngài. Trong lần hiện ra đầu tiên cho các tông đồ, Thomas không ở đó nên không thấy, nên ông đã không tin Đức Giêsu phục sinh cho dù các tông đồ khác và các chị phụ nữ loan tin cho ông. Tám ngày sau, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ông, ông mới tin. Phục Sinh, là điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người, nên các tông đồ không tin Đức Giêsu Phục Sinh, cũng là điều dễ hiểu. Đã đành các tông đồ có kinh nghiệm người chết sống lại như trường hợp con trai bà góa thành Naim, con gái ông Giairô, Lazarô em của Matta và Maria, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh khác với những người khác sống lại. Ngài vẫn sống nhưng người ta không giữ Ngài lại được. Ngài hiện ra và biến đi, không gì ngăn cản được Ngài.

Những người được Đức Giêsu phục sinh như Lazarô, con trai bà góa thành Naim, ai muốn gặp có thể tới để gặp họ. Đức Giêsu Phục Sinh thì không như vậy. Chỉ người nào Ngài muốn, người đó mới được gặp Ngài mà thôi. Trong khoảng 40 ngày, các tông đồ còn có thể gặp Ngài (Cv.1, 3); nhưng sau thời điểm này, không ai được diễm phúc gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh nữa. Ai tin Ngài, là ngang qua những chứng nhân để tin vào Ngài. Đức Giêsu phục sinh là một biến cố mà người ta phải tin để biết. “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Bao nhiêu người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, đều là những người được ơn đức tin. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân lớn lao. “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không nhờ Thần Khí” (1Cor.12, 3).

Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một hành vi tự do. Những lý chứng cho thấy Đức Giêsu phục sinh, không đạt được tính buộc người ta phải chấp nhận như luận chứng toán học 2+2=4. Người ta vẫn tự do để tin Đức Giêsu phục sinh hay không. Tin cũng là biết. Hai anh chị yêu nhau, người này nói yêu người kia, và người kia cần tin. Tin vào người khác, là một cách biết người đó. Tin ai đó, cho rằng những điều người đó nói hay làm chứng là đúng, và nếu không tin thì không thể biết được vậy.

Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, sau khi các ngài đã được thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Sau đó những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đều phải tin qua lời chứng của các tông đồ. Các tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng rằng những gì các ngài nói là sự thật. Từ ngữ tử đạo (martureô) có nghĩa là làm chứng. Lời chứng đáng tin nhất, là lời chứng của người dám dùng chính mạng sống mình để bảo đảm rằng điều mình khẳng quyết là sự thật. Tất cả các tông đồ đều tử đạo trừ tông đồ Gioan.

Không tin Đức Giêsu Phục Sinh, đây là điều bình thường. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một ơn vô cùng lớn. Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Giêsu Phục Sinh. Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người đó hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của Kitô hữu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta. Muốn ai Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó. Không phải vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được. Đó là hồng ân của Thánh Thần.

Để có thể đón nhận đức tin, để có thể biết như người của Thiên Chúa, người đó phải có đời sống có thể đón nhận đức tin. Nếu một người có đời sống bất lương, nếu người đó chỉ tin vào mình, thì cũng khó có thể tin Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, đòi người đó phải đổi đời, phải có đời sống mới, phải sống lương thiện. Không sẵn sàng đổi đời để thành người lương thiện, người đó sẽ tìm mọi cách để biện luận từ khước tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Kitô hữu không là những người mê tín, nhưng là những người ý thức mình được ơn đặc biệt. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân vô cùng lớn. Niềm tin này làm Kitô hữu có cái nhìn mới về thế giới, về Thiên Chúa, và về con người. Tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Và một khi biết Thiên Chúa yêu thương mình, mình có thể phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa, Đấng yêu thương mình vô cùng, Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi sự để được mình.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tại sao có những người trẻ hổ thẹn khi người khác biết họ là Kitô hữu?

2. Đâu là lý do chính nhất làm bạn tin Đức Giêsu Phục Sinh?

 

3. Chúa Giêsu phải từ cõi chết sống lại.

(Suy niệm của Yvon Daigneault)

Mở đầu.

Bất chấp những bài hát, những lời tung hô và những bài giảng tuyên bố Chúa Giêsu đã sống lại, mầu nhiệm này vẫn hoàn toàn là mầu nhiệm đối với chúng ta và nó mãi mãi là mầu nhiệm cho đến tận cùng, cho đến khi chúng ta được hưởng kiến Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô Phục Sinh. Vì vậy Tin Mừng mà chúng ta vừa mới đọc có một tầm quan trọng đặc biệt. Với một khoa tâm lý sâu sắc bài Tin Mừng này cho thấy nỗi bàng hoàng của các môn đệ sau cái chết của Chúa Giêsu – “người ta đã lấy Chúa khỏi mồ, và chúng tôi không biết họ đặt Ngài ở đâu”, và nó mời gọi chúng ta phải có một thái độ đúng đắn, thái độ chính yếu mà Chúa chờ mong, đó là đức tin, – “ông đã thấy và đã tin”.

Sự Phục Sinh.

Người ta thường hay nói về sự Phục Sinh trong nhiều trường hợp: thiên nhiên sống lại; một người được đưa đến bệnh viện đã hoàn sinh trở về. Người ta muốn làm sống lại những truyền thống dân gian hoặc những thói quen tốt đã bị mai một, tất cả những gì đã bị thời gian làm cho mục nát tiêu tan.

Tất cả những điều đó chẳng liên quan gì đến sự Phục Sinh của Chúa Giêsu cả. Trong những thí dụ trên đây, đó chỉ là việc trở lui về quá khứ, tìm lại cái đã mất mà thôi. Chúa Giêsu không bắt đầu lại cuộc sống của Ngài như trước kia. Không thể nào nghĩ rằng Chúa Giêsu tìm lại những con đường xứ Palestine, những đóm lửa ven bờ hồ, những cuộc gặp gỡ trên đường, hoặc Ngài tiếp tục sứ vụ của mình trước đây, như thể cuộc tử nạn chỉ là một sự cắt đứt bất hạnh và tạm thời thôi.

Chúa Kitô đã chết thật sự. Điều này không chỉ có nghĩa là kết thúc tất cả mạng lưới tương quan, công việc và dự tính, như cái chết của mọi con người.

Chúa Kitô đã Phục Sinh. Không có nghĩa là Chúa Kitô tìm lại được sự sống sinh học và những sinh hoạt của Ngài trước kia, nhưng là Thiên Chúa ban cho Ngài một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ trong một cách hiện hữu tuyệt đối mới mẻ mà nhân tính của Ngài tham gia trọn vẹn. Chúa Giêsu Phục Sinh hiệp thông hoàn toàn với chính cuộc sống của Thiên Chúa, với Ánh Sáng của Thiên Chúa, với Quyền Năng của Thiên Chúa, mà vẫn không ngừng đời đời là chính mình với thân xác của Ngài đã trở nên thần thiêng, và với tất cả những gì thuộc về thân xác: những mối dây thân ái, những kinh nghiệm đã có được, những bài học của một cuộc đời và cả những thử thách, những tương quan, những ký ức…

Mầu nhiệm Đức Tin.

Khi chúng ta tuyên xưng đức tin: “Chúa Kitô đã Phục Sinh!”. Chúng ta khẳng định rằng giờ đây Ngài tràn đầy sự sống của Thiên Chúa và tất cả những gì liên kết Ngài với chúng ta, thay vì kết thúc, đã được thể hiện cách sung mãn. Vì vậy chúng ta đã tuyên bố rằng cả chúng ta nữa, vì thuộc về Chúa Kitô, chúng ta sẽ phục sinh với Ngài để dự phần vào vinh quang của Ngài.

Phục Sinh không phải là một kỷ niệm đẹp nhưng là biến cố luôn luôn hiện tại và hậu quả của nó liên lỉ được thấy rõ trên thế giới này, nhất là trong việc thông ban Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha và Chúa Con ban cho các môn đệ để biến đổi các ông và biến đổi thế giới này.

Phục Sinh là biến cố phải được biết, đón nhận và sống trong đức tin. Đức tin không phải là nhắm mắt mà nói “đúng thế” mặc dù tôi không hiểu gì hết, nhưng là tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng thực hiện biến cố này và khẳng định nó nhờ chứng tá của Thần khí Ngài.

Kết luận.

Đón nhận biến cố Phục Sinh với niềm tin, tức là tin tưởng vào Thiên Chúa Đấng đã mặc khải biến cố này trước hết cho các tông đồ, và sau đó cho chúng ta, qua các ngài. Nếu đối với các ngài mồ có vẻ trống, thì từ ngày ấy nó còn trống hơn nữa và không nơi nào từ hai ngàn năm qua người ta đã nhìn thấy Chúa Kitô trên trần thế này, nhưng Quyền Năng của Chúa Kitô hằng sống vẫn không ngớt biểu lộ.

 

4. Ánh sáng và bóng tối

(Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Phụng vụ hôm nay trình bày cho ta sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng.

Mở đầu phần nghi thức, nhà thờ chìm vào bóng tối. Bóng tối tượng trưng cho thế lực sự dữ, sự ác. Khi Đức Giêsu chưa Phục Sinh, sự dữ, sự ác còn thống trị. Nhân loại chìm ngập trong bóng tối sự chết.

Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho Đức Kitô Phục Sinh. Đức Kitô Phục Sinh chiếu lên nguồn sáng mới, xua tan đi bóng đêm. Đức Kitô Phục Sinh là sự sống mới đã chiến thắng sự chết.

Như cây nến muốn chiếu sáng phải tiêu hao chính mình. Đức Kitô đã phải chịu tiêu hao đi trong những đớn đau, khổ cực, tủi nhục và cả trong cái chết, mới đem lại ánh sáng sự sống cho ta.

Chúng ta là con cái Chúa, là con cái của sự sáng. Nhưng trong ta còn nhiều phần chưa thuộc về Chúa. Nhiều phần trong tâm hồn ta còn thuộc về bóng tối.

Có thứ bóng tối tội lỗi nhận chìm linh hồn ta trong những vực sâu tối đen không có đường thoát ra.

Có thứ bóng tối đam mê dục vọng gìm linh hồn ta trong cơn mê ngủ miệt mài, mất hết ý chí phấn đấu tiến lên.

Có thứ bóng tối tham lam ích kỷ làm lu mờ lương tâm, lý trí, khiến ta coi tiền bạc trọng hơn tình nghĩa. Vì tiền bạc mà dám phạm những tội ác tày trời. Vì lợi nhuận của mình mà làm thiệt hại cho người khác.

Có thứ bóng tối ghen ghét oán thù nó làm cho tâm hồn ta không lúc nào bình an, vì chìm ngập trong nỗi hận thù dai dẳng.

Có thứ bóng tối tự ái kiêu căng khiến cho linh hồn ta không tìm thấy niềm vui trong sự khiêm nhường tha thứ.

Tất cả những bóng tối đó đang khiến linh hồn ta suy yếu, chết dần chết mòn. Tất cả những bóng tối đó ngăn chặn ánh sáng của Chúa, ngăn chặn dòng suối ơn lành của Chúa đổ vào hồn ta.

Để ánh sáng Phục Sinh của Chúa tràn vào hồn ta, ta phải quét sạch những bóng tối còn vương vấn trong tâm hồn.

Cũng như cây nến phải chịu tiêu hao mòn mỏi mới nuôi được ánh sáng soi chiếu đêm tối, ta cũng phải phấn đấu với chính bản thân mình, quên mình, chịu chết cho tội lỗi, để ta sống một đời sống mới.

Khi phấn đấu đẩy lùi bóng tối tội lỗi, ta thoát được ách ma quỷ và được sống trong ánh sáng của Chúa, trở nên con cái ánh sáng.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, Chúa đã chiến thắng ma quỷ, xin giúp chúng con chiến đấu với ma quỷ, để được sống một đời sống mới trong ánh sáng của Chúa.

 

5. Chúa đã sống lại thật rồi

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà nước mắt chưa vơi, tình người chưa cạn. Maria Mađalêna, người đàn bà rất thật đàn bà, mạnh mẽ phi thường. Lúc các môn đệ, giới mày râu vai u thị bắp, có những vị được mệnh danh là con cái sấm sét, đang ẩn đâu đấy sau khi thầy bị bắt, bị giết và an táng trong mồ, thì Maria Mađalêna vẫn can đảm dõi bước theo Thầy trong hành trình Thương Khó, tận mắt thấy cảnh Thầy bị đánh đòn vai mang thập giá, can đảm hơn bà còn đứng dưới chân Thánh giá, chôn cất Thầy, nay lại ra viếng mồ Thầy khi trời còn chưa sáng như Gioan thuật lại trong Tin Mừng hôm nay: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối” (Ga 20, 1). Lúc tranh tối tranh sáng, người ta thường hay sợ thế lực nào đó, Maria đã chứng tỏ bản lĩnh của mình.

Bà tới mộ, ô kìa, chuyện gì đã xảy ra vậy? Sao tảng đá lấp cửa mồ lại lăn ra, xác Thầy tôi đâu? Cho dù can đảm, nhưng vốn bà vẫn là phái yếu, liễu yếu đào tơ, cần tìm người trợ giúp, hiển nhiên phải là các ông rồi. Bà liền tức tốc quay về tìm Simon Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, với hy vọng mấy ông sẽ tìm ra thủ phạm, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu?” (Ga 20, 2). Chúng ta cứ tưởng tượng xem, khi hay tin, tâm trạng các ông như thế nào lúc “cả hai cùng chạy, nhưng một ông chạy nhanh hơn, tới mộ trước cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong”(x. Ga 20, 4). Tại sao ông lại không vào trong? Ông không vào là vì ông tôn trọng Phêrô là đầu của nhóm. Ông thấy và ông  tin Người phải sống lại từ cõi chết, đúng như lời Kinh Thánh.

Chúa đã sống lại thật rồi! Allêluia! Allêluia! Allêluia! Chúng ta có tin không?

Hôm nay Giáo hội mừng Chúa sống lại với niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng: “Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng ” (Cv 10, 37-41).

Chính Phaolô, người Do thái nhiệt thành cũng quả quyết: “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay cũng còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Giacôbê; đoạn cho các tông đồ hết thảy.  Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh” (1 Cr 15, 3-8; Ga 20, 1-29); Mt 28, 9-10). Những người dân ngoại và Do thái cũng là những chứng nhân rất đặc biệt!

Bài Ca Tiếp Liên chúng ta hát trong ngày hôm nay nhắc lại biến cố lịch sử quan trọng này. Maria Madalêna đã thực sự gặp các thiên thần làm chứng tỏ tường, thấy y phục và khăn liệm của Đức Kitô Phục Sinh. Với hồng ân đức tin, đến lượt chúng ta phải công bố tin mừng Chúa phục sinh (x. Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh).

Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh là dịp để người kitô chúng ta vui mừng hân hoan và tràn trề niềm hy vọng vào một tương lai huy hoàng sáng lạng trong nước Thiên Chúa sau khi đã hoàn tất cuộc đời lữ thứ trần gian. Chúa Kitô Phục sinh khải hoàn, đó là niềm tin và lẽ sống của người Kitô. Hôm nay chúng ta hân hoan vui mừng với tinh thần mà thánh Phaolô nói: “Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Đức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5,7-8).

Từ nay chúng ta quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng nữa, bởi vì ngày chúng ta chịu phép rửa tội, “nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6, 4). Ước mong niềm tin vào Đấng Phục sinh luôn đem đến cho Giáo hội, cho thế giới và mọi người trên trái đất này sự bình an, ơn hiệp nhất để cùng hướng về mục đích đệ nhất của kiếp người là được hưởng sự sống vĩnh hằng trong ngày sau hết.

Sau khi hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Giáo hội muốn nhắn gửi mỗi người chúng ta rằng: hãy lên đường, để sự hiện diện của ta là lời chứng rao giảng hùng hồn về Đức Kitô đã chết đi, loan tin Người đã sống lại, trong vinh quang mai Người lại đến đón chúng ta, những người tin vào Đức Kitô lên trời về với Chúa Cha. Vì quê hương chúng ta là quê Trời, nước chúng ta là Nước Trời. Thánh Phao lô khuyên chúng ta “hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3, 3).

Chúa sống lại thật rồi, Allêluia! Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đén muôn đời muôn thuở. Allêluia!

 

6. Thánh Giá viết trên Cây Nến

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Trong đêm Vọng Phục Sinh, Cây Nến Phục Sinh là tâm điểm của cử hành Phụng Vụ. Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi mồ tối tăm, đã chiến thắng thần chết, và trở thành Nguồn Ánh Sáng, Sự Sống cho nhân loại.

Để đánh mốc thời gian lịch sử cứu độ, trong đêm ấy, linh mục chủ tế khắc ghi trên nến với những dấu chỉ như sau:

–  “Đức Kitô là một, (vẽ đường dọc)

–  Hôm qua cũng như hôm nay, (Vẽ đường ngang)

–  Là Alpha và là Omega, (Viết chữ Alpha trên cây Thánh Giá)

–  Nghĩa là Khởi nguyên và tận cùng, (Viết chữ Omega ở phía dưới Thánh Giá)

–  Người làm chủ thời gian, (Viết số đầu của năm đó bên góc trái phía trên Thánh Giá).

–  Và muôn thế hệ, (Viết số thứ hai của năm nơi góc phải phía trên Thánh Giá).

– Vạn Tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng, (Viết số thứ ba của năm góc trái phía dưới Thánh Giá).

– Vạn vạn tuế. Amen, (Viết số thứ tư của năm nơi góc trái phía dưới Thánh Giá).

Với năm hạt hương biểu thị năm dấu đinh của Chúa Giêsu khổ nạn được gắn trên cây nến Phục Sinh, gắn trên mỗi góc của Thánh Giá, vừa gắn vừa đọc:

– Vì năm vết thương

–  Chí thánh và vinh hiển.

–  Xin Chúa Kitô

–  Gìn giữ

–  Và bảo vệ chúng ta.” (Sách Lễ Roma).

Khi ghi dấu năm cứu độ chung quanh trục cây Thánh Giá, Giáo hội cũng ghi khắc vào đó cả khối tình tri ân của những năm hưởng nhờ hồng ân cứu độ trong lịch sử thời gian. Thánh Giá nối trời với đất trong không gian mênh mông. Thánh Giá là điểm thâu họp lịch sử dọc theo dòng thời gian. Thánh Gía bao gồm hai chiều kích ấy. Đức Kitô là trung tâm điểm của không gian và thời gian.

Hình Thánh Giá viết trên Cây Nến Đêm Vọng Phục Sinh, có ý nghĩa thâu họp vạn vật, mang ý nghĩa vũ trụ. Thánh Irénée viết: “Ngài đã đến dưới dạng hữu hình với những gì thuộc về Ngài, Ngài đã trở thành xác thịt và xác thịt ấy đã được treo lên cây Thập tự để bằng cách ấy thâu họp vào mình cả vũ trụ”. Thánh Giá trở thành trục thế giới. Thánh Cyrille ở Jérusalem viết: “Chúa Trời đã dang hai tay trên cây Thập Tự để ôm lấy bờ cõi Vũ trụ và vì vậy núi Golgotha là trục thế giới”. Trên trục vũ trụ ấy có treo lên một người Con của Thiên Chúa. Thánh Phaolô thì diễn tả trục này: “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1, 10).

Là Trục của thế giới, Thánh Giá có trung tâm điểm là Đức Giêsu Kitô. Nhìn theo chiều kích cánh chung, thời gian sau cùng nhân loại sẽ chịu sự phân chia, bên tả hoặc bên hữu. Đó là thời gian của sự phán xét. Trục còn có nghĩa là mốc tuyển chọn, những người được tuyển chọn và những người tự mình đánh rơi. Thánh Phaolô nhìn trục này như sự phân chia Lề Luật và Đức Tin, phân chia tâm hồn con người thành hai phần, nhục thể và Thần Khí, để rồi cho thấy sự thống nhất của phân chia là việc hóan cải, tái sinh, công chính hóa, lề luật, nhờ vào niềm tin cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên Thánh Giá.

Là trục của thế giới, nhìn theo chiều kích cánh chung, Thánh Giá biểu trưng là chiếc thang, một chiếc thang đưa con người đi lên tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Một chiếc thang để đất trời không còn xa nhau. Chiếc thang nhiệm mầu mà thánh Nữ Perpétue thấy trong ngày chịu tử đạo: “Tôi nhìn thấy một cái thang bằng đồng thanh, cao khác thường, vươn tới tận trời, nhưng hẹp tới mức chỉ có thể đi lên từng người một: Hai bên thang tua tủa các khí giới: Kiếm, giáo, móc câu, gươm, như vậy mà nếu người nào lên mà lơ đãng, không chú ý nhìn lên trên cao, sẽ bị tan nát thịt da, để lại những mảng thịt mắc vào những khí giới đó. Và bên dưới cái thang có một con rồng to lớn dị thường, nằm đó chăng bẫy những ai đạp chân lên thang, làm cho họ khiếp sợ không dám trèo lên. Còn tôi, khi tôi đặt chân lên trên bậc thang thứ nhất, tôi đã đạp lên đầu con rồng đó, thế là tôi đi lên được và nhìn thấy một khu vườn rộng mênh mông”. Chiếc thang có những bậc của thử thách. Niềm an bình sẽ xuất hiện khi bước lên bậc thang thứ nhất. Và cứ thế theo từng bậc niềm an bình sẽ được gia tăng cho đến khi hòan tòan ở trên đỉnh thang. Muốn đi lên cao, cần rũ bỏ, rũ bỏ làm cho nhẹ nhàng thanh thóat trên đường đi lên. Đó cũng là thời gian dành cho việc cầu nguyện và ăn chay thực thi đức ái để trút bỏ mỗi ngày trong cuộc sống.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa.Bởi vì“Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống.

Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Chắc hẳn ngài đã cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới có ý tưởng này! Dòng Mến Thánh Giá là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Kể cũng thật lạ! Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, phải vác phải mang ách nữa chứ! Ngài có thành công gì đâu trước mắt người đời! Có nhẹ nhàng gì đâu trước mắt trần thế! Thế nhưng, Đấng chịu đóng đinh là hồng ân cứu rỗi. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ. Mến Thánh Giá là tình yêu cao nhất của đời dâng hiến. Từ đó nẻo đường cứu độ mở ra cho bản thân và có khả năng giúp cho những người khác tiến vào nẻo đường ấy.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Đêm Vọng Phục Sinh, cả nhà thờ lung linh ánh nến. Từ cây nến mẹ, nến Phục Sinh ánh sáng thắp lên các cây nến nhỏ trên tay mọi người. Lửa Phục Sinh bừng cháy, sáng rực nhà thờ, rạng rỡ từng khuôn mặt, ấm áp mọi tâm hồn. Cử chỉ chuyển lửa Phục Sinh, thắp sáng cho nhau là một hình ảnh tuyệt đẹp. Đây là đêm rất đẹp trong ánh sáng chứa chan tình Chúa, tình người.

Ánh Sáng Phục Sinh đem lại sự sống mới cho toàn thể loài người khi tất cả được nâng lên và được kéo về bình diện siêu nhiên qua Thánh Giá, trong tình yêu viên mãn của Đấng Cứu Độ. Chúa Kitô đã tỏa chiếu Ánh Sáng Tình Yêu qua toàn bộ hành vi yêu thương trên Thánh Giá.

Nếu như thập giá phô diễn bạo lực tội ác và đau thương thì Thánh Giá mạc khải Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Trong Tình Yêu ấy, Đức Kitô đã chỉ cho nhân loại con đường sống ngang qua cái chết. Trong Tình Yêu ấy, chúng ta ngắm nhìn, chiêm ngưỡng suy niệm để nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống qua Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.

Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.

Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời.

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người.

 

7. Niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

(Suy niệm của Achille Degeest)

Những bài tường thuật khác nhau về Chúa Phục Sinh trong bộ Phúc Âm hoặc trong các thư thánh Phaolô đặt ra một vấn đề đồng nhất. Những bài ấy cùng nói về một sự kiện, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Nhiều công trình khảo cứu cố gắng tìm những điểm trùng hợp trong các bản văn nói trên để đem lại những thành quả có thể thoả đáng nhưng không giải quyết được chú ý nhiều là của cha de Grandmaison trình bày trong cuốn “Đức Giêsu Kitô”. Lĩnh vực này vẫn mở ra cho môn nghiên cứu Kinh Thánh và có nhiều quan điểm mới mẻ xuất hiện kể từ sau cha de Grandmaison). Nhân bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta có thể chú ý đến một số điểm nổi bật như những đỉnh cao của một dãy núi, cho thấy ý nghĩa tổng quát của những sự kiện.

1) Sự kiện Phục Sinh đặt nền tảng cho niềm tin của các tông đồ và cộng đồng giáo hữu tiên khởi.

Người ta cho rằng có thể có những bài tường thuật khác nhiều chi tiết hơn và có tính chất mô tả. Thật ra không phải vậy. Trong những đoạn thuật về sự kiện Phục Sinh, không có điểm nào cho trí tưởng tượng khai thác. Chúng ta phải nhìn nhận rằng đôi khi những yêu cầu hợp lý của hành vi tin như vậy là tốt.

2) Việc phát hiện ngôi mộ trống không khiến cho những phụ nữ đạo đức cũng như các tông đồ tức khắc xác tín rằng Chúa đã sống lại.

Câu của thánh Gioan: Ông đã thấy, và ông đã tin, phải được đặt trong tương quan với sự thấu hiểu Kinh Thánh –và không có bằng chứng nào rằng niềm tin của thánh Gioan đột xuất như một làn chớp, cho dẫu ngài hiểu biết nhanh hơn các tông đồ khác. Ở đây sự kiện lịch sử là ngôi mộ trống trở nên như một thứ cầu nhún bỗng nhiên được một lò xo bí ẩn nhập vào làm bật lên, phóng tâm trí vượt lên cao quá tầm lịch sử. Thuộc về thượng tầng ấy là những lần Chúa hiện ra cho các môn đệ, và hành vi tin do đó phát sinh –là sự thấu hiểu Kinh Thánh- là sự làm chứng của các tông đồ. Ở đây chúng ta tiếp xúc với một điều gì khiến chúng ta có được niềm vững tin mạnh hơn sự kiểm chứng lịch sử, đó là hành vi tin, một hành vi không do sự cưỡng ép bên ngoài hay bên trong, nhưng được kích động cả ngoài và trong, một hành vi hợp lý, tự do, được sự giúp đỡ của ân sủng –hành vi ấy là hành vi tin của chúng ta ngày nay.

3) Những lần Chúa hiện ra cho các môn đệ làm biến đổi tâm hồn các ông.

Chúa hiện ra bất thần, trong những trường hợp các ông ý thức rõ về bản thân mình, Chúa chợt đến trong đời sống thật sự của các ông. Điều đó cần nói rõ ra để thấy những thuyết chủ trương ảo giác là không vững. Điều quan trọng nhất: Đức Giêsu đảo ngược tâm trạng và não trạng các môn đệ. Não trạng Do Thái của các ông không chấp nhận cuộc thương khó, vậy mà giờ đây các ông chấp nhận cuộc khổ nạn của Thày là liên quan mật thiết với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Các ông đã ngã lòng, vậy mà bây giờ các ông có một niềm xác tín chiến thắng. Các ông đại diện cho Giáo Hội đang phát triển cách mạnh mẽ và hân hoan, các ông phát khởi một lịch sử và một mầu nhiệm ngày nay chưa chấm dứt sức năng động làm cho nhân loại dậy lên (Tất nhiên phải hiểu rằng những hình ảnh trên đây chỉ muốn gợi ý cho sự suy niệm và cầu nguyện, tuyệt nhiên không có cao vọng bàn đến những vấn đề bao quanh lịch sử và mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa).

 

8. Ngôi mộ trống -JKN

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Việc Đức Giêsu sống lại có ảnh hưởng gì trên đời sống của bạn không? Đã bao giờ làm cho bạn thật sự thay đổi con người bạn chưa?

2. Muốn được sống lại với Đức Giêsu trong tâm hồn, nghĩa là trở nên con người mới, con người sống theo Thần Khí, điều cần thiết và cụ thể là ta phải làm gì?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu sống lại, một biến cố vĩ đại.

Hôm nay, chúng ta hân hoan kỷ niệm ngày Đức Giêsu phục sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chết trên thập tự và mai táng trong mồ. Đó quả là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô nói: «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr 15,14); «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người» (1Cr 15,17-19).

2. Ngài sống lại thì ích lợi gì cho cuộc sống hiện sinh của tôi?

Nhưng thử hỏi biến cố Đức Giêsu sống lại có ảnh hưởng hay ích lợi gì cho đời sống hiện sinh của tôi, nghĩa là đời sống thực tế bây giờ và tại đây của tôi? Biến cố này có ảnh hưởng trên đời sống của tôi, hay nó chỉ là một kỷ niệm được lập lại hàng năm, chỉ để tưởng nhớ một biến cố đã hoàn toàn qua đi? Vì biết bao năm phụng vụ trôi qua, năm nào cũng có Tuần Thánh, cũng có lễ Phục Sinh, mà nào tôi có thay đổi gì đâu! Chuyện Đức Giêsu sống lại với một đời sống mới, con người mới, cách hiện hữu mới, tất cả đều đã trở thành quá khứ, chẳng có ảnh hưởng gì trên hiện tại của tôi, nên tôi vẫn sống với con người cũ, cách sống cũ, chẳng có gì thay đổi! Phải vậy chăng, hay việc Ngài sống lại vẫn là một biến cố hiện sinh, vẫn có khả năng biến cải đời tôi?

Nếu Ngài chỉ sống lại trong lịch sử, cách đây 2000 năm, mà không sống lại trong lòng tôi, thì việc sống lại ấy ích lợi gì cho tôi? Vấn đề quan trọng là Ngài phải sống lại trong tâm hồn tôi. Và vấn đề ấy tuỳ thuộc ở tôi rất nhiều, ở quan niệm và thái độ nội tâm của tôi đối với việc sống lại của Ngài.

3. Ngài sống lại để biến ta thành con người mới

Đức Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới, ngay bây giờ và chính tại đây, như thánh Phaolô nói: Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới (Rm 8,11). Điều quan trọng là làm sao có được sự sống mới ấy? Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho biết: Thần Khí làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng chính Thần Khí ấy sẽ biến cải chúng ta nên con người mới, với sức sống mới. Chỗ khác, thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại (1Cr 6,14). Nhưng vấn đề cụ thể là chúng ta phải làm gì để Thần Khí ấy biến cải chúng ta nên con người mới?

4. Muốn nên con người mới, con người cũ phải chết đi

Đức Giêsu chỉ sống lại sau khi chết đi, nên ta chỉ có được sự sống mới sau khi chết đi con người cũ. Vì thế, muốn có sự sống mới, muốn trở nên con người mới, ta phải cùng chết với Đức Giêsu, chết với tất cả những thói hư tật xấu và tội lỗi của con người cũ: “Chúng ta biết rằng, con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6,6). Thánh Phaolô còn nói rõ hơn: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).

5. Con người cũ là con người ích kỷ, cần được lột bỏ

Như vậy, để có được sự sống mới, ta phải dứt khoát từ bỏ con người cũ, là con người ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, lo cho mình, chỉ quan tâm tới hạnh phúc và đau khổ của chính mình, không quan tâm gì tới ai, không lo cho ai. Nếu đã lấy mình làm trung tâm thì sẽ coi mọi người chỉ là phương tiện. Có diệt trừ thói ích kỷ, là nguyên nhân mọi tội lỗi, chúng ta mới có được sự sống mới: “Nếu sống nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống” (Rm 8,13).

Sự sống mới là một sự sống phong phú, nhưng lại đòi hỏi một sự lột xác, một tinh thần tự huỷ: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn mãi là hạt lúa; còn nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Tương tự, hạt nguyên tử, nếu không bị phá huỷ, nó sẽ mãi mãi là một nguyên tử nhỏ bé, im lìm, bất động, không làm nên một công lực hữu ích nào; nhưng nếu bị phá huỷ, nó sẽ phát sinh một năng lượng khủng khiếp, có thể làm nên những thành tựu lớn lao. Cũng vậy, khi ta phá huỷ “cái tôi ích kỷ” của ta, thì “cái tôi” ấy không hề mất đi, mà chuyển hoá thành một thực tại mới, con người mới, vĩ đại, cao quý, và sức sống của con người mới ấy sẽ phong phú, mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn lên ngàn lần.

6. Một nghịch lý thực tế

Đừng tưởng cứ ôm khư khư lấy “cái tôi ích kỷ” của mình, chăm chút lo cho nó, thì nó sẽ có một sức sống phong phú, tốt đẹp và hạnh phúc. Trái lại, càng quá quan tâm đến nó, thì lại càng làm cho sức sống của nó hạn hẹp lại, càng làm giảm bớt giá trị và hạnh phúc của nó. Đức Giêsu nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Kinh nghiệm cho ta thấy: những kẻ ích kỷ, chỉ lo lắng cho bản thân mình, không bao giờ được hạnh phúc và cũng chẳng làm cho ai hạnh phúc. Họ không bao giờ hài lòng với chính họ, với những gì họ đang có. Và càng tìm kiếm thêm cho mình, càng lo cho bản thân mình nhiều hơn, thì họ càng lún sâu vào đau khổ hơn. Trái lại, những vị thánh, những người sống quên mình, xả thân, lại là những người cảm thấy hạnh phúc nhất, mặc dù xem ra họ có vẻ bị thiệt thòi nhất, phải chịu khổ cực nhiều hơn ai hết.

7. Con người mới là con người vị tha, biết yêu thương

Con người mới được thánh Phaolô xác định: “Con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa” (Ep 4,24); “con người mới là con người đổi mới luôn luôn để nên giống như hình ảnh Đấng dựng nên mình” (Cl 3,10). Như vậy, con người mới chính là con người hoàn nguyên, nghĩa là trở về với tình trạng tốt đẹp nguyên thuỷ khi được Thiên Chúa tạo dựng, trước khi con người phạm tội. Đó là con người phản ánh trung thực bản chất của Thiên Chúa, là Tình Yêu. Vậy, để có một đời sống mới, một tinh thần mới, để trở nên con người mới, với một sức mạnh mới, ta cần có một quyết tâm từ bỏ con người cũ là con người ích kỷ, chỉ quan tâm lo cho bản thân mình, để mặc lấy con người mới là con người sống vị tha, sống yêu thương, sống vì tha nhân. Khi ta quyết tâm như thế, với một ý chí cương quyết, lập tức, Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, sẽ tiếp sức với ta, biến đổi ta nên con người mới.

Điều quan trọng và tối cần thiết là ta phải quyết tâm từ bỏ nếp sống vị kỷ để sống đời sống vị tha, sống yêu thương. Sau đó, “hãy để Thần Khí canh tân đổi mới anh em thấu tận trí khôn” (Ep 4,23); “Hãy để cho Thiên Chúa biến hoá anh em cho tâm trí anh em đổi mới” (Rm 12,2). Nếu ta tiếp tục quảng đại, Ngài sẽ biến đổi ta một cách toàn diện, từ quan niệm, cách suy nghĩ, đến cách ăn nói, hành động để trở thành con người mới thực thụ. Có như thế, việc sống lại của Đức Giêsu mới thật sự ích lợi cho đời sống Kitô hữu của ta.

Cầu nguyện

Lạy Cha, đã bao năm qua, con mừng Đức Giêsu phục sinh chỉ như kỷ niệm một biến cố hoàn toàn quá khứ, chẳng ăn nhập gì tới đời sống cụ thể của con. Vì thế, đã bao năm, con chẳng có gì thay đổi. Nhưng năm nay, con quyết tâm trở nên một con người mới, một con người sống vị tha, yêu thương mọi người. Xin Thánh Thần của Cha hãy biến đổi con.

 

9. Chú giải mục vụ của Alain Marchabour

 

CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI

NHỮNG LẦN HIỆN RA

Các chương 20 và 21 thuật lại bốn lần Chúa Giêsu hiện ra khi Người sống lại: hiện ra với bà Maria Macđala (cc. 14-18), với các môn đệ mà không có ông Tôma (cc.19-23), với các môn đệ có ông Tôma trong tuần sau đó (cc. 19-23), với các môn đệ bên bờ Biển Hồ (chương 21 là chương mới được thêm vào Tin Mừng sau này). Một phần của nội dung trần thuật này đều thống nhất ở cả bốn Tin Mừng (ngôi mộ trống, hiện ra với các bà và với các Tông đồ). Thế nhưng Gioan, quả có sẵn trong tay các nguồn văn giống như các Tin Mừng Nhất Lãm, đã khôi phục lại cách rất khéo léo. Đặc biệt ông đã cá nhân hoá các kinh nghiệm về đức tin sau Phục Sinh, bằng cách quy kết các kinh nghiệm này cho những cá nhân riêng biệt, cũng như đánh dấu riêng các hình thức tin rất khác biệt: môn đệ được Chúa Giêsu thương mến tin mà không cần thấy (20,8); bà Maria Macđala chỉ nhận biết Chúa Giêsu khi Người gọi tên bà (20,16); các môn đệ thấy Người và tin vào Người (20,20); còn ông Tôma không muốn tin mà không thấy trước và sờ được Người.

Đối với Gioan, cuộc Thương Khó và cái chết là Giờ được tôn vinh. Sự sống lại của Chúa Giêsu và những lần Chúa Giêsu hiện ra trong vinh quang quả là quan trọng, vì chúng đến thánh hoá toàn bộ quá trình của Chúa Giêsu, suy diễn từ buổi sơ khai bắt đầu từ sự sống lại sau cùng: “Khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó; họ tin vào Kinh Thánh và lời Chúa Giêsu đã nói” (2,22). Ngoài ra, chúng còn chuẩn bị thời kỳ của Giáo Hội khi Chúa Giêsu lên cùng Chúa Cha.

BÀ MARIA MACĐALA, ÔNG SIMON PHÊRÔ VÀ NGƯỜI MÔN ĐỆ KIA

Tiểu đoạn 1-18 được xây dựng chung quanh bốn nhân vật: bà Maria Macđala, ông Phêrô và người môn đệ kia và Chúa Giêsu. Sự việc diễn ra gần bên mộ, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Bà Maria Macđala mở đầu và kết thúc bài trần thuật với hai sứ điệp dành cho các môn đệ, thoạt đầu đưa tin Chúa bị đem đi khỏi mộ (c.2), sau đó loan báo sự Phục Sinh (c.18). Có nhiều cảnh tượng khác nhau; đoạn dành cho bà Maria Macđala bị việc đi thăm mộ của hai môn đệ làm gián đoạn. Tuy vậy độ cao bi thảm hiện rõ trong những lần liên tiếp chạy đi chạy lại ngôi mộ: Bà Maria “thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” (c.2); người môn đệ kia “thấy những băng vải (vải liệm theo bản dịch phụng vụ) còn ở đó”. Ông Phêrô thấy “băng vải và khăn che đầu” (c.7). Cuối cùng người môn đệ kia “thấy và tin” (c.8). qua các dấu chỉ càng lúc càng rõ nét, độc giả được chuẩn bị đi từ các dấu lạ tiến đến mặc khải về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.

NGÔI MỘ TRỐNG

Gioan có trước mặt trình thuật liên quan đến nhiều phụ nữ (chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu). Các Tin Mừng Nhất Lãm ghi nhận có hai bà (Mt 28,1), ba bà (Mc 16,1) hoặc nhiều hơn nữa (Lc 24,10). Gioan chọn xây dựng bài trần thuật của mình chung quanh một mình bà Maria Macđala. Việc bà đi đến mộ không nhằm mục đích thực dụng, bởi vì việc tẩm thuốc thơm đã được hai người đàn ông thực hiện vào áp ngày Sabát. Bà đến mộ trong tư thế thân thương và hiếu hạnh nhằm làm chậm đi sự chia cách với Chúa Giêsu và kéo dài tang lễ (như đã xảy ra trong Ga 11,31). Tình huống nhắc đến đêm tối (của sự chết) và một bước khởi đầu (ngày thứ nhất). Tảng đá đã bị lăn khỏi mộ. Giống như các thánh sử khác, Gioan phòng giữ mầu nhiệm về sự can thiệp của Thiên Chúa diễn ra mà không có nhân chứng, trước khi bà Maria đến. Cuộc gặp gỡ giữa bà Maria và Chúa Giêsu bị chậm lại vì được xen vào việc bà Maria chạy về gặp hai môn đệ.

HAI MÔN ĐỆ

Ông Phêrô và môn đệ Chúa Giêsu thương mến, cả hai đều có mặt ngay từ khởi đầu cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu trong một sự hết sức gần gũi với Người, đau thương cho ông Phêrô vì đã chối Thầy, trung thành nơi người môn đệ kia. Tích cực trong cuộc Thương Khó, hai ông còn tích cực hơn nữa trong việc khám phá mầu nhiệm Phục Sinh. Có sự chênh lệch giữa hai người cũng như có sự trổi vượt trong đức tin của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến, bởi lẽ môn đệ kia chạy tới mộ nhanh hơn (dấu chỉ sự vồn vã ân cần lớn hơn chăng?), sau đó “ông thấy và tin”: dụng ngữ rõ ràng diễn đạt quá trình từ “thấy” đến sự gắn bó trọn vẹn với Chúa Giêsu Phục Sinh.

Cảnh tượng đồ liệm hoặc trật tự các đồ này được sắp xếp chứng tỏ rằng thi hài của Chúa Giêsu không bị đánh cắp, mà Chúa Giêsu đã bỏ đi, để lại khăn có thứ tự nếp nang và đặt đúng vị trí Người mặc. Khác với anh Ladarô ra khỏi mồ, chân tay còn quấn vải, Chúa Giêsu không còn cần đến khăn vải nữa vì lẽ Người lìa bỏ thế giới loài người. Gioan không hề nói gì đến đức tin của ông Phêrô (Lc 24,12 nhấn mạnh ông Phêrô rất đỗi ngạc nhiên khi thấy những khăn liệm). Cho đến lúc ấy Kinh Thánh chưa hoàn toàn thuyết phục, tiếp nhận sự chứng nhận của nhiều dấu chỉ dồn dập trên đường của các môn đệ. Họ trở về nhà, nơi mà bà Maria Macđala sẽ mang Tin Mừng đến cho họ. Không tranh luận, không cạnh tranh ngoài mặt, cả hai môn đệ ra khỏi bài trần thuật cùng với sự trổi vượt thích đáng cho mỗi người: ông Phêrô được gia nhập trước tiên, trở nên cho Giáo Hội sơ khai một chứng nhân không thể chối cãi được. Còn người môn đệ kia trổi vượt hơn ông bởi sự gắn bó với Đức Kitô. Mối tương quan phức tạp giữa hai môn đệ này sẽ được minh giải nơi chương 21.

 

10. Chú giải của Noel Quesson

 

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần

Cả bốn Tin Mừng đều đồng ý về điểm lịch sử này. Đó là biến cố Phục sinh xảy ra vào hôm sau ngày Sabát, hôm sau ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái. Là người rất nhạy cảm với các biểu tượng, Gioan cho rằng, “ngày thứ nhất” trên đây gợi lên một thế giới mới đang khởi đầu; một cuộc tạo dựng mới, một tuần lễ sáng thế mới.

Đau khổ và cái chết là những chứng cớ hiển nhiên chống lại sự hiện diện của Thiên Chúa: Làm sao lại xảy ra việc Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới đầy bất hạnh như thế?

Vấn nạn đó không thể trả lời được, nếu ta phủ nhận biến cố Phục sinh. Các giáo phụ cũng như những người quen suy niệm Kinh Thánh, đều nghĩ rằng, Thiên Chúa có thể không bao giờ “dựng nên” công cuộc sáng tạo đầu tiên (mọi tạo vật đều phải chết), nếu Người đã không tiên liệu từ thuở đời đời công cuộc sáng tạo thứ hai của Người, nhờ đó sẽ không còn sự chết, cũng không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).

Lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ

Bốn Tin Mừng đều nhất trí về sự kiện lịch sử trên. Đó là các phụ nữ là những người đầu tiên đã khám phá ra “biến cố”. Là người ở trong cuộc, Gioan đặc biệt quan tâm tới một người phụ nữ, chị Maria Mácđala. Ông gán cho chị là Người đã được Đức Giêsu hiện ra đầu tiên (Ga 20,11-18).

Thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến

Chi ta “chạy”. Chi tiết này rất có ý nghĩa.

Chị chưa gặp Đức Giêsu. Chị chưa tin. Chị mới chỉ đứng trước sự kiện ngôi mộ mở ngỏ! Đó là điều bất thường. Chị không ngờ được việc đó. Chị cảm thấy hốt hoảng. Chị chạy đi báo tin cho các vị có trách nhiệm. Ở đoạn văn trên, ta nên ghi nhận một tên gọi đặc biệt được gán cho “môn đệ” không nêu rõ danh tánh: “Người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Truyền thống vẫn thừa nhận Gioan, tác giả của trình thuật trên, là chính người môn đệ đó. Ngoài ra, trong nhóm Mười Hai, không phải là không có sự ghen tị, vì Gioan vẫn thường được Đức Giêsu quan tâm cách hết sức đặc biệt. Chi tiết này cũng rất quan trọng. Ta nên ghi nhận điều đó.

Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu

Lúc này, chị mới chỉ đưa ra giả thuyết: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ. Người ta không giải thích sự kiện theo lý trí: Vì quá mong ước Người sống lại, nên không tránh khỏi một ảo giác. Đúng ra, tất cả các bản văn đều nói ngược lại.

Rõ ràng, trình thuật trên được kể lại để giúp ta cảm thấy rằng, sự kiện ngôi mộ trống không là một bằng chứng, tự nó có khả năng khiến ta tin. Tuy nhiên, ngôi mộ trống kỳ diệu đó là một đối tượng đòi hỏi ta phải thắc mắc. Chỉ vỏn vẹn trong một trang, mà từ “ngôi mộ” được nhắc tới bảy lần! Cho đến lúc này, mới chỉ có thế!

Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước

Gioan nhớ lại, ông đang ở đó. Nhưng giải thích chi tiết hơn, chỉ nguyên dựa vào sự kiện chưa đủ. Còn một yếu tố khác Gioan nhận ra một biểu tượng: Phêrô có thể tự để cho kẻ khác vượt qua mình, để cho các môn đệ hăng say hơn đi trước ông. Và đó không phải là trường hợp duy nhất Gioan đã đi trước Phêrô (Ga 13,24; 18,12-16; 21,20-23). Nhưng tại sao ở đây lại nhấn mạnh đến điểm bất thường này?

Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.

Cách dịch sát nhất bản văn Hy Lạp, do Gioan đã mục kích và viết lại có thể như sau: “ông nhìn thấy băng vải bung ra, và khăn quấn đầu Ngài, không tuột ra cùng với băng vải, nhưng được cuốn lại riêng biệt, đặt đúng chỗ của nó”.

Tóm lại, không có bàn tay bên ngoài nào đã tham dự vào. Chỉ thấy thân xác đã biến mất, và những khăn liệm tuột bung ra tại chỗ. Gioan cũng ghi nhận rằng, khăn quấn đầu (đó là thứ băng vải quấn chung quanh đầu để giữ quai hàm, theo như tập quán tẩm liệm của người Do thái) vẫn còn ở đó, được cuốn lại đặt đúng chỗ, bên trong băng vải.

Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào

Gioan nhấn mạnh: chính ông cũng bước vào!

Đó không thể là một chi tiết không quan trọng, không ý nghĩa.

Ông đã thấy và đã tin.

Phêrô vẫn chưa hiểu gì. Khi thuật lại cảnh Phêrô đến thăm mộ, Luca nói rõ ràng, ông ta chỉ chứng kiến, nhưng trở về nhà rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu gì hết” (Lc 24,12).

Maria Mácđala đã giải thích theo kiểu nhân loại: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”.

Phêrô thì không hiểu gì hết.

Còn Gioan sáng suốt hơn, “ông đã thấy và đã tin”.

Vây ông đã thấy những gì?

Ông đã chứng kiến cũng một sự việc như Phêrô, nhưng Phêrô không biết giải thích.

Để tin, cần phải có đôi mắt của tâm hồn. Cần những con mắt của tình yêu. Giờ đây chúng ta mới hiểu rõ, tại sao Gioan lại nói đến “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Vì tình yêu này mà Gioan đã chạy nhanh hơn! Vì tình yêu này mà ông là người đầu tiên đã tin sau này, trên bờ hồ Galilê, chính “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” sẽ nhận ra Đức Giêsu trước Phêrô (Ga 21,7).

Ở đây chúng ta lại nhận thấy tình yêu luôn tác động tới đức tin. Những người nắm giữ quyền bính trong Giáo hội chưa hẳn đã có đặc ân này. Thay vì ganh tị nhau “quyền bính”, trong Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi trở nên những người đi tiên phong “trong tình yêu”. Đó là điều quan trọng hơn cả.

Ông đã thấy và đã tin.

Đối với Gioan, sự kiện khăn liệm được sắp xếp gọn gàng là một dấu chỉ còn ý nghĩa hơn ngôi mộ trống. Khi vừa nhìn thấy “băng vải tuột ra” và “khăn quấn đầu vẫn ở nguyên tại chỗ”, nhờ một thứ trực giác soi sáng, ông đã nhận ra ngay rằng, Người đã không thể dùng tay chân mà di động thân xác ra khỏi mộ, nhưng chỉ có thể Người đã hết hiện hữu cách thể lý bên trong những khăn băng tẩm liệm vẫn còn y nguyên.

Thế mà những dấu chỉ đó đã không nói lên điều gì với Phêrô.

Dấu chỉ không có khả năng “trao ban đức tin” cho một ai. Dấu chỉ không tuyệt đối thúc ép ta. Cần phải vượt qua “cái thấy được”, để đi tới “điều tin nhận”. Chính Đức Giêsu sắp tuyên bố: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Như thế, Gioan đã tỏ ra là một môn đệ tuyệt vời: Ông tin, dù không thấy.

Đức tin cũng tương tự như những thực tại thâm sâu của con người. Chúng ta không bao giờ thấy được tình yêu mà những người yêu chúng ta. Chúng ta chỉ nhận được những dấu hiệu của tình yêu. đó. Do đó, những dấu chỉ trên đây chỉ thông tỏ ý nghĩa cho những ai biết đoán nhận ra chúng. Một cử chỉ, một lời nói, một sự vật là những cử chỉ còn hàm hồ, bấp bênh! Chúng cần phải được giải thích, nhưng không phải là không có nguy cơ sai lầm: “Sự việc đó muốn nói với tôi điều gì đây? Tôi cần phải hiểu cử chỉ đó thế nào?” Đó là điều rất cảm động trong mọi cuộc gặp gỡ của con người. Cuộc gặp mặt nào cũng đòi buộc những kẻ tham dự phải ở trong tình trạng cởi mở và quan tâm chú ý. Tất cả chúng ta đâu có kinh nghiệm chua xót, vì đã ra một dấu hiệu mà không được hiểu biết, đã phát biểu một lời mà không được đón nhận, đã làm một cử chỉ mà người ta giải thích sai. Hai người cần phải yêu thương nhau hết tình thì sứ điệp trao đổi mới được nhận biết trọn vẹn ý nghĩa.

Vì thế, sự kiện “mộ trống” và “những khăn liệm được sắp xếp gọn gàng”, chỉ những ai yêu nhiều, mới có thể hiểu được.

Ta cũng cần hiểu các bí tích, như những dấu chỉ giống thế.

Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết

Đúng hơn, ta nên dịch câu trên như sau: “Các ông không hiểu Kinh Thánh nói rằng, Ngài phải Phục sinh kẻ chết”.

Thực vậy, các sự kiện chưa đủ! “Ngôi mộ trống” chỉ là một dấu chỉ đối với Gioan, trước khi ông gặp Đức Giêsu trong những lần hiện ra, bởi vì ông đã để cho Thánh Thần lay chuyển, mạc khải cho ông ý nghĩa của dấu chỉ. Trước những chứng cớ ông ghi nhận, Gioan còn biết nhớ lại những đoạn Kinh Thánh của Đức Giêsu đã trích dẫn cho các ông (Hs 6,2; Tv 2,7; Gn 2,I).

Ta cũng nên hành xử như thế, trước những biến cố của đời sống. Chúng ta chỉ có thể hiểu sâu sắc các biến cố đó, nếu ta làm sáng tỏ chúng, nhờ việc luôn suy niệm Lời Chúa, trong Thánh Thần.

Chính tình yêu làm cho ta hiểu rõ chân lý: Muốn tin, cần phải yêu mến.

 

11. Chú giải của Fiches Dominicales

 

NGÔI MỘ MỞ TUNG VÀ TRỐNG RỖNG

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Người đang sống

Thật nghịch lý, Tin Mừng ngày lễ Phục sinh chỉ dừng lại ở chỗ khám phá ra ngôi mộ mở tung và trống rỗng mà không dẫn ta đi đến cùng câu chuyện, cho đến khi gặp Maria Madalêna cùng với Đấng Phục sinh và lời loan báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Đức Chúa, và đây là lời Người nói với tôi (câu 28). Dường như phụng vụ hôm nay muốn mời ta đi lại hành trình đức tin theo gót những chứng nhân đầu tiên.

Trong đoạn Tin Mừng ta đọc sáng nay, tác giả rõ ràng đã sắp xếp một quá trình “tiệm tiến gây ấn tượng”.

– Trước tiên đó là những “di chuyển” rất nhiều và rất nhanh: động từ “chạy” được lặp lại ba lần chỉ trong một câu. Sau khi khám phá ra ngôi mộ mở tung, Maria Madalêna chạy đi tìm Simon Phêrô và môn đệ kia. Simon Phêrô và môn đệ kia chạy đến mồ, môn đệ kia tới trước. Các cuộc chạy nối tiếp nhau để tìm ra một câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi không thể hiểu nổi về ngôi mộ mở tung và trống rỗng.

– Kế đó là những “dấu chỉ” ngày càng rõ nét (với những động từ “nhìn”, “thấy”), và “lời giải thích” về các dấu chỉ do chính các tác nhân đưa ra.

– Maria Madalêna “thấy” phiến đá lập cửa mồ “được cất đi”, và kết luận rằng thi thể của Thầy mình cũng đã “bị lật đi”. Môn đệ kia tới trước. Tuy nhiên ông không vào mộ trước Phêrô, “cúi xuống, ông thấy tấm khăn liệm còn đó”.

– Còn Simon Phêrô, sau khi đã vào trong mộ. “Ông nhìn tấm khăn liệm nằm đó, tấm vải phủ đầu không ở cùng chỗ với khăn liệm, nhưng cuộn lại và để riêng ra”. Khác với Tin Mừng của Luca (24, 12) gợi lên ở đây sự “kinh ngạc” của Phêrô, thánh Gioan không đi xa hơn những gì nhận thấy. Mãi sau này, khi đã gặp gỡ Đấng Phục sinh và đã nhận tràn đầy Thánh Thần, Phêrô mới hiểu tại sao ngôi mộ lại trống và tâm hồn ông mới mở ra để hiểu lời Thánh Kinh. Tin Mừng thứ tư nói rõ: “Thật vậy cho đến lúc ấy các môn đệ vẫn chưa tin rằng theo Thánh Kinh Đức Giêsu phải phục sinh từ trong kẻ chết”.

– Riêng người môn đệ kia, sau đó cũng vào mộ, ông nói rằng ngay lần cảm nghiệm phục sinh đầu tiên đó “ông đã thấy và ông đã tin”.

2. Và ông đã tin

Dưới mắt Giáo Hội, Phêrô vào trước và đương nhiên trở thành chứng nhân thứ nhất. Trái lại, “Môn đệ kia” được trình bày ở đây như mẫu mực của người môn đệ, người môn đệ tuyệt hảo; “Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến”; Người trong bữa Tiệc ly đã “tựa đầu vào lòng Đức Giêsu”, với trực giác của tâm hồn, đã nhìn thấy trong cõi rỗng không của ngôi mộ, vị trí của tấm vải liệm -xếp đặt gọn gàng chứ không bừa bãi- biết bao dấu chỉ về một thực tại khác, chỉ có đức tin mới cảm nhận được: “Ông đã thấy và ông đã tin”.

Theo ông, chẳng có ai “lấy đi” thi thể của Đức Giêsu như Maria Madalêna đã loan báo: Kẻ cắp nếu đã lấy trộm xác Thầy làm sao có thời giờ cởi bỏ vải liệm rồi cẩn thận xếp đặt gọn gàng đến thế? Theo ông, sự chết đã hoàn toàn bị sự sống tước đoạt hết sức mạnh. Trong ông đã hình thành một ‘chuyển biến từ thấy đến hoàn toàn tin’ vào Đức Giêsu phục sinh. Khăn liệm được xếp đặt ngay ngắn đã chứng tỏ rằng thi thể Đức Giêsu không hề bị lấy cắp, nhưng chính Đức Giêsu đã đi ra, để lại khăn liệm gọn gàng thứ tự tại nơi Người đã được liệm. Khác với Lazarô đi ra vẫn quấn khăn liệm, Đức Giêsu chẳng cần y phục vì Người giã từ thế giới loài người” (A. Marchadour, “Tin Mừng thánh Gioan”. Ccnturion, trg 244).

Là một trong những chứng nhân đầu tiên đã “thấy Đức Giêsu Phục sinh, người môn đệ kia đồng thời là mẫu mực cho những ai tin theo lời chứng của ông: “tin dù không thấy” (Ga 20, 29, Tin Mừng Chúa nhật tới).

BÀI ĐỌC THÊM

1. Khi sinh ra trong đức tin. Phêrô và Gioan mời ta theo các ngài:

(‘Cử hành’ -tạp chí của Trung tâm Quốc gia về Mục vụ và phụng vụ, số 237, trg 41-42).

Các động từ chỉ sự di chuyển tràn ngập trình thuật: ra đi, chạy, vào những động từ ấy nói lên các giai đoạn trong hành trình của các môn đệ đồng thời kéo theo hành trình của độc giả. Hành trình này không kết thúc ở đoạn cuối của một giai thoại. Các cuộc hiện ra với Maria Mađalêna, với các môn đệ, với Tôma, vẫn còn biết bao chặng đường thiết yếu để đi đến cùng: “Tin dù không thấy” và “tin nhờ vào quyển sách của các chứng nhân” (Ga 20, 29-31).

Trong chặng đầu tiên, ta đuổi theo một câu trả lời đầu tiên. Bí hiểm ngay ở khởi điểm: “Chúng tôi không biết họ đã đặt Đức Chúa ở đâu”. Cần một cuộc điều tra. Một hoạt động từ thứ hai điểm nhịp theo tiến trình: nhìn, thấy. Ta đi từ ghi nhận này đến ghi nhận khác. Ghi nhận đầu tiên là của Maria Mađalêna: tảng đá được cất đi, thi thể bị lấy đi. Ghi nhận thứ hai là của các môn đệ: vải liệm xếp gọn gàng. Ghi nhận thứ ba nhưng liệu có trùng với hai ghi nhận trên không? Người môn đệ Đức Giêsu yêu quý “đã thấy và đã tin”.

Ánh sáng đức tin phát xuất từ Kinh Thánh và Lời Đức Giêsu. nhưng ngôi mộ mở tung, đầy những dấu chỉ của một thi thể người chết nhưng biến mất, bước đầu cho phép ta có cảm tưởng rằng Đức Chúa đang sống ở nơi khác. Hai con người đang sinh ra trong đức tin, mỗi người cất bước theo con đường riêng, dắt dìu nhau. Họ mời ta hãy bước theo họ.

2. Tại ngôi mộ để ngỏ

(G. Boucher trong “Thiên đường tại thế”)

Buổi sáng hôm ấy một phụ nữ, Maria Madalena đến viếng mộ Đức Giêsu. Nhưng, sững sờ: cửa mộ để ngỏ, mở tung ra. Ai đã lăn tảng đá lấp cửa mộ ra rồi. Thoạt nhìn ngôi mộ mở tung gợi lên một trò lừa đảo, gian lận, một trò bỡn cợn đê tiện hoặc một sự tục hoá không chấp nhận được.

Phải, phản ứng thế nào trước một xì căng đan như thế trước hết Maria Madalêna tham vấn các môn đệ. Bà chạy đến với Phêrô. Tức tốc Phêrô và Gioan thoát ra khỏi tính e dè, khỏi sự im lặng sợ sệt. Ông rời bỏ nơi ẩn náu. ông chạy đến xem và ghi nhận tại chỗ. Thật là một sự báng bổ, ghi nhận đầu tiên là thế.

Phêrô và Gioan cùng chạy. Họ chạy đến ngôi mộ mở ngỏ. Họ phải đối diện với một biến cố quan trọng. Và Gioan đã thấy. Ông đã thấy và đã tin.

Gioan thấy. Mà thấy gì? Chẳng thấy gì cả! Có gì đâu mà thấy. Vậy mà điều ông thấy đã khiến ông tin.

Ta hãy cùng Gioan cúi xuống. Ta thấy gì? Một lỗ hổng đen ngòm, đầy màu trắng. Một sự trống rỗng mênh mông chứa đầy sự sống. Những vật trang hoàng cho lễ tang đã biến thành y phục sáng láng. Một sự vắng mặt la lên sự có mặt. Một sự im lặng chết chóc hùng hồn hơn tất cả những bài diễn văn. Một bức tường chỉ thấy được phần bị khoét lỗ. Một kết thúc tất cả mang vóc dáng sự khởi đầu. Một cái chết nối kết với một sinh thành. Một mầu nhiệm mà ta khám phá ra bí quyết.

Ai đã sáng chế ra từ ngữ ngôi mộ trống rỗng? Ngôi mộ đâu có trống rỗng. Bằng chứng là Gioan thấy được trong mộ chân dung đích thực của Đức Giêsu, bạn ông.

Ngôi mộ đâu có trống rỗng. Đâu có hoang vu. Đâu có câm nín. Đâu có bay mùi chết chóc. Ngôi mộ nói. Nó sẽ nói. Hôm nay nó vẫn còn nói với ta. Ta sẽ bỡ ngỡ. Vì sự vắng mặt ấy tuy to lớn như một nấm mồ, lại là một sự hiện diện, vĩ đại như một phép lạ.

Dưới ánh mắt của não trạng hiện đại đã ăn sâu vào mỗi người, chết là chấm dứt tất cả. Là dấu chấm hết. Sau đó chẳng còn gì. Chẳng còn gì ngoài đêm đen. Chẳng còn gì ngoài sự trống rỗng và hư vô. Cái chết khép lại tất cả. Cái chết giam kín ta.

Nhưng này đây cái chết mở ra. Ngôi mộ của Người mở tung. Mở ra một mầu nhiệm lớn lao. Một mầu nhiệm loan báo sự sống. Có tên là chỗi dậy. Phục sinh.

Ngôi mộ mở tung lòng trí và tâm can ta. Ký ức ta lấy được sự sống và hồi sinh. Ta mở lòng ra cho đức tin. Sau cùng ta hiểu rằng khi vượt qua bức tường sự chết, khi nâng tảng đá cửa mộ lên, Đức Giêsu hoàn thành cuộc phục sinh đã báo trước.

 

12. Tình yêu gặp bối rối

(William Barclay)

Không ai yêu thương Chúa Giêsu bằng Maria Macđala. Luca cho chúng ta biết đã có bảy quỷ bị đuổi ra khỏi bà. Điều Chúa Giêsu làm cho bà không ai làm được và bà không thể nào quên. Có ý kiến vẫn cho rằng bà là tội nhân đáng ghê tởm mà Chúa Giêsu đã kêu gọi, đã tha thứ và thanh tẩy. Bà đã phạm tội nhiều, và cũng yêu mến nhiều, tình yêu thương là tất cả những gì bà cần đem đến.

Tại Palestine có phong tục viếng mộ người thân ba ngày sau khi thi hài được đặt vào phần mộ. Họ tin linh hồn người chết còn bay lượn và chờ đợi chung quanh phần mộ luôn ba ngày, sau đó mới bỏ đi, vì lúc đó thi thể không còn nhận diện được nữa, bởi đã bắt đầu thối rữa. Các bạn thân của Chúa Giêsu không thể nào không đến viếng mộ Ngài vào ngày Sabát là ngày thứ bảy của chúng ta. Vậy Maria đến mộ trước tiên vào ngày Chúa nhật. Bà đến thật sớm, chữ “rạng đông” là proi, chỉ canh chót trong bốn canh của đêm, từ ba giờ đến sáu giờ sáng. Lúc Maria đến mộ, trời còn mờ mờ, vì quá nóng lòng bà không thể trì hoãn hơn nữa.

Khi đến mộ, bà vô cùng kinh ngạc. Mồ mả thời xưa thường không có cửa để đóng lại. Tại lối ra vào mộ có một đường rãnh dưới mặt đất, trên có một tảng đá tròn như chiếc bánh xe, tảng đá được lăn vào chặn vào chỗ xem như cửa mộ, để bảo đảm không có ai lăn tảng đá ấy đi (Mt 27,26). Maria kinh hoàng khi thấy tảng đá đó đã bị lăn ra. Có hai điều xuất hiện trong trí bà. Bà nghĩ là người Do Thái đã lấy xác Chúa Giêsu đem đi nơi khác, vì họ chưa bằng lòng với việc giết Ngài trên thập giá mà còn muốn làm nhục thi thể Ngài thêm nữa. Cũng có một số người bất lương chuyên nghề đào mộ để ăn trộm xác. Có lẽ Maria nghĩ người ta đã lẻn vào trong mộ ăn cắp xác Chúa.

Đây là một tình cảnh mà Maria Macđala cảm thấy không thể đối phó được, nên chạy vào thành tìm Phêrô và Gioan. Maria là trường hợp tiêu biểu cho một người cứ tiếp tục yêu thương, cứ tiếp tục tin tưởng, dù mình không hiểu được. Đó là loại yêu thương, loại tin tưởng đến cuối cùng sẽ được tôn vinh.

PHÁT GIÁC QUAN TRỌNG

Câu chuyện ở đây cho thấy Phêrô vẫn còn là vị thủ lãnh mà các Tông đồ thừa nhận. Bà Maria đến tìm ông, bất chấp việc ông đã chối Chúa –việc chối Chúa của Phêrô hẳn là được loan truyền ra khắp nơi nhanh chóng lắm- Phêrô vẫn là người đứng đầu. Chúng ta vẫn thường nói đến nhược điểm và tính khí bất thường của ông, nhưng hẳn nơi con người ấy phải có một cái gì ưu việt hơn, mới khiến ông có thể đối mặt các đồng bạn sau cái vấp ngã tai hại biến ông thành kẻ hèn nhát. Nơi con người ông hẳn phải có một điểm gì đó khiến những người kia sẵn sàng thừa nhận ông vẫn là lãnh tụ sau biến cố đó. Sự yếu đuối nhất thời của Phêrô không thể bịt mắt chúng ta trước sức mạnh đạo đức cùng tầm vóc của ông, và trước sự kiện ông là người sinh ra để lãnh đạo.

Bây giờ, một điểm khác khiến Gioan chú ý: Các đồ khâm liệm không bị vứt bừa bãi vô trật tự, nhưng đều nằm y nguyên tại chỗ. Theo nguyên văn Hy Lạp có nghĩa là vải liệm nằm tại chỗ thi thể đã nằm, chiếc khăn nằm tại chỗ đặt cái đầu. Đồ khâm liệm không có vẻ gì là bị tháo ra và dẹp đi, nhưng đều nằm đúng chỗ vốn được sắp xếp, dường như chỉ có xác là biến mất khỏi đó. Khi thấy như vậy, Gioan biết ngay là có chuyện gì xảy ra và ông tin. Không phải những gì Gioan đã đọc trong Thánh Kinh thuyết phục ông tin Chúa Giêsu sống lại, nhưng chính những gì ông đang chứng kiến tận mắt.

Vai trò của tình yêu trong câu chuyện này thật phi thường. Chính bà Maria người yêu mến Chúa rất nhiều, đã đến mộ trước nhất. Chính Gioan, môn đệ được Chúa yêu mến và yêu Chúa, là người đầu tiên tin vào sự sống lại. Điều này luôn luôn là vinh dự lớn của Gioan. Ông là người đầu tiên hiểu và tin. Tình yêu đã cho cặp mắt ông đọc được các dấu hiệu, và tâm trí ông thấu hiểu sự việc.

Ở đây, chúng ta thấy quy luật quan trọng của đời sống. Bất luận việc gì, chúng ta không thể giải thích được tư tưởng của người khác, trừ phi giữa ta với họ có mối dây ưu ái, cảm thương nhau. Không ai có thể diễn thuyết hay viết lại thành công, cuộc đời, sự nghiệp của một người mà mình không thiện cảm. Các thính giả có thể thấy rõ một ca sĩ có thiện cảm với nhà soạn nhạc như thế nào qua tác phẩm đang trình diễn. Tình yêu là nhà lý giải vĩ đại. Tình yêu có thể biết ngay ý nghĩa sự việc mà nghiên cứu tìm tòi chẳng nhìn thấy. Người ta kể, có một hoạ sĩ trẻ đem tranh ông vẽ Chúa Giêsu đến để Dore cho ý kiến. Ông chần chừ, cuối cùng chỉ nói một câu: “Anh không yêu Ngài, bằng không anh đã vẽ Ngài đẹp hơn”. Chúng ta chẳng bao giờ hiểu Chúa Giêsu hoặc giúp người khác hiểu được Ngài, trừ phi chúng ta dành hết lòng và trí mình cho Ngài.