Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm C

Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Nhiều lần ta nghe theo cơn cám dỗ của thế gian xác thịt rồi nên hoang đàng, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa. Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức nên lên án tẩy chay người khác. Cần trở về với Cha, Đấng giàu lòng xót thương...

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm C

Lc 15,1-3.11-32

 

1. Chúa nhân hậu - Suy niệm của Lm. JB. Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R

 

* KIÊN NHẪN

Chuyện kể rằng, người cha có hai người con trai. Để chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp cho con cái, ông đã gầy dựng cơ nghiệp cho hai con với tâm nguyện “của cha là của con” (Lc 15, 31).

Vậy mà, một ngày kia, sóng gió gia đình nổi lên khi người con thứ đòi chia gia tài và muốn tự giải quyết cuộc đời mình bằng cách bỏ nhà trẩy đi phương xa để sống riêng. Theo quan niệm người Do Thái lúc bấy giờ, trong một gia đình, chỉ khi nào người cha mất đi thì các con mới chia nhau gia tài. Cách ứng xử của người con thứ chẳng khác nào anh mong cho cha mình mau chết.

Lòng người cha đau đớn nhưng vì tôn trọng tự do của người con thứ nên ông đã chấp nhận chia gia tài để anh sống riêng. Thế là, ngay từ lúc người con thứ bước chân ra khỏi nhà cũng là lúc người cha sống những ngày mòn mỏi đợi chờ anh ta sám hối quay về với mái ấm gia đình.

Hình ảnh người cha gợi lên hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng muôn điều tốt đẹp cho con người và ban cho họ làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo với vinh quanh danh dự chẳng thua kém thần mình là mấy. Vậy mà, con người đã lạm dụng quyền tự do của mình để tự định đoạt cuộc đời. Thế nên, họ đã lâm vào cảnh hư ảo và phải mang án chết. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ con người quay về với Chúa.

* TỰ HẠ

Chuyện tiếp theo, người con thứ sau khi đã phung phí tài sản của cha vào những cuộc ăn chơi đàng điếm, anh đã phải đi làm công cho một ông chủ với công việc chăn heo.

Đối với người Do Thái thời ấy, heo là con vật ô uế, nên họ không bao giờ nuôi heo mà chỉ có người dân ngoại mới nuôi heo. Vậy là, người con thứ đã tử bỏ người cha, từ bỏ gia đình để đi làm công cho người ngoại và hàng ngày tiếp xúc với con vật ô uế. Tất nhiên, anh ta luôn ở trong tình trạng ô uế. Tệ hơn thế, khi cơn đói dày vò, anh ta muốn ăn thức ăn dành cho heo những vẫn không được ăn. Anh đã thua cả heo, con vật ô uế. Anh lao xuống tận đáy sâu của vực thẳm tội lỗi.Thật là bi đát!

May thay, trong cơn cùng khốn, một chút lương tâm trong anh đã trỗi dậy và khai sáng cho anh nhớ về gia đình: trong gia đình anh, biết bao người đầy tớ được cha anh đối xử nhân ái và được sống sống tốt đẹp; vậy mà giờ đây phận là con của người cha giàu có và nhân hậu mà anh lại phải sống trong tình trạng nhầy nhụa bi thảm. Để giải cứu cơn đói, anh đã quyết định “đứng lên” quay về nhà mình và chỉ giám mong được cha đối xử với anh như người làm công. Anh đã chuẩn bị cho ngày về bằng một bài diễn văn: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chăng đáng còn gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công vậy” (Lc 15, 18-19).

Người cha đã hằng mong mỏi ngóng chờ người con quay về. Vừa trông thấy con còn ở đàng xa, ông đã vội chạy ra đón anh, “ôm cổ anh ta và hôn lấy, hôn để” (Lc 15, 20) và không để anh đọc hết bài diễn văn. Ông đã không thể hiện tư thế của một người cha uy nghi quyền thế khiến mọi kẻ phải lạy lục xin ông ban phát ân huệ. Trái lại, ông đã tự hạ mình, nhanh chân chạy đến đỡ lấy người con tội lỗi quay về. Tình thương của người cha đã làm cho người con tội lỗi nghẹn ngào không nói được hết lời xin lỗi.

Hình ảnh người cha gợi lên hình ảnh của Thiên Chúa. Dù bao phen con người lầm lỗi phản nghịch Chúa, bỏ Người chạy theo thần của dân ngoại, nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người sống ngụp lặn trong tội lỗi. Biết bao lần, Người dùng các ngôn sứ, các thủ lãnh để hướng dẫn dân Chúa trở về với nẻo chính đường ngay và sau cùng Thiên Chúa còn tự hạ mình mang thân phận con người để cứu độ con người cách toàn diện.

* CỨU ĐỘ

Người cha vui sướng xiết bao khi người con hoang đàng trở về với mái ấm gia đình. Ông tuyên bố: “Con ta đây chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay đã tìm thấy” (Lc 15, 24) và chỉ thị cho gia nhân: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dẹp vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (Lc 15, 22, 23).

Người cha ban áo đẹp nhất cho người con để từ nay anh phải rũ đi chiếc áo quá khứ cũ rách của nếp sống tội lỗi để mặc lấy chiếc áo lễ hội tràn đầy niềm vui và hạnh phúc; ban nhẫn cho người con là biểu hiện ban quyền bính, uy thế danh dự của gia đình vương giả; ban dép cho người con là biểu hiện phục hồi lại quyền tự do (người nô lệ không đi dép); ban dê đã “vỗ béo” chứ không ban dê gầy hay dê nào cũng được là biểu hiện người cha đã cho “vỗ béo” dê để sẵn sàng mở tiệc khi người con hoang trở về.

Hình ảnh người cha gợi lên hình ảnh Thiên Chúa cứu độ con người cách toàn diện. Thiên Chúa đã dọn sẵn hạnh phúc thiên đàng và chờ đợi người tội lỗi ăn năn thống hối quay về, Người “không muốn cho kẻ dữ phải diệt vong nhưng muốn họ bỏ đường tà để được sống” (Ed 18, 23). Ai trở về cùng Thiên Chúa sẽ được cải tử hoàn sinh “chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay đã tìm thấy” (Lc 15, 24).

Tiệc vui đoàn tụ đã khai mở, mọi người “bắt đầu ăn mừng” (Lc 15, 24) nhưng sóng gió gia đình lại tiếp tục nổi lên. Người con trưởng xuất hiện. Sau một ngày vất vả nơi đồng áng, về đến nhà trông thấy cảnh tượng cha mừng người em trở về, anh đã không thể chấp nhận nổi; anh không những không vào nhà mà còn buông lời xúc phạm người cha: “Còn thằng con của cha đó…” (Lc 15, 30). Thế mới lộ ra, bấy lâu nay, tuy sống gần bên cha gia nhưng người con trưởng chỉ sống tương quan với cha mình người chủ với tớ…

Lúc này, người cha lại phải xuống nước với anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất của những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ vì em con đây đã hết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 31-32).Vậy là, người cha lại phải kiên nhẫn và hạ mình trước người con trưởng để mong anh quảng đại như cha sẵn sàng đón nhận em.

Một lần nữa, Thiên Chúa lại tiếp tục kiên nhẫn, hạ mình và chờ đợi để cứu độ muôn người.

KẾT

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa Chúa được Đức Giê-su diễn tả qua một dụ ngôn về một gia đình người cha và hai người con.

Câu chuyện gia đình ba cha con đã khép lại nhưng chưa có hồi kết (không biết người con trưởng sẽ ra sao). Hẳn hồi kết ấy sẽ do mỗi người tín hữu phải góp phần mình để hoàn thành bằng sự quyết tâm đứng lên sau những lần vấp ngã để trở về cùng Thiên Chúa là cha nhân hậu, đồng thời quảng đại với mọi người.

 

2. Chúa Nhật 4 Mùa Chay

 

Chúng ta đang sống trong những ngày của mùa chay thánh, Lời Chúa trong các chúa nhật mùa chay luôn mời gọi chúng ta hãy trở về với Chúa bằng con đường sám hối. Bài Phúc âm chúng ta vừa nghe cũng là một lời mời gọi sám hối trở về với Chúa để đón nhận ơn tha thứ của Chúa.

Dụ ngôn chúng ta vừa nghe đó là một trong những bài dụ ngôn đẹp nhất trong Tin mừng, nó diễn tả tình thương của Thiên Chúa dành cho con người qua hình ảnh của người cha trong gia đình. Các bạn có thể đặt tên cho bài dụ ngôn này là gì? Ta thường gọi dụ ngôn này là dụ ngôn “đứa con hoang đàng”, nhưng có lẽ phải gọi là dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mới đúng, vì nó cho ta biết về tình yêu của người cha hơn là về tội của người con.

Có mấy nhân vật chính trong dụ ngôn?

Người cha trong dụ ngôn có 2 người con. Có lẽ người ông có phần kém mai mắn, mặc dù ông rất giàu có nhưng có hai đứa con không có hiếu với mình. Người con thứ thì đã quá rõ. Lẽ ra khi lớn khôn thay vì anh phải phụng dưỡng cha già (thì anh lại làm gì?). Anh lại đòi chia gia tài, một hành động thất khó chấp nhận theo quan niệm của người Do thái. Vì người con chỉ được phép đòi chia gia tài khi cha chết hoặc người cha tự ý chia cho các con khi thấy mình già yếu. Hành động của người con thứ khác nào nguyền rủa cho cha mình mau chết.

Người con cả xem ra có hiếu hơn, biết nghe lời cha hơn. Anh đang từ ngoài đồng trở về, anh có thái độ thế nào khi biết em mình đã trở về? anh có vui? Những lời của anh nói cho thấy tấm lòng của anh, bấy lâu nay anh sống với cha chỉ là làm vì bổn phận hơn là vì yêu mến cha. Anh luôn nhìn cha mình bằng thái độ sợ sệt giống như người làm công hơn là con. Điều làm cho người cha đau lòng chính là thái độ của anh đối với em. Anh không muốn coi mình có người em này, anh không gọi nó là “em con” nhưng là “cái thằng con của cha kia”. Anh không hề thông cảm và tỏ ra tha thứ cho những lầm lỗi của em, cũng không hề thấu hiểu cho nỗi đau của cha khi phải mất con.

Thái độ của anh cả như thế còn thái độ của người cha như thế nào? Ông trách mắng quở phạt anh ta, ông không muốn nhận lại con? Chúng ta nghe tiếp câu chuyện. Sau khi người con thứ phung phí hết tài sản của mình, bước vào con đường nghèo đói, nghèo đến độ muốn ăn đồ ăn của heo mà cũng không được. Khi anh lâm vào con đường cùng thì anh mới nhớ đến cha, nhớ những ngày mình được sống sung túc trong nhà cha mà không phải lo nghĩ gì.

Hành động quay về của anh có thể chỉ xuất phát từ sự cùng cực của mình, muốn trở về để tìm cái ăn mà sống, chứ chưa thật sự vì yêu mến cha. Anh chỉ muốn cha anh coi anh như là một người làm công thôi, chứ không dám nghĩ tới địa vị làm con của mình. Anh đâu biết rằng ngày anh ra đi cũng là lúc mà hằng ngày người cha vẫn luôn trông ngóng mong anh trở về. Anh còn ở đằng xa thì cha đã thấy anh, chạy ra ôm lấy con mình. Ơng không đợi cho người con nói hết lời xin lỗi mà ngay lập tức đã sai đầy tớ mang áo, mang nhẫn ra đeo cho anh để phục hồi địa vị làm con cho anh. Dụ ngôn không kể cho chúng ta biết tâm trạng của người con thứ lúc đó như thế nào, chắc chắn đó sẽ là những giọt nước vì hạnh phúc vì được yêu thương và tha thứ của cha.

Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến ai qua 3 nhân vật trong dụ ngôn?

Người cha? Ám chỉ Thiên Chúa

Người con thứ? Ám chỉ những người có tội biết ăn năn

Người con cả? Ám chỉ những người Biêt phái và những ai tự coi mình tốt và không biết tha thứ

Qua bài dụ ngôn hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta rằng: nếu chúng ta phạm tội Ngài vẫn yêu thương chúng ta, vẫn tìm kiếm và trông chờ chúng ta trở về. Điều mà Ngài mong muốn nơi chúng ta là phải biết đứng lên và can đảm và trở về. Biết bỏ đời đi hoang để trở về sống hiếu thảo với Cha. Tình thương va lòng tha thứ của Thiên Chúa không bao giờ thiếu, quan trọng là chúng ta có biết đưa tay đón nhận hay không. Mỗi khi chúng ta phạm tội, là chúng ta đang trở thành người con hoang đàng, là chúng ta đang bỏ Chúa đó. Vậy mỗi khi chúng ta phạm tội với Chúa thì chúng ta trở về với Chúa bằng cách nào? (qua bí tích giải tội- Chúa rất vui khi chúng ta đi xưng tội). Mỗi khi chúng ta phạm lỗi với anh chị em chúng ta phải làm gì? (xin lỗi- quyết tâm không làm điều đó nữa). Mỗi khi chúng ta phạm lỗi, chúng ta không được tuyệt vọng, và không được nghĩ rằng lỗi của tôi nặng quá không biết Chúa có tha hay không, Chúa luôn luôn tha cho chúng ta chỉ cần chúng ta biết chạy đến với Chúa. Chúa luôn mở rộng đôi tay đón chúng ta trở về

Một bài học khác chúng ta có thể thấy được qua bài dụ ngôn này đó là mình phải biết tha thứ cho người khác. Chúa tha thứ cho chúng ta khi chúng ta có lỗi, và Chúa còn thương chúng ta nhiều hơn vậy thì chúng ta cũng phải biết tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Mỗi khi chúng ta tha thứ cho người khác đó là chúng ta đang trở nên giống Chúa. Các bạn thấy khi mình làm ai giận, hay làm điều gì lỗi với người khác khi được ban mình bỏ qua không giận nữa, tiếp tục chơi với mình, mình có vui không nè?

Mùa chay luôn mời gọi chúng ta biết trở về với Chúa bằng cách từ bỏ con người tội lỗi của mình. Sám hối và trở về với Chúa bằng những việc làm cụ thể, chẳng hạn tôi quyết tâm bỏ bớt đi tật hay nói dối, hay chửi thề nói tục, hay cãi lại cha mẹ. Và sống con người mới là người con của Chúa biết yêu thương người khác, biết tha thứ cho anh chị em, và mau mắn chạy đến với Chúa qua bí tích giải tội khi chúng ta lầm lỗi. Khi làm như thế đó là chúng ta đang sống trong tâm tình là người con của Chúa.

 

3. Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy

 

ĐƯỜNG CỦA CON NGƯỜI và ĐƯỜNG CỦA THIÊN CHÚA

Dụ ngôn “ Người cha nhân hậu” trong bài Tin Mừng hôm nay đã nêu rõ những con đường khác nhau: Con đường của người con thứ, con đường đã dẫn đưa cậu đi đến một miền đất xa lạ, cách xa khỏi cha cậu. Con đường của người cha ra đón cậu con thứ

Con đường của người con cả. Và con đường người cha đi gặp người con cả.

Ðó là những con đường khác nhau, và chúng sẽ: hoặc dẫn tới đích, hoặc chúng chỉ là những ngõ cụt hay là những con đường mất hút trong rừng sâu và không tìm được lối ra.

Thứ nhất: Con đường đi tìm lại sự tự do.

Với số gia tài trong tay, người con thứ đã bỏ nhà cha mình và trẩy đi đến một miền xa lạ. Cậu muốn tận hưởng hạnh phúc và sự tự do riêng của mình theo ý muốn. Người cha đành phải để cho cậu ra đi. Giờ đây mọi sự chỉ còn tùy thuộc vào thái độ của cậu trước các thách đố của đời và liệu cậu có đứng vững được hay không! Vâng, vấn đề có tính cách quyết định là ở chỗ: Tâm tình cậu con vẫn còn luôn tưởng nhớ đến cha cậu và luôn gắn bó với ông, cũng như cậu biết xử dụng phần gia tài được chia cho cậu, đúng với ý cha cậu; hay: Cậu đã cắt đứt mọi liên hệ với cha mình và tổ chức một cuộc sống riêng không dính dáng gì với cha nữa, nếu không nói là một cuộc sống phản lại cha! Sự tự do với cha hay một sự tự do không có cha! Chúng ta đọc thấy trong câu chuyện dụ ngôn. Người con thứ đã tìm cách sống sự tự do của mình không có cha!

Nhưng chúng ta cũng thấy được rằng con đường của người con thứ – với sự tự do không có cha – đã đưa dẫn cậu tới sự bất hạnh, tới một tình trạng bất tự do.

Thật vậy, những ai không còn muốn liên hệ gắn bó với cha mình, thì sẽ ràng buộc mình với nhiều thứ khác: tiền bạc, các đòi hỏi tự nhiên, các thú vui lệch lạc rẻ tiền, v.v… Người ta sẽ trở thành nô lệ cho những thứ đó và tự đánh mất các phẩm chất, tư cách và chính bản ngã của mình. Người ta sẽ trở thành một con người thiếu nội tâm. Ðó chính là sự đánh mất bản sắc riêng!

Câu chuyện dụ ngôn đã nói lên tình trạng buồn thảm đó khi tường thuật: con đường của cậu con thứ đã kết thúc nơi những con heo. Nói cách khác: Người con thứ đã không đứng vững được trước các cám dỗ và thử thách của đời. Cậu đã thất bại trong mọi lãnh vực: tài chánh, luân lý, đạo đức, nhân bản. Cậu thực sự hoàn toàn kiệt quệ và phá sản! Cậu đã đánh mất tất cả. Trong thực tế, cậu quả là một người con hoang đàng dại dột!

Tuy nhiên, trong trái tim cậu, sự khao khát mong muốn sự tự do quá mãnh liệt, khiến cậu ngay giữa cảnh mất mát thất bại đã can đảm đứng lên và bước theo con đường dẫn về cùng cha cậu. Ðó chính là con đường dẫn tới sự tự do chân thật, một sự tự do cậu chỉ có được qua sự gắn bó mật thiệt với cha!

Thứ hai: con đường của người con cả – một con đường rừng!

Người con cả trong dụ ngôn tuy luôn có mặt bên cạnh với cha cậu, nhưng lòng cậu lại cách xa cha. Con đường của cậu xem vẻ bên ngoài không đi xa khỏi cha như con đường của đứa con thứ. Nhưng người con cả cũng không đi chung với cha cậu trên cùng một con đường, khi ông đi ra đón người con thứ của mình đang quay gót trở về cùng ông.

Ai không liên kết gắn bó với cha, thì cũng không tìm ra con đường dẫn tới người anh em của mình. Người con cả nói với cha cậu: “ Thằng con của cha đó đã ăn chơi trác táng và phung phá tiền bạc của cha với bọn đĩ điếm…!” Người cha liền nhân từ và đầy thông cảm cắt nghĩa cho cậu hiểu: “ Em con đã quay trở lại nhà, nó đã chết nay sống lại, nó đã mất nay lại tìm thấy…!” Ai không đi trên con đường dẫn tới người anh em của mình, người đó cũng lỡ bước trên con đường dẫn về cùng cha.

Thứ ba: Con đường của người cha!

Con đường của người cha trong dụ ngôn là hình ảnh tượng trưng cho con đường của Thiên Chúa. Con đường đó dẫn tới nhân loại. Người cha chạy ra đón tiếp đứa con hư hỏng trở về. Ông vui mừng ôm con vào lòng, chứ không hề trách móc la mắng con, như thể: Lỗi lầm của mi thật quá nặng nề. Cái dại của mi thật không sao nói hết… Nhưng tao tha cho lần này là lần chót…! Không. Ông không hề nói gì cả, ông chỉ vui mừng ôm lấy con! Ðó không phải là “ chiến thuật” sư phạm, nhưng là dấu chỉ của tình thương và lòng nhân hậu chân thành của một người cha: Con tôi đã mất và nay lại trở về với tôi! Ðứa con hoang đàng hư hỏng nay lại trở về trong nhà cha cậu và được nhận lại quyền làm con của mình.

Ðúng vậy, tình yêu đích thực không bới mói tội lỗi, nhưng là trao ban sự tha thứ và niềm vui mừng. Tuy nhiên người cha cũng đi ra gặp cậu con cả và cắt nghĩa cho cậu hiểu để cậu cùng mừng với ông. Vì ông rất biết là một bữa tiệc chỉ trọn vẹn khi mọi người cùng vui vẻ với nhau!

Nói tóm lại, qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu muốn nói cho chúng ta những điều này:

1. Thiên Chúa là một Thiên Chúa đi tìm kiếm con người, một Thiên Chúa mời gọi con người đến dự tiệc với mình, một Thiên Chúa vẫn giữ vững lời mời, cả khi chúng ta tỏ ra thất trung và đi theo con đường của mình tự chọn lấy, chứ không bước đi trên con đường của Người đã chỉ cho.

2. Thiên Chúa thương yêu chúng ta vô cùng, đến nỗi một kẻ dù đã sa ngã và lâm vào vòng tội lỗi, vẫn có thể trở thành một người tốt lành được. Người không bao giờ loại trừ ai, vì trong tình yêu của Người, Thiên Chúa không hề thất tín. Tình yêu của Người vô cùng bao la, đến nỗi Người vẫn luôn kiên tâm chờ đợi mong mỏi cả những kẻ đã bỏ Người đi xa muôn dặm. Người đi gặp gỡ họ và đón tiếp họ, như thể không hề có gì đã xảy ra, tương tự như người cha đón tiếp người con hư hỏng trong dụ ngôn.

3. Thiên Chúa là một Thiên Chúa của tình yêu thương, của niềm hoan lạc vui mừng, Ðấng hằng muốn cùng chung vui với con cái loài người chúng ta.

Chớ gì tất cả những mặc khải đó mang lại cho tất cả chúng ta sự can đảm và sức mạnh, để tìm ra được con đường sám hối, con đường dẫn chúng ta tới cùng Thiên Chúa và tới cùng những người anh em đồng loại của chúng ta. Amen.

 

4. Lòng Cha trời cao biển rộng - AM. Trần Bình An

 

Đi hoang trở về

Người con thứ đi hoang đã sám hối trở về. “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” (Lc 15, 18-19)

Người cha già cả, dẫu tuổi cao sức yếu, vô cùng hân hoan mừng rỡ, thấy con từ đàng xa, đã lật đật, bước thấp bước cao, chạy đến ôm hôn. Cuộc trở về trở nên sự kiện long trọng, nổi đình đám của một gia đình đang ưu uất, buồn bã, phân ly bấy lâu nay.

Khi vào bước đường cùng, người con thứ mới chạnh lòng nhớ đến Cha già xa xăm. Chàng mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của Cha, khiến cho đôi chân lãng tử quay trở về.

Người Cha lâu nay bị lãng quên, nay kịp thời lóe sáng như ngọn hải đăng, dẫn dắt và cứu thoát chàng khỏi chốn tối tăm, vô vọng. Trong cảnh khốn cùng, tất cả đều qua đi, chỉ còn lại tình yêu, ta có thể sở hữu tình yêu mãi mãi, trong khi những thứ khác thì qua đi. (1Cr 13,8b-10).

Mỗi khi tôi sa cơ thất thế, hoạn nạn hay khốn khổ, sao tôi không nhớ ra, vẫn có Người Cha Nhân Lành, đang mòn mỏi chở đợi tôi tha phương, trở về nương tựa? Việc gì tôi cứ mãi lo âu buồn bã, thất vọng với cõi đời u ám, lọc lừa, bất nhân?

Đi hoang ở nhà

Người anh trái lại, tuy ở nhà mang tiếng là phụng dưỡng cha, nhưng lòng dạ đen tối, chất chứa đố kỵ, ghen tuông, hằn học, khi thấy “thằng con của cha đó” trở về. Anh không thèm nhìn mặt đứa em, đã cải tà quy chánh. Nghe biết chuyện, anh còn nổi giận, không thèm bước vào căn nhà, đang rộn rã niềm vui tái ngộ.

Lòng dạ cố chấp, tánh tình hẹp hòi, nhỏ mọn, đã cản bước chân anh hội nhập vào cuộc chung vui và tha thứ. Tuy anh ở với cha già, nhưng chỉ có thân xác hiện diện, còn tấm lòng, tinh thần anh đã đi hoang từ hồi nào! Hóa ra, anh cũng chỉ thèm thuồng của cải, vật chất, tầm thường, phù vân, như chú em ngày xưa. Anh chỉ mong được một “con dê con,” để tưng bừng liên hoan đánh chén, bù khú với chúng bạn.

Thực ra, anh kiêu căng, tự phụ là đứa con hiếu thảo, ngoan ngoãn, biết vâng nghe người cha. Cho nên, anh mới không hề ngượng mồm, vanh vách kể công: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà…” Anh nào cảm nhận, thán phục, kính trọng, và ca ngợi tấm lòng Người Cha Nhân Lành vô bờ, chứa chan yêu thương, tựa như trời cao biển rộng!

Giọng lưỡi anh chẳng khác chi lời cầu nguyện của người Pharisiêu, huênh hoang, lớn giọng, kể lể công trạng:“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam bất chính ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12).

Tôi cũng hay coi thường, khinh miệt người khác sống theo thế gian, chộp giật, mánh mung, cơ hội, háo của, háo danh, tham quyền cố vị… Nào khác chi người anh trong dụ ngôn này, cũng kể lể, so sánh, dèm pha, chê bôi, để tôn mình, khoe khoang lòng đạo đức, tốt lành. Thiệt là quá đáng! Làm sao vui lòng Người Cha Nhân Lành được?

Người Cha Nhân Lành

Các nhà chú giải Kinh Thánh đều tỏ ra bất đồng tình về cái tựa Người Con Hoang Đàng, đặt cho dụ ngôn này, vì làm sai lệch ý nghĩa. Có lẽ lấy tựa là Người Cha Nhân Lành thì phù hợp hơn.

Người Cha nhẫn nhục, chia tài sản cho con thứ, dù biết chàng sẽ phung phí ăn chơi sa đọa. Người vẫn tôn trọng sự tự do của chàng. Rồi sau này lại nhẫn nhục, năn nỉ người con cả, nguôi cơn giận hờn vào nhà chung vui.

Người Cha còn quảng đại nhân từ, quên sạch mọi tội lỗi, mọi lỗi lầm, bất hiếu, không để con thứ kịp nói hết lời ăn năn, sám hối, mà hoan hỉ, vội sai ngay gia nhân hầu hạ, phục dịch chàng. “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết, mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15, 22-24)

Người Cha nói chẳng khác chi ông chủ tìm lại được con chiên lạc: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc.” (Lc 15, 6) Hoặc như bà góa hớn hở tìm được đồng tiền rơi mất: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” (Lc 15, 9)

Tôi khá nhiều khi thất vọng, không nhớ đến Người Cha Nhân Lành, đang mòn mỏi trông mong tôi trở về mái nhà ấm cúng, bình an. Có lẽ vì tôi chủ quan, cho mình đã ngoan đạo, mà thực ra, chỉ giữ đạo hình thức theo luật buộc, theo chân Pharisiêu, mà tâm hồn cứ mãi đi hoang, đi bụi, mãi thèm “con dê con”, mải mê ham vui, mải mê đố kỵ, ganh ghét,…

May thay, bí tích hòa giải đã giúp tôi hoán cải trở về với Người Cha Nhân Lành. Người hằng mong tôi sám hối trở về với tình thương vô bến bờ. Lúc đó, Người mặc cho tôi tấm áo linh hồn mới tinh tuyền, đeo vào tay nhẫn vàng vương quyền, ban cho tôi đôi dép của người tự do, thoát ách nô lệ tội lỗi. Người tưởng thưởng tôi Bữa Tiệc Thánh Thể với chư Thánh Thiên quốc, trong tiếng đàn ca, múa hát tưng bừng của các Thiên Thần hoan hỉ chào đón. Người Cha Nhân Lành chẳng hề tiếc gì, để mừng con trở về vòng tay yêu thương.

Người lạc đường, thất vọng; người không biết đích, vô vọng, người tiến về đích, hy vọng; ở đó con sẽ gặp Thiên Chúa, Cha Nhân Từ đợi chờ con, con sẽ toại vọng. (Đường Hy Vọng, 664)

 

5. Thiên Chúa của chúng ta là thế đó! - Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

Có một câu chuyện kể lại như sau: một bà già thường đến gõ phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng: đêm qua Chúa mới hiện ra với bà.

Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, cha xứ bảo: “Lần sau nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Người ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’ Sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.

– “Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con”.

– “Thế bà có hỏi Ngài không?”

– “Thưa có chứ”.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

– “Bà hỏi thế nào?”

– “Thì con hỏi y như Cha đã bảo: ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’”

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

– “Vậy Chúa có trả lời không?”

– “Có chứ”.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

– “Chúa nói sao?”

– “Chúa nói: ‘Ta đã quên hết rồi’”.

Cha xứ thở phào nhẹ nhõm!!! (Kể theo ĐHY. Fx. Nguyễn Văn Thuận).

Vâng! Thiên Chúa của chúng ta là như vậy. Ngài yêu thương và sẵn lòng tha thứ mọi lỗi lầm cho chúng ta. Tình yêu của Người là một tình yêu luôn đi bước trước và hướng tha. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn hôm nay.

1. Thiên Chúa là Đấng Thương Xót

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu nhiều lần và nhiều cách Ngài mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa cho các Tông đồ và dân chúng. Rõ nét nhất chính là nơi ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng xu đánh mất và người cha nhân hậu (x. Lc 15,1-32).

“Nơi các dụ ngôn này, chúng ta thấy toát lên một điều rõ rệt, đó là Thiên Chúa luôn sung sướng, vui mừng hân hoan khi thực hiện được một hành vi tha thứ, đây là điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ” (x. Tông Sắc LTX., số 9).

Căn tính này thật rõ nét nơi hình ảnh người cha nhân hậu. Nơi người cha này, ông đã không màng chi đến tội lỗi của đứa con hư thân mất nết, ông cũng chẳng mong anh ta phải nói lên lời xin lỗi sau những tháng ngày sa đọa… Nhưng, với ông, ông chỉ canh cánh một điều là: mong sao nó trở về để tha thứ và yêu thương. Thế nên, khi thấy đứa con tội lỗi trở về trong thân hình tiều tụy thê lương, ngay lập tức, một loạt cử chỉ phi thường của tình yêu đã được ông hành động như: chạy ra, ôm hôn, truyền mang áo đẹp mặc cho cậu, xỏ vào tay, mang dép vào chân và mở tiệc ăn mừng (x. Lc 15, 20-23).

Niềm vui tha thứ này diễn tả niềm vui Nước Trời, bởi lẽ, Thiên Chúa “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt. 9, 12-13), nên: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc. 15, 10). Đây cũng là biểu hiện của sự thành công và quyền năng của Thiên Chúa khi lòng thương xót của Người đến được với đối tượng cần ơn tha thứ, vì: “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài” (Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4).

Chính vì lẽ đó, nên khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài đã sống và mạc khải cụ thể cách trung thành về lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại qua chính cuộc đời, hành động, lời rao giảng và nhất là nơi cái chết trên thập giá, để qua đó, nhân loại hiểu được rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

2. Sứ điệp cho Giáo Hội

Phụng vụ hôm nay, Đức Giêsu muốn mặc khải cho Giáo Hội là hiền thê của Ngài biết rằng: “Lòng thương xót là bản chất của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót này đã nuôi dưỡng, chống đỡ và trở thành mục đích của Người”.

Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến trong Tông Sắc về Lòng Thương Xót. Ngài viết: “Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu, thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội”. Và ngài cảnh tỉnh: “Có lẽ từ lâu chúng ta đã quên trình bày và sống theo lối đi của lòng thương xót. […]

Thật đáng buồn khi nhận ra trải nghiệm về tha thứ ngày càng trở nên hiếm thấy trong nền văn hóa ngày nay. Kể cả đôi khi từ ngữ này dường như cũng đang dần biến mất! Tuy nhiên, không có chứng từ của sự tha thứ, thì đời sống sẽ cằn cỗi không sinh hoa trái, như bị cô lập trong vùng hoang mạc trống vắng!”. Và ngài mời gọi: “Đã đến lúc Giáo Hội phải thực thi phận vụ hân hoan loan báo sự tha thứ. Đã đến lúc trở về với điều căn bản là mang lấy những yếu hèn và khó khăn của anh chị em chúng ta. Sự tha thứ là động lực làm bừng lên sức sống mới và truyền thêm can đảm để giữ vững niềm hy vọng cho tương lai” (x. Tông Sắc LTX., số 10).

Lời mời gọi thực thi lòng thương xót dành cho Giáo Hội là hiền thê của Đức Giêsu, thì cũng là lời kêu mời dành riêng cho mỗi chúng ta.

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

“Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36). Đây là: “Luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (x. Tông Sắc LTX., số 2).

Qua các dụ ngôn hôm nay, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi mặc lấy tâm tình của Thiên Chúa, đó là quảng đại, tha thứ, nhẫn nại và yêu thương.

Vì: “Nếu Chúa đã chà đạp và ném mọi tội lỗi chúng ta xuống lòng biển sâu” (x. Mk 7,18-19), thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải vứt bỏ tội lỗi của anh chị em mình sang một bên, để chỉ còn tình yêu và lòng tha thứ ngự trị nơi hành động, lời nói và tâm tưởng của ta.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải cảm nghiệm được sự vĩ đại của tình yêu mà Thiên Chúa đang dành cho mình, bởi lẽ: nhiều lúc, chúng ta cũng hoang đàng như người con thứ, cũng phung phí tiền bạc, thời giờ, sức khỏe và Ơn Thánh cách vô bổ; hay nhiều khi chúng ta cũng kiêu ngạo, tự phụ, để rồi khinh bỉ, rũ bỏ và loại trừ những người tội lỗi, không cho họ có cơ hội để trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa như người con cả… ấy thế mà Chúa vẫn thương. Đây là mầu nhiệm vĩ đại, vì Thiên Chúa của chúng ta là như thế. Ngài luôn quên hết mọi lỗi lầm của ta và chỉ mong một điều, đó là ơn tha thứ được đến với ta mãi mãi.

Mong sao, ngay trong giây phút này, mỗi người chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con thứ để thưa lên với Đấng Giàu Lòng Thương Xót rằng: “Lạy Chúa xin tha thứ cho con vì con là kẻ có tội”; đồng thời tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa vì Ngài đã phán: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1, 18), và hãy biết tha thứ như Thiên Chúa là Đấng hay Thương Xót để chúng ta cũng được Thiên Chúa xót thương. Amen.

 

6. Chú giải của William Barclay

 

CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH

Không phải là không có lý do khi người ta gọi chuyện này là chuyện ngắn vĩ đại nhất thế giới. Theo luật Do Thái, người cha không được tự do phân chia gia tài mình tuỳ ý thích, đứa con cả đương nhiên được 2/3, đứa con thứ 1/3 gia tài (Đnl 21,17). Không phải là một việc lạ khi một người cha phân chia gia tài ngay khi còn sống nếu ông muốn được nghỉ ngơi khỏi hoạt động kinh doanh. Nhưng có một sự vô tâm trơ tráo nơi đứa con thứ khi nó đề xuất việc chia gia tài này. Thực ra nó đã nói “Cha hãy cho con ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì con cũng được lãnh khi cha chết, và hãy để con ra khỏi nơi này”. Người cha không tranh luận gì, ông hiểu rằng nếu con ông cần được một bài học thì nó phải có một bài học đắt giá, và ông đã cho như ý nó xin. Tức khắc đứa con lấy phần riêng của nó và bỏ nhà ra đi.

Hắn nhanh chóng tiêu xài hết tiền và kết thúc bằng việc chăn heo, một công việc cấm kỵ đối với người Do Thái, vì luật nói: “đáng rủa xả kẻ nào chăn heo”. Và Chúa Giêsu cho nhân loại tội lỗi một lời khuyên chưa từng có “Khi nó trở về với chính mình (nó tỉnh ngộ)”. Chúa Giêsu tin là bao lâu con người còn xa cách và chống nghịch với Thiên Chúa thì con người không thực sự là con người, con người chỉ thực sự là chính mình khi con người đang trên đường trở về nhà.

Có một điều kỳ diệu nơi Chúa Giêsu là Ngài không tin rằng con người hư hỏng hoàn toàn. Ngài không bao giờ tin rằng ai đó có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cách phỉ báng con người, Ngài tin rằng con người không bao giờ được thực sự là mình cho đến khi nào con người trở về nhà với Chúa. Cho nên đứa con đã nhất định trở về nhà và xin cha nhận lại mình không phải để làm con, nhưng làm một tên nô lệ mạt hạng trong nhà, một tên đầy tớ ở thuê, một tên lao động công nhật trong nhà cha.

Theo một nghĩa thì người nô lệ là một phần tử của gia đình, nhưng đầy tớ ở thuê thì có thể bị đuổi sau khi chủ báo trước một ngày vì nó không thuộc về gia đình chút nào. Vậy khi đứa con đã về nhà –theo bản Hy văn tốt nhất- cha chàng không để chàng kịp mở miệng xin làm đầy tớ. Ông đã lên tiếng trước. Chiếc áo dài tiêu biểu sự tôn trọng, chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền bính, vì nếu ai cho kẻ khác chiếc nhẫn ấn tín của mình thì cũng như uỷ quyền cho người đó thay thế mình; đôi giày là dấu hiệu làm con khác với nô lệ vì con cái trong gia đình mới mang giày, còn nô lệ thì không được. (Ước mong của người nô lệ trong bài ca của người da đen là mau đến thời kỳ mà “mọi con cái Chúa được mang giày” vì đi giày là dấu hiệu sự tự do). Và một bữa tiệc được bày ra để mọi người ăn mừng đứa con hoang đàng trở về. Chúng ta dừng lại ở đây, thử nhìn xem chân lý trong dụ ngôn này.

1. Không nên gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về người con hoang đàng vì đứa con không phải là nhân vật chính, phải gọi là dụ ngôn về Người Cha Nhân Lành, bởi vì nó cho ta biết về tình yêu của người cha hơn là về tội của người con.

2. Dụ ngôn này nói nhiều về sự tha thứ của Thiên Chúa. Người cha hẳn đã chờ đứa con trở về nhà, vì ông trông thấy từ đằng xa. Đứa con gặp cha thì cha liền tha thứ cho con và không một lời trách móc. Có nhiều cách tha thứ, có tha thứ được ban cho như một ân huệ, và tệ hơn nữa là khi một kẻ nào đó được tha thứ nhưng bao giờ cũng kèm theo một dấu hiệu, một lời nói, một ngăm đe rằng tội vẫn còn để đó. Một lần kia, Lincoln được hỏi ông sẽ đối xử thế nào với quân phiến loạn Miền Nam, khi họ thua trận và trở lại liên hiệp với Hoa Kỳ. Người hỏi câu ấy nghĩ rằng ông sẽ báo thù họ ghê gớm, nhưng Lincoln trả lời “Tôi sẽ đối xử với họ như họ chưa bao giờ ly khai với chúng ta”. Thật lạ lùng tình yêu của Chúa khi Ngài tha thứ chúng ta y như vậy.

Nhưng câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Người anh cả đi về, anh thực sự buồn rầu vì em anh đã trở về. Người anh cả đại diện cho Pharisêu tự kiêu, tự mãn, họ thà xem thấy tội nhân bị tiêu diệt hơn là được cứu. Có mấy điều nổi bật nơi người anh cả:

1. Tất cả thái độ của anh chứng tỏ rằng bao nhiêu năm anh vâng lời cha chẳng qua chỉ là một bổn phận buồn rầu, chứ không phải là công việc của tình yêu.

2. Thái độ của anh là thái độ thiếu hẳn sự cảm thông. Anh nói về người em nhưng không dùng tiếng “em tôi” nhưng dùng chữ “con của cha”. Chàng là thứ người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi hám càng ngã sâu hơn nữa.

3. Tâm địa chàng rất dơ bẩn. Câu chuyện không nói tới gái điếm. Chính miệng chàng nói ra. Hẳn chàng đã nghi ngờ, tố cáo em chàng về thứ tội chính chàng muốn.

Một lần nữa chúng ta lại gặp một chân lý diệu kỳ là hoán cải, xưng tội với Chúa dễ hơn xưng tội với loài người. Thiên Chúa xét xử nhân từ hơn những người ngoại đạo. Tình yêu Chúa rộng lớn hơn tình yêu của loài người. Đứng trước một tình yêu như vậy, chúng ta không thể không chìm sâu trong kinh ngạc, ngợi khen và yêu mến Ngài hơn.

 

7. Chú giải của Fiches Dominicales

 

DỤ NGÔN NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

CÂU TRẢ LỜI CHO NHỮNG NGƯỜI PHARISÊU VÀ CÁC KINH SƯ

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Một dụ ngôn nhắm vào đám đông bị xúc phạm.

Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng từ khi Đức Giêsu “lên Giêrusalem”. Qua dụ ngôn cánh cửa đã đóng lại, Đức Giêsu tuyên bố: thuộc về dân Do Thái, không có nghĩa là tự động được dự tiệc cứu rỗi. Người kết luận: “Anh em sẽ khóc lóc nghiến răng khi thấy Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được trong Nước Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Bấy giờ, thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (13,28-30).

Những người Pharisêu và các kinh sư suýt nghẹt thở mà chết khi ngay trong ngôi nhà của một vị thủ lãnh Pharisêu đã mời người, Đức Giêsu không những chỉ chữa một người bệnh thủy thủng ngày Sabát, mà còn kể cho họ nghe dụ ngôn tiệc cưới: những khách được mời đã từ chối, thế là chủ tiệc cho mời “những người nghèo khó, què quặt, đui mù” gom nhặt “ngoài công trường, trên phố xá, đường đi, lối ngõ” (14,l5-24). Và rồi, họ cảm thấy như bị xúc phạm, khi Chúa Giêsu hành động theo những gì đã nói, Người: “Tiếp đón những người tội lỗi”. Điều này còn tệ hại hơn nữa, vì theo phong tục Đông phương, ý nghĩa biểu tượng của việc nhận biết và đón tiếp qua bữa ăn có tầm quan trọng đặc biệt -Người “ăn uống với họ!” Bởi vậy, những người Pharisêu và các kinh sư “kêu trách Người” như ngày xưa, khi vượt qua sa mạc, tổ tiên họ đã kêu trách Chúa.

Chương 15 có giá trị thực sự là nhờ ba dụ ngôn Đức Giêsu kể cố ý nhắm vào các kinh sư và những người Pharisêu vì họ tự cho mình là công chính, mà khinh khi những người tội lỗi, và những người bị loại trừ.

Ba dụ ngôn này, được ngắt nhịp bằng một điệp khúc, ca ngợi tình thương Thiên Chúa được tỏ bày nơi Đức Giêsu; tình thương ấy dành cho những người không được thương yêu và không đáng yêu; những người, một cách gián tiếp, lên án sự nghiệt ngã và nghiêm khắc mà nhưng kẻ tự phụ là công chính dành cho họ: dụ ngôn con chiên lạc “mất rồi lại tìm thấy”, dụ ngôn đồng bạc “mất rồi lại tìm thấy”, dụ ngôn cậu con thứ “mất rồi lai tìm thấy”.

Chỉ dụ ngôn thứ ba này được đọc trong Chúa nhật thứ 4 Mùa Chay năm C này. Dụ ngôn gồm hai cảnh liên kết với nhau. Cảnh thứ nhất: vai diễn là người con thứ. Cảnh thứ hai: vai diễn là người con cả; trong cả hai cảnh ấy, người cha đóng vai quan trọng có tính quyết định.

2. Trong dụ ngôn ấy, người con thứ đã “mất rồi lại tìm thấy”.

Khuôn mặt của người con thứ được diễn tả hơi cường điệu trong cảnh thứ nhất của dụ ngôn tuyệt diệu này. Không đợi tới khi người cha qua đời, anh đòi chia gia tài ngay. Rồi ra đi để sống tự do. Mau chóng khánh kiệt vì cuộc sống phóng đãng. Anh phải làm công cho một người ngoại giáo ở đất khách quê người, và miễn cưỡng phải “chăn heo” cho chủ – đối với một người Do Thái, đây là công việc hèn hạ – vì heo là một con vật dơ nhớp đối với Do thái giáo. Bị dằn vặt bởi ý nghĩ: ở nhà cha thì đồ ăn dư thừa, người làm công ăn không hết, thế mà ở đây anh đói khát, chỉ mong được “tống đầy bụng những thứ heo ăn” mà không được.

Vừa đói khát, thiếu thốn vừa ân hận, một ngày kia, anh quyết định trở về. Anh phác hoạ trong đầu những lời thống thiết nhất để xoa dịu cơn giận của người cha: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đón trời và đến cha, con thật không xứng đáng được gọi là con cha nữa. Hãy coi con như một người làm công trong nhà thôi”.

Nhưng, chưa kịp thốt lên một lời, người cha đã giang rộng vòng tay xiết chặt lấy anh. Cho tới bây giờ, anh chưa một lần nghi ngờ tình yêu vô bờ bến của cha anh. Con tim anh rộn ràng những nhịp đập thổn thức. Không phải đứa làm thuê? Con ta chứ! Hãy mặc áo đẹp ngày đại lễ. Đeo nhẫn vào tay, biểu hiệu quyền uy. Xỏ giầy vào chân, biểu hiệu người tự do. Hãy ngồi vào bàn tiệc. Mọii thành phần gia đình đang quây quần bên bàn ăn cùng chia sẻ niềm vui của người cha.

3. Còn người anh trong tâm trạng giận dữ

Người anh “từ ngoài đồng” về đến nhà thì cuộc vui đang diễn tiến. Nghe trong nhà có nhạc vui, anh hỏi xem có chuyện gì? Hiểu ra, tâm trạng anh chuyển từ ngạc nhiên sang “giận dữ”. Lại có thể cư xử như vậy với thằng con hư đốn ư? Như phản ánh thái độ của các kinh sư và những người Pharisêu luôn chỉ nghĩ đến phụng sự Chúa không sai một lời, nên, anh cằn nhằn với cha mình: “Đã bao năm con phụng dưỡng cha, không bao giờ bất tuân hay trái lệnh, mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê để vui với bạn bè”. Để ở lại nhà cha, anh đã cư xử thật không khác một người làm công, cần mẫn, nhưng vô tình, xa lạ. Anh không thể hiểu được ngôn ngữ của Giao ước mà cha anh nói với anh: “Con ơi! Con luôn ở bên cha, mọi sự của cha là của con mà”. Anh chỉ nói bằng ngôn ngữ của quyền lợi và nghĩa vụ, của mệnh lệnh và phần thưởng. Như các kinh sư và những người Pharisêu đối với tội nhân, anh cũng giữ khoảng cách với đứa em mới trở về mà mọi người đang ăn mừng. “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo để ăn mừng”.

4. Lòng quảng đại phi thường của người cha

Nếu phải coi chừng để đừng quên người con cả, thì chúng ta càng không được quên chân dung người cha mà từ đầu đến cuối dụ ngôn luôn là một nhân vật trung tâm, một người cha mà tình yêu luôn thôi thúc ông hướng về các con. Ông không chỉ ngồi chờ. Phải “chạy ra” coi, và ông phải chạy ra đến hai lần.

Ông chạy ra. hấp tấp, một thái độ đặc biệt đối với người Đông phương. Ôm lấy cổ đứa con hoang đàng. Hôn nó tới tấp Nâng nó lên, ngắt quãng những lời nó định nói, đưa nó vào nhà. Nhà của nó mà. “Mau lên!” ông nói với các đầy tớ không chần chừ một giây. Phải mặc cho cậu chiếc áo đẹp nhất đúng với cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, mang giầy vào chân cậu. Giết bê béo. Dọn tiệc ăn mừng. “Mau lên!” vì một niềm vui đang trào ngập lòng ông: “Con ta đây đã chết nay sống lại đã mất nay lại tìm thấy”.

Ông lại chạy ra để nài người anh vào nhà, để người anh nhìn nhận đứa em mà anh ta đã miệt thị, để dự tiệc chung vui với mọi người.

Đây đúng là một dụ ngôn có tầm vóc thần học. Dụ ngôn của ân huệ Chúa ban tặng con người. Dụ ngôn về tình yêu nhưng không Cha ban cho mọi người, dầu tội lỗi mấy đi nữa. Cha muốn họ tham dự niềm vui, muốn mời họ khám phá ra: anh huynh đệ chân chính. Làm sao không nhìn ra qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trao cho chúng ta bí mật trong cách cư xử và đời sống của Người? Người là Người Con được Cha sai đến loan báo sự hoà giải cho các tội nhân. Đó là những người mà Đức Giêsu khắc hoạ hình ảnh nơi người em và đó cũng là những người được mời gọi nhận ra chính mình nơi hình, ảnh của người anh!

5. Một dụ ngôn đặt chúng ta trong tình trạng người anh.

Thật ra, dụ ngôn còn để ngỏ đó. Người anh cả có thuận theo lời khuyên dụ của cha anh không? Anh có bằng lòng vào chung vui không? Anh có ưng thuận chung bàn với người em đã trở nên “dơ” không? Hay anh vẫn giận dữ. Tường thuật của Tin Mừng không trả lời. Có lẽ mục đích của Tin Mừng là để chúng ta tự phác hoạ cách chúng ta sẽ đối xử với anh em mình.

Huguses Cousin kết luận: “Thính giả là độc giả hãy đặt mình vào vị trí của người anh: chính tôi sẽ ưng thuận lời thỉnh cầu của người cha hay không. Thuận thì không dễ đâu, có khi khổ nữa. Dụ ngôn cho thật sự đáp ứng ý cha không tự đến cách dễ dãi. kết thúc của dụ ngôn đặt chúng ta vào vị thế người anh. Phụng vụ Mùa Chay như chẳng hoan hỉ đặt chúng ta vào vị thế này mà trái lại, như muốn chúng ta thấy mình trong tâm trạng người em. Thánh Luca thì chắc chắn nhấn mạnh hơn đến thái độ người anh. Dẫu sao, qua suốt câu chuyện, chúng ta vẫn thấy nổi bật lên tình yêu là lòng cảm thương của người cha đối với từng người. Chính nhờ tình thương này mà tội nhân hối cải, là chúng ta vui vì họ trở về dù đôi khi rất khó mà vui được”.

 

8. Sám hối là trở về - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

 

Chúa Giêsu thường quan tâm, chăm sóc, gần gũi những người tội lỗi. Nhóm Pharisiêu và Kinh sư trách móc, xầm xì, phản đối. Đối với họ, việc làm của Chúa Giêsu là không đáng, bởi lẽ những kẻ tội lỗi là hạng vất đi. Nhưng đối với Chúa, người tội lỗi là người cần được yêu thương nâng đỡ hơn. Chúa đã dùng những dụ ngôn để trả lời những thắc mắc của họ.

Ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng bạc mất, người cha nhân hậu, trình bày đề tài: Thiên Chúa tình yêu luôn tìm kiếm người tội lỗi. Một con chiên quý giá vô ngần đối với mục tử. Một đồng xu rất quý giá đối với người phụ nữ. Một người con quá quý giá đối với người cha nhân từ. Cũng vậy, một người tội lỗi cũng đáng giá như thế ấy đối với Thiên Chúa.

Ba dụ ngôn đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó, Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Thiên Chúa rất đỗi vui mừng.

Tin Mừng hôm nay kể về dụ ngôn thứ ba: “Người cha nhân hậu”. Nội dung câu chuyện đều hướng đến tình cha “ấm áp như vầng thái dương”, cao vời vợi và thật xúc động ân tình của cha.

Đại văn hào người Anh, Charles Dickens, xem dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là câu chuyện hay nhất, là hạt ngọc đẹp nhất của Tin mừng.

Tình thương của cha đối với hai con, nổi bật nơi người con thứ.

1. Người con thứ, biểu tượng người tội lỗi

Người con thứ đòi cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình. Rời quê nhà, nơi sinh trưởng, nơi nó được nuôi dưỡng và lớn lên. Trẩy đi miền xa, người trai trẻ mang nổi khát khao mãnh liệt là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là ở quê nhà.

Người con thứ bỏ nhà ra đi với tiền bạc và lòng kiêu ngạo. Nó ra đi không phải để học hành, tìm kiếm việc làm. Nó đi ăn chơi đàng điếm, phung phí hết tài sản và sức khoẻ, bất kể đó là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, bất chấp tiếng tốt của gia đình. Chơi bời nên mau chóng suy sụp. Nó trở nên hèn hạ khi đi chăn heo và muốn ăn thức ăn của heo. Heo là con vật người Do thái ghê tởm.

Khi trở về nó chẳng còn gì cả, tiền bạc, sức khoẻ, danh giá, lòng tự trọng… mọi thứ đã bị nó tiêu xài hoang phí. Nó chỉ còn lại một điều duy nhất là “đứa con nhỏ của cha nó”.

Động lực nào đã khiến nó trở về? Thánh Luca viết rõ: “Hồi tâm lại, nó nói: biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi, đứng lên, tôi sẽ về cùng cha tôi”. Như vậy động lực nó trở về là đói, vì miếng ăn. Trước khi bị đói chắc chắn nó không bao giờ nhớ đến cha, không bao giờ sám hối vì bỏ cha ra đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về mái ấm gia đình, nơi còn có cha già chẳng biết đau yếu ra sao, không thấy tiếc nuối vì phá tan cả sự nghiệp của cha. Khi bị cơn đói hành hạ, phải đi chăn heo, nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái hồi tâm, cái băn khoăn của nó là làm sao để được ăn. Nó dự tính nói với cha là nó “trót phạm lỗi nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như người làm công”.

Đó phải chăng là một cuộc trở về trọn vẹn? Đó là cuộc lên đường được thúc đẩy bởi lòng sám hối hay sao? Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm khả năng có thể sống sót thôi.

Nếu người con thứ thành công xây dựng cơ nghiệp, có lẽ sẽ không hiểu được tình cha. Vì nếm mùi thất bại chua chát của cuộc đời nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm người ăn xin. Nó không đủ liều mạng để đi trộm cướp. Nó không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Nó sống bằng nghề lương thiện là đi chăn heo, sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực thẳm này, nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời. Đó không là chốn nương thân cho kẻ nghèo khổ, không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách áo ôm, không là chỗ cho kẻ cô thân cô thế. Vì vậy, chỉ còn một con đường duy nhất là trở về xin tha thứ và làm công cho cha để có cơm ăn áo mặc.

Tất cả ý nghĩa của cuộc trở về được diễn tả cách cô đọng trong những lời “Cha ơi… con không đáng gọi là con Cha nữa”.

Giuđa đã phản bội Chúa, Phêrô đã chối Chúa. Cả hai đều đánh mất tình con cái. Giuđa không còn tiếp tục tin tưởng mình vẫn là con Chúa, không tin vào lòng tha thứ của Chúa nên đã đi thắt cổ tự vẫn.Còn Phêrô khi ở giữ sự tuyệt vọng đã muốn nối lại tình Cha con với những giòng nước mắt thống hối. Giuđa chọn cái chết. Phêrô chọn sự sống.

Đọc câu chuyện, thấy sự trở về của người con thứ chẳng phải là mẫu mực. Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về của lòng sám hối với tình yêu tha thiết. Nhưng trong thực tế cuộc sống, nhiều khi ban Bí tích Hòa giải, tôi đã gặp nhiều hối nhân, sau 5 năm, 10 năm thậm chí đến 20 năm, 30 năm mới trở về cùng Chúa. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những bầm dập của của cuộc đời, những gian truân vất vả, những thất bại chua chát… đã cho họ rút kinh nghiệm là cần trở về với Chúa để tìm lại bình an nội tâm, đón nhận niềm vui và hạnh phúc. Chính Chúa đã yêu thương, đã tác động và một khi nào đó như Chúa muốn họ trở về cùng Ngài. Như thế họ đã chọn lấy sự sống. Gặp gỡ nhiều hối nhân như thế, tôi cảm thông với người con thứ.

2. Người con cả, biểu tượng người biệt phái

Hiếu thảo, vâng phục cha, không đi hoang, không ăn chơi. Con người lao động cần cù có tinh thần trách nhiệm, không rượu chè trác táng, chỉ lo ruộng rẫy nương vườn. Anh là con người mẫu mực. Thế nhưng, biến cố đứa em trở về đã bộc lộ con người thật của anh.Tuy ở trong nhà cha nhưng lại xa trái tim cha. Tại sao cha đãi tiệc bê béo cho thằng em bất hiếu, còn anh một con bê nhỏ để vui với bạn bè cũng không có? Anh tức giận vì thấy quyền lợi bị xúc phạm. Anh chẳng chịu vào nhà. Tôi chẳng thích chút nào về người con cả với ý thức trách nhiệm cao, chăm chỉ làm việc, trung thành với gia đình nhưng lại chẳng học được lòng nhân hậu của cha.

Hoá ra, cả hai người con vừa khác, lại vừa giống nhau. Cả hai đều ở ngoài nhà cha. Con thứ không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi. Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào nhà. Anh thiếu bao dung và thiếu tha thứ cho em. Thái độ của người con cả là thái độ tiêu biểu của người biệt phái, luật sĩ hôm qua và hôm nay. Ích kỷ cho quyền lợi riêng mình. Tự mãn về cách giữ luật “con không hề trái lệnh cha một điều nào”, tự hào về cách sống đạo “không như thằng con của cha”. Tự hào tự phụ tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật, kiêu hãnh mình là người công chính mà khinh chê lên án những người khác. Chỉ muốn kẻ lỗi lầm không được cứu thoát mà phải chết.

Lúc sự giận dữ bùng nổ đến cực điểm, người anh cả gặp lại tình cha. Cha đi ra năn nỉ, anh chẳng chịu nghe. Cha bộc bạch tâm tình với anh: “con ơi, mọi sự của cha đều là của con, chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Lời cha làm anh bàng hoàng xúc động vì anh hiều rằng mình quá ích kỷ, quá nhỏ mọn. Cái ích kỷ làm anh tẩy chay sự trở về của đứa em. Cái nhỏ mọn làm anh xua tan lòng bao dung của cha. Tình cha lớn hơn cuộc đời anh, lớn hơn tính ích kỷ trong anh.

Hình ảnh người con cả thật gần với chúng ta. Phụng dưỡng cha mẹ với trách nhiệm, chứ chưa phải là tình thương. Không chia sẻ nổi buồn, nổi khổ tâm, nổi âu lo của cha mẹ. Chỉ biết than trách và đòi quyền lợi cho mình thật nhiều. Ghen tị, chỉ trích phê bình, đặt mình là tiêu chuẩn cho mọi việc đạo đức. Thiếu lòng bao dung, không chịu tha thứ. Hình ảnh đó thật giống tinh thần biệt phái, có đạo mà không có đức.

Cả hai người con cần phải trở về. Sám hối chính là trở về với tình cha, trở lại với anh em.

3. Người cha, hình ảnh Thiên Chúa

Khi chia gia tài cho con, lòng cha đau đớn vô cùng. Vì tôn trọng tự do của con chứ không vì cha nhu nhược. Ngày nhìn con ra đi, bóng nó nhạt dần cuối chân trời như cánh chim bay, lòng cha thấy trống trải quá, muộn phiền quá vì thiếu vắng hình bóng con. Ngày ngày cha ngóng trông đợi con trở về. Thế rồi một ngày kia, đứa con trở về thật. Nó về trong dáng vẻ thất bại thảm hại, thất thểu rách nát. Thua cuộc đời nó về làm dấy lên những lời bình phẩm của làng xóm. Giả như nó không về, người ta sẽ lãng quên. Nay nó trở về nhắc cho bà con lối xóm thấy sự thất bại của gia đình ông. Con ông về trong thất bại chua cay là câu chuyện đám tiếu đầu làng cuối xóm. Vậy mà ông mở tiệc ăn mừng. Thật lạ lùng!

Ở đời, khi con thi đậu đại học, khi con công thành danh toại vinh quy bái tổ, khi con là Việt kiều về thăm, cha mẹ mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến chia vui. Người ta thường dấu kín chuyện thất bại của con cái. Cha mẹ mắc cở không dám kể về đứa con bất hiếu, ngổ nghịch, ăn chơi đàng điếm. Người ta chỉ khoe đứa con ngoan, tự hào đứa con học hành thành đạt, vui mừng khi con có việc làm có sự nghiệp. Thế mà, người cha lại mở tiệc lớn. Mừng đứa con trở về thất bại tả tơi. Khách mời ngỡ ngàng khi chủ nhà giới thiệu con ông về nhà sau những ngày chăn heo đói khổ. Thế nhưng, người hiểu tình yêu là gì, tình phụ tử là gì thì thông cảm và chia vui với người cha.

Người cha đã tha thứ cho con thứ trước khi con tự thú. Cha vui “vì đứa con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy”.

Người cha cũng nói với người con cả bằng cung giọng thật trìu mến:“Con à, lúc nào con cũng ở với cha.Tất cả những gì của cha đều là của con…Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Người cha muốn giúp con trai khám phá chiều kích tha thứ của tình yêu. Tình cha là lời mời gọi vượt qua thái độ duy luật để mở rộng tấm lòng trước tình thương yêu.

Dung mạo người cha đó, chính là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Thái độ người cha đối với hai đứa con là thái độ của Thiên Chúa đối với con người. Trong trái tim Thiên Chúa chỉ có tình thương. Người không có trí nhớ về tội lỗi con người.

Cha yêu con dù con hư hỏng, bất trung. Cha yêu con không vì con ngoan được việc. Cha yêu con chỉ vì con là con. Cha không muốn mất một đứa con nào. Thiên Chúa của Đức Giêsu mạc khải là người cha nhân hậu, hiền từ, bao dung, hay tha thứ.

Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Nhiều lần ta nghe theo cơn cám dỗ của thế gian xác thịt rồi nên hoang đàng, hoang phí, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa. Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức nên lên án tẩy chay người khác. Cần trở về với Cha, về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Sám hối là trở về với tình Chúa, với tình anh em. Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui và sự sống.

 

9. Người con phung phí - Lm. Phêrô Thiên

 

Ba câu mở đầu bài Tin Mừng là lời dẫn nhập cho “ba dụ ngôn về lòng thương xót”: con chiên lạc tìm được, đồng tiền đánh mất tìm được, đứa con đi hoang tìm được. Như thế, ba câu chuyện này đã được Đức Giêsu kể để tự biện hộ về những quan hệ chướng tai gai mắt (đối với phái Pharisêu) mà Người có với những “kẻ tội lỗi”.

“Một người kia có hai con trai…” Ta thường có thói quen xấu là chỉ nghe nửa đầu của dụ ngôn, phần nói về đứa con thứ. Thế nhưng, ông cha mới là người hùng của câu chuyện. Chúng ta sắp nghe không phải dụ ngôn “Người con phung phá” song là “Người cha phung phí”, một vở kịch hai màn: cuộc “tranh chấp” giữa một người cha với 2 đứa con, cả hai đều được yêu mến như nhau, yêu mến điên cuồng, mặc dầu chẳng có đứa nào xứng đáng với tình yêu đó cả! Một câu chuyện tình cảm động nhất (Charles Dickens), một hình ảnh đẹp nhất của Cha trên trời!

1- Thái độ của người cha đối với đứa con thứ

Đứa con này chỉ là một tên trục lợi: nó đòi tiền bạc, rất nhiều tiền bạc. Nó chỉ nghĩ tới mình. Nó nhận tất cả từ cha, nhưng chẳng hề biết ơn cha, mà chỉ nghĩ một chuyện: đòi hỏi, yêu sách… Phần người cha thì hoàn toàn trái ngược. Ông chỉ là cho không, chia sẻ vô vị lợi, tôn trọng tự do người khác, tóm lại chỉ là tình yêu! Hình ảnh Thiên Chúa!

Đứa con thứ chính là hình ảnh Biệt phái vẫn thường vẽ lên về tội nhân: a/ Là đứa con nổi loạn, đòi độc lập tự chủ, y quả tượng trưng chủ nghĩa vô thần của mọi thời: hưởng dùng các “ân huệ” của Thiên Chúa nhưng chẳng thừa nhận Thiên Chúa, còn sống xa Người, muốn làm mọi chuyện mà chẳng bị ai kiểm soát cả: “không Chúa không chủ”. Điều đó đặc biệt đúng với hôm nay! b/ Hơn nữa, đối với Biệt phái, đứa con Israel này đã xuống tới đáy ti tiện đê hèn. Nó đã bán thân làm nô lệ cho một người ngoại, thành thử chẳng còn giữ ngày sabát cũng như các tập tục về thanh sạch: nó chăn heo, con vật nhơ bẩn, ghê tởm, bị cấm đoán. c/ Hơn nữa, dẫu chỉ xét về mặt con người, sống như thế cũng không hợp luân lý: đây là một tên phóng đãng, một loại người hạ đẳng, biến chất, trở lùi lại thú tính. Nó sống như một loài heo: kiếm tiền, ăn nhậu, làm tình… chỉ biết đến cái tôi, thuần mơ chuyện hưởng thụ…

Ta quả là tô vẽ nó khi ca ngợi sự hoán cải của nó. Không, đứa con thứ vẫn chẳng có thần nào khác ngoài tư lợi ích kỷ: đổ cho đầy bụng! Việc nó trở lại nhà chỉ là một tính toán đê tiện nhằm tìm lại chỗ trú và bàn ăn. Câu nói hoa mỹ, nghe rất lâm ly bi đát, chỉ là một màn kịch soạn sẵn nhằm làm mủi lòng người cha mà nó nghĩ là sẽ la rầy, trừng phạt nó đích đáng và… chính đáng. Có đứa con nào đi xa nay trở về thăm cha mẹ mà lại chuẩn bị trước những câu nói vốn sẽ tự nhiên trào ra tận đáy lòng một khi trông thấy quê nhà dấu yêu? Đứa con thứ xót bụng hơn đau lòng! Nó đúng là một tên khốn khiếp, nạn nhân của các bản năng, của lũ bạn bè quý hóa: nó đã đánh mất tập quán yêu thương, chỉ còn biết nghĩ tới chính mình. Lạy Chúa, đó là hình ảnh của con. Con thường sống như vậy!

Thằng con trở về với ý đồ đê tiện. Nhưng khi “nó còn ở đằng xa”, còn chưa mở miệng thì người cha đã làm tất cả. Bốn cử chỉ: “ông đã trông thấy nó”, “ông chạnh lòng thương…”, “ông bổ nhào ra…”, “ông ôm cổ nó và hôn lấy hôn để”. Cử chỉ chạy bổ nhào ra có lẽ là cử chỉ mạnh nhất của toàn thể dụ ngôn. Trong tập quán của mọi thời, không có chuyện một người trên chạy tới với một người dưới, nhất là khi kẻ dưới này có một thái độ đáng trách. Đây lại là một ông già đông phương đường bệ, lúc nào cũng ăn nói và đi đứng khoan thai từ tốn.

Vâng, ta bóp méo hoàn toàn dụ ngôn của Đức Giêsu khi trình bày cuộc trở về của đứa con này như mẫu gương “hoán cải”. Nếu Đức Giêsu chỉ mô tả sự “thống hối” của một tội nhân, giáo huấn này đã chẳng gây khó chịu cho người Biệt phái. Tại Israel, người ta đã biết từ lâu, toàn thể Kinh Thánh làm chứng, là Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân hoán cải. Nhưng thái độ của người cha ở đây còn đi xa hơn nhiều: ông không mảy may lưu ý xem thằng con biểu lộ một lòng thống hối đích thực hay giả tạo. Ngay khi nó còn ở đằng xa, ông đã chạy ra gặp nó. Đức Giêsu không nhấn mạnh đến thái độ của đứa con hoang đàng, trên những cử chỉ thống hối đền tội của nó, nhưng trên tình yêu vô vị lợi của người cha… một người cha đã tha thứ vô điều kiện, trước khi đứa con thú lỗi!

Đức Giêsu nói cho ta biết “làm con” là gì: trước hết đó không phải là có thái độ thế này thế kia với cha hay mẹ… nhưng là được cha và mẹ thương yêu, cho dù mình xứng hay bất xứng! Đó đã là mạc khải của ngôn sứ Hôsê: Thiên Chúa tiếp tục yêu thương cô vợ bất trung bất tín của Người (Hs 3,1; 11,1-9; 14,5-9). Hỡi những ai tự nhận là vô thần, những ai sống như kẻ vô thần, những ai đã xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi, Đức Giêsu nói với quý vị: “Cho dẫu bạn không tin Thiên Chúa lẫn yêu mến Người, Người cũng chẳng bao giờ ngừng tin và yêu bạn!”. Ta hiểu vì sao những kẻ tội lỗi đã chạy đến cùng Đức Giêsu.

Trong vòng tay cha, thằng con bắt đầu tụng lên câu nói đã dọn sẵn, nhưng ông không để nó kết thúc. Ông chẳng cần biết nó dối trá hay chân thành. Ông chỉ biết nó là con ông và ông là cha nó. Trái tim tràn tình yêu của ông khiến ông đổ đầy nó bằng tặng phẩm! Đây quả thực là một lễ cưới: áo, nhẫn, giày, tiệc, ca nhạc, quả thực là nghi lễ phục hồi chức vị làm con. Ông lăng xăng chạy từ nhà trên xuống nhà dưới, từ đầu sân đến cuối sân, hối thúc gia nhân dọn tiệc. Niềm vui ông thật vỡ bờ. Nếu có hình dung sự hoán cải của thằng con đểu giả thì chính là lúc này đây, khi nó đứng giữa sân như trời trồng rồi khóc lên sung sướng vì nhận thấy tất cả tình thương bao la vĩ đại của cha. Nhưng đó không phải là điều tác giả dụ ngôn muốn đề cập.

Tình thương của người cha được cô đọng trong câu: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã thất lạc mà nay lại tìm thấy”. Đây là điệp khúc chấm dứt màn nhất của vở kịch. Lát nữa ta sẽ gặp lại nó cuối màn hai với vài từ thay đổi. Chết-sống… Thất lạc-tìm lại… Cái chết nào đối với Đức Giêsu đây? Mạc khải nào Người muốn đưa ra cho nhân loại đây? Thưa rằng: xa Thiên Chúa, đó là chết, đó là đánh mất chính mình! Con người chỉ hiện hữu thật sự trong mối tương quan với Thiên Chúa thôi. Người ta có thể tưởng mình sống, thế mà đã chết trong thực tế.

Nhưng khi phàm nhân trở về, thì “cuộc liên hoan” của Thiên Chúa bắt đầu, “niềm vui” của Thiên Chúa nở rộ! Hoán cải, đó đơn giản là đi vào niềm vui của Thiên Chúa. Đấy chính là chuyện mà anh con cả sắp khước từ.

2- Thái độ của người cha đối với đứa con cả.

Đối với đứa con cả, người cha cũng biểu lộ một lòng tốt như thế: “ông ra gặp chàng trước…”, “ông năn nỉ chàng…”. Kinh Thánh thường trở đi trở lại trên chủ đề này, chủ đề về tính nhưng không tuyệt đối của các hồng ân Thiên Chúa, qua hình ảnh con thứ thay thế con cả (St 27,36; 2Mcb 4,26; Cn 30,23; Hs 12,4), hình ảnh “những người thợ giờ cuối cùng” cũng được trả công bằng “những người thợ giờ thứ nhất” (Mt 20,8), hình ảnh “những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu” (Lc 13,30), hình ảnh “lương dân” sẽ thay thế “tuyển dân” (Rm 9,30). Tất cả đều nói lên tự do cao vời và tính cách nhưng không của tình yêu Thiên Chúa.

Đối với đứa con thứ, người cha đã không muốn nghe gì hết. Nay đối với anh con cả, ông để cho chàng mặc sức trút lên đầu ông bầu tâm sự đầy cay đắng, phẫn nộ. Có lẽ anh cũng có lý của mình. Anh ta chính là chân dung của người Biệt phái mà Đức Giêsu muốn khắc vẽ. Câu quả quyết của anh: “Ông coi, đã bao năm trời tôi làm tôi ông, cũng chưa hề lướt lịnh ông” quả là đúng với sự thật, làm nổi bật hình ảnh phái Pharisêu tự hào vì đã giữ trọn luật (x. Lc 18,9). Thái độ của anh không kể gì đến tương quan anh em nữa (“thằng con của ông”) và nói về em một cách khinh bỉ đúng là thái độ của phái Pharisêu đối với hạng mà họ gọi là tội nhân. Bản dịch Anh ngữ câu nói của người con cả này còn cho ta một chi tiết lý thú: “thì ông lại giết con bê chúng ta đã cùng vỗ béo” (you kill the calf we had been fattening). Đúng là chua chát và ghen tức đến cực điểm! Riêng đối với cha, anh đã biến mình thành tôi tớ, biến tình thương thành nô dịch.

Như thế, người con cả cho ta thấy chính trọng tâm của dụ ngôn: anh ta đã không nhận rõ tất cả tình yêu đang bao phủ anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, mọi sự của cha đều là của con hết thảy. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây…” Người cha sửa lại lối nói của người anh một cách tế nhị (“em con đây” đối lại “con ông đó”). Qua dụ ngôn hai màn này, thành thử chúng ta được mời đi vào trong tình yêu của Thiên Chúa, trong niềm vui của Người được gặp lại các tội nhân. Đây là lời loan báo sự hoán cải của lương dân sẽ đi vào trong “dân mới của Thiên Chúa” hàng loạt. Một ngày kia, Luca sẽ đặt trên miệng Phêrô câu nói này khi nhận ra ân sủng ban cho viên bách quản ngoại đạo: “Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa” (Cv 11,17). Không, không có ưu đãi: hết thảy đều được Cha trên trời mến yêu.

Và dụ ngôn “đứa con thất lạc tìm thấy” (hay đúng hơn “người cha phung phí”, phung phí tình yêu) kết thúc với cùng một điệp khúc vui tươi như hai dụ ngôn trước (xin xem Chúa nhật 24 thường niên năm C). Màn hai của dụ ngôn lấy lại câu kết luận của màn đầu, với việc đổi từ “con ông” bằng “em con” như đã ghi nhận. Thiên Chúa là Cha, điều đó chắc chắn: Người yêu hết thảy con cái của mình. Nhưng nhân loại có là anh em với nhau không? Phải chăng anh con cả sẽ để mình bị thuyết phục và “đi vào chung hưởng niềm vui với cha”? Chúng ta không biết. Dụ ngôn vẫn bỏ ngỏ. Vì chính người Biệt phái, chính chúng ta phải cho nó một kết luận: đi vào cuộc liên hoan với Thiên Chúa, cuộc liên hoan mừng kẻ tội lỗi trở về.

(Viết theo Nil Guillemette SJ, Parables for today)

 

10. Người con hoang đàng - R. Gutzwiller

 

Xét theo tâm lý, phải là bậc thầy mới hoạ nổi dụ ngôn đứa con hoang đàng. Thế nhưng đây lại chẳng nhấn mạnh về đứa con hoang đàng, về những nỗi khốn nạn và sự trở về của chàng ta. Mà lại nhấn mạnh nhiều đến người cha.

Tất cả những đoạn văn Thánh Luca nói về vấn đề hư mất đã kết thúc một cách ý nghĩa khi đưa chúng ta về Thiên Chúa, Đấng cứu thoát những gì đã hư hại và bù đắp dư dật.

1. Người cha để cho đứa con hư hỏng.

Trong dụ ngôn, người cha có thể, hoặc tạm thời từ chối không chia cho người con phần gia tài của anh ta, hoặc là nói cho thấy hơn thiệt. Bản văn lại chẳng đả động đến chi tiết. Người cha đã chia gia tài cho anh, và để anh ra đi. Đối với đứa con, chẳng phải vì xung khắc hay vì sự sa đoạ nào đó thúc đẩy anh ra đi, nhưng là vì anh khát khao được sống ngoài vòng kềm toả, vì háo hức khao khát kinh nghiệm, vì muốn biết cái mới lạ, vì chưa có bản lãnh, vì tính hung hăng và bản năng thích phiêu lưu mạo hiểm.

Thiên Chúa cũng để cho con người hành động. Người có thể gìn giữ con người khỏi tội lỗi bằng những đường lối quan phòng của Người hoặc bằng áp lực của ân sủng mà con người không thể nào cưỡng lại được. Thế nhưng, Người vẫn tôn trọng tự do của con người: điều này làm chúng ta ngạc nhiên và khó hiểu.

Nhưng thể theo Thánh ý của Người, sau khi con người đã được tạo dựng một cách tự do và được ban cho quyền tự do, Thiên Chúa đã thực sự để cho con người làm chủ những quyết định của mình, lại còn ban cho con người sự trợ giúp tự nhiên để thực hiện những quyết định đó nữa. Bởi chưng mọi chuyện con người thực hiện –cả khi con người làm điều ác nữa- con người cần phải có sự trợ lực của Thiên Chúa, nếu không con người hoàn toàn bất lực.

Trong dụ ngôn, đứa con lầm lạc dần dần sa sút, trước tiên là một sự phung phí dại dột, rồi hắn phung phí gia tài cho bọn đĩ điếm cho đến lúc hắn hoàn toàn chìm đắm trong tình cảnh khốn nạn và phải đi chăn heo (ta chớ quên thái độ xa lánh của người Do thái đối với loại thú vật này) rồi suýt chết đói.

Thiên Chúa cũng thế, Ngài để mặc con người tự do theo con đường đã chọn lựa, để họ xuống dốc theo ý muốn và ao ước của họ. Ai tưởng mình có thể định đoạt giá trị sự vật thì Chúa sẽ để họ theo ý riêng mình, cho đến khi họ hiểu rằng ý muốn tự quyết của họ chỉ là sự sụp đổ bất lực.

Thiên Chúa thường thông cảm với việc con người yếu đuối sa ngã giữa lúc làm bạn với bầy heo và cơn đói ám ảnh. Tuy nhiên -sẽ có một hiện tượng kỳ dị- bao lâu mọi sự tốt đẹp thì con người ít nghĩ đến Thiên Chúa. Họ muốn quán xuyến tất cả và tự mình quyết định. Nhưng khi có trục trặc vì lỗi của họ, họ vội vàng quy trách cho Thiên Chúa.

2. Người cha đón nhận đứa con hư hỏng

Trong dụ ngôn, người con đã trở về với chính mình. Bị lâm vào cảnh phiền muộn, nó mới biết đến kinh vực sâu, thú nhận lỗi lầm của mình và dọn sẵn lời thú tội: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha’. Nó ý thức mình không còn quyền lợi nữa và chỉ còn trông cậy vào lòng nhân hậu để được coi như một kẻ hèn hạ nhất trong đám thợ làm công.

Khi con người có kinh nghiệm sâu sắc và chua cay về thất bại bản thân, họ dễ ý thức giá trị của ân sủng. Lúc ấy, họ biết không thể tự sức mình mà được việc, nên phải phó thác vào ân sủng của Thiên Chúa. Tội lỗi đã làm cho con người mất địa vị làm con Thiên Chúa, cho nên, làm tôi tớ đối với nó là một đặc ân. Con người không còn đến trước Thiên Chúa Cha với tư cách một người con quấy rầy, nhưng như một kẻ van xin đầy lòng hối hận đứng trước chủ nhân. Và Thiên Chúa chấp nhận họ.

Trong dụ ngôn, người cha đã chờ đợi rồi ông đã chạy ra đón đứa con hư, tỏ lòng tha thứ mà không cần đứa con giãi bày lời thú tội. Ông đã dọn một bàn tiệc, tổ chức một buổi lễ… Đối với tội nhân hối cải, Thiên Chúa cũng có một thái độ tương tự. Ngài đến gặp họ. Phán quyết trong nội tâm và lòng hối cải đã là dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Kẻ lầm lạc khi tự phán quyết rồi lại quyết định trở về với Thiên Chúa, đó cũng là ân sủng.

Thiên Chúa cầu mong lại đón nhận họ. Đó là do lòng nhân hậu của Ngài. Và, nói một cách sát chữ, Ngài đem lòng yêu thương dạt dào người tội lỗi đã hối cải, quên đi quá khứ, xoá bỏ ác quả và tội vạ, và hơn nữa, cho họ được những đặc ân không ngờ, đây là mầu nhiệm khôn dò của ân sủng Người.

Bữa tiệc sẽ minh chứng là Thiên Chúa yêu thương. Người anh khó tính với cảm nghĩ tầm thường lấy vẻ liêm chính che đậy đầu óc thiển cận, tâm hồn hẹp hòi của mình. Trái lại, qua hành vi quảng đại của người cha, dụ ngôn cho chúng ta thấy bản tính thâm sâu của Thiên Chúa, tầm mức vô biên của tình yêu, nhịp điệu và hài hoà, âm vang trong Thiên Chúa.

Lầm lạc không còn là điều đáng quan tâm. Tăm tối đã biến đi. Ánh sáng chói chan khắp nơi, mọi sự thấy đẹp hơn bao giờ hết. Tội hồng phúc!… Tội lỗi là dịp vô cùng hữu ích để chúng ta nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa đến nỗi chính các lỗi lầm của con người lại dẫn đến ơn cứu độ và vinh quang của Thiên Chúa.