Lòng Biết Ơn

“Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. (Lc 17: - 18)

Chuyện kể rằng: "Một du khách tốt bụng nhìn thấy một cụ bà đang đứng bên bờ một dòng suối lênh láng nước sau một trận mưa lớn. Trông bà có vẻ rất lo lắng và bất đắc dĩ phải băng qua nó.

Người khách du lịch tiến lại gần và hỏi bà lão: “Bà ơi, bà có muốn con cõng bà vượt suối không?” Bà lão rất ngạc nhiên và lẳng lặng gật đầu đồng ý. Anh cõng bà băng qua suối và anh dần đuối sức. Sau khi sang bờ bên kia, bà lão vội vội vàng vàng rời đi mà không nói lời cảm ơn nào. Vị du khách đang rã rời vì đuối sức kia có chút hối tiếc vì giúp đỡ bà lão ấy. Anh không mong cầu bà báo đáp, nhưng nghĩ rằng chí ít thì bà cũng nên nói với anh đôi lời bày tỏ sự cảm kích.

Vài giờ sau, du khách này đi tới vùng núi. Đó là một hành trình đầy gian nan với anh, chân của anh bị côn trùng cắn sưng tấy. Lát sau, trên đường đi, có một thanh niên bắt kịp theo anh và nói: “Cảm ơn anh đã giúp bà tôi. Bà bảo anh sẽ cần những thứ này và muốn tôi mang chúng đến cho anh.” Nói đoạn, cậu ấy lấy ra một ít thức ăn và thuốc men trong túi ra. Hơn nữa anh còn dắt thêm một con lừa và giao nó cho du khách tốt bụng. Vị du khách không ngừng nói cảm ơn anh thanh niên. Sau đó người thanh niên này nói tiếp: “Bà của tôi không nói được, cho nên bà muốn tôi thay mặt bà cảm ơn anh!”

Lời Chúa của Chúa nhật 28 nhắc nhớ chúng ta phải có lòng biết ơn. Bài đọc 1, ông Naaman Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của vua nước A-ram được chữa lành dưới thời thời tiên tri Ê-li-sê. Nhận thấy mình được chữa lành, ông trở lại gặp tiên tri Ê-li-sê, tạ ơn Thiên Chúa và tuyên xưng niềm tin: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel… Từ nay trở đi, tôi sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác, ngoài Thiên Chúa của Israel” (x. 2V 5,14-17). 

Mười người phong cùi cùng khẩn xin Chúa Giê-su rủ lòng thương xót. Cả mười người đều được Chúa Giê-su rủ lòng thương và chữa lành, nhưng chỉ một người ‘nhận thấy mình được chữa lành’, lập tức quay lại gặp Chúa Giê-su, sấp mình dưới chân Ngài mà tạ ơn và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Ngỡ ngàng trước thái độ trái ngược của những người được chữa lành, Chúa Giê-su đã thốt lên: “Không phải mười người đều được sạch sao? Chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18).

Vâng, mười người phong hủi được chữa lành, nhưng chỉ có một người được nghe Chúa nói: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”, bởi vì anh đã đền đáp Chúa tận đáy lòng mình. Trong khi các người kia chỉ lo sao cho các tư tế cho phép họ trở về sống giữa gia đình, xã hội, thì riêng anh, anh muốn ngay lập tức cảm tạ Thiên Chúa ở chính nơi mà ơn Người đã đến với anh: lòng tin cứu thoát và biến đổi chúng ta là thế đó. Trong số tất cả những người xin khỏi bệnh hoặc những ơn nào đó, thử hỏi mấy ai biết yêu mến Chúa, biết quay lại mà cảm ơn Người? 

 Trong cuộc sống chúng ta hiện nay nói chung và người Công giáo nói riêng, đã nhận biết bao ơn lành của Chúa về vật chất và tinh thần, về sự sống đời này và sự sống đời sau. Nhưng thử hỏi có mấy ai nhận ra được điều đó. Vấn nạn đặt ra cho chúng ta là: Chúng ta có dễ quên ơn như chín người phong cùi được chữa lành kia? Có thể chăng các anh chị em ngoài Công Giáo dễ dàng cảm nhận về ơn của Chúa trong cuộc sống hơn những người được mệnh danh là đạo gốc? Phải chăng chỉ những ai biết ơn và tạ ơn Thiên Chúa trong cuộc đời đúng nơi đúng lúc như người phong cùi ngoại giáo, mới là con người đích thực của lòng tin, được Chúa Giê-su chúc lành: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của con đã cứu chữa con”? 

Lạy Chúa! Tạ ơn là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa mà bất cứ ai cũng có thể dùng. Lời tạ ơn thể hiện tấm lòng khiêm nhu của chúng ta. Noi gương người Samari biết cám ơn người làm ơn cho chúng ta. Amen.

Hồng Xóm Núi, fmm.