HẠNH PHÚC CỦA CHÚ (Giải viết văn đường trường 2014)

Tôi rời giáo xứ ba năm rồi, nơi lần đầu tiên trong đời tu, tôi đi mục vụ. Nhưng có dịp đi ngang giáo xứ là tôi ghé nhà chú. Ngôi nhà cách quốc lộ Hai Sáu khoảng 300 m, cách nhà thờ 2000 m, thấp lè tè, nằm sát mé sông Zin. Từ quốc lộ Hai Sáu, rẽ vào con hẻm, đi dọc theo bờ đê khoảng 30 m thì rẽ trái, đi một đoạn lại rẽ phải, sau đó rẽ trái và chạy theo con đường nhỏ đến mép sông thì tới nhà chú.

Mã số: 14-042

HẠNH PHÚC CỦA CHÚ

Ghé nhà chú, tôi không bao giờ gọi trước cho chú, khi thì gặp chú, khi thì chỉ có cô (vợ chú) làm  rau sau vườn. Bữa nào ghé nhà chú, tôi cũng nằm tòng teng trên chiếc võng buộc giữa hai cây dừa bên hông nhà. Cái võng luôn treo sẵn, dù trời mưa hay trời gió nó vẫn nằm đó, chú sợ tháo đem vào khi mưa thì quên không buộc lại, lỡ tôi vào không có võng nằm. Đến nhà chú, tự dưng tôi thấy đầu óc thanh thản, đời tu của mình bỗng dưng nhẹ nhàng và có một chút thánh thiện nào đó.

Lần này chú vắng nhà, chỉ có vợ chú nhổ cỏ rau sau vườn. Như mọi lần, tôi dựng xe bên hông nhà rồi lặng lẽ nằm lên chiếc võng với cuốn sách “Hạnh Phúc Trong Tầm Tay”. Gió ngoài sông thổi nhẹ theo từng cơn, tôi gấp sách nhìn theo mấy cái lá sầu đông rơi chao rất mỏng xuống sân. Tiếng líu lo gọi bầy của mấy con vành khuyên đuổi nhau trong vòm lá làm tâm trí tôi buông thả không chút vấn vương. Ở nhà thờ, đôi khi tôi muốn nghe tiếng chim rượt nhau mà không được. Nhà thờ nằm ngay trung tâm thị xã, sân toàn bê- tông, chỉ mấy chậu bon-sai thấp chủn lấy đâu ra bóng mát, lá xanh cho chim rượt đuổi.

Chừng 7h30, hai “thằng nhóc” con chú chơi ở nhà thờ về. Thấy tôi, chúng mừng húm, thằng em lật đật chạy ra sau vườn kêu hớn hở:

– Mẹ, thầy nghé nhà mình.

– Hồi nào? - Cô hỏi lại thằng nhỏ.

– Chắc lâu rồi, con không biết.

Cô bước nhanh tới cái võng, mớ cỏ đang nằm trong tay:

– Thầy tới lâu chưa?

– Dạ, mới hồi nãy. Chú đi đâu rồi cô?- Tôi hỏi cô.

– Anh đi cắt lúa cho bà Sáu, trưa về. Thầy ở chơi, con ra sau vườn đã.

– Dạ, con ở đây với hai đứa nhỏ được rồi.

Cô lấy chú và theo đạo. Hai vợ chồng cưới nhau cũng được mười lăm năm, siêng làm hết biết, vợ thì quần quật với vườn rau, chồng thì ngoài vườn rau ra, ai thuê cuốc cỏ, gặt lúa, xa tít trên Ninh Thượng, Ninh Trang  gì cũng làm, miễn có tiền là được. Thế mà cuộc sống vẫn nghèo. Mười lăm năm lấy nhau thì non cũng mười năm gia đình chú phục vụ nhà thờ. Chú làm ca trưởng ca đoàn lớn, ba năm trước, được giáo dân bầu vào Hội đồng giáo xứ, hai đứa con giúp lễ lúc còn  bé tí đang học lớp ba, lên lớp bảy thì đánh đàn nhà thờ, cả nhà chú tham gia Hội tận hiến.

Ở nhà thờ, công việc gì chú cũng làm: Mùa Giáng Sinh thì làm Hang Đá, đóng kịch, treo cờ... Mùa Chay thì lên núi chặt lá vạn tuế cho Chúa Nhật Lễ Lá. Trang hoàng, sửa sang cái gì cũng có mặt chú. Nhiều khi “lợi dụng” sự nhiệt tình của chú, thay đất chậu cây, tôi cũng nhờ chú. Hình như thời gian với chú chia làm ba phần, một phần làm việc ở nhà, một phần đi làm thuê cho lối xóm, phần còn lại làm việc không công cho nhà thờ. Nhiều khi tôi nghĩ bậy “Chú nghèo có khi nào là vì phục vụ nhà thờ không hen?”. Người ta nói, nếu thời gian đi lễ ở nhà thờ, sinh hoạt nhà thờ mà để đi làm thêm thì kiếm được không ít tiền.

Tôi bần thần trước mâm cơm trưa nhà chú. Những thức ăn gợi cho tôi nhớ một hình hình ảnh rất quen thuộc của ngày xưa, đã hơn chục năm rồi tôi mới gặp lại: nồi cơm nhỏ, một đĩa nhỏ rau muống luộc với chén mắm nhỏ xáy ngang vài trái ớt đỏ, một tô canh bầu và mấy con cá rô đồng nhỏ đựng trong cái đĩa cũng nhỏ. Nhìn tôi bần thần, chú ngạc nhiên:

– Sao vậy thầy?

– Dạ... - Tôi đáp.

– Ăn cực quá phải không?

Hôm nay, thấy tôi bần thần trước bữa cơm, nên chú hỏi vậy thôi, chứ lần nào ở lại nhà chú ăn cơm, tôi cũng thấy thức ăn vậy cả: không rau luộc thì rau sống ngoài vườn, không cá rô đồng thì cá cơm... và tất cả đều đựng trong những cái đĩa nhỏ này. Giữa trưa, gió ngoài sông thốc từng cơn qua vách đất mát rượi, tôi và chú hướng mắt về phía tiếng gió rít nơi ô cửa sổ đã rớt cánh lâu rồi, chú cười:

– Nhà con có cái quạt gió đã quá phải không thầy?

– Dạ - Tôi cười theo chú. - Ngồi “giữa đồng”, ăn thức ăn đồng còn gì bằng nữa chú!

Chú cười phá lên theo tôi. Vợ chú cũng cười giòn theo:

– Ban đêm, nằm ngủ gió mát lắm thầy ơi, cửa mở toang hoang mà chẳng sợ ăn trộm.

– Có cái gì đâu mà... - Chú nhìn vợ cười.

Cô pha bình trà, đem đặt trên cái bàn gỗ mốc meo đặt dưới góc cây bưởi mà tôi với chú ngồi sẵn ở đó. Hai thằng nhỏ không ngủ trưa, nghe tôi với chú nói “dóc”. Mà sức mấy nó ngủ được, thấy tôi là tụi nó mừng lắm, bữa nào tôi ghé nhà, tụi nó đều không ngủ trưa. Mặt trời treo lơ lửng trên ngọn sầu đông để rớt những vạt nắng xuống đám cỏ tre trên ruộng khô. Đám ruộng đó mấy năm trước chú trồng lúa. Mười mấy năm qua, gia đình chú sống tạm đủ với cây lúa, nhưng không có của để dành. Bà con xóm này mỗi năm một khá giả lên, năm thì sắm ti vi, năm thì sắm đầu đĩa, tủ lạnh, nhà nào khá hơn thì xe máy, xây nhà. Còn gia đình chú xưa nay vẫn nghèo, vẫn cái ti vi cà dịch cà tàng đang xem giữa chừng thì sọc ngang nhấp nháy trên màn hình, phải đập bình bịch vào thùng ti vi mới có hình, chiếc xe Dream cà quèn dùng đi lại tạm bợ suốt mấy năm trời không thấy đổi.

Chú quyết định đổi cây trồng, may ra dưa hấu sẽ giúp chú đổi đời. Làm vụ dưa đầu tiên, gia đình chú cầu nguyện liên lỉ, mong cho dưa lớn nhanh được năng xuất, được giá. Ước nguyện cũng được Chúa nhậm lời. Vụ dưa năm đó, không kể vốn liếng, chú kiếm được hai chục triệu. Gia đình chú mừng hết biết, chú lên kế hoạch đổi ti vi màn hình phẳng cho vợ con xem, sửa sang lại nhà cửa.... Đùng một cái, vợ chú nhập viện vì ung thư bướu cổ. Chú đưa vợ đi từ bệnh viện này đến bệnh viện  khác, cuối cùng phải phẩu thuật. Thế là toi hết hai chục triệu.

Vạt cỏ tre trên ruộng mọc ngỗn ngang, dập dờn, ngã nghiêng theo cơn gió kéo mắt tôi với chú về với nó. Nhìn vạt cỏ ngổn ngang, tôi hơi ngạc nhiên. Chưa bao giờ chú để đất trống, hết vụ lúa là chú gieo hạt bắp bán tết, chờ ra năm là trồng vụ lúa mới. Chú đọc được sự thắc mắc trong ánh mắt ngơ ngác của tôi, chú giải thích: “Thầy biết đó, năm trước, vụ dưa lời hai mươi triệu, nhưng rồi bệnh hoạn xảy ra, thế là toi hết, xem như mất trắng một mùa dưa”.

Giọng chú chùng xuống, nghẹn ứ, đôi mắt đục lại, rồi chú tiếp lời: “Năm vừa rồi, con tiếp tục trồng lại vụ dưa, cũng mong cho được mùa. Cả nhà thao thức với đám dưa, thấy dưa bò phủ luống là vui, có nhành nào quắn lá thì cũng rầu theo nó, bỏ ăn bỏ ngủ với nó, bao nhiêu công sức, hy vọng đổ vào đám dưa. Nhờ ơn Chúa, dưa tốt vùn vụt, qủa mỗi ngày một lớn. Giá dưa gần tết lại tăng cao. Mười ngày nữa là thu mùa dưa thì trời đổ mấy cơn mưa xuống, quả dưa căng tròn rồi nứt vỏ. Vậy là mất trắng một vụ nữa thầy”. 

Nghe chú kể mà tôi thấy mắt mình cay cay, hình như có cái gì đó rơi vào mắt. Vậy là, tết vừa rồi, gia đình chú đón một cái tết teo héo, buồn thỉu buồn thiu. Trồng dưa may ra cuộc sống khá lên một tí, ai ngờ hai năm trồng dưa, một năm được mùa thì bệnh hoạn ập đến, năm khác lại mất trắng tay. Nghèo vẫn nghèo.

– Năm nay không xoay xở ra tiền để trồng dưa lại, đành để cỏ mọc vậy đó thầy. Thong thả ít tháng nữa, con vay bà con ít tiền trồng lại lúa, vụ mùa năm sau con sẽ trồng dưa lại, chẳng lẽ mất mùa hoài.

Tôi lặng im không nói. Hồi lâu, tôi hỏi:

– Chú có buồn Chúa không?

– Buồn chuyện gì thầy? - Chú ngơ ngác nhìn tôi.

– Chú phục vụ nhà thờ nhiệt thành như vậy mà Chúa chẳng trả công gì hết, chú nghèo miết.

– Chà... Chúa lấy cái này thì Chúa cho lại cái khác mà thầy. Mấy người ngoại đạo xóm này cũng hay nói, thấy con đi nhà thờ hoài mà nghèo miết, có khá lên chút nào đâu. Con nghĩ, gia đình hạnh phúc là được rồi!

Ừ gia đình chú hạnh phúc thiệt. Chưa bao giờ nghe vợ chồng chú cãi vã nhau, xưng hô anh-em ngọt như mía đường. Nhiều khi đang làm việc nhà, cha sở gọi là chú bỏ việc xuống nhà thờ mà vợ chú không cằn nhằn một tiếng, có khi lại bảo chú đi nhanh kẻo cha chờ. Ở giáo xứ mà có được ba người như chú thì cha sở hạnh phúc biết mấy. Tôi nhìn sang hai đứa con chú. Hai đứa mặt hiền, đẹp như chú, da thì trắng như mẹ. Đứa nào học cũng giỏi, học trường thị xã mà chẳng học thêm gì hết, vậy mà năm nào cũng lãnh thưởng.

Tôi nhìn ra vạt cỏ trên đám ruộng, nghĩ: Không biết vụ dưa sang năm sẽ sao đây? Hy vọng vụ dưa sang năm sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình chú, hy vọng Chúa sẽ không để chú buồn nhiều.

 Mà, dù có hai, ba, bốn... vụ dưa trắng tay, chắc gì chú đã bất mãn Chúa như mình nghĩ ta? Biết đâu với chú, hạnh phúc là vợ hiền, là con ngoan, là được phục vụ Nhà Chúa. Ừ, chú đã nói, Chúa lấy cái này thì Chúa cho cái khác mà.