TÂM SỰ CỦA NHỮNG CHỊ CÂN

Cũng như chị cân, để nhận ra ân huệ cao quý của Chúa dành cho tôi trong một ngày qua, người viết cũng cần lượng định lại xem mình đã làm được những gì mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác? Những gì tôi đã vô tình bỏ qua, đánh mất ân sủng của Chúa? Kinh nghiệm nào đã giúp tôi sống xứng với ơn gọi dâng hiến của mình?...

TÂM SỰ CỦA NHỮNG CHỊ CÂN

Tôi là dụng cụ đo lường trọng lượng, người ta thường gọi tôi là chị cân. Mỗi buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu, ngoài trời dày đặc sương mù, thân tôi rét lạnh, vậy mà tôi đã phải vẫy chào các chị em trong nhà bếp để đi ra ngoài chờ đón các loại thực phẩm từ chợ mang vào...

Các loại thực phẩm hớn hở, vui mừng, lần lượt xếp hàng để được đặt lên trên đầu của tôi. Ôi! thật là phong phú làm sao:  “Nào là rau, củ, quả,trứng, thịt, cá…”. Tôi được ngửi đủ thứ mùi trên đời, nào là thơm, nào là tanh tất tần tật đều có cả. Mọi thứ nặng nhẹ khác nhau, đầu tôi làm nhiệm vụ đội, còn tay tôi cứ thế mà chỉ vào con số cho cô cấp dưỡng biết trọng lượng của các loại thực phẩm. Thật cũng vất vả đấy, nhưng tôi thấy hạnh phúc và sung sướng biết bao sau mỗi ngày làm việc. Nghe những  lời tâm sự của tôi thì chắc chắn mọi người sẽ không hiểu phải không? Công việc thì vất vả và buồn tẻ như thế sao lại sung sướng và hạnh phúc cho được, thật là buồn cười. Không buồn cười đâu mọi người ơi, bởi vì công việc của tôi cũng được xếp quan trọng. Tôi được cộng tác vào việc bảo vệ sức khoẻ cho thế hệ tương lai của đất  nước đấy!

Tôi giúp cho Soeur phụ trách bán trú và các cô cấp dưỡng biết số lượng thực phẩm để các cô có thể định lượng thức ăn cho một ngày. Nói như vậy thì mọi người đã biết tôi đang làm việc ở đâu rồi chứ? Tôi đang được cộng tác trong việc chăm sóc các cháu mẫu giáo ở trường Hiển Linh Đà lạt. Ở trường này có đến 290 cháu với các lứa tuổi khác nhau: từ hai đến sáu tuổi, với số cân nặng bình thường, suy dinh dưỡng, béo phì, thấp còi đều có cả. Vì thế cần có sự hỗ trợ cộng tác của chị em chúng tôi trong việc định lượng thức ăn cho phù hợp với các cháu ở các độ tuổi. Sở dĩ tôi nói chị em chúng tôi ở đây, là vì trong khu vực bếp có sự hiện diện của ba chị em nhà cân. Tôi phục vụ ở tuyến đầu, đón nhận tiếp phẩm, tuyến giữa có một chị dùng để cân những thức ăn đã sạch nhưng chưa qua chế biến, tuyến cuối cùng có một chị phục vụ trong việc phân chia định lượng thức ăn cho mỗi lớp. Niềm vui của chúng tôi không chỉ thế thôi đâu, cứ mỗi đêm về chúng tôi rộn rã kể cho nhau nghe những gì mình làm và cả những gì mình đã thấy trong ngày. Tôi thì kể cho các chị khác nghe điều tôi đã thấy về thực đơn của các Soeur đưa ra thật là phong phú, thay đổi mỗi ngày và thậm chí mỗi tuần. Các Soeurs cũng rất chú trọng đến sức khoẻ sau này của các cháu. Vì thế các Soeurs dùng chủ yếu là rau tươi, non, sạch trong vườn các Soeurs đã trồng, chỉ một số ít các loại củ, quả mua ngoài chợ. Cho nên tôi không phải nhức đầu để ngửi các mùi độc hại của các loại thuốc hoá học. Tiếp theo, chị tuyến giữa mau mắn tiếp lời: tôi được đặt để ở vị trí này thì cũng may mắn hết biết, tôi trông thấy nhiều chuyện lắm đấy...

Đầu tiên, tôi thấy các Soeurs tuyệt đối không mua các loại trái cây cho các bé ăn nữa, ngoại trừ chuối, vì các Soeurs thấy các loại trái cây hiện nay đều bơm thuốc và ngâm chất bảo quản qúa nhiều, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cua các cháu. Chuối thì các Soeurs cũng không mua chín nhưng ra tận vựa chuối, đặt mua loại chuối xanh để về ủ chín. Thú thật, mới đầu tôi thấy chỉ ăn chuối không thì các cháu chán lắm, nhưng sau này tôi mới hiểu các Soeurs không chỉ cho cháu ăn chuối liên tục hết các ngày từ thứ hai đến thứ sáu. Ôi thật bất ngờ và ghen tỵ với các bé mẫu giáo quá đi thôi, sao các bé sung sướng thế, mỗi buổi xế ăn một món khác nhau: nào là Yaourt, nào là đông sương đủ các hình thù con vật hấp dẫn, nào là kem Flan, nào là chuối. Đặc biệt là Yaourt và Kem Flan đều được làm bằng sữa bò tươi.

Chưa hết đâu, tôi còn thấy cô cấp dưỡng trong quá trình chế biến thức ăn không hề ướp bất cứ một loại gia vị nào, ngoài đường, muối, dầu ăn, nước mắm và một chút xíu bột Knor. Tôi nghe nói một ngày với số lượng bé như thế mà chỉ hết khoảng 2 lạng Knor thôi và mỗi ngày giảm dần lượng nêm Knor, một ngày gần đây khi các cháu quen rồi thì cô cấp dưỡng sẽ không nêm Knor nữa. Chị tuyến cuối tiếp lời: ấy vậy mà tôi thấy thức ăn rất thơm và hấp dẫn lắm,  các chị có biết tại sao lại hấp dẫn như thế mà không cần ướp gia vị không? Chị tuyến giữa tiếp: “đơn giản thôi, cô cấp dưỡng cho nhiều hành tỏi, phi hạt điều lên hoặc cho cà chua vào làm màu”. Hay qúa ha, các chị còn biết tại sao lại không dùng gia vị để ướp thức ăn bé không?  Sao vậy chị, chúng tôi thì chịu thôi? Trên ti vi có nói, trong quá trình điều tra kiểm nghiệm, người ta phát hiện trong những gói gia vị dùng để ướp thức ăn, có chứa những chất bảo quản có hại đến sức khoẻ. Nhưng vì sao người ta lại bỏ chất bảo quản vào các gói gia vị để làm gì? À người ta bỏ chất bảo quản vào giúp cho gia vị đó cất giữ được lâu, không gây ẩm mốc. Nhưng người ta đâu biết những chất đó là tác nhân gây bệnh ung thư. Ồ ghê quá nhỉ,  nếu cứ ăn uống như thế thì thế hệ tương lai sẽ đi về đâu? Đúng vậy, do con người ăn những thức ăn có chứa quá nhiều hoá chất nên bệnh ung thư mới nhiều như vậy.

Từ những lời tâm sự đầy phấn khởi, hạnh phúc vui tươi của chị em họ nhà cân chúng tôi, tôi mong ước rằng: “việc bảo vệ sức khoẻ cho nhau, không chỉ dừng lại ở các cấp chính quyền, những ban ngành liên quan, nhưng tất cả mọi người dù ở cấp bậc địa vị nào cũng có thể cộng tác với nhau. Cộng tác với những việc nhỏ bé có thể không ai biết đến nhưng rất quan trọng và cần thiết cho con người sống trong thế giới ngày nay.

Cũng như chị cân, để nhận ra ân huệ cao quý của Chúa dành cho tôi trong một ngày qua, người viết cũng cần lượng định lại xem mình đã làm được những gì mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác? Những gì tôi đã vô tình bỏ qua, đánh mất ân sủng của Chúa? Kinh nghiệm nào đã giúp tôi sống xứng với ơn gọi dâng hiến của mình?

                                                                                                                                                Cộng Đoàn Hiển Linh