Chú Lừa Diễm Phúc

Chú Lừa Diễm Phúc ạ! Tôi muốn cám ơn Chú về “tinh thần phục vụ” của Chú. Tôi cảm phục Chú. Không hiểu sao người ta lại mỉa mai: “giống lừa ưa nặng”. Chú thích người ta chất nặng lên vai Chú. Có lẽ tôi hiểu Chú: Chú được phú bẩm “bản năng phục vụ”. Chú “ưa nặng” không phải vì Chú “ngu”, mà vì Chú thiết tha phục vụ, muốn trở thành “hữu ích” tới mức tối đa, muốn sống “tinh thần phục vụ” tới tột đỉnh sức lực của Chú. Sức Chú yếu, thân hình Chú nhỏ bé, nhưng lòng Chú rộng lớn…

Chú Lừa Diễm Phúc

Niềm Vui, ôi Niềm Vui!

Niềm Vui Trái Tim tôi

Sửa soạn đón mừng Chúa,

“Ngày Chúa Yêu vào đời”.

 

Chúa yêu thương vào đời,

Nhập thể “làm Con Người”,

Tình Yêu Ngài “ở với”

Giữa loài người chúng tôi.

 

Chúa đến cứu loài người,

Ban “Hy Vọng” cho đời,

“Phận người” hết “lầm lũi”,

“Hoa Hạnh Phúc” nở tươi…

 

Trước “Máng Cỏ” của “Người”,

Lặng lẽ tôi dâng lời,

Cùng mọi người cảm tạ

“Con Thiên Chúa Làm Người”.

 

***

 

Ðại Lễ Giáng Sinh đến, trái tim tôi cảm thấy vui, một niềm vui thấm thía, chia sẻ Niềm Vui chung của toàn thể Giáo Hội.

 

Tôi vui, chúng tôi vui, vì Ðại Lễ Giáng Sinh là Lễ của Tình Yêu thương. Tâm hồn chúng tôi hạnh phúc vì cảm thấy “đuợc yêu, được yêu rất nhiều”. Không phải chỉ đuợc yêu bởi một tình yêu của con người nhân loại, nhưng được yêu bởi Tình Yêu Thiên Chúa, Suối Nguồn của mọi Tình yêu. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, đã công bố “Tin Mừng Yêu Thương” này: “Chúa Cha yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

 

Ðể Niềm Vui mừng Ðại Lễ Giáng Sinh được toàn vẹn, tôi xin Thánh Thần giúp tôi trang hoàng “Hang Ðá Máng Cỏ” trong trái tim tôi, trong tâm hồn tôi. Tôi ước ao lòng mình trở thành một “Hang Ðá Máng Cỏ ấm áp Tình Yêu Thương”, để đón Chúa ngự đến, ban cho tôi những ân huê đặc biệt như “quà Giáng Sinh”

 

Tôi kính cẩn xếp đặt từng “nhân vật”: Chúa Hài Nhi nằm trong Máng Cỏ, bên cạnh có Mẹ Ngài và Thánh Giuse yêu thương, có các Mục Ðồng hớn hở tôn thờ với đoàn chiên, Ba Vua trịnh trọng dâng của lễ, và có Chú Lừa Con nữa.

 

Chú Lừa Con đang hà hơi sưởi ấm Hài Nhi; dáng vẻ Chú hạnh phúc, hiền từ, kiên nhẫn. Lần đầu tiên tôi để ý đến “vai trò” của Chú. Lòng tôi bỗng nhiên thốt lên: “Chú Lừa Diễm Phúc”.

 

“Chú Lừa Diễm Phúc”! Chú diễm phúc vì được sống gần gũi, phục vụ, tháp tùng Chúa trong suốt cuộc đời Chúa “làm người”. Ba Vua, các trẻ Mục Ðồng cùng đoàn chiên chỉ có mặt khi Chúa sinh ra; còn Chú Lừa, Chú đã có mặt ngay từ ngày đầu, khi Chúa “nhập thai” trong lòng Trinh Nữ Maria.

 

Chính Chú Lừa đó đã đưa “Trinh Nữ mang thai Chúa”, vất vả hành trình tới Thánh Ðô, viếng thăm Thánh Isave cùng Thanh Gioan đang trong lòng mẹ, để Chúa chúc lành cho vị “Tiền Hô tương lai” của Chúa. Rồi sau 3 tháng, khi Thánh Gioan Baotixita chào đời an lành, Chú đưa Trinh Nữ, mang Chúa trở về Nazareth.

 

Cũng chính Chú Lừa đó, ít tháng sau, lại làm cuộc hành trình thật dài nữa, đưa Trinh Nữ Maria và Chúa “sắp đến ngày sinh” về Bêlem Quê Hương Tổ Tiên, để “Ðấng Cứu Thế” được sinh ra đúng theo lời Thánh Kinh tiên báo.

 

Chú Lừa ấy, giờ đây đang hân hoan phục vụ Chúa Hài Nhi, quên đi hết mọi mệt nhọc của cuộc hành trình. Thấy Hài Nhi giãy giọn, nghe tiếng Hài Nhi “oe oe”, Chú tiến lại gần hơn, dồn hơi thở mạnh hơn để Hài Nhi bớt lạnh hơn.

 

Chú Lừa Diễm Phúc, diễm phúc được phục vụ Chúa. Các Mục Ðồng cùng đoàn chiên đến rồi lại ra đi, Ba Vua đến rồi lại ra về, nhưng Chú Lừa luôn luôn ở lại. Giữa đêm khuya, được Thánh Giuse đánh thức, Chú giúp Thánh Giuse đưa “Con Trẻ và Mẹ Người” chạy trốn sang Ai Cập. Ra đi hớt hải, vội vàng, khẩn tốc. Phải đi thật mau để Hài Nhi được an toàn. Chắc Chú mệt lắm, vì đâu có giờ ăn, giờ nghỉ. Nhưng đối với Chú, nào có hề gì; Chú được phục vụ Ngài.

 

Chú phục vụ Ngài và Gia Ðình Ngài trung thành tận tuỵ, trong thời gian lưu lạc tha hương. Chú giúp đưa Ngài và Gia Ðình Ngài trở về định cư tại Nazareth, và Chú lại tiếp tục ở lại với các Ngài, hết lòng phục vụ trong những công việc các Ngài cần đến Chú.

 

Trong 3 năm Giảng Ðạo, công bố Tin Mừng Cứu Ðộ, Chúa không mang Chú theo, vì Chú cần ở lại nhà phục vụ giúp đỡ Mẹ Ngài. Nhưng Chúa không quên Chú. Chúa đã dành cho một danh dự đặc biệt: chọn một Lừa Con đưa Chúa vào Thành Thánh Giêrusalem giữa muôn tiếng tung hô reo hò chào mừng, giữa muôn cành lá phất phới hân hoan: “Hoan hhô Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa.” (Mc 11,1-10) Loài Lừa của Chú, như vậy, nghiễm nhiên trở thành loài vật “vương giả”…

 

Chú Lừa Diễm Phúc ơi, Chú là loài vật “diễm phúc”, Chú thật dễ thương, dễ mến. Nhưng vì Chú là loài vật, tôi là loài người, tôi không thể tâm sự chia sẻ tâm tình của tôi cùng Chú. Nghĩ đến Chú, chiêm ngắm “vai trò” của Chú, lòng tôi cảm kích nhiều điều lắm.

 

Chú là Chú Lừa Diễm Phúc, nhưng dĩ nhiên, tôi không bao giờ mơ ước được làm “thân phận chú lừa”. Tôi thuộc loài người. Loài người chúng tôi còn diễm phúc hơn nữa… Thật ra, thoáng chợt, khi chiêm ngắm Hang Ðá, tôi có ước ao được làm một trẻ mục đồng thời đó, được là một trong Ba Vua để được hạnh phúc thờ lạy Chúa Hài Nhi, được cảm nếm chan hoà Niềm Vui Ánh Sáng Ðêm Cực Thánh; ao ước được là một người Do Thái thời đó để gặp gỡ Chúa trực tiếp… Nhưng nghĩ lại, tôi tự an ủi: Chúa sinh ra “làm người”, đâu chỉ ở với loài người 33 năm, mà Ngài còn ở lại mãi mãi, cho đến tận thế. Nếu muốn gặp Ngài, tôi vẫn có thể gặp. Muốn được gặp Ngài, thì phải sống “Sứ Ðiệp Tình Yêu” của Ngài, như lời Ngài tuyên hứa: “Ai yêu mến Ta, thì giữ lời Ta truyền dạy, Cha của Ta sẽ yêu mến người ấy. Cha của Ta và Ta sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23) Và tôi cũng có thể gặp Ngài cách đặc biệt trong Phép Thánh Thể, đón rước Ngài, để Ngài thấm thía vào “con người Kitô hữu” của tôi…

 

Chú thấy không: loài người chúng tôi là loài thụ tạo diễm phúc hơn Chú, diễm phúc nhất hạng: chúng tôi có Con Thiên Chúa sinh ra “làm người ở cùng chúng tôi”, Ngài sống cuộc sống chúng tôi để thăng hoa, thánh hoá “thân phận con người”. Ngài dâng mạng sống Ngài trên Thánh Giá làm Giá Cứu Chuộc, dùng Sức Mạnh Tình Yêu của Ngài biến đổi chúng tôi thành “con cái Cha Trên Trời”. Có loài thụ tạo nào được diễm phúc đó đâu, kể cả các Thiên Thần là loài thụ tạo cao đẳng hơn loài người…

 

Chú Lừa Diễm Phúc ạ! Tôi muốn cám ơn Chú về “tinh thần phục vụ” của Chú. Tôi cảm phục Chú. Không hiểu sao người ta lại mỉa mai: “giống lừa ưa nặng”. Chú thích người ta chất nặng lên vai Chú. Có lẽ tôi hiểu Chú: Chú được phú bẩm “bản năng phục vụ”. Chú “ưa nặng” không phải vì Chú “ngu”, mà vì Chú thiết tha phục vụ, muốn trở thành “hữu ích” tới mức tối đa, muốn sống “tinh thần phục vụ” tới tột đỉnh sức lực của Chú. Sức Chú yếu, thân hình Chú nhỏ bé, nhưng lòng Chú rộng lớn…

 

Ngắm nhìn Chú: “hình tượng tinh thần âm thầm phục vụ” bên cạnh Chúa, tôi nghĩ đến lời Chúa phán: “Con Người đến, không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.” (Mt 20,28) Ngài đã đến “làm người” và đã “phục vụ” tận tình. Công cuộc Phục Vụ lớn lao nhất cho loài người chúng tôi là: biến đổi “bộ mặt” thân phận con người bằng Tình Yêu Thương, biến đổi “con người nhân loại” thấp hèn thành “con cái Thiên Chúa”. Ngoài ra, trong 3 năm rao giảng Tin Mừng Cứu Ðộ, Ngài phục vụ bằng nhiều phương cách cụ thể khác: kiếm tìm các “con chiên lạc”, dạy bảo, an ủi, nâng đỡ kẻ sầu phiền, đớn đau, chữa trị các thứ bệnh tật, còn phục sinh cả kẻ chết nữa…

 

Ðiều mà chúng tôi cần thấm thía, khi suy gẫm về “Mầu nhiệm Nhập Thể Làm Người” của Chúa, khi sống tinh thần Mùa Vọng, khi hân hoan mừng Ðại Lễ Giáng Sinh, đó là: “Hạnh Phúc được làm Kitô hữu, đồ đệ thân thương của Chúa Kitô.” Muốn trở thành “Kitô hữu thực thụ”, chúng tôi phải tập sống “cuộc sống phục vụ” theo tinh thần của Chúa Kitô. “Kitô hữu thực thụ” là ngườỉ “sống là sống cho Chúa, chết cũng là chết cho Chúa” (Rm 14,8), là người có thể nói được một cách chân thành như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20) Chúa Kitô, bây giờ, vô hình nhưng Ngài tiếp tục “Sứ Mệnh phục vụ” của Ngài một cách hữu hình qua con người “hữu hình” của các Kitô hữu, giữa lòng đời nhân loại cho đến tận thế…

 

Chú Lừa ơi, Chú Lừa diễm phúc ơi, trước khi dùng bút, tôi xin có lời cám ơn Chú lần nữa. Thật ra, không phải Chú đã khích động tâm tình tôi, nhưng nhờ sự chiêm ngắm “vai trò” của  Chú bên Máng Cỏ và trong cuộc đời Chúa, và nhờ Ơn Thánh Thần mà tâm tình tôi được khích động.

 

Trong Ðêm Giáng Sinh, tôi không quên Chú. Tôi nghĩ đến chuyện đời “giống lừa ưa nặng”. Tôi nghĩ đến: có biết bao nhiêu tấm lòng tận tình, hy sinh trong âm thầm, sống “lý tưởng phục vụ” mà nhiều khi sự hy sinh tận tình của họ, thay vì được quý chuộng, thì lại bị khinh rẻ, cười chê. Tôi xin Chúa, Ðấng đã đến vì yêu thương “để phục vụ và ban chính mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn dân” (Mt 20,28), chúc lành đặc biệt cho những tấm lòng đáng quý đáng trọng này…