ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II TRÊN ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI VIỆT NAM

Công Đồng Vatican II được xem như một Công Đồng về Giáo Hội mang đậm nét mục vụ : Giáo Hội nhìn lại chính mình. Giáo Hội nhìn ra thế giới và Giáo Hội muốn hội nhập với thế giới như thế nào. Theo ý hướng của Chân Phước Giáo Hoàng XXIII, Giáo Hội cần phải trở về nguồn để tìm lại nét trẻ trung của mình, tìm lại gương mặt diệu kỳ Chúa Kitô đã tô điểm cho Giáo Hội...

ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

TRÊN ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI VIỆT NAM

Công Đồng Vatican II đến với Giáo Hội và thế giới như một luồng gió tươi mát, thanh khiết.

Công Đồng đã qui tụ gần 3 ngàn Nghị Phụ trong đó có 17 giám mục Việt Nam. Hiện nay hầu như chỉ còn lại khoảng 60 Nghị Phụ. Phần lớn trong số đó không còn khả năng làm việc. Với 16 văn kiện giáo huấn, Công Đồng đã đưa ra những nền tảng vững chắc cho người tín hữu sống đức tin của mình trong một thế giới với nhiều biến chuyển.

Công Đồng Vatican II được xem như một Công Đồng về Giáo Hội mang đậm nét mục vụ : Giáo Hội nhìn lại chính mình. Giáo Hội nhìn ra thế giới và Giáo Hội muốn hội nhập với thế giới như thế nào. Theo ý hướng của Chân Phước Giáo Hoàng XXIII, Giáo Hội cần phải trở về nguồn để tìm lại nét trẻ trung của mình, tìm lại gương mặt diệu kỳ Chúa Kitô đã tô điểm cho Giáo Hội, nhưng thời gian đã làm Giáo Hội bị già nua, với những bụi bặm và lỗi lầm làm hoen ố Khuôn Mặt khả kính của Đức Kitô. Trong cái nhìn đó, Giáo Hội lưu ý cách riêng đến việc canh tân phụng vụ và đặc biệt đời tu, thích nghi nếp sống tu hành với hoàn cảnh sống hiện tại hầu có thể đáp lại ước vọng của con người thời đại: Trở về với cội nguồn và trở về với thế giới là hai khía cạnh của đời sống tu trì nếu muốn còn là chứng nhân cho Tin Mừng …

I-TIẾN TRÌNH ĐI ĐẾN HIẾN CHẾ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY.

1/ Phải nói ngay liền Công Đồng Vatican II, tự nó đã có một ảnh hửơng rất lớn trên Giáo Hội công giáo. Hai mươi mốt Công Đồng trước, là những Công Đồng giải đáp hoặc giải quyết một khủng hoảng rõ ràng của Giáo Hội đương thời, ví dụ một lạc giáo hay một cuộc ly khai. Giáo Hội của những năm 1959-1970 xem ra không có lạc giáo, trái lại Giáo Hội lớn mạnh nhiều. Nhưng ngấm ngầm bên trong, Giáo Hội đang đương đầu với những vấn nạn vô cùng khó khăn. Thời Công Đồng Vatican I, chúng ta đã có thể thấy được cách mạng khoa học kỹ thuật có một sức cuốn hút nhân loại đến một viễn ảnh tương lai hấp dẫn: con người duy nhất là chủ nhân của toàn thể thế giới vật chất. Tôn giáo thì không còn sức lôi cuốn họ nữa. Nhưng đồng thời con người lại cảm thấy luôn bị đe doạ bởi chính những khám phá của mình: nguy cơ của bom nguyên tử, môi sinh bị nhiễm uế, chiến tranh liên tục…

Còn các kitô hữu thì sao ? Là thành phần thiểu số, nhưng lại chia rẽ hơn bao giờ hết, đau đớn vì những rạn nứt nội bộ. Vì vậy sự hiệp nhất của kitô hữu trở nên thiết yếu. Hiệp nhất trong những hoàn cảnh như thế dĩ nhiên quá khó khăn và tưởng chừng như không thể được nếu chính người kitô hữu không bắt đầu khởi sự đi đến hiệp nhất. Tự cải hóa là con đường duy nhất cứu vản tình hình. Giáo Hội cần trở về nguồn để nhìn lại chính mình hầu có thể tìm ra một hướng đi đúng đắn cho chính Giáo Hội và hướng thế giới trên con đường đi đến hòa bình đối thoại. Điều mà Chân Phước Gioan XXIII gọi là”Aggiornamento”. Muốn như vậy phải “mở rộng cánh cửa… có một Công Đồng để khí mát thổi vào Giáo Hội”, Đức Gioan XXIII trả lời trước sự ngạc nhiên của vị khách Hồng Y vì sao phải có một Công Đồng chung.

Và Công Đồng Vatican II đã đi vào lịch sử, để lại nhiều âm vang sâu đậm trong lòng các tín hữu cũng như trong Giáo Hội toàn cầu nói riêng và cả thế giới nữa.

Đức Gioan XXIII muốn làm tươi trẻ bộ mặt bụi bặm và cũ kỹ của Giáo Hội, đổi mới các cơ cầu lâu đời không còn phù hợp với thế giới ngày nay, làm sao cho nhựa sống của Giáo Hội luôn mới mẽ trẻ trung như Phúc Âm mong chờ.

 Vậy những động lực nào đã gây nên ảnh hưởng cho lối nhìn đó ?

* Nhờ khoa thánh kinh, khoa nhân bản và lịch sử, cách suy tư thần học đã đóng góp nhiều cho lối nhìn của Giáo Hội. Thần học nhìn nhận ý nghĩa xã hội gắn liền với nhân vị. Ý thức sâu sắc về con người, ảnh hưởng do xã hội đã thay đổi lối nhìn thần học về Giáo Hội. Vì vậy mà khoa Giáo Hội học đề cao những khía cạnh xã hội và nhân bản đồng thời cũng nói lên tính huyền nhiệm tuyệt đối về con người đối nghịch với tính cách quá pháp lý trước đây của Giáo Hội.

 * Vai trò của giáo dân trong Công đồng Vatican II đã khá rõ nét. Giáo dân được mời gọi cổ võ tinh thần tông đồ mới; họ ý thức hơn về “tính thuộc về”của họ trong Giáo Hội, vì không chỉ giáo sĩ mới là Giáo Hội. Nhờ đó Giáo Hội mỗi ngày mỗi phải tìm hiểu sâu xa hơn nữa về chính mình và vai trò của mình cũng như chỗ đứng và sứ mệnh của Giáo Hội.

Qua nhiều sinh họat khác nhau, người giáo dân muốn dấn thân trong những phong trào công giáo tiến hành (như Thanh Lao công /Thanh sinh công /Hùng tâm dũng chí v. v.. ). Những phong trào nầy đã làm cho người giáo dân trưởng thành và dấn thân phục vụ Giáo Hội cũng như tha nhân nhiều hơn và đắc lực hơn

 * Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes)

 Với Hiến Chế nầy, dương như Giáo Hội nhận thấy mình cần rất nhiều phải tìm hiểu xã hội loài người để có thể đến gần, tôn trọng, hiểu biết, nhập cuộc và phục vụ thế giới cũng như trao cho thế giới sứ điệp Phúc Am mà Chúa Kitô khi đến trần gian đã muốn mời gọi họ “sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian”.

Có thể nói Hiến Chế nầy là Hiến Chế nói lên được tính “người” nhiều nhất, đầy cảm xúc và yêu thương của một Giáo Hội lâu ngày có vẻ xa lạ với con người :

 * CON NGƯỜI là điểm chính của Giáo Hội : Đức Phaolô Đệ Lục đã đề cao con người đến tận cùng khi nói : “chúng ta có thể quả quyết rằng chúng ta phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa” (Diễn văn bế mạc Công Đồng, 8.12.1965).

 * Thế giới là nơi con người sống. Do đó con người phải xây dựng thế giới nầy. Thế giới với những thực tại của nó, do Thiên Chúa tạo nên, trong đó nhân loại là trung tâm điểm, có nhiệm vụ phát triển thế giới. Những giá trị và quy luật, tất cả điều phải phục vụ con người. Giáo Hội mời gọi con người trần thế nầy có quan điểm của Giáo Hội: thích hợp với bản tính con người được dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, sống trong lòng Giáo Hội, cộng tác với Giáo Hội và phục vụ cho Nước Trời.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II TRÊN XÃ HỘI VIỆT NAM.

 1/Nếu 50 năm trước đây Công Đồng Vatican II được xem như một Công Đồng của Giáo Hội - Giáo Hội nhìn lại mình, Giáo hội nhìn ra thế giới và Giáo hội muốn hội nhập vào xã hội và các nền văn hóa khác, cũng như Giáo hội muốn là Giáo hội của người nghèo, của người giáo dân, thì sau 50 năm chúng ta có thể nào nói được rằng Giáo hội của Công Đồng nầy đã hội nhập vào xã hội VN hay không ?

a) Giáo Hội Việt Nam đón nhận Công đồng Vataican II ( 1962-1965) trong một hoàn cảnh khá đăc biệt : hoàn cảnh chiến tranh kéo dài đến 30. 4. 1975. Hoàn cảnh nầy đã ảnh hưởng nhiều đến cách sống và thi hành công đồng. Có thể nói tại miền Bắc, người tín hữu còn lại cũng như các Giám Mục linh mục không biết gì về Công Đồng vì không có được một liên lạc nào giúp cho giáo hội địa phương có thể cập nhập thông tin. Với Giáo Hội miền Nam, nhờ được biết và cập nhật được thông tin với bên ngoài nên Giáo hội miền Nam được chuẩn bị để thích nghi tốt hơn tinh thần của Công Đồng, mặc dù vẫn có những thành phần nghĩ rằng Công Đồng dường như “chỉ dành cho Giáo Hội Phương Tây !…”

Sau 50 năm Công Đồng hiện hữu, Công Đồng có là của Việt Nam chưa ? Công Đồng với những Sắc Lệnh quan trọng đã được giáo dân và tu sĩ VN biết đến và đã thông đạt chưa ?

b) Chắc chắn Công đồng đã có nhiều ảnh hưởng đặc biệt hơn tại VN khi Giáo hội VN ý thức hơn rằng Giáo hội không ai khac hơn là chính chúng ta, là Dân Thiên Chúa bao gồm mọi thành phần, sống và hiện diện với nhau bằng những gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe, chia sẻ. Điều nầy Giáo Hội/VN cang ý thức hơn và đã gắn bó với nhau thật nhiều trong thời gian mới giải phóng và suốt thời gian dài đến nay, tuy có phần hơi sút kém so với sau biến cố 75.

Là dân Thiên Chúa, làm thành Giáo Hội, sống Tin Mừng giữa lòng dân tộc, ý thức thuộc về Giáo Hội của chúng ta đến đâu ?

c)“Người giáo dân đứng hàng đầu …”- là chủ đề của một bài thuyết trình hấp dẩn của một linh mục Việt Nam thời đó – cũng là một ý thức mà Giáo hội /VN muốn làm nỗi bậc trong Dân Chúa. Với truyền thống lâu đời của người VN trọng kính các bật cha ông tổ tiên cũng như các vị vọng, người giáo dân có thể được xem như công dân hạng hai. Với Công Đồng, trong các sinh họat của Giáo Hội, người giáo dân cĩ được chổ đứng của mình. Nhưng với Việt Nam, vị trị của họ vẫn cịn yếu, phụ thuộc nhiều vào hàng giáo sĩ. Chỉ một số giáo xứ mời gọi giáo dân cộng tác đích thực trong sứ mệnh cứu độ của Giáo hội. Giáo sĩ Việt Nam chưa hoàn toàn tín nhiệm trao trách vụ cần thiết cho giáo dân. Ngại ngùng? Thiếu tin tưởng ? Có khả năng hơn ? Có thể như vậy ?

Còn phần giáo dân thì sao ? Người giáo dân, khi được mời gọi lãnh một sứ vụ, có chịu hợp tác với Giáo Hội, có quảng đại và dũng cảm đứng lên nhận lãnh trách nhiệm tông đồ đó để dấn thân trong vai trò đặc thù mà Thiên Chúa ủy thác cho họ không hay chúng ta dễ dàng sống theo kiểu an nhàn, sợ dấn thân, không muốn có trách nhiệm, không muốn đụng chạm gì đến ai ? Vì như vậy khỏe hơn !

d) Giáo hội của người nghèo : Giúp đỡ và săn sóc người nghèo xưa nay vẫn là một truyền thống trong Giáo hội. Trong nhiều nước hiện nay, Giáo hội không còn những cơ sở bác ái, giáo dục hay xã hội lớn như ngày xưa.

Ý thức của Công Đồng Vatican II lại đặc nặng tầm quan trọng ở chổ “ở với.. ; sống với…; liên đới với …;”. Ý thức sâu sắc nầy đã đem người tín hữu, đặc biệt người tu sĩ đến sống giữa họ, chia sẽ nếp sống đơn hèn và cùng cực của họ. Đối với Việt Nam, nhiều dòng tu nam nữ đã không ngần ngại thành lập những công đoàn nhỏ sống giữa họ và với họ. Nhờ đó Giáo Hội VN đã có một ảnh hưởng tốt đẹp và sâu đậm đối với quần chúng, chuẩn bị cho một số tu sĩ nam nữ sống tình huống mới của một thể chế khc.

Hôm nay đến đâu rồi Giáo Hội của người nghèo ?

e) Công Đồng và biến cố giải phóng : Không thể phủ nhận tầm quan trọng ảnh hưởng của biến cố 75 trên mỗi người chúng ta. Nhưng chắc chắn Công Đồng đã góp phần rất lớn để người công giáo và đặc biệt người tu sĩ được chuẩn bị sống trong tinh thần Phúc Am biến cố vĩ đại nầy. Những gì là quyền hành, đặc ân, giàu có của Giáo Hội điều được dần hồi giảm bớt và người giáo dân cũng như tu sĩ bắt đầu chấp nhận tích cực hơn tình huống mới nầy..

Với thời gian 50 năm nhìn lại….Với thời gian 37 năm sau Giải phóng… Giáo Hội Việt Nam nói chung và chúng ta - tu sĩ nam nữ - nói riêng, tình huống này có còn giúp cho chúng ta sống Tin Mừng của tinh thần nghèo khó, tinh thần chia sẻ ; có còn giúp cho chúng ta xích lại ngần nhau trong bác ái yêu thương theo gương của một mục tử như Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận ? Có còn giúp cho chúng ta trở về với cái tinh tuyền “khí mát của luồng gió mới” mà cố Giáo Hoàng Gioan XXIII mơ ước khi triệu tập Công Đồng hay là tình huống thế gian xảo trá, thành tích đậm nét đã nhiều ít ảnh hưởng trên chúng ta?

2/ Công Đồng và đời tu :Có thể nói được, đời sống tu được ảnh hưởng sâu đậm của Công Đồng. Vatican II đã thực sự đem lại một luồng gió mát cho đời sống tu. Trong Hiến Chế Tín Lý, Giáo hội nhìn vào chính mình để mong canh tân đúng với khuôn mặt của Chúa Kitô. Đời tu là một phần quan trọng của đời sống Giáo hội, do đó cần canh tân đổi mới, mặc dù đời tu có những điều cốt yếu không bao giờ thay đổi cũng như có những điều có thể thay đổi tùy theo thời đại.

Chắc chắn có những thay đổi rõ rệt mà ai cũng thấy được như:

a)    Học hỏi và chia sẻ Lời Chúa trong nhiều dòng. Đời tu trở nên sâu sắt nhưng lại bình dân hơn. Tu sĩ dường như gần gũi với người dân hơn. Nếp sống cũng đặt nặng đến tính cách “hội nhập”môi trường hơn. Nhiều lớp thần học, giáo lý được tổ chức giúp người tu sĩ được nâng cao hiểu biết hơn.

b)    Nhiều dòng nữ muốn thích nghi tu phục của mình cho giản dị và thích hợp với địa phương hơn. Song cũng phải nhìn nhận rằng chỉ sau giải phóng mà thôi đa số các dòng mới thực hiện được ý nguyện nầy.

c)    Các tu sĩ nam nữ cũng được đào tạo chuyên môn kỷ lưởng hơn, nhờ đó họ có thể phục vụ trong nhiều ngành nghề khác nhau, để sinh sống và dấn thân vào đời.

d)    Nói chung, nếp sống của người tu sĩ có trưởng thành hơn so với trước đó. Tổ chức trước đây có tính cách “đoàn”, “nhóm” nhiều, làm áng đi bản lãnh cá nhân. Mặc dù sự tự do có được đôi khi bị lạm dụng vì chưa được chuẩn bị, đi quá mức kỷ luật tối thiểu, muốn vào đời dấn thân lại theo đời khi nào không hay, muốn cổ võ bản thân mà không thấy đó chỉ là phương tiện, làm giảm sút ý nghĩa đời tu.

Đời tu ngày nay, sau 50 năm Công Đồng với hơn 35 năm kinh nghiệm Giải Phóng, như thế nào ? Đời tu có mang tính ngôn sứ như Công Đồng mời gọi và hướng dẫn không ? Tu có thật là cõi phúc làm cho người khác thèm khát nối gót theo chân một Con Người hay chỉ là cơ hội làm triển nở bản thân phục vụ cho một thứ danh vọng truyền kiếp nào đó ?

III- DẤN THÂN XÃ HỘI CỦA NGƯỜI TU SĨ THEO CÔNG ĐỒNG VATICAN II

 1/ Vài đặc điểm của Công ĐồngVatican về con người sống trong xã hội

a) Con người có bản tính xã hội, có cùng chung một đích.

b) Vì vậy con người cần đến xã hội để phát triển.

c) Do đó con người phải xây dựng xã hội và tôn trọng ích chung nhằm cổ võ quyền lợi cá nhân.

d) Xã hội phải tôn trọng nhân vị mọi người và tạo mọi điều kiện tốt để con người chu toàn sứ vụ của mình.

Công đồng cho thấy rõ con người là trung tâm điểm và mục đích của sinh họat kinh tế xã hội phải phục dịch con người. Cũng vậy xã hội cần phải loại trừ sự bất bình đẳng, bất công để tất cả có thể sống hài hòa.

2/Từ đó rút ra những hệ luận cần thiết cho việc dấn thân xã hội của người tu sĩ :

 a) Phúc âm hoá các nền văn hóa là một đòi hỏi đối với các cộng đoàn bao gồm những người được thánh hiến. Thiên Chúa luôn cật vấn chúng ta bằng những dấu chỉ của thời đại, vì thế chúng ta quan tâm đến những nhu cầu của thế giới và của Giáo Hội.

  b) Người tu sĩ phải:

* phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa biết Đức Kitô.

 * tạo lập quan hệ với những người không có tín ngưỡng, với những người theo tôn giáo khác hay những ngừơi thuộc các cộng đồng Kitô giáo ngòai công giáo.

 * giúp phát triển con người trong các lãnh vực giáo dục, y tế và xã hội.

 c) Luôn đặc câu hỏi: * Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội đia phương đang kêu gọi chúng ta làm gi?

 * Những miền nào đang bị bỏ rơi và những thiểu số nào chưa được tiếp xúc với giáo dục văn hóa ?

 * Chúng ta có thao thức đáp ứng những nhu cầu ưu tiên không, dù đôi khi phải bỏ những công trình đã được chúng ta thiết lập hoặc những cộng đồng tín hữu đang được chúng ta đảm trách ?

 * Những mục tiêu nào là những mục tiêu ưu tiên của chúng ta ?

 d) Tháp nhập vào các nền văn hóa của chính dân tộc mình hoặc những nền văn hóa khác. Muốn như vậy phải :

* Biết ngôn ngữ, các điều kiện xã hội. Kinh tế, chính trị, văn hóa và các tín ngưỡng của môi trường ;

* Lắng nghe bằng cách đối thoại để xây dựng.

* Chọn một lối sống đơn giản, chứng tá trong môi trường sống.

e) Họat động cho công lý, cho sự phát triển và giải phóng toàn diện con người bằng cách sống những gía trị Phúc Âm về công lý, hòa bình và giải phóng. Đó là một đòi hỏi của công cuôc phúc âm hóa.

 3/ Có những phương tiện nào giúp cho mục đích nầy không ?

     a) Cùng với Giáo Hội địa phưong, tìm hiểu tình hình cụ thể của đất nước, phân tích, mổ xẻ và tập luyện cho cá nhân cũng như cho cộng đoàn để có được khả năng biền biệt điều hay điều dở ;

     b) Giúp mình ý thức các vấn đề liên quan đến công lý và hòa bình trên bình diện quốc gia và quốc tế. Từ đó kiểm điểm đời sống dưới ánh sáng Phúc Âm vá các văn kiện giáo hội, để có được lập trừong dứt khóat với những hoàn cảnh bất công.

     c) Làm cho chúng ta cùng vời những người xung quanh có được ý thức ngày càng nhạy bén hơn về các vấn đề xã hội.

     d) Cùng với những người đang đau khổ, chúng ta tìm những biện pháp thích hợp với Phúc âm nhằm giải quyết tình cảnh của họ, để giúp họ trở thành những người chủ động phát triển chính bản thân mình.

4/ Một số ví dụ điển hình:

a)Trước 1975 :

 * Giới trẻ học sinh sinh viên luôn ở thế bị động : không học hành được vì luôn có những cuộc biểu tình xuống đường. Một vài Dòng nam/nữ đã chấp nhận mở cửa đón tiếp người trẻ để hướng dẩn họ trong một hoàn cảnh hoàn toàn căng thẳng.

* Một số Trung Tâm được mở để họ có nơi tá túc học hành.

 * Một số linh mục tu sĩ đã thành lập những phong trào thanh sinh công/thanh lao công v. v… để đào tạo và huấn luyện thanh thiếu niên sống Phúc âm giữa môi trường của mình.

 * Các Sư Huynh mở Trung Tâm “THÀNH NHÂN “đào tạo ngươi tu sĩ trong lãnh vực thần học.

 * Các lớp dự bị hôn nhân /sinh ngữ /các khóa giáo lý v. v… đã giúp đỡ rất nhiều cho tất cả để thích nghi được với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ mới được giải phóng.

 b)Từ Giải Phóng :

* Những cuộc gặp gỡ hàng tháng của Liên Tu Sĩ chắc chắn đã đi sâu vào lòng bao tu sĩ nam nữ giúp họ sống dấn thân tích cực hơn, đồng thời cũng là một dịp học hỏi thêm vì có dịp chia sẻ trao đổi với các anh chị dòng khác, điều mà trước đây không thể có được.

* Các lớp thần học 3 năm, các khóa thần học 1 tháng cũng đã nâng cao trình độ giáo lý thần học cho tu sĩ nam nữ, cũng cố đời sống đức tin cũng như dấn thân xã hội của họ trong một thế giới chuyển mình không ngừng.

* Các lớp hoặc các khóa tu nghiệp chuyên môn giúp cho người tu sĩ phục vụ có hiệu quả hơn.

* Có dòng ngay từ 1980 đã dám mở lớp học “tình thương” mặc dù đã phải trải qua bao khó khăn. Nhưng sau khi đã giải thích và «lầm lì”, cũng dần hồi trở thành hợp pháp. Và cứ như thế, năm nầy qua năm khác, nhiều dòng đã dấn thân trong lãnh vực giáo dục, để ngày nay, các vườn trẻ Mẫu giáo của các dòng được tương đối chấp nhận vá đánh giá cao. Con số 300-500 học sinh nói lên được điều nầy.

* Có những phòng khám từ thiện đã gây nhiều cảm tình và lợi ích cho người dân nghèo không đủ điều kiện để vào bệnh viện. Không những tại thành phố HCM, người dân được khám chữa trị mà còn những vùng xa vùng sâu, nhiều nhóm cùng với phái đoàn các bác sĩ tình nguyện mỗi tháng đi khám cho người dân.

* Có những dòng nam nữ cũng như giáo dân, qua các nhóm tư âm thầm quảng đại dấn thân phục vụ cho những người nhiễm HIV hoặc được chính thức mời gọi từ chính quyền qua Tòa Tổng Giám Mục. Những người tình nguyện nầy đã để lại một ấn tương sâu sắc trong lòng bệnh nhân.

 * Có những nơi, khiếm tốn hơn, nhưng không kém phần hữu hiệu, đã cố gắng tạo nghề cho một số thanh thiếu niên- như mộc, may, sửa chữa máy móc, dạy vi tính v. v…

 * Có những mái ấm cho trẻ bụi đời nam nữ quy tụ những mãnh đời lang thang kiếm sống giữa một xã hội đầy cạm bẫy đã chắc chắn ghi sâu vào lòng trẻ cũng như những người viếng thăm một dấu ấn khó phai nhạt như MÁI ẤM THANH XUÂN trước đây.

c) Trong hai thập niên gần đây :

 * Các Trường Mần Non được thiết lập hần như trên mọi tỉnh thành thôn xã v.v.. giúp cho việc giáo dục trẻ em rất thiết thực và hữu ích. Nơi nơi đều thiếu chỗổ cho trẻ khi năm học về. Từ chối các phụ huynh đến từ sáng sớm đăng ký cho con em mà các nữ tu phải bức xúc, khổ sở…

 * Những nữ tu trong ngành y , lắm lúc phải hy sinh bản thân nhiều để đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện khi một Giám Đốc đến mời gọi dấn thân trong bệnh viện vì “rất cần đến một Nữ tu Y tá !”. Nói gì nữa trong lãnh vực chuyên chăm sóc cho các bệnh nhân HIV ? Chánh quyền phải hợp tác với các vị lãnh đạo tôn giáo , cách riêng công giáo để một lực lượng tu sĩ nam nữ các dòng khác nhau lãnh phần trách nhiệm tại Trọng Điểm Sida , sau trở thành BV NHÂN ÁI.

 *Trong lãnh vực giáo dục, dòng Nữ Đức Bà hợp tác với địa phương Nhà Bè để có được những lớp cấp 2 giải quyết vấn đề thất học cho các trẻ nghèo…

Đó là một số công việc điển hình mà tinh thần Công Đồng đã gợi hứng cho người tu sĩ dấn thân phục vụ tha nhân và xã hội. Không có Công Đồng Vatican II, chắc chắn thế giới nói chung và Giáo Hội VN nói riêng có thể vẫn còn sống trong vỏ ốc vỏ sò của cái riêng mình.

Mặc dù Công Đồng đã đi qua lịch sử của 40 năm - một thời gian cũng khá dài-nhưng có bao người vẫn còn xa lạ với các văn kiện ? Người tu sĩ trẻ nắm bắt chăng những kho tàng rất phong phú - vẫn còn giá trị hợp thời - của một Công Đồng vĩ đại nhất của lịch sử Giáo Hội ?

LỜI KẾT

Để được vui mừng thấy nhiều hoa qủa tươi ngọt, xin mời gọi tất cả những ai yêu mến Giáo Hội hãy dừng chân tìm về nguồn cội, múc lấy cho mình và cho tha nhân, sức SỐNG DỒI DÀO của Công Đồng Vatican II trào vọt từ lòng Yêu Thương của Giáo Hội để mong vung tỏa cho muôn lòai sự tươi mát êm dịu từ những huấn từ đầy tính sư phạm và thương yêu của một NGƯỜI MẸ luôn MỚI MẺ TRẺ TRUNG, ĐẦY SỨC SỐNG.

 NT. Trần Thị Quỳnh Giao – FMM.