VÌ TÌNH YÊU CHÚNG TA PHẢI LÀM NHIỀU HƠN NỮA

...nếu chúng ta chỉ hài lòng với những giới luật Chúa dạy, chúng ta mới chỉ là người "quen biết" với Chúa, chưa phải là người yêu Chúa. Nếu chúng ta không muốn làm điều gì tích cực hơn nữa, chính là vì chúng ta thiếu tình yêu, chúng ta chưa yêu Chúa và thương tha nhân.

 

VÌ TÌNH YÊU CHÚNG TA PHẢI LÀM NHIỀU HƠN NỮA

Chủ đề: "Chỉ cần chúng ta tiến về phía Chúa một bước, 
thì Ngài sẽ chạy về phía chúng ta mừơi bước"

James Kallam kể lại một mẩu chuyện vui trong các bài viết của ông như sau: Cách đây nhiều năm, có một thanh niên làm nghề bán sách rong từ nhà này đến nhà kia, anh đến hành nghề tại một vùng quê nọ. Một hôm, anh vào nhà một nông gia, ông này đang ngồi trên chiếc ghế xích đu ở cổng trước. Chàng thanh niên đến gần người nông dân nhiệt tình ngỏ lời: "Thưa ông, tôi có bán một cuốn sách chỉ cách canh tác sinh lợi gấp 10 lần cách ông đang làm".

Người nông dân chẳng thèm ngước lên. Ông tiếp tục đong đưa chiếc ghế đu. Cuối cùng, sau vài phút, ông ta liếc mắt nhìn chàng thanh niên rồi nói; "Này anh bạn trẻ, tôi chả cần sách của anh, tôi cũng biết làm thế nào để canh tác sinh lợi gấp 10 lần cách thức tôi hiện đang làm".

***

Câu chuyện trên giúp ta hiểu rõ điều Chúa Giêsu đang nói trong bài Phúc Âm hôm nay. Người nông dân có khả năng canh tác tốt hơn nhưng ông ta lại thiếu nhiệt tình để dấn thân làm điều ấy. Chàng thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng cũng dư sức làm nhiều hơn là chỉ tuân giữ các giới luật, nhưng anh ta chả có nhiệt tình để làm điều ấy. Bài Phúc Âm hôm nay nói thẳng cho ta thấy Kitô giáo không chỉ hệ tại việc tuân giữ các lệnh truyền. Chúa Giêsu tra vấn anh chàng giàu có về sự tuân giữ lệnh truyền như là khởi điểm cho đời sống Kitô hữu. Chàng trả lời là đã tuân giữ tất cả lệnh truyền ấy, tức là chưa hề làm gì thương tổn ai… Về điểm này Chúa Giêsu tỏ ra thán phục anh ta. Nhưng đồng thời Ngài lại cho chàng ta thấy rõ Kitô giáo không chỉ là việc tuân giữ các huấn lệnh tiêu cực ấy như đừng trộm cắp hay lừa đảo…. Kitô giáo mang tính tích cực hơn nhiều: Ngài nói thẳng với anh chàng giàu có:

"Anh chưa bao giờ gây thương tổn cho ai quả là đáng khen, nhưng anh đã làm gì để giúp đỡ ai chưa? Anh đã biết dùng của cải để cho kẻ đói ăn, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ vô gia cư trú ngụ chưa?"

Chính khi nghe điều này anh chàng giàu có kia nhận ra mình vẫn còn khiếm khuyết biết bao. Vì vậy Chúa Giêsu bèn thách thức anh: 'Nếu muốn theo tôi thì anh hãy thay đổi cách nhìn đi, đừng chỉ nhắm đến sự tốt lành một cách tiêu cực, tỉ như không gây thiệt hại cho ai – và anh hãy nhắm sống tốt lành một cách tích cực hơn, chẳng hạn như giúp đỡ người khác. Cứ thực hành điều này, anh sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay trong cuộc sống này và cả trong cuộc sống mai sau"

Thách đố Chúa Giêsu đặt ra cho anh chàng giàu có thể tóm lược như sau; Anh có dám chấp nhận mọi thiệt thòi để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mà anh mong muốn không? Anh có quan niệm bước theo tôi là bị thiệt thòi không? Nghĩa là anh có sẵn sàng hy sinh của cải của anh để được sống vĩnh cửu, cũng như để theo tôi không?

Anh chàng giàu có trả lời:
- Thưa thầy, tôi cũng muốn theo Ngài lắm, nhưng tôi không muốn chấp nhận sự thiệt thòi kia;

Thế là anh chàng thanh niên giàu có đành từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu. Việc dùng của cải không chỉ cho bản thân và gia đình xem ra là một hy sinh quá lớn đối với anh.

Điều này bày ra trước mắt mỗi người chúng ta ngay bây giờ hình ảnh sau: Nhiều người trong chúng ta giống như anh nông dân ngồi chơi trước cổng nhà. Chúng ta biết rõ chính mình có thể trở thành một Kitô hữu, tốt hơn gấp mười lần tình trạng hiện nay nhưng chúng ta vẫn thiếu nhiệt tình để làm điều ấy.

Chúng ta khác nào anh chàng giàu có trong Phúc Âm hôm nay. Chúng ta cũng đã tuân giữ những luật truyền, nhưng chúng ta vẫn chưa đủ quảng đại hết sức có thể đối với những người túng thiếu, kẻ trần trụi và người đói khát.

Vì công việc đó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, phải can đảm và phải khôn ngoan sáng suốt để nhận ra rằng sự hy đó là cần thiết để đem lại an bình và vui tươi trong tâm hồn. Và để có thể hy sinh và chấp nhận những thiệt thòi đau khổ đó, điều hết sức quan trọng là phải có một động lực mạnh để thúc đẩy ta, và động lực đó chính là tình yêu: yêu Thiên Chúa và thương tha nhân. Tình yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta làm nhiều hơn những đòi hỏi tiêu cực của lề luật: cấm hại người, cấm gian dối, cấm trộm cắp… Một thanh niên yêu một thiếu nữ sẽ không chỉ hài lòng với việc không làm hại cô ấy, không nói dối, không xúc phạm đến cô ấy.. Tình yêu khiến anh phải làm hơn như thế rất nhiều, và nếu không làm hơn được như thế, chắc chắn đó không phải là tình yêu. Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ hài lòng với những giới luật Chúa dạy, chúng ta mới chỉ là người "quen biết" với Chúa, chưa phải là người yêu Chúa. Nếu chúng ta không muốn làm điều gì tích cực hơn nữa, chính là vì chúng ta thiếu tình yêu, chúng ta chưa yêu Chúa và thương tha nhân.

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã biết mình phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt hơn gấp mười lần hiện nay, nhưng chúng ta đã không làm, vì chúng ta thiếu tình yêu, thiếu nhiệt tình. Cũng như anh chàng nông dân ngồi trên ghế xích đu kia, anh đã biết rõ phải làm gì để canh tác có hiệu quả gấp mười lần phương pháp anh đang làm, nhưng anh đã không thèm làm. Lý do có thể là anh ngại ngùng phải bỏ vốn ra nhiều hơn, phải bỏ ra nhiều công sức hơn, phải mệt mỏi hơn. Lý do sâu xa hơn khiến anh ngại là vì anh chưa thấy nhu cầu của vợ con anh đang càng ngày càng tăng lên, hay anh chưa đủ quan tâm đến những nhu cầu ấy, hay nói cách khác đi là tình yêu của anh đối với những người thân của mình chưa đủ mạnh để thúc đẩy anh hoạt động, làm những gì phải làm và nên làm.

Tình trạng đó Thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm được nơi con người của ngài. Ngài viết: "Quả thực ngay những gì điều tôi làm tôi cũng không hiểu được nữa, vì những gì tôi muốn thì tôi lại không làm, còn những gì tôi không muốn thì tôi lại cứ làm" (Rm 7:15). Và ngài đã giải thích tình trạng đó như sau: không phải là tôi hành động, mà là tội lỗi ở trong tôi đã hành động (Rm 7:20). Và theo ngài chỉ có Đức Kitô mới có thể cứu ta ra khỏi tình trạng ấy. (Rm 7:24). Do đó, muốn thoát khỏi tình trạng ù lỳ không chịu làm những gì cần phải làm, ta phải tin tưởng vào ngài đã đến để giải phóng ta khỏi tình trạng đó, và ta cũng phải hết lòng yêu mến ngài qua những người sống bên cạnh ta, chung quanh ta. Chỉ có tình yêu mới giải phóng ta khỏi tình trạng ù lỳ đó. Tình yêu phát sinh sức mạnh.

Rất nhiều người trong chúng ta có tâm trạng hài lòng vì mình đã theo được chính đạo, và tự mãn vì mình đã giữ luật Chúa một cách trọn vẹn từ hồi nhỏ, giống như anh chàng thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là một điều rất đáng khen, và Thiên Chúa cũng rất hài lòng vì ta đã sống được như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhìn chàng thanh niên đó một cách thiện cảm và đem lòng yêu thương. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn kêu mời chúng ta đi xa hơn một bước kia, là sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa cho Thiên Chúa và tha nhân. Đang khi bên cạnh chúng ta còn biết bao nhiêu người nghèo khổ túng thiếu, hay cần tới sự giúp đỡ cụ thể của chúng ta, chúng ta không thể vừa nói mình yêu Chúa lại vừa làm ngơ hay phớt lờ những nhu cầu của họ. Tình yêu thúc đẩy ta phải làm một cái gì cụ thể để thoả mãn phần nào những nhu cầu đó của anh em. Và chúng ta cũng cần phải có con mắt nhận xét và tâm hồn nhạy bén để nhận ra những nhu cầu ấy nơi những người sống gần mình nhất. Để đi vào cụ thể, tôi xin đề nghị với anh chị em là mỗi ngày chúng ta dành ra ít phút suy nghĩ để xét xem những người ở gần ta có nhu cầu gì mà ta có thể giúp đỡ cụ thể được, và chúng ta quyết định mỗi ngày làm một hai việc cụ thể giúp ích cho người khác, việc đó càng buộc ta phải hy sinh, thiệt thòi, mất mát thì càng tốt, và tối đến ta xét lại xem mình đã thực hành quyết định đó thế nào. Làm được như thế, chính là đã áp dụng phần nào tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Để kết thúc, tôi xin nhắc lại lời kinh Cáo Mình mà chúng ta đọc mỗi khi chuẩn bị dâng Thánh Lễ, trong đó có câu; "tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót". Tôi xin nhấn mạnh đến "những điều thiếu sót", là những gì mà chúng ta đáng lẽ phải làm, nên làm, mà chúng ta đã không làm. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải ra tay cứu giúp người khác mà ta đã không ra tay. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải hy sinh cho người khác mà ta đã không hy sinh, vì chúng ta không muốn bị thiệt thòi, bị mất mát, bị phiền hà, là những lần đáng lẽ chúng ta phải bỏ tiền bạc ra để cứu giúp ai đó, nhưng vì tính bỏn xẻn, tính toán, khiến chúng ta lại thôi. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải can đảm đứng ra bênh vực lẽ phải, nhưng vì sợ bị liên lụy, sợ bị lôi thôi, mà chúng ta đành làm ngơ để cho bất công được tự do hoành hoành. Mỗi lần đọc kinh Cáo Mình khi dâng Thánh lễ, chúng ta phải nghĩ đến những thiếu sót đó.

Cha Mark Link, S.J.

BÁNH & NƯỚC

Chủ đề: "Chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ người khác 
chứ không phải để được người khác phục vụ"

Câu cuối cùng trong bài Phúc Âm ngày hôm nay là một trong những câu hỏi nổi bật nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta hãy nghe lại câu ấy: "CON NGƯỜI không đến để được phục vụ, nhưng để Phục vụ và hiến thân cứu chuộc nhiều người". Ít câu nào trong Kinh Thánh tóm tắt được cuộc đời Chúa Giêsu một cách hoàn hảo như thế.

Lần đầu tiên nghe nói về cuộc đời Chúa Giêsu, một Kitô hữu Nhật Bản nổi tiếng tên là Kagawa kêu lên: "Lạy Chúa, xin cho con nên giống Đức Kitô của Ngài". Và để nên giống Đức Kitô hơn, Kagawa đã từ bỏ căn nhà tiện nghi để đến sống trong những khu tồi tàn vùng Tokyo. Ở đó, ông chia sẻ chính bản thân và của cải mình cho bất cứ ai cần sự giúp đỡ. Trong cuốn sách nhan đề "Quyết Ðịnh Nổi tiếng Về Cuộc Ðời" (Famous Life Decision), Cecil North Cott viết: Kagawa đã cho đi hết áo quần của mình, và chỉ mặc trên người chiếc áo thụng rách nát tả tơi; vào một dịp khác, dù lâm bệnh rất nặng, ông vẫn tiếp tục thuyết giáo dưới cơn mưa, miệng lập đi lập lại không ngừng, "Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa là Tình yêu. Ở đâu có tình yêu ở đấy có Thiên Chúa".

William Barclay cho chúng ta thấy tâm hồn và trí tuệ của Kagawa qua những lời của Kagawa mà ông trích dẫn như: "Chúa ở trong tâm hồn những người hèn mọn nhất, Ngài hiện diện giữa những kẻ ăn xin, Ngài nằm chung với những người bệnh hoạn, Ngài đứng về phía những người thất nghiệp. Vì thế, ai muốn gặp Thiên Chúa thì hãy đến thăm tù ngục trước khi đi tới đền thờ, hãy đến thăm tù ngục trước khi đi tới đền thờ, hãy đến thăm bệnh viện trước khi đi dự lễ, hãy giúp đỡ kẻ nghèo khổ trước khi đọc Kinh Thánh.

Khi đọc về một người như Kagawa, chúng ta nên tự vấn chính mình; chúng ta phải làm sao để có thể sống Phúc Âm một cách nghiêm chỉnh hơn trong đời sống mình? Phải làm sao để bắt chước đời sống phục vụ của Chúa Giêsu một cách thiết thực hơn? Phải làm sao để trở thành Kitô hữu đích thực hơn trong chính gia đình và trong môi trường làm việc của mình?

Dĩ nhiên không ai có thể trả lời dùm chúng ta, vì đây là những câu hỏi mà chúng ta phải tự trả lời lấy, nghĩa là mỗi người đang hiện diện ở đây sẽ phải trả lời những câu hỏi ấy theo cách thức của mình. Tuy nhiên, đừng bao giờ vịn cớ rằng: "Tôi không thể đến những khu tồi tàn ở Tokyo để sống giống như Kagawa đã làm", để rồi chúng ta chẳng làm gì nữa cả; vì nếu chúng ta không thể làm được một điều thật can đảm, thật anh hùng, thì điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn có thể làm được bất cứ việc gì khác.

Tất cả chúng ta đều có thể làm một điều gì đó dù rất là nhỏ bé và xem ra vô nghĩa, khởi đầu là cho chính những người thân trong gia đình chúng ta, rồi từ đó chúng ta sẽ có những may mắn mở rộng việc phụng sự ra môi trường xa hơn, còn nếu chúng ta không khởi sự ngay từ gia đình mình thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ khởi sự được ở bất cứ nơi nào khác.

Sau đây là một trong những ví dụ hấp dẫn nhất nói về việc phục vụ tha nhân khởi sự từ chính gia đình mình. Đó là câu chuyện được đăng trong tạp chí Leadership (Giới lãnh đạo) cách đây ít lâu:

Một cậu bé nọ cứ cố tình đi học về trễ hoài mà chẳng có lý do gì chính đáng cả, dù đã có biết bao lời khuyên nhủ răn bảo cậu. Cuối cùng, vì quá thất vọng, bố cậu bảo cậu ngồi xuống và nói; "Lần sau con còn về trễ nữa là con chỉ được ăn tối bằng bánh mì với nước lã thôi, ngoài ra không được ăn thứ gì khác nữa nhé. Con nghe rõ chưa?" Cậu bé nhìn thẳng vào mắt cha và gật đầu. Cậu đã hoàn toàn hiểu ý bố cậu.

Vài ngày sau, cậu bé về nhà còn trễ hơn bình thường nữa, Mẹ cậu gặp cậu ở cửa song chẳng nói một lời. Cha cậu gặp cậu trong phòng khách nhưng cũng vẫn chẳng nói lời nào với cậu. Tuy nhiên, tối hôm ấy, khi mọi người quây quần bên bàn ăn, trái tim cậu bé như muốn thót lại khi thấy đĩa cha cậu chất đầy thức ăn, đĩa của mẹ cũng thế, còn đĩa của cậu thì chỉ có một khúc bánh mì, bên cạnh có một ly nước lã, trông hiu quạnh làm sao! Đầu tiên cậu liếc nhìn miếng bánh, sau đó lại nhìn qua ly nước lã. Đây chính là hình phạt bố mẹ cậu đã nói trước với cậu, đáng buồn hơn nữa là tối nay cậu lại cảm thấy đói quá chừng.

J. Allan Peterson, tác giả câu chuyện đã mô tả diễn tiến sự việc như sau: "Người bố chờ cho bầu khí căng thẳng lắng xuống đoạn lặng lẽ cầm chiếc đĩa của cậu đặt trước mặt ông, rồi cầm chiếc đĩa của ông đặt trước mặt cậu bé…" Cậu bé chợt hiểu ngay điều bố cậu đang làm. Bố cậu đã nhận hình phạt mà lẽ ra chính cậu phải chịu vì hành vi bê bối của riêng cậu…. Mãi nhiều năm về sau, chính cậu bé ấy vẫn nhớ đến biến cố và nói: "Chính nhờ hành vi bố tôi đã làm tối hôm ấy, mà suốt cả đời, tôi đã hiểu được Thiên Chúa tốt lành biết bao!".

Câu chuyện trên giúp ta hiểu thật dễ dàng điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ qua lời Ngài nói trong Phúc Âm hôm nay; "Con Người…. đến… để hiến mạng cứu chuộc nhiều người". Đức Giêsu đã đến trong thế gian để làm cho chúng ta điều mà bố cậu bé đã làm cho cậu. Ngài đến để đền tội lỗi chúng ta bằng chính cái chết của Ngài trên thập giá.

Vậy, để kết thúc, chúng ta hãy nhớ rằng bài Phúc Âm hôm nay đưa ra cho chúng ta một thách thức; Đó là chúng ta phải hiến mạng sống mình để phụng sự tha nhân như Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta và nơi chốn tốt nhất để khởi sự việc này là chính gia đình ta và môi trường làm vịêc của ta. Nếu chúng ta khởi đầu từ những môi trường này, chúng ta sẽ mở rộng được lòng yêu thương phục vụ của chúng ta sang những môi trường khác nữa.

Biết đâu vào một thời gian nào đó, chúng ta sẽ có dịp phục vụ kẻ khác cũng quảng đại như Kagawa đã làm nơi những căn nhà tồi tàn vùng Tokyo. Chúng ta sẽ có thể có dịp phục vụ tha nhân cũng quảng đại như người bố trong câu chuyện đối với đứa con hư của mình. Tuy nhiên, trước khi chúng ta hy vọng có thể bay được thì chúng ta phải tập đi bộ đã. Và bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta bắt đầu tập đi bộ, mời gọi chúng ta bắt đầu phục vụ lẫn nhau, ngay từ trong gia đình và môi trường làm việc của chúng ta; Đó chính là lời mời gọi chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu là Đấng đã phán"

"Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và hiến mạng sống cứu chuộc nhiều người".

Cha Mark Link, S.J.

 

Tìm sự bình an của Chúa

 

An Nhiên

 

 

Một trong những bảo đảm chúng ta có được khi làm việc cho Chúa chính là chúng ta sẽ không bao giờ sợ hết việc - chúng ta sẽ không bao giờ bị thất nghiệp. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37).

Điều tuyệt vời về công việc của Chúa chính là nếu chúng ta làm việc cho Ngài, chúng ta sẽ biết rằng những gì chúng ta làm sẽ không vô ích, nhưng tất cả đều được khen thưởng và có giá trị vĩnh cửu! Những việc chúng ta làm sẽ sống mãi nơi cuộc sống của những ai chúng ta tác động đến. 

Có rất nhiều việc và có rất nhiều những thôi thúc mạnh mẽ để làm tất cả những gì chúng ta có thể làm vì Chúa và tha nhân, nên đôi khi rất dễ dàng cảm thấy gánh nặng và căng thẳng. Satan rất muốn làm cho chúng ta cảm thấy tự trách bản thân vì làm chưa đủ, rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn, hoặc chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa để trở nên hữu ích hơn cho Chúa. Đó chính là mánh khoé của Satan nhằm khiến bạn bận rộn và sao lãng thời gian nghỉ ngơi và yêu mến Chúa, và rồi bị kiệt sức; hoặc khiến bạn tự trách bản thân, và rồi rơi vào tình trạng căng thẳng hơn về tất cả những gì bạn không thể làm.

Bạn vô cùng quý giá đối với Chúa. Và mặc dù chúng ta cần phải cố gắng hết sức vì Chúa Giêsu, và có những lúc Chúa yêu cầu chúng ta phải tập trung đầu tư nhiều hơn trong một lĩnh vực nào đó, hoặc ban cho chúng ta những chỉ dẫn để làm thế nào chúng ta trở nên hiệu quả hơn, nhưng cũng rất quan trọng khi chúng ta học biết cách làm việc bằng sức mạnh của Chúa và không để bản thân vượt qua giới hạn của chính mình, và kết quả là chúng ta làm việc kém hiệu quả và kém hữu dụng cho Chúa.

Căng thẳng không giúp bạn hoàn thành được nhiều việc hơn, bởi vì bạn có quá nhiều việc để làm đến nỗi bạn không thể làm được bất cứ việc gì, vì thế, căng thẳng không giúp ích được gì cho bạn. 

Trên thực tế, căng thẳng cản trở bạn, bởi vì nó gây thêm sự căng thẳng nơi hệ thống thần kinh, và làm bạn chậm lại bởi vì năng lực trí tuệ của bạn bị suy giảm do căng thẳng. Thêm vào đó, căng thẳng làm bạn muốn cắt bớt thời gian đọc Lời Chúa, thời gian nghỉ ngơi, thời gian thư giãn, tất cả những điều đó đều cần để duy trì hoạt động. Nó khiến bạn trở thành người hay cáu gắt và khó có thể làm việc cùng, và nó cướp mất niềm vui cuộc sống của bạn.

Thường thì những khoảng bạn cắt bớt khi căng thẳng thưởng là những khoảng quan trọng nhất: cầu nguyện nhiều hơn và dành thời gian với mọi người, và trên tất cả là dành thời gian với Chúa.

Vì thế, không ích lợi gì khi để bản thân căng thẳng. Việc học cách nhận biết ngay khi mới bắt đầu căng thẳng có lẽ là một trong những thói quen làm việc tốt nhất mà bạn nên tập. Và đó không chỉ là thói quen làm việc quan trọng, nhưng còn là nguyên tắc thuộc về tinh thần rất quan trọng - đó chính là thói quen dâng những lo lắng của bạn cho Chúa và luôn dành thời gian với Ngài trước hết.

Việc quá bận rộn và có rất nhiều điều phải làm nhưng không hề căng thẳng là điều hoàn toàn có thể. Bí quyết đó chính là tin tưởng vào Chúa, biết rằng Ngài biết việc của Ngài rõ hơn bạn và sẽ giúp bạn hoàn thành tốt nhất nếu bạn siêng năng cầu nguyện và trông cậy nơi Ngài.

Ngay cả khi bạn vô cùng bận rộn và bị vây quanh bởi rất nhiều nhu cầu cấp thiết, và bạn biết bạn sẽ không thể nào hoàn thành tất cả, bạn vẫn không nên để cho bản thân chịu áp lực. Căng thẳng gây cản trở công việc. “Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài” (Is 26,3).

Bạn vô cùng quý giá đối với Chúa và bạn sẽ làm nên một sự khác biệt to lớn trong cuộc sống của những người mà Ngài dùng bạn để đến với họ. Vì thế, hãy quan tâm đến bản thân - bạn thuộc về Ngài!

Sau đây, hãy cùng nhau tìm hiểu xem căng thẳng thực sự là gì, và làm thế nào để tránh căng thẳng.

Căng thẳng chính là sợ hãi - sợ rằng bạn sẽ không đạt được mục tiêu hoặc kịp thời hạn; sợ rằng bạn sẽ không có được nguồn tài chính bạn cần; sợ rằng bạn sẽ làm người khác thất vọng; sợ rằng bạn sẽ không có đủ khả năng; sợ rằng công việc sẽ trễ nãi nếu bạn không vội. Sợ hãi sẽ làm bạn tê liệt. Sợ hãi và căng thẳng không ích lợi gì; bởi vì chúng sử dụng quá nhiều năng lượng vào trong việc lo lắng và căng thẳng.

Công việc quan trọng nhất bạn cần làm chính là lắng nghe Chúa: dừng lại, nhìn ngắm và lắng nghe. Nếu bạn vội vã để hoàn thành điều gì đó bạn nghĩ cần phải làm tức thì, bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ, bởi vì bạn quên mất việc dừng lại và lắng nghe Chúa.

Hãy bình tĩnh, hãy chậm lại, chậm nhưng chắc, và việc thể thiện thái độ tin tưởng, trông cậy không chỉ là thái độ khôn ngoan, mà còn làm rạng danh Chúa. Hành động của bạn nói cho mọi người biết rằng Chúa đang điều khiển bạn, rằng bạn tin tưởng Chúa sẽ hoạt động thông qua bạn và giúp bạn hoàn thành mọi việc đúng thời hạn. Bạn có thể làm việc chăm chỉ, bạn có thể làm những việc Chúa gửi đến cho bạn, bạn có thể nhận thấy rằng thời gian hạn hẹp và cố gắng trung thành làm những gì Ngài giao cho bạn, nhưng bạn phải biết ai là Đấng điều khiển mọi thứ.

Đó là công việc của Chúa, và Ngài quan tâm hơn bất kỳ ai khác. Ngài quan tâm đến những con chiên lạc của Ngài và quan tâm đến tất cả những con cái Ngài. Tuy nhiên, Cha trên trời kiến tạo cuộc sống theo cách bạn chỉ có thể sống từng phút, từng giờ, từng tuần, từng tháng và từng năm một; không hơn không kém. Hãy làm những gì bạn có thể làm trong phút này, giờ này, ngày này, tuần này, tháng này, năm này, và rồi phó thác những gì còn lại trong tay Chúa.

Căng thẳng chính là kẻ thù chống lại kế hoạch và thánh ý của Chúa, bởi vì khi bạn cảm thấy căng thẳng, điều đầu tiên thường bị đẩy ra khỏi thời khoá biểu của bạn là gì? – Đó là thời gian của bạn với Chúa, thời gian yên tĩnh, thời gian để yêu thương người khác, thời gian nghỉ ngơi và bồi dưỡng cùng Chúa. Nhưng bạn không thể làm việc của Chúa mà không có sức mạnh của Ngài!

Một cách để tránh căng thẳng chính là khi bạn nhận thấy mình bắt đầu chịu áp lực bởi những gì cần phải hoàn thành, hãy dừng lại và hỏi Chúa những gì phải làm. Hãy nói với Chúa chính xác những gì bạn nghĩ, hãy giải thích tính cấp bách của công việc, và Ngài sẽ xoa dịu những căng thẳng của bạn và trấn an tâm trí bạn khi Ngài chỉ cho bạn biết cách hữu hiệu nhất để hoàn thành ý định của Ngài. Ngài cũng sẽ nhắc bạn nhớ rằng chỉ có Ngài mới có thể giúp bạn hoàn thành những gì cần hoàn thành, và rằng sự lo lắng, căng thẳng và hối hả điên cuồng của bạn chỉ sẽ làm hao tổn năng lượng vô ích.

Một nhược điểm khác của việc để cho bản thân chịu áp lực chính là bạn rất dễ quên việc nhận biết Chúa, và chắc chắn rất dễ quên việc xin Chúa hướng dẫn. Việc siêng năng cầu nguyện gắn liền với việc chậm rãi, và vì thế, rất quan trọng khi xem xét lại bản thân khi bạn nhận thấy mình đang tăng tốc.

Bình an của Chúa vượt lên trên hết mọi hiểu biết, nhưng để có được bình an ấy, bạn phải dành thời gian với Ngài. Để dành thời gian với Ngài, bạn phải tin tưởng rằng bất cứ điều gì bạn làm đều cấp thiết đối với Ngài và nằm trong tầm kiểm soát của Ngài.

Hãy tìm kiếm Chúa để có được cường độ làm việc đúng đắn, cách thức làm việc đúng đắn và một tinh thần đúng đắn. Hãy xin Chúa ban cho bạn bình an thuộc về Thiên Đàng.

Khi bạn dành thời gian ở cùng Chúa, Ngài sẽ gia tăng năng lực của bạn lên gấp bội, nhờ thế, bạn có thể hoàn thành công việc trong thời gian ngắn hơn. Hơn thế nữa, khi bạn nhận biết Chúa, Ngài có thể làm thay bạn những việc mà bạn không thể làm. Ngài có thể dọn sẵn đường cho những việc bạn sắp phải làm. Ngài có thể làm cho công việc của bạn trở nên đơn giản hơn. Trên hết tất cả, Ngài có thể khoác lên vai bạn sự bình an vượt lên trên mọi hiểu biết - sự bình an của Ngài.

Cuối cùng, hãy cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Ngài thật tuyệt vời và là Đấng trung tín, tạ ơn Ngài vì đã luôn giúp đỡ chúng con! Xin giúp chúng con nhớ đến lời hứa ban bình an của Ngài giữa những bộn bề của cuộc sống, và xin giúp chúng con luôn biết tận dụng sự giúp đỡ của Ngài cho những vấn đề của chính mình!

 

Lá Thư Tình Yêu của Chúa Giêsu

 

                  Các con thương yêu của Ta!

Khi các con gặp thất vọng hay biến cố trong cuộc đời của mình,

Khi người khác vô tâm, vô tình với các con,

Khi người mình tín nhiệm lại là kẻ không chân thành,

Khi người mình cậy dựa lại là kẻ bất trung,

Khi các con giận dữ, không muốn tha thứ cho những ai làm mình buồn lòng,

Các con hãy hiền lành và dịu dàng, đừng nổi giận với chính mình hay với người khác.

Các con đừng kết án hay đoán xét họ.

Hãy trao hết cho Trái Tim Ta và dùng đôi mắt của Ta để thông cảm họ.

+++

                                           Các con yêu dấu của Ta!

Khi tâm hồn các con đau khổ,

Khi các con đau đớn về thể xác,

Khi các con bị ruồng rẫy, dằn vặt, thất bại trên đường đời hay trong gia đình,

Các con đừng sợ hãi.

Hãy chạy đến bên Ta và đặt thánh giá của mình bên cạnh Thánh Giá của Ta, Ta sẽ đưa vai nâng đỡ cho các con thêm sức kiên nhẫn và can đảm, Ta sẽ xoa dịu tâm hồn các con.

Các con sẽ không còn thấy cay đắng khi có Ta đi chung đường.

+++

                                              Các con thân yêu của Ta!

Khi các con sa ngã, gắt gỏng, ích kỷ, cao ngạo,

Khi các con cứ mãi lay hoay bận tâm, lo lắng toan tính không ngừng,

Khi các con buông thả tâm hồn, thể xác vào của cải, nghiện ngập, ham muốn của mình,

Các con hãy đến với Ta và thì thầm với Ta vài phút. Ta sẽ thay trái tim thương yêu và tràn đầy bình an của Ta cho các con.

Các con hãy mở rộng trái tim Ta đã ban.

Hãy tìm đến an ủi những ai bị bỏ rơi, bịnh tật. Họ đang đón chờ trái tim và nụ cười của các con.

+++

                                                 Các con của Ta ơi!

Khi các con rơi lệ vì bịnh nan y hay vì thân xác bất toàn,

Khi các con muốn phá thai hay tìm đến cái chết vì đau khổ và tuyệt vọng,

Khi các con thù ghét tất cả và muốn phá hủy mọi vật,

Các con hãy đến với Ta. Ta đang náu thân trong Nhà Tạm Thánh Thể. Ta sẽ dùng Máu - Thịt Cực Thánh của Ta, tẩy rửa và làm của nuôi nâng sức cho các con.

Các con sẽ tràn ngập hân hoan và bình an trong kho tàng ân sủng vô tận là Lòng Thương Yêu của Ta và Sự Sống Muôn Đời mà Ta đã dùng thân xác Ta trao tặng cho các con.

Từng phút, từng giây, Ta đã và đang luôn chờ đón các con yêu quý của Ta, để Ta an ủi, nâng đỡ, lo liệu cho các con.

Hãy đến với Ta !

+++

Lạy Chúa!

Chúng con xin cảm tạ Tình Yêu bao la của Chúa đã dành cho chúng con.

Xin Chúa cho chúng con biết luôn lắng nghe lời Chúa và xin dắt dìu chúng con thực hành lời Chúa luôn mãi trong mọi nơi, mọi lúc và trong suốt cuộc đời này của chúng con. Amen!

MT