Suy Tư Mùa Chay

Đối với mỗi người Kitô hữu, năm nào chúng ta cũng đều trải qua một mùa Chay. Nhưng, Mùa Chay năm nay có gì khác với những năm trước? Năm nào chúng ta cũng đều được mời gọi “trở về”. Thực sự, chúng ta có “trở về” hay không hay chúng ta chỉ đang suy nghĩ về sự trở về mà không có chút hành đồng nào?

Sau một thời gian dài đối diện với đại dịch Covid-19, Giáo Hội cũng như mỗi một người Kitô hữu đều có những kinh nghiệm riêng tư của chính mình. Có kinh nghiệm vui, có kinh nghiệm buồn, có kinh nghiệm hạnh phúc nhưng cũng có kinh nghiệm bi thương. Cũng vậy, mỗi người đối diện và vượt qua kinh nghiệm của mình cách khác nhau. Nhưng mấy ai đọc ra được ý nghĩa qua dấu chỉ thời đại này.

Thời gian đại dịch căng thẳng, tấm lòng con người bao la và quảng đại biết bao. Nhiều người xả thân vì sự sống của người khác, có người trao tặng hết những gì mình tích góp để lo cho gia đình, kể cả những người lao động vất vả, thậm chí là những người nghèo trao tặng từng bó rau, quả bí…Chúa Giêsu đã từng nhìn bà góa dâng cúng tiền trong đền thờ mà nói rằng: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43). Đây là điều thật quý giá của những tấm lòng quảng đại.

Thế rồi đại dịch bắt đầu trở thành “bình thường mới”. Con người trở lại sinh hoạt bình thường. Các hoạt động tôn giáo sinh hoạt trở lại, cách riêng là người Kitô hữu trở lại với Thánh lễ trực tiếp, các em đi học giáo lý. Thế nhưng, “cảm thức về Thánh Lễ” của giáo dân bắt đầu thay đổi. Có lẽ vì sau một thời gian dài tham dự Thánh lễ trực tuyến trở thành quen thuộc và suy nghĩ “đi lễ trực tuyến cũng được, không bắt buộc mà”. Kinh nghiệm không xa ngay trong chính gia đình tôi. Khi trở về thăm gia đình, mẹ tôi nói: “Hôm nay là lễ Chúa Nhật, con sắp xếp mà đi lễ”. Người thân tôi bảo: “Lễ qua tivi cũng được”. Trong khi người thân tôi vẫn có thể dành thời gian hàng giờ để ngồi nhậu với bạn bè.

Tôi nhận thấy dường như ta chỉ đến nhà thờ vì bắt buộc mà thôi. Nếu không tham dự lễ thì cảm thấy có “tội” vì điều ấy được dạy là bắt buộc thôi chăng? Nói đến đây, tôi nhớ đến câu lời Chúa của thánh Matthêu chương 7 câu 6: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng; còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Và rồi, con người bắt đầu viện các lý do nhằm làm giảm nhẹ hay bỏ qua bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. “Cô vít” là “cô” để nhiều người đổ hết tội lỗi của họ mà không nhận trách nhiệm về chính mình.

Lẽ ra qua đại dịch, con người cảm thấy thân phận yếu hèn, mỏng dòn và tội lỗi của mình để chạy đến với Chúa và bám vào Chúa hơn thì dường như con người đang thử thách sự kiên nhẫn và lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Qua những lúc khó khăn thử thách, chúng ta mới nhận thấy con người thật của chính mình và tự hỏi tôi đang bám vào ai? Chúa đang ở vị trí nào trong tôi? Có phải Chúa chỉ là “được thêm vào” khi tôi có thời gian, khi tôi không còn việc gì khác?

Thiết nghĩ rằng mọi người đều nhận thấy những giá trị mau qua chóng tàn của thế gian, thế nhưng thật khó để bước ra khỏi nó. Thế gian vẫn có một hấp lực nào đó. Quả vậy, những việc làm tốt được làm thường xuyên thì sẽ trở thành thói quen và sau đó trở thành nhân đức; ngược lại, con người ở trong tình trạng cho phép mình dễ dãi, bỏ qua những việc nên làm dần dần có thể thành thói quen xấu và ở trong tình trạng của tội mà không nhận ra.

Qua đại dịch chúng ta mới nhận ra chúng ta vẫn còn quá lo lắng đến đời sống vật chất. Người không có thì tìm để cho có, người có rồi thì tìm để cho có nhiều hơn. Người ta ganh đua nhau để làm giàu và không ai ganh đua nhau để nên thánh.

Cũng vậy, những người sống đời sống thánh hiến là những người “dâng mình trọn vẹn” cho Chúa. Nhưng mấy ai dâng được trọn vẹn theo nghĩa “hết lòng, hết sức và trên hết mọi sự”. Dẫu biết rằng con người nhiều yếu đuối và giới hạn và phải hoán cải mỗi ngày. Và chúng ta vẫn còn cái “tôi” thật to lớn. Vì vậy mà bản thân chúng ta vẫn luôn là “number 1”. Chúng ta, những người theo Chúa Kitô đang lội ngược dòng. Người đời thì vị trí ưu tiên luôn dành cho chính mình, sau đó là tương quan với người khác và cũng để nhằm thăng tiến và tốt cho chính mình và thời gian còn lại là dành cho Chúa “nếu có”. Chúa Giêsu dạy chúng ta sống ngược lại với thói quen đó. Đây quả là điều khó khăn vì chúng ta đang không giống ai. Nhưng người đời thì nhắm cái giá trị trước mắt và tạm thời; chúng ta nhắm tới cái vĩnh cửu mà không ai có thể lấy đi được, tuy vẫn đang dò dẫm trong hành trình làm người.

Mùa Chay này để lại trong tôi điều gì hay vẫn cứ trôi qua như thường lệ? Mùa Chay này tôi suy tư nhiều về “tội” của con người và cái giá chuộc là chính Thánh Giá Đức Kitô. Nhiều khi con người vẫn tỉnh bơ phạm tội nhưng lại không ý thức vì đã mất đi cảm thức về tội và hậu quả của tội thì vẫn còn đó. Còn Thánh Giá Chúa thì liên lỉ rỉ máu. Mùa Chay nhìn lại, tôi cảm nhận rõ hơn con người mình, cùng với sự yếu đuối mỏng manh của phận người.

Ước mong rằng, những người Kitô hữu và cách riêng là những người sống đời thánh hiến sống được giá trị đích thật của Tin Mừng trong đời sống của mình và trở nên những chứng tá sống động của Chúa ngay tại trần thế  này.

 

Cúc Áo, fmm