PHAN SINH – Người Nữ Thờ Phượng Thánh Thể

“Thờ phượng Thánh Thể là dấu ấn của ơn gọi chúng ta. Khi tế lễ, linh mục xuất hiện trong tất cả sự cao sang của thiên chức mình. Tôi ước ao, con cái tôi hiểu rõ rằng, khi Thờ phượng Thánh Thể hoặc tham dự Thánh Lễ, chính là lúc sứ mạng của họ chiếu tỏa tất cả sự sáng láng trên mình họ”

           Những ngày vừa qua, xem tin tức trên các trang báo điện tử, mạng xã hội....biến chủng mới của covid-19 đang tiếp tục làm đảo điên thế giới. Quê hương Việt Nam cũng không tránh khỏi điều này. Mỗi ngày số ca nhiễm tăng nhanh hơn. Người dân hoang mang, lo sợ...Ngoài dịch bệnh còn có các tai nạn, thiên tai, chiến tranh ở khắp nơi trên thế giới.....Mỗi lần đọc tin như thế, tâm hồn tôi nặng trĩu. Và hôm nay, nhận được thông tin chia sẻ từ một chị người Philippnes đang truyền giáo tại Cuba. Chị xin cầu nguyện, vì tại đất nước này đang có chính biến, nhưng chính quyền họ cô lập và chặn mọi thông tin. Người dân vừa đối diện với nỗi sợ covid, vừa xung đột xã hội, không có lương thực...Lòng lại thêm trĩu nặng, tôi đã hỏi: “ Chúa ở đâu Chúa nhỉ?” Với câu hỏi ấy cùng tâm trạng nặng lòng đó, tôi cầu nguyện cùng Mẹ Lập Dòng – chân phước Marie de la Passion.

 “Chính Chúa Giêsu, trên thập giá, một lần Ngài đã nói: “Thiên Chúa của ngươi ở đâu?”, “Đấng Thánh của ngươi ở đâu? Tâm hồn mẹ, trong mức độ dữ dội của những đau khổ, mẹ không ngạc nhiên khi cảm thấy đức tin đang được thử thách trong những giông bão. Trong những khó khăn, mẹ sẽ tránh nói những lời vô ích về điều mà mẹ quan tâm về chính mình và người khác, nhưng, với sự can đảm đầy năng lượng, mẹ sẽ tìm kiếm điểm gặp gỡ nơi phúc lành ngự trị. Hãy thực hành điều này và “con vẫn sẽ chúc tụng Ngài giữa thử thách.”(NS 326) Đó là lời của mẹ vang lên trong tôi.

Và mẹ đọc cho tôi lá thư mà mẹ đã gởi cho chị Cecile ngày 23/7/1893 “Mẹ có thể đảm bảo với con rằng, lúc này mẹ quan tâm rất nhiều đến việc cầu nguyện cho sự biến đổi của chính mình và toàn Hội dòng. Một số ảnh hưởng đang diễn ra trên thế giới thúc giục mọi người tìm kiếm sự hưởng thụ, niềm vui và thỏa mãn bản thân dưới mọi hình thức. Điều này ảnh hưởng đến mọi người theo cách khác nhau nhưng tất cả đang tìm kiếm niềm vui theo sở thích của chính mình, kết quả là, tất cả sự tự thỏa mãn này được thực hiện trong sự kinh hoàng thật sự. Năm 1893 đã mang đến một sự xáo trộn lớn ở mọi ngóc ngách trên thế giới. Có những vụ bê bối về tài chính và vẫn chưa được giải quyết. Và đã trở thành mối quan tâm chính của rất nhiều người và có lẽ sẽ là nhà giảng thuyết tốt nhất của xã hội chúng ta. Mọi người đã không lo lắng bởi vì Thiên Chúa bị lãng quên, nhưng khi ví tiền của họ bị chạm đến, họ liền la lớn tiếng. Vì thế những khủng hoảng trầm trọng này không được mong đợi, chúng ta dâng lên trời cao những lời cầu nguyện sốt sắng, xin Thiên Chúa thương xót đến những người trung tín và Giáo hội Ngài.” (CR/2, 276)

Như thế, ở thời đại nào, thế giới cũng đầy những đau khổ và tổn thương dưới những hình thức khác nhau, điều mẹ mong muốn tôi lúc này là: “Mẹ mong muốn nơi thật đẹp cho mẹ và con cái mẹ là ở giữa những Esther của Đức Giêsu, tình yêu của chúng ta. Dân của Thiên Chúa phải được cứu. Mẹ thật hi vọng rằng, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ thuyết phục được Đức Giêsu ban ân sủng này. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thánh thiện. Dũng cảm tiến lên và tiến lên. Mẹ chúc lành cho các con để các con trở nên quãng đại hơn” (CR/2, 276)

Lúc này, sự trĩu nặng của cõi lòng tôi tan biến tự lúc nào, thay vào đó là một niềm vui và lòng biết ơn. Biết ơn vì cơ hội Chúa gởi đến để tôi tìm về và đào sâu căn tính, ơn gọi của người nữ tu Phan Sinh – ơn gọi Thờ phượng Thánh Thể. Hơn lúc nào hết, thế giới hiện tại đang rất cần những Esther đích thực để cứu thế giới và các linh hồn như Mẹ lập Dòng đã tỏ bày: “Điều mẹ muốn để lại cho các con đó là: khi thờ phượng, các con hãy nghĩ chính mình như là một Esther khác trước phu quân của mình – Đức Vua. Esther đã cầu xin sự công chính của đức vua để cứu dân chúng” (CT/1, 29)

Đó là ơn gọi của người nữ tu Phan Sinh – làm hy lễ cho Giáo Hội và thế giới qua việc Thờ phượng Thánh Thể “Chính các con là hy lễ, các con có thể hợp nhất chính mình mỗi ngày với Hy Lễ Thánh và như Đấng Cứu Thế đã không lo lắng trong sự Tự Hủy chính mình Ngài cho các con, mỗi ngày các con tìm thấy nơi Lễ Hy Sinh sức mạnh để tự hủy chính mình cho Ngài” (CT/1, 21).

Và ơn gọi này không chỉ thể hiện khi Thánh Thể được thờ phượng, nhưng người nữ tu Phan Sinh còn thể hiện ơn gọi thờ phượng khi Thánh Thể được cử hành: “Thờ phượng Thánh Thể là dấu ấn của ơn gọi chúng ta. Khi tế lễ, linh mục xuất hiện trong tất cả sự cao sang của thiên chức mình. Tôi ước ao, con cái tôi hiểu rõ rằng, khi Thờ phượng Thánh Thể hoặc tham dự Thánh Lễ, chính là lúc sứ mạng của họ chiếu tỏa tất cả sự sáng láng trên mình họ” (CT/1, 28). Và mẹ tiếp tục nhắn gởi: “Các Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ cũng nhớ để dâng một hoặc nhiều ý nguyện trong Thánh Lễ, điều họ có thể nhận được hoa trái lớn lao từ Lễ Hy Sinh và giữ cho họ lòng sốt sắng” (CT/1, 21). Vì, “Khi tham dự Thánh lễ và việc Thờ phượng, họ dâng hiến chính bản thân họ cho Giáo Hội và các linh hồn” (CT/1, 28).

Ngoài ra, ơn gọi thờ thượng của người nữ tu Phan Sinh không chỉ dừng lại ở việc tham dự Thánh lễ hoặc các giờ thờ phượng nhưng còn sống Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày:“Bằng nhiều cách thức các con cần kéo dài và hoàn thiện Thánh Lễ hằng ngày bằng những hy sinh trong cuộc sống thường nhật.....Các con hãy chiêm niệm với lòng biết ơn về sự tốt lành của Thiên Chúa – Đấng đã đến ngự trên bàn thờ của các con bất kể thời gian và bất kể những khó khăn. Thật tội lỗi nếu các con không mang sự sốt sắng sâu thẳm trong việc phục vụ Ngài – Đấng đã mở rộng lòng bác ái, đến mức nay trở thành Vị Khách Không Tách Rời của các con” (CT/1, 21).

Đến đây, lòng tôi lại trào dâng một niềm vui khôn tả khi nhận được thông tin từ quê nhà, có chị em mình tình nguyện tham gia phục vụ các bệnh nhân tại khu vực cách ly, hay được xem những hình ảnh chị em trong các cộng đoàn vùng Sài Gòn hăng say, vui tươi, khiêng – vác và soạn những phần rau quả, thực phẩm cho người nghèo, những người dân trong khu vực phong tỏa...Con xin chúc tụng và tạ ơn Chúa vì giữa những tối tăm vẫn không thiếu ánh sáng, giữa những hoang mang - lo sợ vẫn không thiếu niềm hi vọng, giữa những thiếu thốn vật chất vẫn không thiếu hơi ấm tình thương.

“Các con yêu quý, thật là một ơn gọi! Mẹ cầu xin Thiên Chúa biểu lộ cho các con tất cả vẻ đẹp và quyền lực của ơn gọi này” (CT/1, 28). Tôi ước mong bản thân tôi và từng chị em Phan Sinh mỗi ngày thêm yêu mến và sống trọn vẹn, đầy phẩm chất hơn ơn gọi cao quý này – ơn gọi Thờ Phượng Thánh Thể.

                                                                                                         A.Q fmm