Đôi Dòng Tâm Sự …

Suy gẫm Phúc Âm Chúa Nhật thứ 12 thường niên (Mt 10, 26-33) làm tôi cảm thấy hứng thú và muốn chia sẻ đôi điều với chị em THỪA SAI FMM, đặc biệt chị em ở vùng truyền giáo Cao Nguyên…

* Sau một loạt dài về các Chúa Nhật chuẩn bị và cử hành mầu nhiệm trọng điểm của Phục Sinh, ngày hôm nay -với Chúa Nhật thứ 12 thường niên- chúng ta đi lại con đường bình thường của các bài đọc của Phúc Âm Matthêu. Tác giả đã công thức hóa sách Tin Mừng của mình bằng cách xen kẽ những màn dịch chuyển của Đức Kitô, đi từ vùng này qua vùng khác, và... hành động, với những lúc dừng chân ngưng nghỉ, đưa ra những lời huấn giáo vàng ngọc. Chúng ta thử nhớ lại buổi ban đầu.

Vị ngôn sứ mới này, xuất từ Nagiarét đã hái được nhiều thành công ngay từ đầu và đám đông bao quanh Người để xin được chữa lành. Vì vậy, trong phần giáo huấn đầu tiên gọi là “Bài giảng trên núi”, Đức Kitô mời gọi nếm hạnh phúc Nước Trời với điều kiện là lắng nghe Lời Người và thay đổi chính nếp sống của mình, nghĩa là trở thành “môn đệ” (chương 5-7). Từ này không có nghĩa là kỷ luật nhưng cho thấy người đó chấp nhận “học hỏi”, sẵn sàng học ở trường phái của Đức Kitô và quyết định theo sự hướng dẫn của Người.

Và rồi, Đức Kitô tiếp tục con đường của mình qua các làng mạc Galillée và ở mọi nơi chốn, Người bắt gặp sự đau khổ của con người... làm Matthêu có câu văn tuyệt đẹp này : “Nhìn thấy đám đông, Người bị đảo lộn tận cõi lòng bởi họ mệt nhòi như những con chiên không mục tử. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Mùa gặt thì phong phú mà thợ thì lại ít. Hãy cầu xin !’... (9, 36)”. Phản ứng sâu thẳm của lòng thương xót này dẫn nhập vào phần hai của bài diễn thuyết lớn mang tên “Bài Diễn Thuyết của Sứ vụ” (chương 10).

Như vậy, kế hoạch của Người rõ ràng là truyền giáo. Đức Kitô không tìm quy tụ nhiều người, Người không hề nhiệt tình lôi kéo theo tôn giáo của mình. Mục tiêu duy nhất của việc truyền giáo là sự đảo lộn lòng dạ, sự xáo trộn con tim, làm Người bị dày vò trước sự túng thiếu nghèo đói khổ đau khủng khiếp của nhân loại. Chúng ta không là một cơ cấu tôn giáo thèm khát tăng thêm mãi quân số với danh nghĩa là làm việc tốt. Chỉ thật là thừa sai, khi người môn đệ tham gia hiệp thông cùng với con tim đầy trắc ẩn của Chúa Giêsu. “Con người đang chết đi mà không được hạnh phúc!”, người môn đệ không thể dửng dưng khi có người chết đi mà không có ai bên cạnh, hoặc chưa được biết Chúa, hay không được yêu thương...

 

Bài giảng về sứ mạng truyền giáo (Mt 10, 1-15)

Bài đọc Chúa Nhật thứ 12 TN-A làm thành phần hai của Bài Giảng: do đó cần nhắc lại lúc đầu. Giữa những môn đệ theo Người, Đức Giêsu quyết định chọn 12 theo số các bộ tộc Isrrael và sau khi trao quyền trừ tà và chữa lành, Người sai họ đi để tiếp nối sứ vụ của Người. Từ tông đồ có nghĩa “được sai” và nhắc nhở, họ là những vị đại sứ, có nhiệm vụ làm đúng những gì Đấng đã sai mình, chỉ định. Với tư cách này, họ làm thành một cơ cấu duy nhất mà Đức Giêsu muốn.

Chúng ta thử xem lại những chỉ thị cơ bản :

“Dọc đường đi”: như Thầy của mình, các môn đệ tiến bước. Họ đi đến gặp tha nhân

“Hãy rao giảng rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần”: Đó là Tin Mừng, nhiệm vụ chính yếu. Như Đức Kitô, họ là những người loan báo một thực tại mầu nhiệm sắp đến.

 “Hãy chữa lành, hãy làm sạch, hãy khử trừ ma quỷ”: sứ vụ chính là một cuộc đấu tranh chống lại mãnh lực xấu làm tan nát, gặm nhắm, giết chết con người. Cả hồn lẫn xác. Sứ vụ không là mời gọi chịu đau khổ để có được công lao, cũng không là cam chịu cách đạo đức để “cứu rỗi các linh hồn”. Theo cách nói tuyệt vời của Giáo Hoàng Phanxicô “Giáo Hội là một bệnh viện vùng thôn quê”: Giáo hội chăm lo cho những ca cấp cứu, không đặt điều kiện, Giáo Hội biết làm cho bàn tay của mình dơ bẩn. Nếu cần phải tố cáo các xì-căng-đan xẩy ra, thì cũng công bằng để nhắc lại công trình khổng lồ mà các tín hữu đã thể hiện, chống lại những bệnh tật và tai họa. Thế giới vẫn chờ đợi liên lỉ. Là tín hữu của Thầy, chúng ta luôn chấp nhận mệt nhọc và không thể chỉ là những tín hữu “đi lễ hành đạo” mỗi ngày mà chẳng biết cảm thông.

“Anh em đã được cho không thì hãy cho không như vậy”: Như Thầy mình, người tông đồ không thể đòi tiền công. Tất cả là ân huệ.

“Đừng kiếm vàng bạc hay tiền thắt lưng, không bị, không giày, đừng mặc hai áo, vì thợ thì được nuôi ăn”. Người tông đồ phải là một người nghèo, không vì khổ chế nhưng vì phó thác trong sự quan phòng của Cha. Con tim họ sẽ mở ra với Lời và như vậy người khác sẽ mở cửa chào đón người thừa sai tay không. Và như vậy Phúc Âm được sống bằng hành động, trong sự đón tiếp hiếu khách và chia sẻ cùng với người nghèo. Người thừa sai cống hiến Bánh của Lời Sự Sống và họ nhận được của ăn hằng ngày.    

Loan báo bị bắt bớ (Mt 10, 16-25)

Thật là một nghịch lý bi đát ! Những con người này loan báo Tin Vui, họ cống hiến sự tha thứ, họ hòa giải, họ chữa lành và họ hành động hoàn toàn vô vị lợi. Lẽ ra, họ sẽ được đón nhận cách niềm nở, được ca ngợi, được biết ơn. Không ! Vẫn biết, đây đó họ cũng được lắng nghe, họ vui mừng chứng kiến những lần hoán cải, nhưng Đức Giêsu cảnh cáo họ: sẽ có nhiều lần họ sẽ bị đuổi thẳng tay, bị loại, bị ganh ghét, bị bắt bớ, bị đưa ra tòa. Ngay cả trong chính gia đình của họ sẽ xẩy ra những cuộc cãi cọ kịch liệt đến độ có người sẽ tố cáo người thân đến chết “anh em sẽ bị thù ghét vì Danh Thầy”... “vì Thầy”. Đức Giêsu lập lại. Người môn đệ phải sẵn sàng hiểu rằng số mệnh của Thầy chính là số mệnh của mình.

“Thầy sai anh em đi như những chiên con giữa bầy sói: Vậy hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”: Lời so sánh này giúp ta ý thức hơn về sự mỏng dòn của chúng ta:  chiên con là một loài vật không có gì để tự vệ. Sự cứu rỗi của nó tùy thuộc vào việc nó ở trong đàn chiên tụ tập xung quanh người mục tử tốt lành của nó. Khốn cho kẻ nào cậy dựa vào chính tài đức của mình và muốn làm kỵ binh riêng rẽ.

Đừng sợ (Mt 10, 26-33)

Đứng trước viễn ảnh của nhiều đe dọa nguy hiểm, cám dỗ, dĩ nhiên làm mình giữ thinh lặng, để niềm tin trở thành một quan điểm cá nhân, một lối sống dễ thương và phục vụ. Để giúp cho các môn đệ của mình được kiên trì và đứng vững đến cùng, Đức Giêsu giới thiệu 4 lý lẽ:

1.         “Đừng sợ người ta. Không có gì che giấu mà không được tỏ lộ. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà rao giảng!”: Xã hội tục hóa của chúng ta ước mong rằng đức tin chỉ còn lại vỏn bên trong những phong tục thích hợp hay chỉ là một cách ứng xử đứng đắn đối với một vài việc thiện phục vụ người nghèo. Phúc Âm trước tiên là một sứ điệp được lắng nghe từ môi miệng của Đức Giêsu, được loan báo cách xác tín, truyền lại qua mọi phương tiện truyền thông. Chúng ta không được nhường bước trước áp lực nhạo cười của thời đại, để rút gọn vào một luân lý bủn xỉn hẹp hòi, vào quyền lợi con người hay vào phụng vụ, vào lòng sùng đạo.

2.          “Đừng sợ những kẻ giết thân xác : hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục”: Nỗi sợ bị giết chết chỉ có thể được thắng nhờ một nỗi sợ lớn hơn : Sợ Thiên Chúa. Tình yêu tuân phục Thiên Chúa có thể cho ta lòng dũng cảm để đương đầu với những nguy hiểm cho thể xác. Chúng ta cần cứu rỗi Đời Sống Vĩnh Cửu của chúng ta hơn.

3.        “Người ta bán hai con chim sẻ với một hào; Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Đừng sợ: anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”: Hãy nhìn lên cả vạn vật với tất cả những thực tại mà Thiên Chúa ban cho sự sống. Nếu người ta muốn chế nhạo anh em, muốn làm anh em im tiếng, quyết định thanh trừ anh em, thì đừng quên rằng anh em có một giá trị độc nhất trước mặt Thiên Chúa. Người biết rõ anh em và không hề để một điều gì xảy đến cho anh em. Khi con người hành hình Con của Người, thì Người lại nâng Ngài lên làm Chúa Tể.

4.        “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đáng ngự trên Trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời”: Người thừa sai hiên ngang công bố sự vững chắc của Phúc Âm, người đó như vị luật sư của Đức Giêsu, người đó làm lại vụ kiện phá án của Người bằng cách chứng minh việc đóng đinh Người là không công bằng và rằng nạn nhân Golgotha bây giờ đây, là vị thẩm phán hằng sống và là Đấng hay tha thứ. Và vì thế khi người đó ra trước tòa Cha, đến lượt mình, Đức Giêsu sẽ là Đấng bào chữa của họ.

Nếu không quên 4 nhận định đó, thì người môn đệ, tuy vẫn còn có thể sợ hãi và ngay cả run rẩy vì kinh hoàng (như chính Đức Giêsu!), nhưng sẽ hoàn thiện được sứ vụ mà họ đã nhận được, bởi họ biết rõ được-thua là gì.

 “Ước mong rằng thời đại của chúng ta có thể đón nhận Tin Mừng, không phải từ những người rao giảng Tin Mừng buồn tẻ, chán ngán, thiếu nhẫn nại hay lo âu, nhưng là từ những thừa tác viên của Phúc Âm mà đời sống chiếu tỏa lòng nhiệt thành, là những người đầu tiên, đã lãnh nhận được sức Sống của Đức Kitô...” (Giáo Hoàng Phanxicô - Niềm Vui Tin Mừng #8-10)

      Chị Quỳnh Giao, Fmm.