Chúng Ta Nhìn Thấy Gì?

Xin cho con biết nhìn xung quanh bằng cặp mắt yêu thương để con thấy cái thấy của Chúa.

           Những ngày gần đây tôi không khỏi suy tư về cuộc đời trước những biến cố hết sức kinh hoàng nhưng cũng đầy sống động. Tôi nói sống động là bởi vì nó sát bên tôi, ở ngay trong cuộc sống tôi, tác động tới sinh hoạt của tôi.

Gần ba tháng nay, thế giới lo lắng, hoang mang vì đại dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) ở Vũ Hán. Không chỉ có thế, cháy rừng ở Úc mới đây, nhiều tai họa về thiên nhiên cũng đang lên tiếng mạnh mẽ hầu  gióng lên một hồi chuông cảnh báo.  Người dân nơi tôi sống đang phải đối diện với nguy cơ đã nhiều tháng không bán được rau. Hiện tại họ đang không có nước để sinh hoạt và để trồng trọt. Những cánh đồng rau đang chết dần vì không có nước, đồng nghĩa với một cuộc sống bế tắc đang cận kề trước mắt. Năm nay thu hoạch được ít cà phê hơn nhưng giá càng ngày càng hạ đó là lời tâm sự của không ít người.

Một người bố của đứa con gái học lớp 5 buồn bã chia sẻ vào đúng lúc chuẩn bị rời rẫy đi về nhà để đón tết (nói là nhà nhưng đó chỉ là những tấm tôn ghép lại với nhau) thì cùng là lúc một nhóm thanh niên đi xe sang trọng ngang nhiên vào lấy những bao cà phê là thành quả của cả một năm khó nhọc. Càng phẫn uất hơn bởi vì những thanh niên này là những người nghiện, trên người mang cả súng nữa nên không ai dám can thiệp. Những điều trên đang muốn nói gì với tôi và đang mời gọi tôi cái gì?

Nhìn lại ngôi nhà trái đất của chúng ta “vừa cháy vừa sập” còn chúng ta thì đang trong những cơn khủng hoảng. Con người đang đói, đang khát và đang đối diện với sự lo lắng, bất an. Thế giới đang rơi vào sự khập khiễng bởi con người quá chú trọng tới cái bên ngoài, nơi cái thân xác của mình. Ai cũng muốn làm sao để mình được sung sướng và hưởng thụ. Chưa bao giờ, tôi thấy khao khát sống lại mãnh liệt như vậy trong toàn thể nhân loại. Dịch bệnh xảy ra, ai cũng lo lắng, hoảng sợ. Rất nhiều người xếp hàng từ 4 giờ sáng để mua cho mình được cái khẩu trang và chai nước sát khuẩn.

Khuôn mặt của thế giới được khắc họa rõ nét qua hình ảnh của vua Herode trong sách Tin Mừng Mc 6, 14-29. Vua Herode mang trong mình đầy vẻ mâu thuẫn. Tin Mừng cho biết ông là người biết ông Gioan thánh thiện nên ông sợ và có ý che chở ông. Tuy nhiên, vì ông đã thề trước mặt mọi người và không cưỡng nổi trước lời đề nghị, sắc đẹp của cô con gái và mưu mô của người vợ mà ông đã “ngay lập tức” cho chém đầu ông Gioan. Đúng là vua có lưỡng lự trước cái ác nhưng khi vua đã làm rồi thì cái ác đó thật dứt khoát và tàn bạo. Nhìn hình bóng vua Herode ta cũng thấy bóng dáng mình trong đó. Nhiều khi rất lưỡng lự và thỏa hiệp trước sự ác.

Tuy vậy, ta cũng nhìn thấy một bức tranh chân thực khác. Chắc chẳng ai nghĩ lại có cảnh tượng tiền bay đầy trời do một người giàu nào đó đang bị cách ly tại nhà là một chung cư cao cấp tuyệt vọng rải xuống với lời nhắn quen thuộc: “Tiền nhiều để làm gì?”. Trong cơn nguy nan ta mới đặt cho mình những câu hỏi như thế. Bây giờ cái quan trọng với tôi là gì? Đâu là ý nghĩa đích thực của đời sống tôi? Bây giờ tôi không nghĩ là mình sẽ làm gì mà tôi nghĩ mình sẽ là gì và sẽ ra sao? Cùng đích của tôi là gì? Cứ hỏi mãi cho đến cội nguồn chắc chắn chúng ta sẽ tìm được câu trả lời. Nơi câu trả lời đó ta sẽ tìm gặp được lời chân lý - một sự thật giải thoát tâm hồn khỏi âu lo, thất vọng; một tình yêu hàn gắn đau thương.

Ngoài thân xác hưởng thụ ta còn có một linh hồn bất tử, nơi đó khao khát chân, thiện, mỹ. Sự thực cho thấy cái khát khao sâu thẳm nơi con người là khát vọng sống và sống cho có ý nghĩa. Trong đó nhu cầu sống cùng và tương quan với nhau luôn làm cho ta khắc khoải. Trong cơn dịch bệnh người ta cho hay, nhờ có dịch mà ông bà cha mẹ, con cái có thời gian gặp mặt nhau nhiều hơn, nhiều câu chuyện được kể cho nhau. Dường như mọi người sống chậm lại để có thể giành cho nhau những giây phút đầm ấm yêu thương mà đã lâu lắm rồi người ta chỉ dám mơ. Khi mà mọi người chỉ tương giao bằng iphone thì bây giờ là những bữa cơm đầm ấm.

Rồi cơn bệnh cũng làm cho ta suy nghĩ về cách sống của ta. Ta cần nhau nhưng lại không muốn đến với nhau. Ta ngại cho người khác bước vào đời ta vì rất có thể ta sẽ không an toàn và bị đe dọa. Ta muốn yêu và được yêu nhưng lại ngại dấn thân. Ta có rất nhiều lý do để ngừng tương giao với người khác bởi ta chăm chút cho lâu đài của riêng mình. Ta xây một bức tường rào cao để không ai có thể vào được. Trong quá khứ bức tường Berlin đã được dựng nên nhằm chia cách và chia rẽ. Còn ngày nay vô số bức tường được dựng nên giữa con người với con người. Cho đến khi bức tường bị sụp đổ, hàng triệu người từ Đông Đức qua Tây Đức tham gia ăn mừng trong một sự kiện được mô tả là "Lễ hội đường phố vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới", những cái ôm hôn nồng ấm được trao cho nhau. Vì vậy cần lắm sự can đảm của mỗi chúng ta dám can đảm đứng dậy phá bỏ những rào cản đó.

Trong dịch bệnh, hàng ngàn người ở trong tình trạng cô lập, người người không dám đi ra ngoài vì sợ lây, trường học đóng cửa… Tuy vậy hàng triệu con tim luôn hướng về, lo lắng và đóng góp phần nhỏ bé của mình. Thật cảm động khi nhiều y bác sĩ từ khắp nơi đến tiếp tế cho vùng dịch; bao nhiêu tiền của được quyên góp; bao nhiêu con người ngày đêm ngóng tin tức. Trong khi có một số người lợi dụng tình hình để tăng giá hòng trục lợi thì còn nhiều người đứng ra phát những cái khẩu trang miễn phí. Còn nhiều lắm những tấm lòng nhưng tại sao chúng ta nhìn tất cả mà chẳng thấy gì? Hay chúng ta chỉ thấy đói khát, hận thù và chiến tranh? Chúa Giê su cũng đã từng quở trách các môn đệ rằng: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (Mc 8, 18).

Tôi thấy Chúa đang mời gọi tôi, mở cõi lòng mình ra để thấy cái thấy của Thiên Chúa, để nghe điều Ngài nói. Ngài cho tôi nhận ra sức mạnh và ân sủng đến từ nơi Ngài. “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. Ngay trong trật tự và sự sắp đặt của thế giới, bóng dáng của Thiên Chúa biểu lộ mà tôi chỉ biết thán phục và tạ ơn mỗi ngày. Nhìn bông hoa hồng thay đổi từng giờ và vẻ đẹp tuyệt vời lan tỏa của nó khiến tôi vui sướng và thêm bao động lực vì trước mặt Chúa tôi quý giá biết bao. Tôi cũng nhìn thấy bao nhiêu nhân cách tuyệt vời, luôn hy sinh lợi ích của mình để mang lại hạnh phúc cho người khác. Những thầy cô hăng say không mỏi mệt mang kiến thức cho học trò của mình. Những y bác sĩ biết trước nguy cơ mất mạng mà vẫn sẵn sàng dấn thân. Còn đó những tu sĩ âm thầm phục vụ những người bị bỏ rơi, gạt ra bên lề xã hội….

Ngay cả khoảnh khắc riêng mình tôi đối diện với Ngài. Tôi nhận ra tình yêu và sự tha thứ. Tình yêu thì không có điều kiện mà cũng chẳng có sự ép buộc hay cưỡng bức, nhưng là sự tự do, tự nguyện. Do đó, Chúa rất mực tôn trọng tự do của tôi và Ngài vẫn chờ. Vì thế Ngài không bao giờ làm dấu lạ để thúc bách. Nếu như hôm nay Chúa làm một phép lạ vĩ đại khiến cho dịch bệnh tan biến thì thế nào? Với tôi, Ngài đã làm một phép lạ cao cả qua từng chút những đóng góp bé nhỏ của mỗi người tạo thành một thế giới yêu thương. Như cố nhạc sĩ Thông Vi Vu đã viết: “một chút cánh tay kết liền tạo thành vòng nối lớn; một chút ánh sáng thôi trốn lui dần bóng tối”.

Trong bài hát tựa đề “Đôi Khi” của cố nhạc sĩ Thông Vi Vu có câu: “Đôi khi phải mất một điều mới thấy rõ mình có bao nhiêu….và thường khi trái ngang càng nhiều càng đậm sâu trái tim tình yêu”. Để mô tả điều này có một câu chuyện kể rằng: ông bố nghèo đã trách cứ đứa con gái 3 tuổi của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà màu vàng để gói một chiếc hộp tặng bố nhân ngày giáng sinh. Ông đã mắng con gái: "Con không biết là khi tặng ai đó quà thì phải có thứ gì đó ở bên trong sao?" Đứa con gái ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng nói: "Bố ơi, nó không phải là chiếc hộp rỗng đâu ạ. Con đã thổi rất nhiều nụ hôn vào nó để tặng cho bố mà". Cuộc sống vẫn xảy ra những điều như vậy chỉ vì chúng ta đã quá vội vàng. Chúng ta nhìn mà không thấy. Lạy Chúa xin cho con biết nhìn xung quanh bằng cặp mắt yêu thương để con thấy cái thấy của Chúa.

Thạnh Mỹ ngày 18/02/2020

Anh Mai Thi