THẤT BẠI ĐÁNG TRỌNG

Đôi khi bạn chẳng thể cứu thế giới hay thậm chí chẳng thay đổi được tình hình hiện thời. Nhưng bạn có thể cứu sự chính trực của mình và góp phần đạo đức đó cho thế giới và tình hình hiện thời, và khi làm thế là bạn giữ được sự chính trực của mình.

THẤT BẠI ĐÁNG TRỌNG

Năm 1970, nhà văn lừng danh người Anh, bà Iris Murdoch, đã viết quyển tiểu thuyết Một Thất bại Đáng trọng (A Fairly Honorable Defeat). Câu chuyện này có vô số nhân vật, cả tốt và xấu, nhưng lại lấy tựa đề dựa trên những khốn cực của một nhân vật, Tallis Browne, cùng với các nhân vật khác, là một tiêu biểu cho những gì là tử tế, vị tha, và đạo đức. Bất chấp bị hầu hết mọi người phản bội, ông vẫn không thay đổi, không bao giờ phản bội niềm tin. Nhưng câu chuyện không có hậu cho ông.

Nhìn vào cái có lẽ là thất bại của Browne, Murdoch đặt lên câu hỏi: Công lý ở đâu? Công bằng ở đâu? Chẳng phải sự thiện sẽ chiến thắng sao? Murdoch, một người theo thuyết bất khả tri, cho rằng trong hiện thực một đời sống tốt lành không phải lúc nào cũng đem đến chiến thắng của sự thiện. Tuy nhiên, nếu sự thiện vẫn đứng vững và không phản bội chính mình, thì thất bại của nó sẽ đáng trọng.

Vì thế, theo bà, bạn sẽ muốn tránh một thất bại đáng trọng, và như thế nghĩa là: Bạn sẽ gặp thất bại, dù cho bạn tốt lành đến thế nào. Đôi khi bạn chẳng thể cứu thế giới hay thậm chí chẳng thay đổi được tình hình hiện thời. Nhưng bạn có thể cứu sự chính trực của mình và góp phần đạo đức đó cho thế giới và tình hình hiện thời, và khi làm thế là bạn giữ được sự chính trực của mình. Bạn thất bại, nhưng là thất bại đáng trọng. Như thế, sự thiện sẽ không phải chịu một thất bại đáng trọng.

Đấy là một chủ nghĩa khắc kỷ đẹp và nếu bạn không phải là một tín hữu, thì lời khuyên khôn ngoan khác cũng y hệt như thế: Hãy là chính mình! Đừng phản bội bản chất và giá trị của bạn, kể cả khi bạn thấy mình là kẻ ngoài lề. Tuy nhiên, dù Kitô giáo có thể hiện dạng khắc kỷ này, nhưng lại có cái nhìn khác biệt về chiến thắng và thất bại.

Trong đức tin Kitô giáo, chiến thắng và thất bại được tái định nghĩa triệt để. Ví dụ như, chúng ta nói về chiến thắng của thập giá, nói ngày Chúa Giêsu tử nạn là Thứ Sáu Tốt lành (Good Friday-Thứ Sáu Tuần Thánh), hoặc nói về sức mạnh biến đổi của sự sỉ nhục, và chúng ta sẽ có được mạng sống mình khi để mất nó. Với chúng ta, thất bại ở trần gian vẫn có thể là chiến thắng, cũng như chiến thắng ở trần gian có thể là thất bại. Thật vậy, theo quan điểm Kitô giáo, dù chưa bàn đến đời sau, đôi khi những thất bại và sỉ nhục chúng ta chịu lại là thứ cho chúng ta cuộc sống sâu sắc và phong phú hơn, và đôi khi chiến thắng của chúng ta lại cướp đi những thứ đem lại sự thông hiệp, thân thiết, và hạnh phúc. Mầu nhiệm phục sinh tái định nghĩa triệt để cả chiến thắng lẫn thất bại.

Nhưng không dễ có được nhận thức này. Và nó là phản đề đối lập với sự khôn ngoan đương thời. Thật vậy, người đương thời với Chúa Giêsu không dễ đón nhận nhận thức này. Sau khi Chúa Giêsu chết theo cách nhục nhã nhất vào thời đó là bị đóng đinh trên thập giá, thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã phải đấu tranh cực kỳ với việc Ngài đã chết và cả cách Ngài chết.

Trước hết, với họ, nếu Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai được mong mỏi, thì ngài không chết mới phải. Thiên Chúa quyền năng hơn sự chết và chắc chắn không thể bị con người giết chết. Hơn nữa, theo tín lý Do Thái, cái chết là kết quả của tội lỗi, và do đó, nếu ai đó không có tội, thì không phải chết. Nhưng Chúa Giêsu đã chết. Cuối cùng, điều gây hoang mang đức tin nhất, chính là sự nhục nhã trong cách Ngài chết. Người Roma tạo ra kiểu đóng đinh thập giá, không phải chỉ để làm hình thức xử tử mà còn là một sỉ nhục cơ thể con người cực cùng và công khai. Chúa Giêsu đã chết theo cách nhục nhã nhất. Vào ngày thứ Sáu đó và cả nhiều năm về sau, không ai gọi đó là Thứ Sáu Tốt lành, Tuy nhiên, nhờ Chúa Giêsu phục sinh, nên họ đã cảm nhận được, dù chưa nhận thức rõ ràng, rằng thất bại của Chúa Giêsu trên thập giá là chiến thắng tột đỉnh và từ đó, chiến thắng và thất bại giờ được phân loại khác hẳn.

Lúc đầu, chúng ta thiếu ngôn từ để diễn tả điều này. Vài năm sau biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu vẫn ngại nhắc đến cách Chúa Giêsu chết. Cách chết đó là một thất bại dưới con mắt người đời, và họ không biết giải thích thế nào. Thế nên, họ hầu như không nhắc gì đến chuyện này. Nhưng sự trở lại và những nhận thức sáng suốt của thánh Phaolô đã thay đổi điều này. Là một người được nuôi dạy theo đức tin Do Thái giáo, thánh Phaolô cũng chật vật với việc giải thích làm thế nào mà một thất bại trong đời này có thể thật ra là một chiến thắng. Tuy nhiên, sau khi trở lại, cuối cùng ngài cũng hiểu ra cách mà sự thiện mang lấy tội lỗi và thậm chí “trở thành chính tội lỗi” vì chúng ta. Điều này đã đảo ngược triệt để quan niệm của ta về chiến thắng và thất bại. Thập giá giờ được xem là chiến thắng tận cùng, và nỗi nhục nhã của thập giá không còn là thứ gây hổ thẹn, nhưng là điểm nổi bật đẹp đẽ nhất. “Tôi chẳng rao giảng điều gì ngoài thập giá Chúa Kitô.” Và nhờ đó chúng ta mới có các trình thuật thương khó.

Chúng ta sống trong một thế giới, hầu như vẫn xác định thất bại và chiến thắng, chiếu theo vị thế, theo thành công, danh tiếng, tầm ảnh hưởng, thanh danh, tiền bạc, sự tiện nghi, thoải mái, và an toàn trong đời. Có nhiều thất bại trong cuộc đời của chúng ta, và nếu thiếu quan điểm Kitô giáo thì chúng ta chỉ còn cách làm theo lời khuyên của bà Iris Murdoch: “Xét theo thực tế, sự thiện sẽ không chiến thắng, thế nên hãy cố tránh một thất bại đáng trọng.”

Đức tin Kitô giáo của ta, dù tôn trọng sự thật đó, nhưng thách thức chúng ta phải làm hơn thế.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch