Dự phóng bước vào năm mới Qúy Tỵ

Chúng ta cần gì cho tương lai năm mới nhằm giúp đời sống vươn lên tốt đẹp? Mỗi người có câu trả lời riêng cho mình, tùy theo suy nghĩ mong muốn của mình. Và có lẽ cũng không ít người tìm ra câu trả lời: Cần dự phóng cho những chương trình hoạch định, cho đích điểm muốn đạt tới!

 

Dự phóng bước vào năm mới Qúy Tỵ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long09/02/2013
Dự phóng bước vào năm mới

Bước sang năm mới chúng ta vui mừng đón mùa Xuân mới, con đường đời sống tiếp tục chảy tiến vào không gian cùng thời gian năm mới. Nhưng có lẽ nhiều người tự hỏi: Chúng ta cần gì cho tương lai năm mới nhằm giúp đời sống vươn lên tốt đẹp?
Mỗi người có câu trả lời riêng cho mình, tùy theo suy nghĩ mong muốn của mình.
Và có lẽ cũng không ít người tìm ra câu trả lời: Cần dự phóng cho những chương trình hoạch định, cho đích điểm muốn đạt tới!

Như vậy có thể hiểu dự phóng là tầm nhìn hướng về phía trước, vẽ phác họa ra điều mong muốn đạt tới trong tương lai.

Đây là điều tốt cùng cần thiết cho đời sống được phát triển vươn lên. Dự phóng là kết qủa của những suy nghĩ sâu thẳm tận trong tâm hồn nơi con người, cùng ẩn hiện nguồn sức năng động mới, và khơi lên niềm phấn khởi hướng lên cao. Và như vậy có thể nói được, sức mạnh đối nghịch lại với dự phóng là nản chí buông xuôi đầu hàng.

Mục sư Martin Luther King, người có dự phóng to lớn qua bài diễn văn thần thoại I have a Dream, đã có suy nghĩ: „ Người nào có đảm lựơc dám mơ, người đó có đủ sức mạnh chiến đấu.“

Ngày xưa Christoph Columbus đã có dự phóng, bên kia „Terra finistra“, tận cùng biên giới thế giới vùng bờ biển Tây ban Nha, còn có thể khám phá ra vùng đất nước mới nữa. Và kết qủa Ông đã tìm khám phá ra châu lục Mỹ châu Latinh. Không phải chỉ thực tế, nhưng những hình ảnh dự phóng trong thâm tâm đã thúc đẩy Columbus và con người tiến bước đi xa về phía đàng trước.

Văn hào Antoine de Saint - Exupery có suy tư:“ Khi bạn dự định đóng một con tầu, không phải chỉ thử đi thu tập người làm, cùng sắm gỗ, vật liệu cần thiết, đinh, búa. Nhưng Bạn phải nghĩ đến việc khơi lên nơi trái tim tâm hồn con người muốn ra khơi vượt đại dương.“

Theo tập tục nếp sống văn hóa Á Đông xã hội Việt Nam, năm Qúy Tỵ, ngày 10. 02.2013, đang tiến vào không gian trời đất kết tạo nên thời gian mùa Xuân năm mới theo cách tính Âm Lịch của chúng ta.

Năm mới có tên Qúy Tỵ là năm con Rắn đứng làm biểu hiệu cho cả năm. Có nhiều suy tư về biểu hiệu này. Nhưng với đức tin công giáo, hình ảnh con rắn còn mang ý nghĩa theo chiều kích có liên quan tới nếp sống đức tin đạo giáo. 

Đức Thánh Cha Benedicto XVI. đã có suy tư hay đúng hơn dự phóng về biểu tượng này như sau: 

„Con rắn là một hình ảnh bắt nguồn từ các việc phụng tự đông phương của sự phong phú, nó hấp dẫn dân Israel và là một cám dỗ liên tục bỏ giao ước nhiệm mầu với Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của điều này Thánh Kinh trình bầy sự cám dỗ mà Ađam và Evà phải chịu như là nhân tố của cám dỗ và tội lỗi.

Con rắn không khước từ Thiên Chúa, nhưng đưa vào một câu hỏi xảo trá: ”Có thật là Thiên Chúa đã nói: ”Các ngươi không được ăn trái cây nào hết trong vườn không?” (St 3,1). 

Như thế con rắn khơi dậy sự nghi ngờ rằng giao ước với Thiên Chúa như là một dây xích cột buộc, đánh mất tự do và các điều xinh đẹp qúy báu của cuộc sống. „ ( Bài giáo lý, Vatican ngày 06.02.2013).


Khi nghĩ đến những hy sinh cố gắng trong đời sống đức tin của mọi người, Thánh Giaon Tông Đồ đã viết nhắn nhủ lại: „Anh em phải có dự phóng canh chừng đừng để đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng.“ ( 2. Ga 8) 

Chúng ta cùng cầu nguyện cùng cầu chúc cho nhau trong năm mới luôn nuôi ý chí có dự phóng vươn lên trong đời sống hôm qua cũng như hôm nay và ngày mai.

Chúc mừng mùa Xuân mới Qúy Tỵ 2013

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Rắn lột da biến ra con gì?
Vũ Thế Phan
Hiến pháp là bà mụ của luật pháp. Điều này chẳng cần phải là luật gia, giáo sư, tiến sĩ nọ kia mới tỏ tường. Cốt lõi của Hiến pháp, theo chỗ phó thường dân tôi học được, bao gồm những định chế khúc chiết, chặt chẽ nhưng ngôn phong cần phải giản 
dị tối đa có thể ở phần nội dung hầu dễ phổ cập vào đại chúng và quan trọng bậc nhất, không có không được, trong thực thi là tinh thần thượng tôn bản định chế đã đồng thuận tạo ra. Nguyên tắc này, trong các xã hội được vận hành theo động cơ dân chủ bình thường, chỉ là vậy. Còn dưới một chế độ + một tập đoàn lãnh đạo khác thường như ở VN bấy lâu nay thì, xin lỗi, bản Hiến pháp 1992-2001 dẫu có được điều nghiên điều mực, bổ sung bổ mận thêm năm bảy chục ngàn lần nữa cũng sẽ rứa rứa (ấy là giả dụ chế độ này trụ được muôn năm như trên khẩu hiệu).

"Thực tế xã hội mấy chục năm qua đã minh chứng bất khả ngụy biện rằng bản chất Hiến pháp ở Việt Nam XHCN là một tuyên ngôn, một văn kiện đảng trị không có thực chất pháp lý mà đích thị là một thứ Bonzai!" (1) Mà làm thế nào cả 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992 và 2001- ấn bản thực sự hiện hành được bổ sung từ bản 1992) do ĐCSVN áp đặt có thể không bị xem là Bonzaï khi trong thực tiễn xã hội hàng ngày, Hiến pháp có bao giờ được chính họ tôn trọng đâu. Rõ ràng xưa nay ĐCSVN luôn tự cho phép đặt đít ngự xổm trên nóc Hiến pháp, theo lẽ cao quí đến thiêng liêng, do chính mình tạo ra. Do đó, đã trải qua non nửa thế kỷ ‘độc lập-thống nhất’, tự thân 54 dân tộc tại Việt Nam chưa từng biết tới lẽ sống theo Hiến pháp nghiêm minh có diện mạo ra sao trên hình cong chữ S và chắc chắn sẽ tiếp tục hồn nhiên với kiếp sống Gà ống tre, một khi chế độ dân chủ giả cầy này vẫn nhơn nhơn tồn tại dựa trên dối trá, bạo ngược.

Tôi đã tham khảo hầu hết những góp ý tâm huyết để ‘cùng viết Hiến pháp’ theo phương trình toán học cao cấp Bodayguy: Lie ∞ bcN = 109 x 650đ ÷ ( Đts + Nat ) = ? $; tôi đã chong soi, nghiền ngẫm "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" và "Dự thảo Hiến pháp 2013" gồm 9 chương và 81 điều chứa chan tính nhân văn, rất giá trị cũng như có xem đi xem lại Video liên quan, song như những lần ‘trưng cầu’ trước, tôi vẫn tin quyết rằng thêm một lần nữa con Hồng cháu Lạc, đặc biệt ‘phái đoàn ưu tú’ - xem ra đều thuộc tân hợp đảng ‘nguyên là’ + ‘đương là’ + ‘xưa nay hiếm’, được đảng & nhà nước csvn "thành thực, thậm chí thành thực đến mức tha thiết" (2) ra đón, mời vào bàn ‘tiệc’! Hơn ai hết, nhờ thương hiệu ‘nguyên là’, ‘đương là’ nên "chưa cần cầm lên nếm, họ đã biết là bánh vẽ. Thế nhưng họ vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn cầm lên nhấm nháp... Và những người khác thấy họ ngồi, cũng ngồi thôi" (3). "Cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để, chúc tụng tía lia và ăn nói thật tình. Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ tay vẽ bánh cho người, mồm nhai thứ thiệt ung dung..." (4). Tuồng đời nguyên là đương là thế đấy!

Tôi quá bi quan, yếm thế ư? 
- Ông thân tôi dạy rằng: "Gây niềm tin không khó, phá vỡ niềm tin không khó, lấy lại niềm tin thì không dễ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân: Hãy tự vấn vì đâu tha nhân hết tin mình". Con Hổ mang lột da bao nhiêu lần vẫn là rắn độc, hơn nữa hẳn không phải bỗng dưng mà Hiến Pháp 2013 lại cầm tinh con Rắn! 

"Nhiều đêm vắng vật mình trộm nghĩ:
Trẻ chúng mình chẳng lẽ làm ngơ,
Mặc cho huynh trưởng nhỡn nhơ
Đem chuyện non nước bày trò ‘quang vinh’?
Ngoảnh đầu lại nhìn anh em hỡi,
Nước non này trôi nổi vì đâu?
Nước non này trôi nổi vì đâu?"
 (5)

Chú thích:
(1) Vũ Thế Phan: 
Tự do và Hiến pháp Bonzaï 
(2) Trần Trung Niên: Đảng và cơ chế Bảo hiến (Cùng viết Hiến pháp)
(3) Chế Lan Viên: Bánh vẽ.
(4) Bùi Minh Quốc: Cảm tác nhân đọc di cảo thơ Bánh vẽ của Chế Lan Viên.
(5) Hàn Lệ Nhân: Loạn hý trường.

Mãi mãi là ''Mùa Xuân Đầu Tiên''

Lm Giuse Trương Đình Hiền
MÃI MÃI LÀ “MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN”
(bài chia sẻ Lời Chúa dịp tết Quý Tỵ)

Mỗi lần Tết đến, mỗi độ Xuân về, cái ước mơ muôn thuở của con người, đặc biệt của người VN chúng ta đó là : tống tiển năm cũ ra đi cùng với mọi nợ nần, rắc rối, bực dọc để Năm Mới đến rước theo nhiều ân lộc, hạnh phúc, như câu đối dí dõm của một ai đó :
“Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà"
Và có nhiều người lại còn mong ước một điều dường như không có thể mà vẫn cứ ươm mơ : ước gì một năm chỉ có 4 mùa Xuân :
Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận Tết,
Một năm muời hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa Xuân.

Thế nhưng, không ít những người hình như cuộc đời quá ít may mắn và gần như không tìm thấy mùa Xuân, không có được một cái Tết :

Như người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm cày sâu cuốc bẳm làm mướn kiếm ăn chẳng hạn : 
Tết với chả xuân, sáng mì gói tối mì gói, sợ vợ buồn ngán mà không bỏ nuốt vội để mà no.
Dậu rồi thì Tuất, xưa kéo cày nay kéo cày, lo chủ đuổi mệt chẳng dám ngưng làm nhanh không mất việc.

Hoặc như những người buôn gánh bán bưng ve chai, vé số, nhỗ lông gà lông vịt cho các quán ăn : 
Số lông vịt xác xơ, tiền chỉ mấy xu, sắm nào được gì, nên không mong tết.
Đời ve chai tan nát, tuổi đà dăm bó, cho có ai thèm, mới chẳng tiếc xuân.

Ngày xưa, nhà thi sĩ lừng danh trong làng thơ mới đã từng có những câu thơ chán đời, chán Tết, chán xuân :
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi Xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi Xuân đến như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau

Thế nhưng, nơi bàn Tiệc Lời Chúa hôm nay, chúng ta lại được gọi mời đón Xuân mừng Tết trong một ý nghĩa thật tích cực, thật sâu xa, của những người có đức tin, những người con của Chúa và xác tín rằng : Chúa chính là hoan lạc tuổi xuân tôi, Chúa chính là Mùa Xuân vĩnh cửu.

Trước hết bài đọc một với trích đoạn trong sách sứ ngôn Isaia đã trình bày một viễn tượng tuyệt vời của một thế giới mới, thế giới được xây dựng bởi vương quyền của Đấng Thiên Sai được Thánh Thần xức dầu tấn phong lên ngôi vương đế. Đó là một thế giới hòa bình giữa người với người, giữa người với vũ trụ vạn vật, không còn chiến tranh, địch họa mà tất cả chỉ là yên bình hạnh phước như cách diển tả : “sói ở với chiên con, beo năm bên dê nhỏ…Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ con vừa cai sửa thọc tay vào hang rắn hổ mang…” (BĐ1)

Và bài sách thánh đã kết thúc quang cảnh trên với câu kết, như là chìa khóa tất yếu để có được một thế giới như thế : “Vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất nầy, cũng như nước lấp đầy lòng biển”.

Chúng ta đang bước vào Năm Mới, năm cầm tinh Con Rắn : Quý Tỵ. Hình ảnh con rắn luôn gợi lên hình ảnh ghê sợ, ẩn chứa đọc địa, hiểm nguy. Có thể thế giới mà chúng ta đang sống đúng là thế giới đầy rắn độc ; hàng ngày biết bao nhiêu người bị nhiểm độc, bị bao nhiêu vết thương đau hằn lên cuộc sống, không phải chỉ có vết thương của rắn cắn mà của người cắn người. Thế giới chúng ta đang sống quá khác xa một trời một vực với thế giới mà mấy ngàn năm trước ngôn sứ Isaia đã ước mơ như chúng ta vừa nghe. Có lẽ nguyên nhân cũng chỉ là như câu kết của bài sách thánh trên : vì thế giới chúng ta không có được “sự hiểu biết Thiên Chúa”. Một thế giới ngoãnh mặt lại với Thiên Chúa, một thế giới vô tín, vô thần sẽ là một thế giới ngập tràn tội ác, chiến tranh, bạo lực.

Là những người Kitô hữu, chúng ta bước vào Năm Mới với ước nguyện thế gới sẽ quay về với Thiên Chúa, nhận biết Thiên Chúa ; và đó cũng chính là ý nghĩa của Năm Đức Tin, năm mà mỗi người chúng ta được gọi mời để đào sâu niềm tin vào Thiên Chúa và chia sẻ niềm tin đó cho mọi người.

Trong khi đó, với Bài đọc 2 và bài Tin Mừng, chúng ta đều được gọi mời thực thi các giá trị của Tin Mừng, của Lời Chúa, mà điều cốt lõi lại là giới răn yêu thương. Thánh Phaolô nhắc nhở cộng đoàn Cô-lô-sê : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau…Ước chi Lời Đức Kitoo ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú…”. Trong khi đó Tin Mừng Thánh Gioan lại nhấn mạnh : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy…”

Thực thi Lời Chúa, thực hành giới luật yêu thương đó chính là “quy luật của muôn đời” dành cho người Ki-tô hữu. Năm Mới đối với chúng ta là cơ hội để bắt đầu một chương mới trong cuộc hành trình Tin, Cậy, Mến, một cuộc hành trình sẽ đưa chúng ta mỗi ngày đến gần hơn cội nguồn của mùa Xuân bất diệt là Thiên Chúa.

Cùng với Đức Tin là nhận biết Thiên Chúa, Đức Mến là thực hành giới răn yêu thương, Lời Chúa trong ngày đầu năm còn mời gọi chúng ta sống tâm tình phó thác của Đức Cậy như lời cuối của trích đoạn Tin Mừng hôm nay : “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy….Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hải” (TM).

Nếu “Bình an” chính là lời chúc của sứ thần trong ngày Chúa Giáng Sinh tại BêLem “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”, là lời đầu tiên dành cho các môn sinh khi Chúa Kitô phục sinh từ cõi chết “Bình an cho anh em”, thì bình an cũng chính là sứ điệp, là ước nguyện, là niềm cậy trông của chúng ta trong Năm Mới nầy. Chính với niềm cậy trong phó thác mà chúng ta tìm được bình an cho tâm hồn, cho cuộc sống cho gia đình cũng như cho mội người chung quanh như lời huấn dụ của Đức Cha Matthêô trong thư chúc Tết của ngài gởi cho dân Chúa giáo phận năm nay :

“Tin tưởng vào sự quan phòng lo liệu của Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy phó thác mọi dự tính và mọi việc làm của chúng ta trong Năm Mới cho Người. Người xưa đã dạy : “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” và tác giả thánh vịnh 127 cũng nói lên niềm xác tín tương tự : “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1). Và chúng ta thân thưa với Chúa : “Việc tay chúng con làm xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm” (Tv 90,17). Nhờ sự trợ giúp của Chúa, chúng ta cố gắng chu toàn thật tốt những công việc bổn phận hằng ngày. Đồng thời chúng ta nài xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong năm mới nầy được có công ăn việc làm ổn định để bảo đảm cuộc sống ấm no hạnh phúc và để có thể chia cơm sẻ áo cho những anh chị em còn đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, như một đòi hỏi của Năm Đức Tin”.

Và như thế, Tết đến, xuân sang đã gợi lên nơi tâm hồn mỗi người chúng ta những niềm vui thật sâu lắng, những ước nguyện thật tuyệt vời. Ước mong cho một thế giới nhận biết Thiên Chúa như nước tràn ngập đại dương, ước nguyện cho một đất nước yên bình hạnh phúc, mọi người biêt yêu thương nhau. Không chỉ chúng ta mới có ước mong nầy, ước nguyện nầy, mà 37 năm về trước, từ năm 1976, cố nhạc sĩ tài danh Văn Cao đã cũng có cảm nhận như thế khi sáng tác một ca khúc bất hủ mà mỗi độ xuân về chúng ta vẫn được nghe : Bài hát “Mùa Xuân Đầu tiên” :

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

Ước gì Mùa Xuân của chúng ta mãi mãi là “Mùa Xuân Đầu Tiên” như thế. Amen.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền.
Theo Vietcatholic.