Tết với những mảnh đời kém may mắn

Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Người bại liệt Thạnh Lộc đang nuôi dưỡng hơn 200 bệnh nhân, trong đó phần lớn là các cụ già không nơi nương tựa hoặc bị các chứng bại não, bại liệt, những em bé bị mắc bệnh hiểm nghèo… Hơn 60 bạn trẻ tất bật chung sức với nhân viên trung tâm trang hoàng khuôn viên và các phòng bệnh để đón Tết...
Tết với những mảnh đời kém may mắn
 
Không khí Tết đang len lỏi vào từng phòng tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Người bại liệt Thạnh Lộc (quận 12, TP HCM), khi xuất hiện sắc áo tình nguyện của các sinh viên đến từ một trường đại học lớn ở TP HCM.
 
Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Người bại liệt Thạnh Lộc đang nuôi dưỡng hơn 200 bệnh nhân, trong đó phần lớn là các cụ già không nơi nương tựa hoặc bị các chứng bại não, bại liệt, những em bé bị mắc bệnh hiểm nghèo… Hơn 60 bạn trẻ tất bật chung sức với nhân viên trung tâm trang hoàng khuôn viên và các phòng bệnh để đón Tết.
 
Những sinh viên trẻ tuổi phụ giúp nhân viên làm vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc các cháu bé, bệnh nhân hay đi hỏi thăm động viên các cụ già neo đơn. "Sinh viên chúng em còn nghèo nên không thể đóng góp gì nhiều về vật chất. Nhưng tụi em còn trẻ và nhiệt tình nên sẽ cố gắng hết sức để phần nào mang đến niềm vui cho những người còn gặp nhiều khó khăn tại đây", một bạn trẻ chia sẻ.
 
Niềm vui của những cụ già tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Người bại liệt Thạnh Lộc khi được đại diện Công ty Kinh Đô trao tặng tận tay phần quà Tết cùng phong bao lì xì may mắn cho năm mới. 

Năm nay, Kinh Đô đã dành hơn 1,8 tỷ đồng để tặng 2.600 vé xe cho thanh niên công nhân về quê cùng 4.000 phần quà cho trẻ em và các gia đình khó khăn vui đón Tết. "Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi đặc biệt quan tâm, chia sẻ trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng bằng các hoạt động xã hội thiết thực. Thông qua chương trình xã hội dịp Tết năm nay, chúng tôi mong muốn chia sẻ hương vị Tết và chúc các cụ, các gia đình khó khăn và các cháu đón những ngày xuân thật vui vẻ, ấm áp", ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô chia sẻ.

 
Trung tâm cũng nhận được nhiều tấm lòng vàng khác vào dịp cận Tết. Trong ảnh là đại diện Hội chữ thập đỏ phường Đông Hưng Thuận, quận 12 đang trao quà và hỏi thăm cụ Huỳnh Thị Kỷ đã 72 tuổi. "Già đến tuổi này vẫn còn một thân một mình buồn lắm. Tôi ước ao có được hai con trai để năm mới mỗi thằng mừng tuổi 200.000 đồng tha hồ xài Tết", cụ Kỷ tâm sự. Cụ cũng hay gọi các nam bác sĩ tại đây là con trai một cách trìu mến. Năm nay, Trung tâm sẽ tổ chức lễ đón giao thừa, múa lân, lì xì, chúc Tết... để mang đến một mùa xuân đầm ấm cho toàn thể các bệnh nhân tại đây.
 
Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Gò Vấp là điểm đến thường xuyên của Ban vận động vì người nghèo. Trung tâm đang cưu mang 248 cháu bị nhiều chứng bệnh như thiểu năng trí tuệ, bại não, khiếm thị, ung bướu... Nhân dịp UB MTTQ Việt Nam TP HCM thăm chúc Tết, trung tâm được Công ty Kinh Đô tặng 100 phần quà cùng 30 triệu đồng tiền mặt.
 
Cháu Nguyễn Văn Tâm rất vui khi nhận quà: "Tết cháu thích được lì xì lắm, cháu sẽ dành tất cả bỏ ống heo để mua một món quà bí mật. Cháu chúc các bạn mạnh khỏe, học giỏi chăm ngoan, còn các cô ở đây luôn vui khỏe, hạnh phúc". Tâm đang học lớp 7 tại một trường ở gần trung tâm. "Ở trên lớp, con đang cùng các bạn tập hát bài 'Mùa xuân ơi' để đồng ca cho chương trình liên hoan năm mới. Cháu cũng sẽ hát bài này chúc Tết cho các cô và bạn bè ở trung tâm trong những ngày xuân", Tâm vui vẻ khoe.
 
Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình (quận Thủ Đức, TP HCM) đang cưu mang hơn 200 bé mồ côi, trẻ khuyết tật bại não, bại liệt, nhiễm HIV... “Nhà nước hỗ trợ cho các bé tại đây chỉ từ 400.000 đến 600.000 đồng một tháng, trong khi đó chi phí sinh hoạt thực tế cho một em ít nhất cũng phải 1 triệu đồng mới đủ. Do vậy, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc chăm lo Tết cho các em”, đại diện trung tâm chia sẻ.

Chuyện cuối năm
Vũ Hưu Dưỡng

Cứ mỗi tháng, tôi lại chạy lên thăm Mẹ nằm trong ngôi mộ bằng đá rửa phai tàn theo năm tháng. Nhiều lần lên như vậy nhưng vẫn lặng thầm bởi lẽ giờ giấc của tôi lên bên Mẹ tùy theo hoàn cảnh. Chiều cuối năm hôm nay, khung cảnh khác thường, ấm áp hơn bởi lẽ xung quanh mộ Mẹ đâu đó những người thân cũng quây quần bên mộ người thân của họ.

Lặng lẽ đốt hương kính Mẹ. Trong bầu khí tĩnh lặng đó, nghe rất rõ câu chuyện đối thoại giữa người cháu của ông Ba - người giữ mộ ở khu này - với người khác lên thăm mộ bà nội. 

Người giữ mộ than rằng năm nay số người lên viếng mộ không đông như năm ngoái và những người lên mang theo tấm lòng nặng trĩu của cuộc sống. Cô kể cho người khách viếng mộ rằng ít người lên và những người lên đó thì nhiều người thì thầm, có người lớn tiếng cầu xin với người quá cố để người quá cố phù hộ cho cuộc sống quá long đong. Thậm chí có những người khóc lớn tiếng xin sự phù hộ để qua đi cảnh nợ nần chồng chất.

Với bản chất mộc mạc và đơn giản, người giữ mộ cũng bộc bạch rằng năm ngoái làm ăn được nên người đến thăm mộ gửi ông Ba người thì năm chục, kẻ một trăm cho ông Ba uống nước nhưng năm nay thì chỉ hai chục và hai chục mà thôi. Câu chuyện về cuộc sống ngày càng khó khăn được râm ran tiếp tục với kẻ thắp hương và kẻ dọn mồ.

Như mọi khi, thì thầm bên tai Mẹ lời tạ ơn vì suốt hai chục năm qua, tin chắc rằng qua lời chuyển cầu của Mẹ mà anh chị em trong gia đình chúng tôi bình an và đủ sống. Những ngày còn Mẹ, vì hoàn cảnh của xã hội, của gia đình mà cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Ngày không còn Mẹ thì đời sống vật chất tạm ổn. Dù vật chất có ổn đi chăng nữa nhưng không nỗi đau nào cho bằng mất Mẹ. Dù vật chất có ổn đi chăng nữa nhưng không thể nào khỏa lấp được nỗi trống vắng khi không còn Mẹ. Vật chất càng đủ thì lại càng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ. Vật chất càng đủ thì lại càng làm cho nhớ lại ngày xưa Mẹ không được như thế.

Tạm biệt Mẹ để trở về với chốn của mình trong góc phòng nhỏ bé của Tu Viện. 
Trên đường về, câu chuyện qua lại giữa người khách thăm mộ và người giữ mộ còn văng vẳng bên tai.

Vì đời sống vật chất đi xuống quá để rồi nhiều người than thân trách phận. Than với người sống chưa thỏa nên chạy lên phần mộ để than với người chết. Đúng là đến chết vẫn chưa được yên. Yên sao được khi người thân của mình còn sống trong cõi nhân gian gặp quá nhiều sóng gió trong cuộc sống, đặc biệt đối đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế.

Đúng ! Không ai phủ nhận đời sống kinh tế đi xuống đến mức báo động. Cứ nhìn tổng số các công ty tuyên bố giải thể hay phá sản trong năm qua thì sẽ rõ. Nhìn đến đời sống của xã hội, cách riêng của những người nghèo càng rõ hơn. Lương ba cọc ba đồng mà chưa kể đến cái khoản còn nợ lương thì làm gì biết được đến cái Tết. Cơm ăn thường nhật còn thiếu chứ làm gì nghĩ đến Tết.

Nhớ đến chuyện nực cười vừa mới xảy ra Thứ trưởng Bộ công thương Lê Dương Quang cho rằng, sức mua dịp Tết Nguyên đán thấp là điều đáng mừng chứ không đáng lo vì người dân tiết kiệm hơn.

"Năm 2012 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên thưởng Tết thấp, tiền trả cho người lao động thấp khiến cho sức mua suy giảm. Nhưng sức mua giảm là điều đáng mừng chứ không đáng lo vì người dân tiết kiệm hơn. Chúng ta đang trở về với mức tiêu dùng đúng với thực chất chứ không còn lãng phí", Thứ trưởng Quang nhấn mạnh.

Và hậu quả từ “sức mua yếu” là hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngưng hoạt động tính riêng trong năm 2012. Chưa dừng ở đó, nếu theo cách tính của ngành thuế, dựa trên những doanh nghiệp không tiếp tục đóng thuế và dừng hoạt động mà không làm bất cứ thủ tục nào, con số này có thể lên đến hàng trăm ngàn.

Thật xúc động khi ông Thứ trưởng Quang đã biết nghĩ hộ dân, và mừng thay cho dân. Nhưng ở phía bên kia, các doanh nghiệp đang gồng mình để tồn tại, và không có gì đảm bảo rằng, năm 2013, số doanh nghiệp phá sản vì “dân biết tiết kiệm” sẽ không vượt con số hơn 50.000 đơn vị của năm 2012.

Nghèo không có tiền mua vậy mà mừng !

Chiều cuối năm, vẫn còn đó với những nỗi lo bởi lẽ xung quanh mình còn nhiều và quá nhiều người ngày đêm đương đầu với cuộc sống đầy dẫy những khó khăn.

Chiều cuối năm, giáp Tết Quý Tỵ.