Mạng xã hội và người tu

Ngày nay, nhiều người, nhiều gia đình phải dối diện với cơn lốc của mạng xã hội. Không chỉ người đời bị ảnh hưởng nhưng cả thế giới của những người tu cũng cùng chung chia với cơn lốc mạng xã hội ấy...

Mạng xã hội và người tu

Mạng xã hội bùng nổ cách khủng khiếp đến độ khó ngờ để rồi không cần phải nhiều lời. Ngày nay, nhiều người, nhiều gia đình phải dối diện với cơn lốc của mạng xã hội. Không chỉ người đời bị ảnh hưởng nhưng cả thế giới của những người tu cũng cùng chung chia với cơn lốc mạng xã hội ấy.

Mạng xã hội, như con dao hai lưỡi. Nó có mặt trái cũng có mặt phải và có mặt tốt cũng có mặt xấu. Chuyện quan trọng vẫn là người dùng mạng xã hội.

Liên quan đến mạng xã hội đó chính là chiếc smart-phone. Nhiều lần, nhiều nhà tu đã đặt vấn nạn về chiếc smart-phone. Chiếc smart-phone đã gây tranh cãi trong nhiều cuộc họp, nhiều cộng đoàn và nhiều cá nhân trong cộng đoàn tu nữa. Chiếc smart-phone không có lỗi, lỗi hay không cũng là do cách sử dụng, cách làm chủ của người sử dụng.

Không ai có thể phủ nhận được sự thuận lợi của chiếc smart-phone hay mạng xã hội. Thế nhưng bên cạnh cái tiện lợi và phải nói quá tiện lợi thì cũng nảy sinh ra quá nhiều vấn đề phát sinh.

Ai ai cũng phải thừa nhận rằng mạng xã hội chính là ảo. Đơn giản là trên đó, tất cả những thông tin, hình ảnh mà người ta dùng chưa chắc là thật. Có những bức hình minh họa xem ra cười ra nước mắt vì bên kia nàng hẹn chàng và cho nhau biết tuổi cũng ngang nhau nhưng khi tiếp cận thì dở khóc dở cười vì chàng còn quá trẻ mà nàng đã ... quá già.

Ngày hôm nay, con người bị sức lôi cuốn vô hình của các phương tiện truyền thông, các thông tin trên đó nữa. Cứ có một chuyện gì, chỉ cần mở điện thoại lên và vào mạng xã hội thì mạng xã hội sẽ cập nhật cũng như chuyển thông tin đến một cách nhanh nhất.

Vừa rồi, facebook đã cho một tính năng mà dân chơi “phây” cảm thấy rất hài lòng là cho chiếu trực tiếp. Nghĩa là ở bất cứ nơi đâu, miễn sao có mạng là có thể phát hình và phát tiếng cho những người bạn của mình cùng xem.

Lợi đâu chưa thấy nhưng đã để lại những ai oán đau lòng. Có khi người ta xem rồi thì người ta mới buộc miệng nói : “giá như đừng xem thì hay hơn !”. Và đáng tiếc thay là có những đoạn video clip rất riêng tư, lẽ ra nó không được cho lên công cộng thì nó lại xuất hiện một cách nhẹ nhàng và thanh thản cho công chúng dòm.

Đi vào vấn đề chính là tương quan giữa mạng xã hội với nhà tu. Hẳn nhiên, nhà tu cũng là con người nhưng rồi nó sẽ mang điều gì lợi. Chắc chắn, ai ai cũng sẽ đấu tranh và đưa ra lý lẽ của mình để bảo vệ việc mình tham gia mạng xã hội. Thế nhưng, người đấu tranh đó đã quên đi căn tính và ơn gọi của mình là tu sĩ.

Thử ngồi tính tổng quỹ thời gian một ngày có được một cách chân thành và nghiêm túc nhé! Thử xem, mỗi tu sĩ có một ngày bao nhiêu thời gian trống ?

Nếu là sinh viên đi học thì dường như tất cả thời gian dành cho học tập, kinh nguyện. Khoảng trống thật sự của một ngày của một tu sĩ chả có là bao nữa.

Nếu là một nữ tu giữ trẻ thì tất bật từ sáng cho đến tối để lo chu toàn nhiệm vụ. Có khi, thời gian lo công việc nhiều đến độ đến giờ cầu nguyện hay Thánh Lễ, có vị còn phải “ngất trí” và “ngủ trong Chúa”.

“Con trai yêu bằng mắt” còn “con gái yêu bằng tai”. Chính vì lẽ đó, những lời ngon giọng ngọt trên các mạng xã hội được bao nhiêu phần đúng để nghe theo. Ngay trong thực tế cuộc sống, đứa bạn học ngồi gần nhau hay đứa trẻ cung sinh hoạt chung một nhóm với nhau và có thể gặp nhau mỗi ngày nhưng thử hỏi ta có san sẻ được chút gì tâm tư cho người đó không ? Thế nhưng mà, có một số người lại cảm thấy thoải mái, an toàn và tự ru êm mình trong những dòng chữ, hình ảnh ... hiện lên trên máy tính hay điện thoại.

Chiếc smart-phone hay mạng xã hội vô tình hay hữu ý đã làm mất một số ơn gọi. Đơn giản là người sử dụng nó đã để nó điều khiển mình và cuối cùng đời tu cứ mãi lê lết cho đến ngày phải chia tay với lý tưởng, với ơn gọi cao quý mà cả đời mình theo đuổi.

Một nữ tu bộc bạch : “Tối đến, nhận được tin nhắn có cánh. Nếu không trả lời cũng không được mà trả lời cũng không xong. Đêm nào mà nhận tin nhắn như thế thì đêm đó ngủ không yên”. Một lời tâm sự hết sức chân thành. Chính vì tin nhắn có cánh đó đã làm cho sơ lòng động lòng lo. Nếu như sơ không giữ bên mình chiếc điện thoại vào lúc nữa đêm có lẽ sơ sẽ đi vào giấc ngủ dễ hơn và lòng thanh thản hơn với ơn gọi mình chọn.

Một tu sinh chuẩn bị vào Chủng Viện, một tối kia, xin tôi tạt một xô nước lạnh vào người em bởi cơn giận đang bừng bừng trong em. Em không ngần ngại là bị người đồng giới quấy rối. Đáng tiếc là trong đó trên dưới 10 người là ... Em nói trong cơn giận : “Chả lẽ Giáo Hội bây giờ như vậy sao ? Tin ai bây giờ ! Em có nói với mấy người đó, nếu còn như vậy thì em sẽ công khai danh tính ...”.

Hy vọng đây là một trong những trường hợp cá biệt bởi lẽ nếu cứ đà này thì thật, Giáo Hội sẽ không biết đi về đâu.

Khi ta nhìn vào chiếc smart-phone và mạng xã hội, ít nhiều gì đó ta cũng nhận ra được cái lợi, cái hại của nó. Ắt hẳn nó không hoàn toàn có hại và ngược lại. Chuyện quan trọng là ta, ta là chủ nó hay nó là chủ ta.

Nhiều lần đi ăn quán hay uống cà phê với bè bạn, tôi đã tận mắt nhìn thấy 2 vợ chồng và 2 đứa con, tay trong tay mỗi người một cái ipad hay điện thoại. Sau khi hội ý chung với nhau về món đã chọn và rồi mạnh ai nấy điều khiển cái máy của mình. Người ta sống chung với nhau một nhà, ăn chung một mâm mà còn bị tác hại của chiếc smart-phone là như thế.

Ngay cả như đi nhà thờ, một số người vẫn hiện diện trước Nhan Thánh Chúa đó nhưng trong tay vẫn cầm giữ chiếc smart-phone và đợi chờ ... tin nhắn. Có người không ngần ngại trả lời điện thoại cách to tiếng trong nhà thờ, khi tham dự Thánh Lễ và cả khi ... đang lên rước lễ nữa.

Có một nữ tu vừa tuyên khấn trọn đời, khi về thăm gia đình, bà cố thấy cục cưng của mình xài điện thoại cùi bắp thương xót bèn đòi mua chiếc chiếc smart-phone cho con gái. May mắn rằng nữ tu ấy đáp trả lại tiếng “Thưa Không”.

Lý giải cho tiếng “Thưa Không” của mình, nữ tu ấy nhẹ nhàng nói : “Con cảm thấy cũng không cần thiết để dùng nó làm gì. Có khi nó làm cho mình nặng bước trên đường tu hơn. Con thấy con xài điện thoại cùi bắp thì cũng chả mất mát gì đâu ...”

Chắc có lẽ nữ tu ấy lường trước được sức chịu đựng của mình hay muốn cho lòng mình nhẹ nhàng thanh thoát với xu hướng chung của thời đại nên đã từ chối trang bị cho mình thứ mà ngày nay ai cũng có. Và chắc có lẽ nữ tu ấy muốn mình đi tu được thanh thản hơn khi phải cứ bị mạng xã hội làm tác động.

Với nhà tu, có lẽ phải thận trọng hơn nữa với người đời khi đối diện với mạng xã hội. Người tu cần hết sức thận trọng và cân nhắc để dùng.

Chiếc smart-phone hay mạng xã hội không có tội. Tội hay chăng là do người dùng và điều khiển nó mà thôi. Những ước mong nhà tu thận trọng hơn khi chọn lựa cho mình chiếc điện thoại cũng như thận trọng hơn khi bước vào thế giới của mạng xã hội : facebook – viber – zalo ... Khi ta bước đi nhẹ nhàng thanh thản không dính dáng với công nghệ cao chắc có lẽ đời tu ta nó cũng nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Chính khi nhẹ nhàng và thanh thản với những trang bị hiện đại tối tân, cũng chính là khi ta nhẹ nhàng bước đi theo Chúa hơn trên con đường ta chọn.

Người Giồng Trôm