Chúng ta trở thành Kitô hữu để làm gì?

Hàng năm, cứ đúng vào dịp mừng kính Chân phước Marie de la Passion – Quan Thầy của Hội viên Hội Bảo trợ Ơn gọi Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ - các hội viên Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Việt Nam/ miền Tp. Sài Gòn lại tựu về nơi nhà Tỉnh dòng, để gặp gỡ, tìm hiểu về ơn gọi của Nhà Dòng và để cùng tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các ý nguyện trong việc đào tạo ơn gọi.

HỘI VIÊN HỘI BẢO TRỢ ƠN GỌI MIỀN TP.SÀI GÒN

CHÚNG TA TRỞ THÀNH KITÔ HỮU ĐỂ LÀM GÌ? 

Đó chính là câu hỏi mà cha Gioan Nguyễn Phước, Ofm, đã đặt ra cho tất cả những ai hiện diện trong thành lễ ngày 16/11/2013 tại Nhà thờ Thánh Tâm, cách riêng cho các Hội Viên Hội Bảo Trợ Ơn Gọi – dĩ nhiên là như thế, vì hôm nay là ngày mừng kính Chân phước Marie de la Passion - Quan thầy của những vị ân nhân đáng quí này.

Sáng nay, lúc 10h00, thánh lễ đã được cử hành trong ngôi Nhà thờ Thánh Tâm nhỏ bé và oi bức của Tỉnh dòng. Mọi người cùng hiện diện với niềm tin và sự phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, với tình thương mến và lòng quảng đại dành cho chị em Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam. Tất cả những điều đó như đã ẩn chứa câu trả lời cho câu hỏi của Cha chủ tế.

Ngài đã mở đầu bài giảng: 

"Tôi muốn hỏi tất cả những người đang hiện diện nơi đây: Chúng ta trở thành những Kitô hữu để làm gì? Có phải là để sống thánh thiện, để nên thánh, để lên thiêng đàng không? Không! Nếu chỉ như thế thôi thì không phải là một Ki tô hữu thực thụ".

Câu trả lời là: "Chúng ta trở thành Kitô hữu là để cho người khác".

Rồi ngài tiếp:

"Không một Kitô hữu thực thụ nào lại bỏ mặc việc truyền bá đức tin cho một mình các nhà chuyên môn. Ngày trước, nhiều người vẫn nghĩ rằng truyền giáo là việc của các giám mục, linh mục, phó tế, may chăng nữa là của các nữ tu. Nhưng suy nghĩ như thế thì không đúng. Truyền giáo là việc của tất cả mọi người Ki tô hữu.

Mẹ Têrêxa đã dùng một hình ảnh so sánh rất hay khi nói: “Bạn thường thấy những dây điện giăng trên đường lộ. Khi không có dòng điện chạy qua dây thì đèn điện không sáng. Chính bạn là dây điện. Thiên Chúa là dòng điện. Ta có khả năng để dòng điện chạy qua ta và dòng điện ấy thắp sáng cho thế giới. Ánh sáng ấy chính là Đức Giêsu. Hoặc ta từ chối không cho dòng điện  ấy chạy qua. Như thế ta phải chịu trách nhiệm về sự tối tăm của trần gian”

Thật vậy, chúng ta được rửa tội, được thêm sức…là để chúng ta trở thành người đưa người khác đến với Chúa, để họ cùng được chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa.

Tiếp đó, cha Gioan đã nối kết hình ảnh của 2 người phụ nữ - người đã trở thành Kitô hữu cho người khác – đó chính là Đức Mẹ Maria và Chân phước Marie de la Passion, rằng: 

"Mẹ Maria đã vượt bộ một quãng đường đồi dài 120 Km để đến với người chị họ miền sơn cước. Với hình ảnh đó, Mẹ đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên của Tin Mừng. Và Chân phước Marie de là Passion, người đã tận hiến chính mình cho sự vụ truyền giáo phố quát với ước mong đến những miền nghèo khổ, nhất là những nơi chưa có sự hiện diện của Giáo hội để làm cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa".

Lời cuối dành cho các Hội Viên Hội Bảo Trợ Ơn Gọi, ngài nói:

“Khi quí vị tham gia vào Hội Bảo Trợ Ơn Gọi này để cộng tác trong việc đào tạo các ơn gọi, quí vị đã đi đúng đường. Bằng cách này, quí vị cũng đang là những Kitô hữu cho người khác”.

Bài giảng được kết thúc bởi bài thơ được trích trong tập Lời Dâng, tập I -  số 50 của Rabindranath Tagore, một nhà thơ Ấn Độ từng được trao Giải Nobel Văn học vào năm 1913. 

 

“Tôi đang đi hành khất hết cửa nhà này đến cửa nhà kia

Dọc suốt đường làng

Lúc xe Người vàng óng xuất hiện đằng xa như một giấc mơ rực rỡ;

Lòng nhủ lòng tôi hỏi đức vua oai phong này là ai!

 

Hy vọng trong tôi giang cánh bay cao;

Tôi thầm nghĩ ngày xấu số từ đây thôi chấm dứt;

Tôi đứng chờ của bố thí chẳng hỏi xin mà có

Và bạc vàng trên bụi đường rơi vãi tứ tung.

 

Xe ngừng nơi tôi đứng.

Người đưa mắt nhìn tôi rồi bước xuống, mỉm cười.

Tôi nhủ thầm duyên may đời mình thế là đã đến.

Nhưng chẳng chần chừ, Người lại chìa bàn tay phải ra mà nói:

“Có gì cho ta không?”

 

A ha! Gớm chưa!

Lời thử lòng vương giả khi mở bàn tay ăn xin một thằng hành khất!

Bối rối, tôi đứng lặng im lưỡng lự một hồi,

rồi từ từ móc trong bị lấy ra hạt lúa nhỏ bé vô cùng đưa cho Người.

 

Nhưng, ngạc nhiên xiết bao, lúc ngày tàn,

Giốc túi ăn xin ra nền đất,

Tôi lại thấy giữa đống của bố thí nghèo nàn hạt lúa vàng vô cùng nhỏ bé.

Tôi khóc nức nở,

Nghĩ bụng ước gì đã có tấm lòng

Dám cho Người tất cả những gì là của riêng tôi!

 

Mỹ Hằng, fmm