Lời cầu nguyện của một linh mục trước thánh thể

Lạy Chúa Giêsu, đối với chúng con hôm nay thì có một cơn cám dỗ không phải là cuối cùng, nhưng là một cơn cám dỗ có thể nói là thường xuyên. Đó là cơn cám dỗ trốn tránh thánh giá...

Lời cầu nguyện của một linh mục trước thánh thể

Lạy Chúa Giêsu, có một thời cuốn tiểu thuyết: “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa” đã làm xôn xao dư luận. Nhưng thực ra tác giả cuốn sách chỉ muốn diễn tả một cơn cám dỗ thoáng qua trong đầu óc của Chúa trong một giây phút hôn mê mà thôi: cơn cám dỗ thoát khỏi thập giá để sống như một người bình thường. Với thời gian, rồi câu chuyện đó cũng rơi vào quên lãng…

Tuy nhiên lạy Chúa Giêsu, đối với chúng con hôm nay thì có một cơn cám dỗ không phải là cuối cùng, nhưng là một cơn cám dỗ có thể nói là thường xuyên. Đó là cơn cám dỗ trốn tránh thánh giá:

· Chúng con trốn tránh thánh giá khi không muốn đến nhận một nhiệm sở nghèo nàn, thiếu thốn, hoặc đang có khó khăn đối nội cũng như đối ngoại.

· Chúng con trốn tránh thánh giá khi phải lãnh nhận một trách nhiệm nhiều vất vả hy sinh, mà lại ít lợi lộc hay danh dự!

· Chúng con trốn tránh thánh giá khi không muốn rời bỏ căn phòng êm ấm đầy đủ tiện nghi, để đi ra vùng ngoại biên như lời ĐGH Phanxicô kêu gọi.

· Chúng con trốn tránh thánh giá khi không muốn dành hết tâm trí để cầu nguyện trước Thánh Thể hay suy gẫm Lời Chúa.

· Chúng con trốn tránh thánh giá khi không sẵn sàng dạy giáo lý, hoặc giải tội, hay đi thăm viếng và ban bí tích cho các bệnh nhân.

· Chúng con trốn tránh thánh giá khi dung dưỡng xác thịt trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí…

Và hình như chúng con cũng đã quên mất những từ ngữ: hy sinh, hãm mình, khổ chế, vì chúng con nghĩ đó là những điều dành cho các tu sĩ dòng khổ tu!

Chúng con vẫn muốn tìm kiếm một Đức Kitô không thập giá, chúng con vẫn muốn một thứ “Kitô Giáo” dễ dãi và hợp thời hơn, chúng con vẫn khát khao một thứ “Tin Mừng” không nhuốm nước mắt.

Nhưng con nhớ lại một đoạn trong sách “Gương Chúa Giêsu” như sau:

– Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người.

– Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người.

– Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.

– Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người.

– Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người.

– Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người.

(Gương CGS, quyển 2, chương11)

Nhưng có người nói: không ôm lấy thập giá thì không ôm được Đức Giêsu, vì Đức Giêsu dính liền với cây thập giá.

Và  lạy Chúa Giêsu, khi đi tìm một Giêsu không thập giá, thì chúng con vẫn lại gặp thập giá mà không có Giêsu.

***

Còn các thánh khi đã cảm nghiệm được sự hấp dẫn của thánh giá, thì lại say mê thánh giá cách lạ lùng:

Với kinh nghiệm bản thân Thánh Phaolô đã từng viết:

– “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).

Thánh nữ Têrêsa thì lại coi những hy sinh trái ý như những hoa hồng dâng lên Chúa, hoặc có người khác thì coi những đau khổ như những cái hôn của Chúa.

Nhưng lạy Chúa Giêsu, với tính tự nhiên của con người, chúng con vẫn cảm thấy e ngại hy sinh và sợ đau khổ, chúng con vẫn thường bị cám dỗ tránh né thập giá. Chúng con hiểu rằng, chỉ có ơn Chúa và sự cảm nghiệm tình yêu Chúa, chúng con mới có thể biến thập giá thành thánh giá, và mới có thể chấp nhận và yêu mến thánh giá.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn đó, để chúng con có thể can đảm và quảng đại để vác thánh giá đi theo Chúa, trong bổn phận hàng ngày của chúng con. Amen.

(Lời cầu nguyện của một Linh Mục trước Thánh Thể)