Nối Mãi Vòng Tay Yêu Thương

Với tinh thần sống '3 trong 1': Mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh + Thực thi lời mời gọi của ĐTC lên đường hành hương đến 1 nhà thờ nào đó + Ngày giã ngoại năm của cộng đoàn, sáng sớm ngày thứ bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, chị em cộng đoàn Thánh Tâm đã lên đường viếng Đức Mẹ La Mã Bến Tre cũng như tham quan 1 vài nơi tại miền Sông Nước này...

Hơn 5 giờ sáng ngày thứ 7 trong tuần Bát Nhật Phục Sinh (tức ngày 02/04/2016). Chiếc xe 29 chỗ bắt đầu chuyển bánh đưa Cộng Đoàn Thánh Tâm đi hành hương Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp LAMÃ Bến Tre và tham quan khu du lịch sinh thái cách đó khoảng 20 km. Chủ đề “nối mãi vòng tay yêu thương” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trình này.

Khoảng hơn 8 giờ, xe chúng tôi dừng chân tới “Đất Thánh”. Sau khi nghỉ ngơi ít phút, chúng tôi cùng nhau dâng thánh lễ tạ ơn Chúa và Đức Mẹ do cha Nguyễn Hữu Trung, dòng Chúa Cứu Thế chủ tế. Sau thánh lễ, chúng tôi có chút thời gian riêng tư để mỗi người nhỏ to với Mẹ về những nhu cầu của mình. Tiếp đến chúng tôi gặp gỡ và nói chuyện với cha Trung, được nghe cha chia sẻ đôi điều về giáo xứ LAMÃ. Cuối cùng chúng tôi cảm ơn cha ra về, cha tặng cho chúng tôi mỗi người một quả dừa để giải khát dọc đường.

Chúng tôi tiếp tục hành trình đến khu du lịch. Nơi đây chúng tôi được chị Châu (hướng dẫn viên du lịch) đón chào và bắt đầu đồng hành với chúng tôi. Trước tiên cả nhóm được ra khơi trên một chiếc thuyền lớn. Lúc này khoảng 11 giờ trưa, cái nắng cái nóng đang rọi xuống chói chang. Nhưng khi chiếc thuyền nổ máy lướt sóng, thì cảm giác thật tuyệt vời. Bây giờ mọi thứ xung quanh đều rất nên thơ, cái nóng đã được thay thế bằng một không khí trong lành, thanh mát của một dòng sông bát ngát phù sa. Mặt trời tỏa những tia sáng lóng lánh trên mặt nước trông thật ấn tượng.

Sau khi vượt 3 km đường sông. Chúng tôi đặt chân trên cồn đảo nhỏ, đây là một trong 4 cồn mang tên tứ linh (Long Lân Qui Phụng). Trong đó cồn Long và cồn Lân thuộc Tỉnh Tiền Giang, còn cồn Qui và cồn Phụng thuộc Tỉnh Bến Tre. Ở điểm dừng chân này chúng tôi được chứng kiến tận mắt công thức sản xuất kẹo dừa, đặc sản của người dân Bến Tre. Ngoài việc dùng để làm kẹo ra, dừa còn được người dân khéo léo chế tạo ra nhiều dụng cụ khác để phục vụ cho cuộc sống của con người như: chén đũa muỗm nĩa, trạm trổ hình thù các con vật, những chuỗi hạt đeo tay, đeo cổ, những móc chìa khóa, những đôi dép bằng dừa cũng rất dễ thương...

Sau khi được thưởng thức những viên kẹo dừa vừa mới ra lò, chúng tôi đi dạo trên một con đường được che mát bởi những bóng dừa xanh biếc. Đi bộ vừa đủ mỏi chân thì chúng tôi được những chú ngựa đến đón đi ăn trưa. Mỗi chú ngựa chở 5 hành khách chạy khoảng 3 km. Chúng tôi ăn trưa trong một ngôi nhà rộng lớn lợp bằng lá dừa, rất thoáng mát và thơ mộng. Xung quanh là dừa, lồng mứt, mận, mít... với những trái ngon trĩu nặng từ gốc tới ngọn. Bên cạnh những cây xanh tươi này là những con mương uốn lượn vươn mình ra sông lớn. Vừa thấy chúng tôi, bà chủ quán đã nồng nhiệt tiếp đón, và nhanh như sóc, chưa đầy 10 phút thì mọi thứ đã sẵn sàng trên bàn ăn.

Bữa ăn ở đây mang đậm đà hương vị của vùng Nam Bộ với canh chua cá mú, thịt kho tộ với nước dừa, rau muống xào, cải luộc, và bắt mắt nhất là một chú cá tai tượng nặng hơn 2 kg chiên xù, và chắc chắn không thiếu món bánh tráng cuốn cùng các loại rau sống, các loại nước chấm khác nhau. Vừa ăn trưa, chúng tôi vừa được thưởng thức những giọng ca của các miền trên Đất Việt. Sau khoảng 60 phút, chúng tôi kết thúc bữa ăn để tiếp tục lên thuyền đi đến một cồn khác. Riêng đối với bản thân tôi, đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức bữa ăn ở một nơi đượm chất thơ và nhạc như thế này.

Chúng tôi tiếp tục đến cồn Thới Sơn để thưởng thức trà mật ong. Nhưng trước khi uống trà, mỗi người đều được tận tay đụng chạm đến tảng sáp ong để được thưởng thức hương vị thơm tho ngọt ngào của mật ong nguyên chất. Sau khi uống trà và đàm đạo với nhau xong, chúng tôi được xuống những chiếc xuồng nhỏ để di chuển qua một địa điểm khác. Trên mỗi chiếc xuồng chỉ chở được 4 hành khách, và thay vì chạy bằng máy thì chúng được 2 người cầm mái chèo, một ở đầu và một ở cuối hợp lực với nhau để chiếc xuồng di chuyển.

Trên đất có dừa cạn, dưới sông có dừa nước. Chúng tôi được du thuyền giữa hai hàng dừa nước với những buồng trái trĩu nặng, và có cả những chùm hoa dừa cũng rất đẹp. Trong giây phút thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ này, tôi chợt lóe lên cảnh tượng ngày Chúa Giê-su tiến vào thành thánh Giêrusalem. Giữa đoàn lũ dân chúng với những cành lá trên tay cùng tiếng hò reo vang dội. Tôi đang còn mải mê với những suy nghĩ đó thì thuyền cập bến. Lần này chúng tôi được thưởng thức các loại trái cây được trồng trên đất này. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được nghe những giọng ca tài tử. Trái cây đã ngọt, giọng ca lại còn ngọt ngào hơn. Thật không hổ danh “giọng ca tài tử”. Đây là chặng dừng chân cuối cùng của chúng tôi.

Chúng tôi ra về mang trong mình sự ngưỡng mộ vì những kỳ công Chúa đã làm trên mảnh đất này, cảnh vật thì thơ mộng, con người thì thật thà, chất phát, gần gũi. Chuyến đi này đã tạo cơ hội để chúng tôi nối mãi vòng tay yêu thương với nhau cũng như nối thêm được vòng tay đó tới những con người và cả cảnh vật nơi đây nữa. Ước mong sao mỗi lần chiêm ngưỡng những phong cảnh hữu tình, chúng ta lại thêm một lần nữa nâng tâm hồn lên tới Đấng là nguồn cội phát sinh mọi điều thiện hảo.

Hướng Dương Nhỏ đưa tin.