Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ trong chương 4 đã nêu lên 5 đặc tính của sự thánh thiện trong thế giới hôm nay. Đó là kiên nhẫn – niềm vui – bạo dạn và say mê – trong cộng đoàn và trong cầu nguyện liên lỉ.
Lời Chúa trong ngày thứ bảy tuần bát nhật Phục sinh nói với chúng ta về đặc tính thứ 3: bạo dạn và say mê.
“Bấy giờ, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn” (Cv 4,13).
Có hai từ chúng ta chú ý : ngạc nhiên và mạnh dạn.
Không phải chỉ các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên mà thôi, nhưng trước đó sách Công vụ Tông đồ đã nói đến sự ngạc nhiên của toàn thể dân chúng khi thấy Phêrô và Gioan làm cho một kẻ què từ khi lọt lòng mẹ đứng phắt dậy và đi lại được (x. Cv 3,10). Như thế, toàn dân ngạc nhiên vì dấu lạ hai ông đã thực hiện.
Còn tại sao các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên?
Lý do sự ngạc nhiên của các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư là sự mạnh dạn của các tông đồ khi hai ông “giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giê-su mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại” (Cv 4,2). Các ngài đã không sợ hãi cho dù bị bắt giam và tống ngục suốt một đêm (x. Cv 4,3). Các ngài tiếp tục mạnh dạn rao giảng trước Thượng Hội đồng Do Thái, những vị có thế giá của Dân tộc Do thái, “Có cả thượng tế Kha-nan, các ông Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê và mọi người trong dòng họ thượng tế” (Cv 4,6). Không chút sợ hãi và do dự, các ngài loan báo rằng: “Nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,10-12).
Và khi Thượng Hội đồng tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa, hai ông đã khẳng khái nói rằng: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,19-20).
Do đâu mà các tông đồ đã có sự mạnh dạn như thế? Chắc chắn không phải vì tài ba của các ông. Người ta thừa biết “hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân” (Cv 4,13). Hơn nữa, bài Phúc âm cho chúng ta thấy các ông là những kẻ cứng lòng tin: “Nghe bà Ma-ri-a Mác-đa-la nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin” (Mc 16, 11). Hai môn đệ đi làng Em-mau “trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này” (Mc 16, 13). Các ngài là những người đã bị Chúa Giêsu Phục sinh khiển trách là “không tin và cứng lòng” (Mc 16, 14).
Lý do quan trọng về sự mạnh dạn của các ông, đó là vì các ông là môn đệ của Đức Giêsu. “Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su”, sách Công vụ tông đồ ghi nhận như thế (Cv 4,13). Chính vì là môn đệ của Chúa Giêsu mà họ học được lòng trắc ẩn, sự bạo dạn và lòng quả cảm tông đồ. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khuyên nhủ trong Tông huấn: “Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Lòng trắc ẩn sâu xa của Người không tập chú vào mình, không làm mình tê liệt, nhút nhát, hay ngượng ngùng như thường xảy ra với chúng ta, nhưng hoàn toàn ngược lại. Lòng trắc ẩn ấy thúc đẩy Người mạnh bạo đi ra loan báo và sai người khác đi thực thi sứ vụ chữa lành và giải thoát. Chúng ta hãy nhìn nhận mình yếu hèn, nhưng hãy để cho Chúa Giêsu nắm lấy và sai chúng ta đi thực thi sứ vụ. Chúng ta yếu hèn, nhưng chúng ta nắm giữ một kho tàng làm cho mình lớn mạnh hơn và làm cho những ai đón nhận kho tàng ấy cũng trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Sự bạo dạn và lòng quả cảm tông đồ là phần thiết yếu của sứ mạng” (GE 131).
Nhưng là môn đệ Đức Giêsu chưa đủ. Chúng ta cần đến Chúa Thánh Thần, vì mạnh dạn là ơn huệ của Chúa Thánh Thần. Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Chúng ta cần sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, kẻo chúng ta bị tê liệt vì sợ hãi và thận trọng thái quá, kẻo chúng ta chỉ quen sống trong phạm vi an toàn. Chúng ta hãy nhớ rằng những không gian đóng kín rồi sẽ trở nên ẩm mốc và dễ gây bệnh. Khi các Tông đồ bị cám dỗ để cho mình bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi và nguy hiểm, các ngài đã họp nhau cầu nguyện để xin ơn parrhesía: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn” (Cv 4,29). Và câu trả lời là, họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,31) (GE 133).
Ngoài sự mạnh dạn của Phêrô và Gioan, ta còn thấy sự mạnh dạn của Maria Magdala. Được gặp gỡ Chúa Giêsu sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần, bà đã mạnh dạn đến với các tông đồ để loan báo Tin mừng phục sinh. Bà biết rằng bà có thể bị coi là điên rồ, đến nỗi Tin Mừng kể rằng lời nói của bà bị coi là “chuyện vớ vẩn” (Lc 24, 11), nhưng bà không bận tâm về danh tiếng của mình hay bảo vệ hình ảnh của mình; bà mạnh dạn chia sẻ một kinh nghiệm sống, một sự thật vĩ đại, vượt trên cả sự hiểu biết của bà, cho dù anh em của bà là các tông đồ không tin.
Hai môn đệ về làng Em-mau cũng thế. Sau khi được gặp người đồng hành thứ ba, họ không còn sợ hãi, buồn rầu xa lánh Giê-ru-sa-lem. “Họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (Lc 24, 33), để loan báo tin mừng phục sinh, cho dù điều đó quá mới mẻ, quá bất thường mà người ta không tin, khó đón nhận.
“Sự bạo dạn, nhiệt tâm, tự do lên tiếng, niềm hăng say tông đồ, tất cả những điều này được bao hàm trong từ parrhesía. Thánh Kinh cũng dùng từ này để mô tả sự tự do của một đời sống mở ra với Thiên Chúa và với tha nhân” (GE số 129).
Hôm nay khi hiệp dâng thánh lễ nhân dịp kỷ niệm 50 năm tu dòng của chị Anna Tạo, chúng ta cùng với chị dâng lời ca ngợi lên Thiên Chúa vì biết bao ân huệ chị đã nhận lãnh từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Chị chia sẻ với chúng ta rằng: “Tôi cảm nghiệm tình yêu thương, đồng hành, dẫn dắt của Chúa qua sự nâng đỡ, cảm thông, hổ trợ của từng chị em trong gia đình thiêng liêng là Hội Dòng, Tỉnh Dòng, Cộng đoàn... qua mọi biến cố , vui buồn, khó khăn, thử thách... để sống trung tín trong ơn gọi FMM cho đến ngày hôm nay. Tâm tình của tôi là tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn chị em ”Muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa và mãi mãi còn nhớ công ơn Người”.
Nhìn lại cuộc đời dâng hiến của chị, điều đặc biệt tôi chú ý là Chúa đã ban cho chị ơn mạnh dạn như các thánh tông đồ.
Ơn gọi của chị đã được hình thành qua việc tiếp xúc với các sơ phục vụ tại bệnh viện phong Qui Hòa. Hàng năm, khi còn trẻ, chị có cơ hội cùng với các thầy Dòng Giuse đi ủy lạo thăm viếng bệnh nhân phong vào dịp Giáng Sinh. Khi tiếp xúc với người phong, ai chẳng sợ lây, ai chẳng ghê tởm trước những lở loét, hôi thối, cụt tay cụt chân của những bệnh nhân phong. Nhưng chị không lấy làm điều. Có một sự lôi cuốn khác gợi lên sự dâng hiến và mạnh dạn của chị, đó là tinh thần đơn sơ, gần gũi và phục vụ bệnh nhân phong của các sơ. Chị đã cảm nghiệm được điều mà thi sĩ Hàn Mặc tử diễn tả qua bài các cô gái ở nhà thương Qui Hòa:
Các cô gái ở nhà thương Quy Hòa
Trông giống những con chiên ngoan đạo
Đang quỳ gối trước thiên tòa cao cả
Và cầu kinh, rơi nước mắt ăn năn.
Các cô gái ở nhà thương Quy Hòa
Hiền như mộng, dịu dàng như trăng sáng
Tấm lòng các cô là một bài thơ trang nhã
Viết bằng hương hoa và bằng tiếng chim kêu.
Các cô gái ở nhà thương Quy Hòa
Mặc áo trắng đi trong chiều nắng nhạt
Tay bồng ẵm những linh hồn rách nát
Bằng mảnh hình dung tuyệt đẹp của từ bi.
Rồi đến năm 1975, cách đây đúng 50 năm, chị đã cùng với bà con đồng bào sống những biến động, xáo trộn và thay đổi lớn lao trong đời sống xã hội và đất nước. Trong thời kỳ này, biết bao ơn gọi đã đứt gánh giữa chừng, biết bao anh chị em đã phải về lại gia đình. Ở lại trong nhà dòng là một thách đố lớn, nhiều khi phải trốn chui trốn nhũi, tương lai mù mịt. Không nơi nào là nhà tập chính thức: lúc thì ở nhà Trương Minh Ký, lúc ở nhà Cầu Sơn, năm tập 2 về nhà Suối Dầu. Trong hoàn cảnh đó, chị có thể kiên trì, ở lại trong nhà Dòng, chắc chắn chị cần đến ơn mạnh dạn của Chúa Thánh Thần.
Từ năm 1993 đến 2006, chị đã chu toàn nhiệm vụ giáo tập, một nhiệm vụ quan trọng trong việc huấn luyện các ứng sinh. 13 năm trời đồng hành với 13 lớp tập sinh, một công việc khá nặng nề vượt khả năng như chị chia sẻ: “Vì không được chuẩn bị trước để làm công tác huấn luyện tại Tập Viện, nên khi bị “bắt cóc” để thay thế tạm thời chị Giáo tập đương nhiệm là Anna Nguyễn Thị Nguyện, tôi cảm thấy lo lắng, sợ hãi, nhất là trong việc đồng hành các Tập Sinh... Tôi thường ngồi khóc một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi khi đêm về”. Tuy nhiên, chị đã chu toàn được nhiệm vụ nhờ ơn mạnh dạn Chúa ban.
Rồi từ 2017 đến 2023, Chúa lại giao phó cho chị nhiệm vụ làm Giám tỉnh. Chị chia sẻ: “Rồi khi phải thay thế chị Anna Hội, tôi cũng rơi vào tâm trạng như thế, tôi cảm thấy mình như Giona chạy trốn, nhưng Chúa đã bắt tôi lại và giao trách nhiệm mà tôi chẳng muốn, cũng chẳng có khả năng thích hợp cho nhiệm vụ này, nhưng Chúa đã kêu gọi ai làm việc cho Ngài thì Ngài ban ơn “ơn Ta đủ cho con”. Tôi xác tín và cảm nghiệm cụ thể điều đó. Bên cạnh đó, “với những chị em mà Thiên Chúa ban cho tôi” tôi nhận được nhiều sự hổ trợ và hợp tác trong tinh thần đồng trách nhiệm”.
“Con vẫn trông cậy Chúa, lòng con tin tưởng nơi Ngài, con hy vọng vào Ngài, đời con nương bóng Chúa thôi...” Đó là bài hát tâm đắc của chị Anna Tạo. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho chị để chị sống ơn mạnh dạn đó, luôn ý thức tới sự hiện diện và đồng hành của Chúa và an tâm vững bước để phụng sự Người, như sứ điệp Phục sinh 2025: “Tất cả những ai đặt hy vọng vào Thiên Chúa đều đặt bàn tay yếu đuối của mình vào bàn tay mạnh mẽ và uy quyền của Người; họ để mình được kéo dậy và lên đường. Cùng với Chúa Giêsu phục sinh, họ trở thành những người hành hương của hy vọng, những chứng nhân của chiến thắng của tình yêu và của sức mạnh không vũ trang của Sự sống.”
Gioan Thiên Chúa Nguyễn Phước, OFM