Bài Giảng Thánh Lễ Mừng Kính Chân Phước Marie de la Passion

90 NĂM DÒNG PSTSĐM TẠI VN

50 NĂM THÀNH LẬP TỈNH DÒNG

BỔN MẠNG HỘI BẢO TRỢ ƠN GỌI FMM

(Hs 2,16-17.20-22; 2Cr 4,5-15; Lc 1,39-56)

 

Trong cuộc sống, người ta thường lấy những cái mốc để nói lên sự phát triển hoặc một giai đoạn của một đời người, như “Tam thập nhi lập” nghĩa là 30 tuổi thì đã trưởng thành, “Tứ thập lập thân” là 40 tuổi thì đã có sự nghiệp, hoặc “Thất thập cổ lai hy” nghĩa là 70 tuổi là hiếm. Còn Thánh vịnh thì nói: “Mạnh giỏi chăng là được 80”, nghĩa là người sống được đến 80 tuổi là may mắn lắm rồi!

Hôm nay chúng ta mừng 90 năm Dòng PSTSĐM hiện diện tại VN và 50 năm thành lập Tỉnh Dòng. Đây cũng là những mốc thời gian để chúng ta nhìn lại quá khứ với tâm tình tri ân cảm tạ, và đồng thời hướng về tương lai với niềm tin yêu và hy vọng phó thác.

1/ 90 Năm Dòng PSTSĐM tại VN

Sứ vụ của Dòng PSTSĐM (gọi tắt là FMM) là truyền giáo theo tinh thần của Thánh Phanxicô nghèo khó bằng cách noi gương Đức Trinh Nữ Maria là nhà truyền giáo đầu tiên. Vì thế năm 1932, để đáp lại lời mời gọi của Đức Cha Tardieu, Giám quản Tông tòa đàng Trong, Bề trên Tổng quyền đã sai 6 chị em FMM tiên khởi đến VN để chăm sóc cho anh chị em bệnh phong tại trại phong Quy Hòa, Quy Nhơn. Và từ đây, vườn ươm ơn gọi người bản xứ được vun trồng. Từ một số ít ỏi các chị em FMM.VN thuở ban đầu,  ngày nay số các nữ tu đã tăng lên gấp bội. Cùng với đó các cộng đoàn dần dần được thiết lập khắp mọi miền đất nước, và các hoạt động mục vụ và truyền giáo ngày càng đa dạng.

Nhìn lại chặng đường 90 năm hình thành và phát triển của Dòng PSTSĐM tại VN, chúng ta không thể không nhận ra tình yêu và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa đã tuôn đổ, gìn giữ và làm cho Tỉnh Dòng ngày càng phát triển. Nhưng trên hết là tinh thần Thừa sai mà Mẹ Sáng lập Marie de la Passion đã cưu mang và thực hiện, nay được nhiều người Việt Nam biết đến, yêu mến và phổ biến. Tinh thần Thừa Sai đó không hệ tại ở những việc lớn lao, nhưng ưu tiên phục vụ người nghèo, người bất hạnh, đau khổ ngay tại môi trường sống của chị em.

2/ 50 Năm Tỉnh Dòng

Năm 1973, Dòng FMM.VN được nâng lên thành Tỉnh Dòng. Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của Dòng. Từ một Chi tỉnh lệ thuộc nhà Mẹ ở Pháp, Dòng đã phát triển một cách lớn mạnh để giờ đây trở thành một Tỉnh Dòng độc lập cả về nhân sự lẫn công tác. Cụ thể là từ năm 1932 khi Tỉnh Dòng bắt đầu hiện diện tại VN cho đến khi được nâng lên thành Tỉnh Dòng - năm 1973, tức là 40 năm, con số chị em chỉ có 48 người khấn trọn, 8 khấn tạm và 6 tập sinh. Vậy mà sau 50 năm, từ 1973 đến 2022, con số này đã tăng lên đến 146 khấn trọn, 59 khấn tạm và 8 tập sinh… với 17 cộng đoàn và thí điểm hiện diện trong 8 giáo phận từ Bắc chí Nam, cùng với 50 chị em đang truyền giáo ở hải ngoại. Đồng thời các chị em đã và đang dấn thân phục vụ trong nhiều lãnh vực của Giáo Hội cũng như xã hội, như Mục vụ, huấn giáo, giáo dục, y tế, huấn nghiệp và phát triển cộng đồng v.v.

Trong quá trình phát triển đó, dòng FMM.VN đã trải qua không biết bao nhiêu là thăng trầm, không kể xiết. Xin được mượn lời thánh Phaolô trong Bài đọc 2 (thư 2Cor) như một sự minh họa chính xác và đầy đủ nhất: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất tử Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi”.

Nói tóm lại, không phải nhờ tài năng và sự khôn ngoan của con người, nhưng chính nhờ quyền năng của Thiên Chúa, mà Tỉnh Dòng đã tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.

Sơ lược quá trình hình thành và phát triển của Tỉnh Dòng FMM.VN để chúng ta nhận ra tình yêu và sự quan phòng kỳ diệu của Chúa - dành cho những con người đã dâng hiến trọn cuộc đời để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân theo linh đạo của Dòng PSTSĐM mà Chân phước Marie de la Passion đã thành lập.

 

4/ Bảo trợ Ơn gọi

Một điều đặc biệt trong sự lớn mạnh của Tỉnh Dòng FMM.VN, là từ lúc được nâng lên thành Tỉnh Dòng, như một đơn vị độc lập, thì mọi nguồn trợ cấp của Tỉnh Dòng Mẹ ở Pháp cũng chấm dứt, giống như một người con trong gia đình đã trưởng thành, không còn lệ thuộc vào cha mẹ nữa.

Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc phát triển ơn gọi, đào tạo huấn luyện nhân sự và các hoạt động của Dòng. Nhưng Chúa quan phòng đã không bỏ rơi con cái của ngài – bằng cách gửi đến cho Dòng các vị ân nhân giàu lòng quảng đại, đó là các hội viên Hội Bảo trợ ơn gọi. Quý vị là những người đang cộng tác cách tích cực cho việc phát triển của Hội Dòng nói chung và Tỉnh Dòng FMM.VN nói riêng.

Trong việc bảo trợ ơn gọi, thông thường ai cũng muốn thấy được hoa trái mà mình đã vun trồng, chăm bón. Nói cụ thể là quý vị đôi lúc cũng muốn mình bảo trợ cho riêng một cá nhân nào đó, để nhờ sự trợ giúp của quý vị, người đó trở thành một tu sĩ và đạt được lý tưởng đời sống tu trì. Điều này không có gì là sai trái. Nhưng thiết nghĩ sự đóng góp chung cho việc bảo trợ ơn gọi giúp cho mọi ơn gọi có điều kiện để theo đuổi lý tưởng, và tránh được sự ganh tị trong đời sống huynh đệ. (xin được mở một dấu ngoặc kể chuyện cho vui: Ở một giáo xứ nọ, có một người được lãnh nhận thừa tác vụ Linh mục. Trong lễ mở tay, cha xứ mời cha mẹ tân Linh mục lên để chúc mừng, thì có một ông và 3 bà tiến lên cung thánh. Mọi người đều ngạc nhiên vì không biết ai là mẹ của tân Lm. Hóa ra là chỉ có một người là mẹ đẻ, còn 2 người kia là mẹ thiêng liêng, những người bảo trợ cho tân Linh mục trong quá trình học tập!).

Ngoài ra như Chúa nói: “Còn anh, khi bố thí, đừng  cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gí kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,3-4).

Còn bài Phúc âm hôm nay kể lại việc Đức Maria đi thăm viếng bà Elizabet - trước tiên là để chia sẻ Niềm vui “được Chúa ở cùng” cho bà chị họ, đồng thời chia sẻ niềm vui với bà Elizabet vì Chúa đã thương ban cho bà một mụn con lúc đã cao niên; sau là để giúp đỡ bà chị họ trong việc sinh nở đứa con đầu lòng trong lúc tuổi già. Đây chính là ý nghĩa của việc truyền giáo! Truyền giáo là đem Chúa đến cho người khác, và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn và những khó khăn trong cuộc sống của họ.

Cũng vậy, trong việc đáp trả ơn gọi, người nữ tu Phan Sinh cũng phải trải qua nhiều giai đoạn: từ tìm hiểu đến Thỉnh sinh, Nhà tập, khấn tạm, khấn vĩnh viễn… Dĩ nhiên, người nữ tu trước tiên phải có ơn Chúa để đáp lại tiếng Chúa gọi, nhưng đồng thời cũng phải tự huấn luyện mình bằng việc cầu nguyện, học tập và làm việc, nói nôm na là “tập tu”. Nhưng để có thể theo đuổi và trung thành theo ơn gọi, người tu sĩ cũng cần đến sự giúp đỡ của những người khác, nhất là bằng lời cầu nguyện và những sự trợ giúp về tinh thần cũng như vật chất.

Ngoài sự giúp đỡ và nâng đỡ của gia đình và thân nhân các tu sĩ, thì hội Bảo trợ ơn gọi cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Chính nhờ lời cầu nguyện, những hy sinh và sự đóng góp của quý vị mà các tu sĩ có thể tiến tới trong ơn gọi và trung thành đáp lại tiếng Chúa gọi. Sự đóng góp của quý vị lại càng cao quý và ý nghĩa hơn khi đó chính là những công lao vất vả từ sức lao động và sự chia sẻ những gì mình làm ra – như lời thánh Phaolo đã nói: “Gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tùy theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,6-7).

Có thể quý vị không thấy một cách rõ ràng kết quả của sự đóng góp cho việc bảo trợ ơn gọi, nhưng con số những người bước vào đời tu, khấn tạm, khấn trọn đời hàng năm, cùng với sự gia tăng các cộng đoàn và các hoạt động bác ái từ thiện khắp nơi v.v. cho thấy trong đó có sự đóng góp tích cực của quý vị.

Ngược lại các tu sĩ “vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ với họ và với mọi người, họ sẽ cầu nguyện cho anh em để tỏ lòng quý mến, bởi nhận thấy ân huệ tuyệt vời Thiên Chúa đã đổ xuống trên anh em” (2Cr 9,13-14). Còn gì sung sướng và hạnh phúc cho bằng khi chúng ta, những người đang phải lo toan cho cuộc sống với cơm áo gạo tiền… để nuôi sống bản thân và gia đình, thì có những con người - trong các tu viện - đang âm thầm hy sinh cầu nguyện cách đắc lực cho chúng ta, để khi ra trước mặt Chúa chúng ta không phải hổ thẹn vì chỉ biết tìm kiếm của cải chóng qua, mà không biết dùng của cải đó để mua lấy bạn hữu mai sau là Nước Trời.

5/ Tâm tình tạ ơn

Bài Phúc âm kết thúc bằng kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa). Đức Maria đã ngợi khen Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc trọng đại và ban tặng cho Mẹ muôn hồng phúc. Mỗi người chúng ta cũng đã được nhận lãnh biết bao ân huệ của Chúa, vì tất cả những gì ta có đều do Chúa ban cho. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì tình thương của Chúa luôn bao phủ ta suốt cả cuộc đời. Và cách đáp trả đẹp lòng Chúa nhất chính là chúng ta cũng biết chia sẻ tình thương đó cho người khác.

Kết: Trong tâm tình mừng 90 năm Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện trên Quê Hương, 50 năm thành lập Tỉnh Dòng, và mừng Bổn mạng Hội Bảo trợ ơn gọi, chúng ta dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ, và cầu xin cho Tỉnh Dòng FMM Việt Nam ngày càng phát triển, và cho chúng ta biết cộng tác trong việc bảo trợ ơn gọi, để ngày càng có nhiều người hiến dâng cuộc đời theo lý tưởng PSTSĐM, để Danh Chúa được cả sáng, và mưu ích phần rỗi cho những ai thành tâm thiện chí, biết mở rộng lòng đón nhận tình thương của Người.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta và gìn giữ chúng ta trong tình thương của Người.

 

Suối Dầu ngày 15-11-2022

LM Gioan Baotixita Nguyễn Kỳ, ofm.