Bài Giảng Lễ Tạ Ơn 35 Tại Giáo Xứ Vinh Châu

Khi về với vùng đất này, nhìn thấy anh chị em cộng tác với công việc của nhà dòng trong vui tươi, hân hoan và quảng đại, chúng tôi biết rằng cuộc đời chúng tôi có ý nghĩa. Và sứ mệnh mà chúng tôi đang thực hiện trên mảnh đất này đó là biểu lộ khuôn mặt của vị Thiên Chúa trung thành, Thiên Chúa gìn giữ.

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta vừa nghe đoạn Tin Mừng thật bi thảm về cái kết của cuộc đời ông Gioan. Ông bị Hê-rô-đê chém đầu vì lời ngôn sứ, những lời cảnh tỉnh mang tính cách mạng của mình. Thật lạ lùng, trong ngày hôm nay, bài Tin Mừng trung với ý lễ mà các chị Phan Sinh xin cộng đoàn chúng ta cầu nguyện trong lúc này đó là lời tạ ơn.

Thánh lễ tạ ơn bao gồm nhiều lý do. Chúng ta biết rằng sau năm 1975 với chính sách kinh tế mới, đất nước chúng ta rơi vào tình cảnh khó khăn, nghèo đói, cùng cực. Và các dòng tu cũng như các Kito hữu gặp muôn vàn khó khăn trong đời sống ơn gọi của mình. Thánh Giacobe tông đồ nói: nếu ai nói rằng mình yêu thương Thiên Chúa mà không yêu thương anh em mình thì đó là kẻ nói dối. Thật vậy, chúng ta không thể nào nhìn thấy một Thiên Chúa vô hình. Chúng ta chỉ thấy đó những con người hữu hình ở giữa chúng ta. Và vì thế, khi anh chị em lo lắng, chăm sóc cho các cộng đoàn tu sĩ đó chính là lúc anh chị em thay mặt Thiên Chúa để gìn giữ các ơn gọi của Ngài và cộng tác và chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Tôi nhớ, ngày xưa nhà dòng chúng tôi đi làm lúa, mà cái sân nhà dòng nó nhỏ quá, nên đã chạy sang phơi lúa ở sân nhà ông bà cố dì Sương thuộc cộng đoàn Phan Sinh này. Đến bây giờ tôi cứ thắc mắc là, tại sao mình đổ ra 9 bao lúa, sau khi phơi 2, 3 ngày gom lại đem về nhà thì nó lại thành 10 bao. Lúa càng phơi, càng đầy… Như vậy, các tu sĩ chúng tôi nhìn thấy một Thiên Chúa Quan phòng bên cạnh chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy một vị Thiên Chúa đang tỏ lộ với chúng tôi thánh ý của Ngài trong từng hoàn cảnh sống.

Thật vậy, sau năm 1975, các trường học, bệnh viện bị quốc hữu hóa. Các hoạt động tôn giáo bị giới hạn trong các bức tường của giáo xứ. Và vì thế, những tu sĩ như chúng tôi cảm thấy hoang mang lo lắng về ơn gọi của mình. Chúng tôi đánh mất tất cả để rồi không biết ơn gọi nào, sứ vụ nào dành cho chúng tôi. Tuy nhiên, khi về với vùng đất này, nhìn thấy anh chị em cộng tác với công việc của nhà dòng trong vui tươi, hân hoan và quảng đại, chúng tôi biết rằng cuộc đời chúng tôi có ý nghĩa. Và sứ mệnh mà chúng tôi đang thực hiện trên mảnh đất này đó là biểu lộ khuôn mặt của vị Thiên Chúa trung thành, Thiên Chúa gìn giữ.

Chúng tôi lắng nghe nhu cầu của cộng đoàn và chúng tôi đáp ứng lại. Mỗi lần làm như vậy, chúng tôi đang thực hiện thánh ý Thiên Chúa, Đấng ngỏ lời qua các chị em. Có lẽ, vượt qua những trợ giúp về kinh tế, tài chánh mà ông bà anh chị em ban tặng cho chúng tôi, có một điều quan trong hơn đó là  chúng tôi cảm nhận cuộc đời mình có ý nghĩa, có giá trị, có một hướng đi rõ ràng để càng ngày càng dấn thân cho Chúa trong sứ vụ nhiều khi rất khó khăn trong hoàn cảnh sau 1975, một hoàn cảnh mới và bất ngờ đối với Giáo Hội Việt Nam.

Ít ngày nữa các chị Phan Sinh sẽ ra đi. Điều này chắc chắn để lại cho chúng ta nhiều niềm thương mến, nhớ nhung. Ngay cả tôi, xét như người anh cả trong đại gia đình Phan Sinh 3,4 người con tôi cũng thấy một chút mang mác:

Em đi bỏ lại con đường

Bờ xa, cỏ dại vô thường nhớ em.

Chắc chắn các chị ra đi làm cho cộng đoàn chúng ta một cảm thấy một sự nhớ nhung nào đó. Tuy nhiên, khi các chị chọn lựa một sứ vụ liều lĩnh hơn, can đảm hơn, đi đến vùng đất xa xôi hơn, khó khăn hơn, các chị vẫn mang theo trong mình niềm nhớ thương của cộng đoàn này và tất cả tình nghĩa cộng đoàn này. Đồng thời các chị đem theo bên mình điều mà các chị đã cảm nghiệm nơi cộng đoàn này đó là sự hiện diện của một Thiên Chúa quan phòng, gần gũi, yêu thương. Chắc chắn vùng đất mới mà các chị ra đi cũng đầy rẫy những khó khăn, thách đố.

Ngay trong giờ phút này, trong cộng đoàn chúng ta cũng có một chị tuyên khấn dòng. Mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, giữa thời gian Covid-19 này, thánh lễ buộc phải cử hành nội bộ, gia đình và người thân không thể tới tham dự được. Chúng ta cầu nguyện cho chị, cầu nguyện cho các tu sĩ đang dấn thân trong con đường rất mù mờ. Tuy nhiên, cũng như các chị Phan Sinh, các tu sĩ được mời gọi đến với vùng đất mới, họ luôn xác tín, một Thiên Chúa luôn quảng đại, thân cận được tỏ lộ nơi những người giáo dân sốt sắng. Cùng với các chị Phan Sinh, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã luôn yêu thương và gìn giữ chúng ta từ khi chúng ta đến với vùng đất này và rồi tiếp tục ra đi cho sứ vụ mới.

Lm Phanxico X. Phó Đức Giang, OFM.