THÁNH LỄ NGÀY 01/07 CẦU NGUYỆN CHO CHỊ ELISABETH THANH THỦY

...Để thực hành lối sống bác ái đối với tha nhân người sống cũng như người chết, ngày hôm nay chúng ta cùng sốt sắng cầu nguyện cách đặc biệt cho Sr. Elisabeth Thủy, người thân của chúng ta vừa mới qua đời. Xin Chúa thương thứ tha những lỗi lầm của Sr. khi còn sống ở trần gian, để Sr. được sớm về hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời.

THÁNH LỄ NGÀY 01/07 CẦU NGUYỆN CHO CHỊ ELISABETH THANH THỦY

Linh cữu của chị Elisabeth Thanh Thủy được quàn trong nhà thờ cho đến Lễ an táng vào ngày thứ hai, vì đợi gia đình chị về dự, nhờ đó chị được hưởng nhở những ân sủng của các Thánh lễ cộng đoàn, đặc biệt là các thánh lễ chung với cộng đoàn Dân Chúa vào ngày Chúa Nhật.

Thánh lễ sáng ngày Chúa Nhật 01/07 do cha Giuse Bề trên Cộng đoàn OFM Đa-Kao cử hành. Chị em các cộng đoàn về viếng chị và chuẩn bị tham dự Thánh lễ An táng cho chị đều tham dự đông đủ. Cũng phải kể đến nhóm 14, các em Khấn tạm từ các cộng đoàn về ôn tập để ngày 02/07 thi vào Học Viện Thần học Lasan. Và nhóm 11 chị em đi Practicum từ Gia-Lai cũng lần lượt trở về.

Trong thánh lễ, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho những đau khổ khác nhau trong thân phận con người - và cầu nguyện cho chị Elisabeth Thanh Thủy mới được Chúa gọi về. Cha chia sẻ rất sâu về vấn nạn và ý nghĩa của đau khổ trong đời sống con người. Dưới đây là bài giảng của Cha:

Kính thưa anh chị em, thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy đau khổ luôn là một vấn nạn nan giải của con người. Chính vì vậy, ngay từ những trang sách đầu tiên của Kinh Thánh đã nói về sự sa ngã của Ađam-Eva, về tội tổ tông truyền. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì trang sách đầu tiên được viết ra nhằm giải thích đau khổ của con người.

Tại sao ta lại có đau khổ trong cuộc đời con người. Hôm nay, qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy đâu là thái độ của Chúa Giêsu khi Ngài đối diện với những đau khổ của con người: đau khổ của một bé gái phải nhắm mắt lìa đời khi tuổi còn rất trẻ mới 12 tuổi, đau khổ của một người cha cảm thấy bất lực trước cái chết của đứa con gái của mình, đau khổ của người phụ nữ bị bệnh băng huyết kéo dài 12 năm chạy chữa khắp nơi mà vẫn không thuyên giảm, không lành.

Khi đối diện với những đau khổ của con người, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không đưa ra một triết lý nào để giải thích về những đau khổ của con người nhưng Ngài đã hành động. Ngài đã chữa lành cho người phụ nữ bị bệnh băng huyết, Ngài đã làm cho hồi sinh bé gái con của trưởng hội đường 12 tuổi vừa nhắm mắt lìa đời. Trước những đau khổ của con người, Chúa Giêsu không nói gì nhiều, nhưng qua hành động của Ngài, Ngài đã nói cho chúng ta nhiều điều và nhất là Ngài trình bày cho chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa. Đó là khuôn mặt của vị Thiên Chúa khác với suy nghĩ của người đời khi cho rằng Thiên Chúa cũng giống như các vị thần khác là thích trừng phạt con người, khiến cho con người phải chịu nhiều đau khổ.

Đọc lại các truyện thần thoại Hy Lạp, chúng ta thấy rằng thần thánh là tác nhân, là nguồn gốc gây ra những đau khổ cho con người. Chẳng hạn như thần Dớt, một vị thần luôn tìm cách triệt hạ con người, giáng xuống những hình phạt ghê gớm cho con người. Thế nhưng Thiên Chúa của chúng ta thì hoàn toàn ngược lại. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta qua cuộc đời của Ngài là một Thiên Chúa không muốn sự chết nhưng muốn sự sống, một Thiên Chúa không muốn trừng phạt nhưng muốn cứu chữa. Vậy chúng ta thử hỏi: Thiên Chúa không phải là nguồn gốc, tác nhân gây ra những đau khổ, chết chóc cho con người thì đau khổ, sự chết đó từ đâu mà đến?

Lời Chúa trong bài đọc I chúng ta vừa nghe trích trong sách Khôn Ngoan cho chúng ta biết đau khổ và sự chết do ác quỷ gây ra. Tác giả sách Khôn Ngoan nói rằng “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết xâm nhập thế gian”. Thế nhưng ở đây thiết tưởng chúng ta cần phải xác định rằng ác quỷ hay quỷ dữ ở đây không phải chỉ là một nhân vật hay những nhân vật của thần thánh, là hình ảnh của ma quỷ, nhưng ác quỷ hay quỷ dữ ở đây là từ trong lòng con người chúng ta.

Sở dĩ nói như vậy là vì chúng ta thấy chẳng hạn cách đây không lâu chúng ta biết được câu chuyện của hai người thanh niên hiệp sĩ đường phố đã bị hai kẻ cướp đâm chết một cách thảm khốc đau thương như thế nào, rồi thời gian gần đây báo chí nói nhiều đến nỗi đau khổ của những người dân Thủ Thiêm khi họ bị các quan tham nhà nước cướp đất đai nhà cửa của họ bằng cách tịch thu đất đai của họ để thực hiện các dự án đô thị mà không đền bù xứng đáng, khiến cho họ rơi vào tình cảnh sống lầm than, lây lất ngoài đường phố.

Ngoài ra chúng ta còn thấy những đau khổ mà con người gây ra cho nhau: một người con trai khi lên cơn nghiện ma túy, xin không được tiền đã lấy giao đâm chết mẹ ruột của mình để cậy tủ lấy tiền và trong cuộc sống. Chúng ta nói với nhau bằng những lời nói thâm độc, chua cay, nói xấu, phê bình chỉ trích. Chúng ta nhìn nhau bằng những ánh mắt khinh bỉ, coi thường, hận thù ghen ghét… là chúng ta gây đau khổ cho nhau. Chúng ta cư xử thiếu tình người, thiếu tôn trọng, thiếu bác ái, thiếu cảm thông; chúng ta có những hành động, những cử chỉ tàn ác xúc phạm đến người khác. Ác quỷ trong con người chúng ta gây đau khổ cho nhau là như vậy!

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, hình ảnh người phụ nữ bị băng huyết không chỉ đau khổ về thể lý nhưng còn đau khổ về tâm hồn, về tinh thần khi chị bị loại trừ ra khỏi cộng đồng xã hội. Hình ảnh của bé gái 12 tuổi, đâu phải chỉ là nỗi đau riêng của em khi nhắm mắt lìa đời nhưng còn là nỗi đau của người cha, người mẹ bị mất đứa con thân yêu là niềm vui, niềm hy vọng của đời sống gia đình.

Ác quỷ gây ra đau khổ cho con người là từ trong lòng của con người chúng ta và khi đứng trước những thực tế đau khổ của tha nhân, của con người, là những Kitô hữu, những người có niềm tin vào Thiên Chúa thì thiết tưởng niềm tin vào Thiên Chúa đó phải thúc đẩy chúng ta phải có hành động như thế nào để chúng ta biết sống như Chúa Giêsu, biết làm những gì tốt nhất để xoa dịu những nỗi đau khổ của tha nhân, của đồng loại. Thế nhưng lối sống theo Chúa Giêsu, lối sống đầy bác ái, sẵn sàng ra tay giúp đỡ, an ủi xoa dịu những nỗi đau khổ của tha nhân… lối sống đó ngày hôm nay xem ra không được người ta đón nhận hay nói cách khác lối sống đó đi ngược lại với lối sống của con người thời xưa và hôm nay.

Sở dĩ chúng ta nói như vậy là vì chúng ta thấy Chúa Giêsu, khi Ngài đến nhà ông trưởng hội đường Ngài thấy những người trong gia đình khóc lóc thảm thiết vì đứa bé đã chết, nhưng khi Chúa Giêsu nói với mọi người “đứa bé không chết đâu, nó ngủ đấy”. Ngài nói như vậy để an ủi họ và đồng thời báo cho họ biết Ngài sẽ thực hiện, Ngài sẽ làm điều gì đó để có thể cứu sống đứa bé.Thế nhưng những người có mặt lúc đó đã cười nhạo Người và có lẽ trong lòng họ nghĩ rằng ông Giêsu này điên rồi nên mới có những lời nói như vậy, khi mà người ta đã chết rồi, mọi người đang đau buồn như vậy mà ông ta còn nói được như thế!

Điều này cho chúng ta thấy, khi chúng ta muốn làm một điều gì đó tốt nhất để an ủi, để giúp đỡ, để phục vụ, để xoa dịu nỗi đau của tha nhân và của anh chị em đồng loại thì xem ra chúng ta có thể bị xem là sống lập dị, chúng ta có thể không được mọi người đón nhận bởi vì cuộc sống thực tế cho thấy con người ngày hôm nay hầu như sẵn sàng làm những điều xấu xa, gian ác bất chấp tất cả miễn sao có lợi cho mình. Con người ngày hôm nay có thể sống dửng dưng, vô cảm trước những nỗi đau khổ của đồng loại; họ có thể chà đạp lên nỗi đau khổ của người khác miễn sao được thăng quan tiến chức, tiền đầy túi thậm chí có những kẻ tán tận lương tâm sẵn sàng coi thường sinh mạng, bất chấp mạng sống của người khác… vì những lợi ích riêng tư, của phe nhóm. Vì vậy, chúng ta thấy lối sống của Chúa Giêsu, lối sống yêu thương bác ái, phục vụ, hy sinh quên mình vì tha nhân dường như rất xa lạ với con người chúng ta.

Thưa anh chị em, mỗi khi chúng ta đến nhà thờ tham dự Thánh lễ Chúa nhật không chỉ là chúng ta thi hành, làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của một người Kitô hữu để đảm bảo hạnh phúc, sự sống đời sau. Nhưng trên hết chúng ta tham dự Thánh lễ để chúng ta được học hỏi Lời Chúa, để chúng ta thấm nhuần Lời Chúa và nhất là chúng ta mang lấy tâm hồn của Chúa Giêsu một cách sống động và sâu xa hơn.

Chúng ta cầu xin Chúa trong Thánh lễ này cho mỗi người chúng ta có được tấm lòng nhân ái như Chúa Giêsu và nhất là biết hành động như Chúa Giêsu trước những nỗi đau khổ của anh chị em, của tha nhân đồng loại. Chớ gì nếu chúng ta chưa thể làm gì để xoa dịu nỗi đau khổ của anh em đồng loại thì chúng ta xin Chúa cho chúng ta tránh đừng bao giờ gây ra những đau khổ cho nhau bằng những suy nghĩ, những lời nói, những hành động xấu xa, gian ác đối với nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Để thực thi, thực hành lối sống bác ái đối với tha nhân người sống cũng như người chết, ngày hôm nay chúng ta cùng sốt sắng cầu nguyện cách đặc biệt cho Sr. Elisabeth Thủy, người thân của chúng ta vừa mới qua đời. Xin Chúa thương thứ tha những lỗi lầm của Sr. khi còn sống ở trần gian, để Sr. được sớm về hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời. Amen.

Trong suốt cả ngày chị em cũng thay phiên túc trực bên linh cữu chị, để cầu nguyện cho chị và tiếp đón nhiều người thân quen đến kính viếng. Buổi trưa hai em của chị là anh Thắng và chị Thu từ Mỹ về Việt Nam để tiễn biệt chị, lên chào và thắp nhang cho chị rất cảm động…

Đến 3g chiều, chị em nhà Tỉnh dòng và các cộng đoàn quy tụ chung quanh chị để từ biệt chị . Chị Giám tỉnh Anna Tạo thay lời chị em cám ơn chị, xin lỗi chị và nhắc lại nhiều điều tốt lành trong cuộc đời chị. Sau đó gia đình chị cũng lên qui tụ quanh linh cữu nói lời từ biệt trước khi nhà quàn đóng nắp quan tài… Sau đó tất cả cộng đoàn cùng cử hành Kinh Chiều II Chúa nhật cùng với chị Elisabeth Thanh Thủy. Thánh lễ chiều vào lúc 4g30 tiếp tục được dâng để cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện cho chị.

FMM/VN