CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO TẠI SAPA (Phần 1)

Như các chị đã biết, hai chị em chúng em được diễm phúc chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo tại vùng cao nguyên sương mù với anh em dân tộc H’Mông trong dịp Mùa Vọng và Giáng Sinh năm nay. Sau đây là phần một của những bài chia sẻ của chúng em nơi bản làng dân tộc đặc biệt này.

Chị em kính mến,

Từ khi đặt chân lên miền cao nguyên này, sau 2 ngày ở lại Sapa họp với Hội Đồng Giáo Xứ, và được cha xứ đưa chúng em đi thăm các giáo điểm mà chúng em sẽ phục vụ. Ngày hôm sau chúng em đã chính thức vào Hầu Thào và ở lại đây. Trong bản không có Internet và sóng điện thoại cũng lúc có lúc không, hôm nay ra Sapa, em xin tranh thủ chia sẻ "dài dòng".

Lần đầu tiên vào bản, đi trên xe với cha sở, chúng em cứ tưởng mình đang du hành trên tàu của cướp biển Caribe, vì đường ở đây bao quanh sườn núi, “leo lên lề lọt xuống lỗ liên tục” uốn khúc quanh co, cộng thêm sương mù dày đặc, chỉ có thể nhìn thấy phía trước khoảng 3-4 m. Vậy mà cha sở với hơn 10 năm kinh nghiệm sống với đồng bào ở đây, ngài lái xe chạy băng băng, và dường như cha đã thuộc lòng từng chỗ lồi lõm trên đường. Thỉnh thoảng cha dừng xe để thăm hỏi những người dân đang địu con, hay cõng gùi đi làm về.

Để tập làm quen với đường đồi dốc núi, ngày hôm sau em Dung chở chị Lệ đi lễ ở Hầu Chư Ngài – một bản bên cạnh, xe của chúng em đã nhấc bổng bánh trước lên chạy khoảng 5m và hạ cánh tại một mỏm đất cạnh đường, xung quanh là vực thẳm. Sau khi “bò” đứng lên được, chúng em hết lòng tạ ơn Chúa, Ngài đã quan phòng từ muôn thửa và biết trước có 2 fmm sẽ té xe ở đây nên đã để lại miếng đất này, nếu không thì chắc là FMM đã có thêm “2 vị thánh tử đạo” nữa rồi. Và cũng kể từ lúc đó, chị Lệ nói với em Dung “thôi từ nay để tớ chạy xe cho, cậu lấy xe tự tập lái một mình đi nhé”, hihi. Thế là bây giờ đi đâu, “bà tiên phải chở cô gái bản”.

Gần tuần nay, chúng em ở trong bản, các buổi tối, thứ 7 và Chúa Nhật chúng em tập hoạt cảnh, còn ban ngày thì leo lên đồi để thăm bà con. Các em học sinh cấp II và cấp III đi học và ở lại trường nên rất khó tìm người để tập, chúng em phải đi kêu mời “thằng chồng và con vợ” đến tập mà vẫn không đủ. Những ngày mới đến trời rất lạnh, có khi xuống tới 3 độ, nhưng 2 hôm nay trời đã có nắng. Người dân nói là rất hiếm khi có được thời tiết đẹp như thế này, đặc biệt chị Mặt Trời thì vô cùng hiếm hoi. Hôm nay không có sương mù, từ chỗ chúng em ở có thể nhìn thấy đèn điện của đỉnh Phan-xi-băng, có lẽ một ngày đẹp trời nào đó, chúng em sẽ lên chân Phanxibang thăm, vì lên cổng trời thì phải đi bằng cáp treo tới 600.000đ/người.

Người dân ở đây sống rất đơn sơ, mộc mạc với thiên nhiên và núi rừng. Thức ăn không phong phú nhưng tất cả “sạch” 100%. Chúa ưu đãi cho họ, trồng rau không tưới, không phân, không thuốc nhưng rất xanh tươi. Heo rừng, dê núi, gà bản, ...chó, mèo, vịt, ngan, bò, ngựa... đi chơi khắp nơi tối cũng không về nhà. Khi có một con dê bị chết ở đâu đó, người ta bắc loa thông báo “thằng chủ” sẽ đển nhận. Những người từ khoảng 30 tuổi trở lên thì không biết hoặc biết rất ít tiếng Việt, thế hệ trẻ hơn có thể nói nhưng rất chậm, họ nói tiếng Việt giống như khấn tạm nói tiếng Anh ấy. Nhưng bù lại họ rất có khả năng nói tiếng Anh, lớp trẻ một số kha khá thì làm nghề dẫn khách du lịch đi thăm bản, một số dọn dẹp khách sạn còn phần lớn đi làm rẫy, “những thằng gái” thì “đứa” nào cũng biết đan, thêu cả.

Thánh lễ cử hành nửa tiếng H’Mông nửa tiếng Việt. Khi đi thăm bà con thì chúng em phải có người thông dịch. Hai chị em cũng học được vài câu tiếng H’Mông. Học được chữ chào cha, nhưng khi gặp cha “bối rối” không nói được, còn khi gặp chó ra đón sr mừng quá nói “chào cha”. Có lần một sr Mến Thánh Giá Hưng Hóa tạm biệt giáo điểm đi nơi khác, ông trùm đại diện nói với sr là "Sr đi đâu thì cũng mang một chó", Sr trả lời là "dạ không, con không mang chó theo đâu" Nhưng ông trùm vẫn nài nỉ "Sr có mang một chó mà" nói mãi rồi sr mới hiểu thì ra ông muốn nói "mang một Chúa" (cũng tin thờ Một Chúa) chứ không phải mang chó đi đâu. Những câu chuyện tương tự thế này xảy ra thường xuyên. Sống ở đây chúng em mới cảm nhận được lòng nhiệt thành truyền giáo của các vị thừa sai vĩ đại như thế nào và phần nào cảm nghiệm được những khó khăn mà các ngài ghi lại trong nhật kí truyền giáo. Còn nhiều điều thú vị và những câu chuyện vui chúng em muốn chia sẻ, hẹn các chị lần sau.

Tạ ơn Chúa cho tới nay, chúng em mạnh khỏe, chỉ bị cảm đôi chút, xin các chị tiếp tục cầu nguyện cho chúng em. Kính chúc các chị những ngày còn lại của Mùa Vọng tràn đầy ân sủng!

Chúng em 

Lệ, Dung, fmm