Miền Truyền Giáo Gia Lai

Chương trình mới chạy được một tháng mà chị Phúc đã dạy các em đánh nhịp được rồi. Mình đâm hoảng, nửa đùa, nửa thật: “Chậm chậm chút được hông? Bác làm tốt quá, lỡ qua tháng thứ 3 không còn cái gì dạy thì sao?” Haha…

 

Chị em Fmm Gia Lai kính chào mọi thành viên trong đại gia đình Phan Sinh! Chắc hẳn chị em xa gần cũng muốn biết fmm nhà ta trên này mần ăn ra sao rồi, nhất là chương trình “Thăng Tiến” phải không?

Như chị em đã biết, chúng ta hợp đồng với Giáo Phận Kon Tum giúp các thiếu nữ sắc tộc tại nhà Thăng Tiến, nằm trong khuôn viên giáo xứ Đức An, TP Pleiku. Sau gần 20 năm được sử dụng, đồ đạc trong nhà Thăng Tiến đang xuống cấp, chị em đã cố gắng sơn, sửa lại để tạo một không gian thoáng, sạch hơn, trước khi đón các em về. 

Bốn FMM vừa dạy học vừa làm “bảo mẫu” nên bận rộn lắm, nhưng Chúa thương đã gởi em Thục Đoan và 4 chị tân vĩnh khấn- Sinh, Lịch, Vui, Châu- lên hỗ trợ chị em và cũng để các chị em này có cơ hội khám phá miền truyền giáo. Bầu khí rất sống động, vui vẻ hẳn lên. Các chị góp tiền ăn vì hiểu và thương nhà Thăng Tiến mới mẻ, nghèo nàn. Chị Sinh sẽ sớm trở lại thành phố sau 3 tuần hiện diện, để chuẩn bị cho sứ vụ mới. Chị Vui, Lịch và em Đoan sẽ ở hết tháng 7; chị Châu ở hết khóa. Có chị em hỗ trợ, chất lượng dạy-học tốt hơn nhiều, nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ hơn nữa! Cám ơn 5 chị em!

Trước khi chương trình bắt đầu, chị em mời bác sĩ đến khám tổng quát cho các em. Em nào đau, thì được chữa trị. Chị Phú đưa một số em đi trám răng. Lần đầu tiên làm cái này nên các em rất sợ, chút nữa thì cắn cả nha sĩ! Những ngày đầu đầy bỡ ngỡ, cả “cô- trò” đều vất vả để thống nhất về nếp sống chung. Nhiều em đây là lần đầu xa nhà và sống trong môi trường tập thể như thế này nên rất nhút nhát, ngại ngùng. Có em còn ngồi quay lưng ra ngoài bàn ăn, chỉ lâu lâu quay vô gắp miếng thức ăn, rồi lại quay ra. Nhìn dễ thương lắm!

Chương trình học của các em bao gồm: Nhân bản, giáo lý căn bản, giáo lý vào đời, kể chuyện Kinh Thánh, chia sẻ Lời Chúa, vi tính, tiếng việt, xướng âm-ca trưởng, vệ sinh, nấu ăn gia đình, may, cắm hoa, giáo dục giới tính, kiến thức sinh sản…Các em tiếp thu khá tốt các môn học, trừ tiếng việt. Lý do là trong làng không nói tiếng Kinh, nên vào cấp I, cô giáo nói tiếng Kinh các em không hiểu, không học được...Do đó, chị em sẽ đầu tư thêm thời gian cho tiếng việt của các em.

Chị em cũng mời thầy Thành, ofm- chuyên viên công nghệ thông tin- qua dạy vi tính cho các em một cách bài bản và cũng để giảm bớt tình trạng “âm thịnh, dương suy” trong đội ngũ giảng dạy. Chương trình mới chạy được một tháng mà chị Phúc đã dạy các em đánh nhịp được rồi. Mình đâm hoảng, nửa đùa, nửa thật: “Chậm chậm chút được hông? Bác làm tốt quá, lỡ qua tháng thứ 3 không còn cái gì dạy thì sao?” Haha…

Bên cạnh việc học, các em được đưa đi làng để thực tập tông đồ theo nhóm. Hoặc đi bằng xe buýt, hoặc các Sr chở bằng xe máy. Một tháng thì giáp vòng. Các em thích lắm! Làng cũng vui vì các em nói được tiếng của họ. Do vậy mà lẽ ra, sau 2 tuần học, chị em sẽ cho các em về thăm làng để tránh tình trạng các em trốn về vì quá nhớ cha mẹ, nhớ làng xóm, chó mèo, nhớ rừng, nhớ rẫy…như các vị tiền bối đã tư vấn cho chị em, nhưng các em rất vui và xin dời lại thêm 2 tuần.

Giữ lời hứa, sau một tháng học, các em được đưa về thăm nhà. Các em sẽ hát lễ thiếu nhi sáng Chúa Nhật và sẽ múa cho thiếu nhi xem. Có khoảng 2000 thiếu nhi, chưa kể phụ huynh và 80 giáo lý viên. Đạo diễn 3 bài múa là ba vũ sư sinh viên Serdang bên Hiếu Đức của cha Hải, mà chị em đã thương lượng đưa về làm thông dịch viên. Trên đường về lại Pleiku, sẽ ghé TGM chào Đức Cha, mừng bổn mạng cha Đông và cám ơn ngài đã tặng mỗi em 1 bộ thổ cẩm ( đang được Sr. Phúc và cô Minh thi công), 1 đồng hồ điện tử. Phấn khởi lắm và hạnh phúc lắm!

Rồi thì lại có 4 bạn nội trú nam của cha Đông ở lại học cho hết năm học, cũng hữu ích lắm. Con gái ở lầu 2, con trai xuống tầng trệt ở với Sr già Tiểu Lệ. Ở chung nhà nhưng không phải “âm-dương cách biệt ngàn trùng” mà “âm-dương tác hợp, trùng trùng”. “Bên này” thực tập dậy sớm nấu cơm, thì có người “Bên nọ” giúp bưng nồi, đổ nước…Ôi! Cuộc sống sao mà thắm tình huynh đệ, nó làm vơi đi nỗi nhớ cha, nhớ mẹ như Tô-bi-a xưa có Shara cũng nguôi đi phần nào nỗi nhớ mẹ mới mất!

Cha Đông ra đi, để lại nhiều thứ: Mắm muối, gạo, mì… Lúc đầu tụi em gồng gánh đem đi làng, nhưng giờ phải để lại một ít “cứu đói”. Miễn có ăn là hạnh phúc rồi. Nghe kể rằng Sr Vui trước đây không bao giờ đụng tới mì gói. Thứ nhứt, người ta nói mì gói rất độc. Thứ hai, cái mặt tiền của sr ấy hơi giống bánh tráng mè nên tránh xa nó thì tốt hơn. Ấy thế mà lên đây làm một lúc 2 gói cho bữa sáng, lại còn tấm tắc, “ Mì này có cái gì mà ngon nhể?”

Một chút xíu về các cô dâu này nữa: Tối 25.6, Lệ đưa 3 trong số 4 cô đi lễ ở làng Ngai Yố, cách Pleiku 30km. Trên đường chị em tâm sự với nhau. “Cô dâu” ấy nói rằng, “ Bây giờ lên đây mới thấy thương miền truyền giáo bao la bát ngát… mà thiếu thợ gặt.” Ama Hải mới bị đau, đi bệnh viện để chuyền nước nọ kia, thế mà tối nay Cha đi dâng lễ cho bà con, trước lễ dạy giáo lý, giải tội. Cha là “ánh sáng” cho chúng con, những người mang tên gọi “ Thừa sai.” Tự đáy lòng, tôi thầm thĩ, “Chạm lòng con! Chúa ơi! Xin Chúa chạm lòng con …”

Một phần ba khóa học đã trôi qua. Mọi sự tốt đẹp. Chúng em cảm nhận tình thương và sự nâng đỡ của Chị em trong toàn TD cho sứ vụ, và có bàn tay Chúa phù hộ từ việc “cho thêm xe” để đi sứ vụ cho đến việc chiêu sinh, kiếm thầy… Chúng em cám ơn chị Thùy Dung và gia đình là nhà tài trợ chính cho giai đoạn đầu khó khăn của chị em. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta, quý ân nhân đã hợp tác với chị em FMM trong sứ vụ thăng tiến các em sắc tộc này. Xin tiếp tục nâng đỡ chúng em và xin hẹn gặp mọi người ở lần lên báo sau nhé. Tuy nhà chưa có điệu kiện, chúng em vui mừng đón tiếp tất cả mọi người có nhã ý đến thăm hay giúp đỡ.

FMM Gia Lai