Con Đường Hội Nhập Xã Hội (II)

Trong lớp, các em bị một số bạn loại trừ, không chơi chung… nhất là mỗi lần tan trường, một nhóm bạn trai quá khích đã lấy đá ném vào các em Quy Hoà và gọi “đồ con cùi, cút đi!”. Thật buồn tủi cho các em, có lần một em đã bị các bạn ném trúng đầu chảy máu, may mà không nặng lắm, nhưng đã để lại tổn thương sâu sắc trong tâm hồn các em...

Con Cháu Bệnh Nhân Phong Quy Hoà

Con Đường Hội Nhập Xã Hội

Kỷ niệm 40 năm thành lập
Tỉnh Dòng Thánh Tâm Việt Nam 1973 - 2013

(kỳ 2)

Về mặt xã hội, kiến thức về bệnh phong không lây lan còn khá giới hạn trong dân chúng. Năm học đầu tiên 1990-1991, đến giữa học kỳ II, một biến cố xảy ra, phụ huynh của các học sinh trong các lớp của trường Trần Hưng Đạo biết con của họ học chung lớp với con bệnh nhân phong Quy Hoà; họ đã có những kiến nghị với nhà trường vì sợ con mình bị lây bệnh. “Nếu Thầy Hiệu trưởng vẫn để cho con bệnh phong học chung với con họ, họ sẽ rút con họ đi nơi khác”. Thật khó khăn cho quý thầy cô của trường, vì thế thầy Hiệu trưởng phải tổ chức một cuộc họp với phụ huynh và chị đã đứng ra giải thích cùng bảo đảm cho phụ huynh các cháu yên tâm. Chị phải lấy chính bản thân làm chứng vì chị là người đã từng sống với họ; ngoài ra còn có các nữ tu FMM khác đã sống gần 40 năm phục vụ trong bệnh viện mà đâu có bị lây bệnh; nhờ đó làn sóng khó khăn dần dịu lại. Tiếp đến là phản ứng của chính bạn học của các em, trong lớp, các em bị một số bạn loại trừ, không chơi chung… nhất là mỗi lần tan trường, một nhóm bạn trai quá khích đã lấy đá ném vào các em Quy Hoà và gọi “đồ con cùi, cút đi!”. Thật buồn tủi cho các em, có lần một em đã bị các bạn ném trúng đầu chảy máu, may mà không nặng lắm, nhưng đã để lại tổn thương sâu sắc trong tâm hồn các em.

Từ đó, mỗi chiều sau giờ làm việc chị phải từ Quy Hoà ra trước cửa trường đón các em về và gặp trao đổi với các em học sinh bạo lực này, sau một thời gian các em cũng  dần quen và chấp nhận sự hiện diện của các bạn học sinh Quy Hoà. Năm học trôi qua, kết quả bảy em đều được có giấy khen và lãnh thưởng.

Sau ba tháng nghỉ hè tại gia đình, năm học mới 1991 -1992, các em lại tiếp tục ra Quy Nhơn học và có thêm 7 em lớp 6. Các chị Phaolô sẵn sàng đón tiếp các em, song chưa đầy ba tháng, có lẽ vì các em đông hơn nên phụ huynh các bé Mẫu giáo trong nhà các Soeurs chú ý và bắt đầu phản ứng, buộc các chị phải chọn lựa với lý do họ e ngại lây bệnh cho các cháu nhỏ. Các chị đã trao đổi với chị để tìm hướng giải quyết.

Chị phụ trách cộng đoàn Quy Hoà lúc bấy giờ là chị M. Michelle (Agata Trần thị Linh) chia sẻ với cộng đoàn và cho phép tìm thuê nhà ở Quy Nhơn; đang còn mò mẫm đi tìm nhà, vô tình một ngày nọ khi ngang qua đường Lê Thánh Tôn, một con đường mà chưa khi nào chị đi qua, bất chợt nhìn thấy bảng cho thuê nhà. Sau khi trao đổi và thoả thuận với chủ nhà, chị làm giấy hợp đồng thuê thời gian 6 tháng.

Sr. M. Gabrielle chuẩn bị bữa cơm cho các em tại nhà thuê 13 Lê Thánh Tôn - QN, 1992

Đầu tháng Giêng năm 1992, các em chuyển đến ngôi nhà thuê tại số 13 Lê Thánh Tôn, thành phố Quy Nhơn và cộng đoàn cho phép chị M. Gabrielle (Anna Trần thị Thơm) ra giúp các em việc cơm nước và trông coi nhà. Những tưởng như thế là tạm ổn cho đến hết năm học của các em. Nào ngờ, một buổi sáng chị đi chợ sớm cho bệnh nhân nên ghé thăm các em, thật bất ngờ một quang cảnh đồ đoàn xoong chảo, bàn ghế… và “Bà cháu” ngồi ngoài đường. Sau đó mới biết lý do: chủ nhà không cho các em tiếp tục ở nữa. Chị đến gặp ông chủ thì mới biết lý do đơn giản là ông ta khám phá các em nầy là con người “cùi” chứ không phải con mồ côi như ông nghĩ. Vì thế, ông sợ nếu các em ở đây, sau nầy người ta không dám thuê và ông cũng khó bán nhà, nếu ông muốn. Chị đã tìm cách giải thích và thương lượng với ông về luật hợp đồng thuê nhà và tấm lòng thương người mà ông cần phải có.

 Sau một lúc trao đổi, ông đã đồng ý cho các em tiếp tục thêm một tháng trong lúc tìm nhà khác. Từ hôm đó, chị dò tìm để thuê nhà khác, nhưng thật khó khăn. Vì lúc này, hầu như cả thành phố Quy Nhơn đều biết các Soeurs thuê nhà cho con bệnh nhân phong!! Dù vậy, chị vẫn luôn tin tưởng và phó thác; vì đây là việc của Chúa, đến giờ của Ngài, Ngài sẽ thực hiện. Thật đúng vậy, tất cả đều là một sự an bài tuyệt diệu trong sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa sắp đặt và dẫn đưa. Hôm ấy, trên đường đến trụ sở Công an để trình xin cho các em tạm trú đi học, vô tình chị thấy một căn nhà treo bảng bán nhà. Vui mừng, chị liền tìm gặp trao đổi với chủ nhà để thuê, nhưng họ không đồng ý vì họ muốn bán để có tiền mua nhà khác.

Cơm trưa tại 13 Lê Thánh Tôn - Quy Nhơn, 1992

Chị về trình bày với cộng đoàn, trong lúc cộng đoàn còn phải suy nghĩ thêm thì Thiên Chúa đã ưu ái gởi đến một vị ân nhân sẵn lòng giúp đỡ để mua nhà cho các em. Nhờ thế, ngày 1 tháng 7 năm 1992, ngôi nhà đã hoàn tất thủ tục mua bán, người đứng tên mua là chị M. Madeleine (Matta Trương thị Nghiêm)[1]. Sau gần hai tháng chuẩn bị cho ngôi nhà mới, với sự trợ giúp của Ban Giám đốc qua Chú Lê Văn Thái và em Nguyễn Văn Việt (con bệnh nhân) một thợ mộc giỏi của lớp Mộc năm 1988 và Chú Phan Tôn một bệnh nhân nhiệt thành; đầu năm học 1992 – 1993 tất cả các em ba lớp: lớp 8, lớp 7 và lớp 6 đã tập trung nơi ngôi nhà nầy. Việc tổ chức cho các em sinh hoạt, học tập vừa tạm ổn định thì ngày 21 tháng 3 năm 1993, chị được thuyên chuyển về Xuyên Mộc, Bà Rịa[2].

Công việc này được chuyển giao cho chị Maria Goretti Trần Đỗ Phương Lý tiếp tục. Chị Phương Lý đã chăm sóc và tận tình nâng đỡ các em. Tuy nhiên, mỗi năm các em ra ngoài học Cấp II ngày càng tăng, ngôi nhà không còn đủ chỗ, nên chị Phương Lý đã đề nghị  quý ân nhân giúp các em học sinh lớn, mỗi em một chiếc xe đạp để có thể đi về mỗi ngày. Sau một năm, năm 1995, cộng đoàn chị em thấy việc đi xe đạp cũng không thuận tiện nên quyết định mua chiếc xe ôtô 35 chỗ. Nhờ sự cộng tác giúp đỡ của nhiều ân nhân chiếc xe đưa đón học sinh Quy Hoà đã được hoạt động. Mỗi ngày anh Trịnh Xuân Sang đã giúp đưa các em ra và đón các em về; các em học sinh trên làng (không bệnh) cũng được đi cùng. Ngôi nhà 43 Trần Cao Vân tại Quy Nhơn, sau nhiều năm không sử dụng, các chị trong cộng đoàn quyết định bán lại vào năm 2006. Đến năm 2010, để giúp cho các phụ huynh trẻ lãnh nhận trách nhiệm hơn nên cộng đoàn trao việc đi lại và học hành của các em cho gia đình, và chiếc xe đưa đón học sinh đã được chuyển qua tay người khác.

Ngày nay, việc hoà nhập xã hội của con cháu bệnh nhân phong Quy Hoà đã bình thường hoá, không còn hàng rào ngăn cách như xưa. Sinh hoạt của trường Cấp I ngày càng đi vào nề nếp ổn định, chính thức trở thành một phân hiệu của trường Tiểu học Kim Đồng – Ghềnh Ráng. Tất cả các em đến tuổi đều đến trường và được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều người ngày càng dễ dàng hơn. Các em trong những lớp đầu tiên, nay đã thành đạt và có một chỗ đứng trong xã hội khá vững vàng, có một mái ấm gia đình bình an, hạnh phúc. Sau hơn 20 năm con đường hội nhập giáo dục được mở ra, Quy Hoà ngày nay đã có trên 70 em tốt nghiệp từ Trung Học đến Cao Học, hoặc đang theo học trong các trường Cao Đẳng, Đại Học. Các em đang cộng tác trong nhiều tỉnh thành của đất nước qua nhiều lãnh vực: Giáo dục, Y tế, Ngân hàng, Kỹ sư, nhân viên vãn phòng hợp tác với các công ty nước ngoài v.v...

 

Nhà 43 Trần Cao Vân, Quy Nhơn 21/3/1993

Tạ ơn Chúa về hồng ân Chúa ban và hoa trái này có được phần lớn nhờ quý ân nhân xa gần đã cộng tác giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần; trong đó, xin tri ân sự trợ giúp của linh mục Trần Tam Tỉnh, Hội Bạn Người Phong đã giúp các em từ những ngày khởi đầu trong hy sinh âm thầm; xin ghi ơn anh đại diện tờ báo Công Giáo và Dân Tộc, Nguyễn văn Soi cùng các anh trưởng Hướng Đạo Sài Gòn, anh Định và anh Tú đã khơi “ngọn lửa bùng lên” và chân thành biết ơn thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Sanh, một người thầy nhân đức và từ tâm, đã khai thông con đường hội nhập của con em bệnh nhân phong Quy Hòa; cám ơn các chị nữ tu Phaolô – Quy Nhơn đã nâng đỡ và cộng tác với chị em Phan Sinh trong thời khó khăn khởi đầu. Con em bệnh nhân cũng không thể nào quên Bác sĩ Giám đốc Trần Hữu Ngoạn và Ông Lê văn Thái, Phó giám đốc BV Phong Quy Hòa đã tạo mọi điều kiện có thể cho bệnh nhân và con cháu họ ngày càng thăng tiến. Ước mong cuộc sống của các em, con cháu bệnh nhân phong luôn đứng vững trên “đôi chân lành mạnh”, với một tấm lòng rộng mở “biết cho vì đã nhận” trong sứ mạng làm người của xã hội hôm nay và ngày mai để không phụ lòng những người đã hết tâm tận lực vì cuộc sống của các em.

Kỷ niệm 40 năm thành lập Tỉnh Dòng Thánh Tâm Việt Nam 1973 - 2013

Hồi ký, nữ tu Maria, fmm.



[1] Xem bản chính lưu trong Văn Khố Tỉnh Dòng

[2] Khi rời Quy Hoà, các giáo viên của trường Cấp I muốn quản lý món quà của tờ báo Công Giáo và Dân tộc (một triệu đồng). Với sự đồng ý của cộng đoàn nên chị đã chuyển giao cho  Ban Giáo viên của trường, đại diện ký nhận: Cô Nguyễn thị Ngọc Khâm và thầy Bùi Bằng Biểu với sự hiện diện của đại diện HĐBN là chú Huỳnh tấn Hải.