Lịch Sử Tỉnh Dòng

Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ do Chân Phước Marie de la Pasion thành lập năm 1877, phát xuất từ tiếng gọi linh thiêng của Thiên Chúa, và xác tín đáp trả lời mời gọi đó để hiến dâng trọn vẹn cho Chúa Cha theo gương Mẹ Maria và Thánh Phanxicô. Chị em hiến dâng đời sống mình cho Giáo Hội và để góp phần cứu độ thế giới, tự nguyện chuyên trách việc thờ phượng Thánh Thể, Phúc Âm hoá các dân tộc, sống thành cộng đoàn huynh đệ quốc tế, sẵn sàng đi khắp nơi và đến với mọi người, đặc biệt ưu ái đối với những người nghèo nhất.

Năm 1932: Theo lời yêu cầu của Đức Giám Mục Quy Nhơn, Đức Khâm Sứ Toà Thánh tại Việt Nam là Đức Cha Colomban Dreyer Dòng Anh Em Hèn Mọn liên lạc với Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng, xin một số chị em đến Việt Nam, để phục vụ bệnh nhân phong tại Quy Hoà.

Trại phong này đã được thành lập năm 1929 do Linh mục Paul Maheu (MEP), thuộc Hội Thừa Sai Paris, được biệt phái cộng tác với Bác sĩ Lemoine, Giám Đốc Bệnh viện Tỉnh Bình Định. Sự hợp tác giữa niềm tin tôn giáo và niềm tin con người được thể hiện. Nơi đây các bệnh nhân Hansen được tiếp đón, được nhìn nhận là người nhà, họ “có quyền hưởng chút niềm vui để sống với lý tưởng và niềm hy vọng” theo như mơ ước của Bác sĩ Lemoine, không còn phải đi lang thang, sống bằng đồ phế thải, gây lây lan cho những nơi công cộng.

Tổng tu nghị 1932 của Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ kết thúc ngày 11/02 với vị Tân BTTQ: Mẹ Marguerite du Sacré Coeur. Vào cùng năm đó Mẹ đã đáp lại lời mời của Đức Giám Mục Quy Nhơn, gởi 6 chị em đi phục vụ anh em bệnh nhân Phong. Các chị đến Quy Hòa ngày 4/10/32. Trong thư chung gửi toàn Hội Dòng, mẹ BTTQ cho biết: Quy Hòa là cơ sở đầu tiên được thành lập trong nhiệm kỳ của Người, sẽ là một lưu niệm tạ ơn (ex-voto) dâng kính Thiên Chúa dịp Hội Dòng mừng 50 năm vào Dòng Ba Phanxicô (adoption séraphique 04/10/1882) [xem Mẹ SL dòng PSTSĐM quyển 1 trang 53].

Miền truyền giáo xa xôi hình chữ S này được tháp nhập vào Tỉnh dòng Thánh Tâm Pháp, với Bề trên Giám tỉnh là Mẹ Marie Majella du Très Saint Rédempteur… “Khi nghe nhắc đến tên Quy Hòa, mọi cặp mắt đều bừng sáng lên ở Tập viện Châtelets. Tâm hồn Phan sinh của mẹ Marie de la Passion rung động trong tâm hồn các con cái Mẹ. Biết bao tình thương và lời cầu nguyện bay lên tòa Chúa cho Việt Nam, một địa điểm xa xôi nhất của Tỉnh dòng Thánh Tâm Pháp nhưng lại rất gần gũi và được coi là hiểu biết và qúy mến nhất trong gia đình Tỉnh dòng” ( Trích trong Chronique Intime 1946).

Chẳng những Tỉnh dòng Thánh Tâm Pháp yêu thương nâng đỡ Việt Nam bằng lời cầu nguyện mà còn lo ưu tiên giúp đỡ về nhân sự, tài chánh và vật chất. Hầu hết các thừa sai sang phục vụ tại Việt Nam đều khởi hành từ Marseille hay Paris. Và các chị em ở Pháp, qua các Commissionnaires (những chị đi bán các mặt hàng do chị em làm ra) đã gửi sang tiếp tế cho miền Truyền giáo nghèo này biết bao vật phẩm cần thiết. Sau cộng đoàn Quy Hòa, lần lượt các cộng đoàn khác được thành lập và tiếp nối cho đến hôm nay.

Cũng cần nhắc lại, vào ngày 4 tháng 10 năm 1932, các nữ tu đầu tiên từ Âu Châu đã đặt chân lên đến đất Quy Hòa. Chị em bắt tay ngay vào công việc: thăm viếng, chăm sóc, chữa trị bệnh phong cũng như những bệnh khác. Năm 1933, ngày 1 tháng 11, một thiên tai nặng nề: trận bão lớn có sóng thần ụp đến. Bao nhiêu nhà tranh đều sụp đổ. Chị em bắt đầu tái thiết lại nhà cửa qui mô kiên cố hơn. Số bệnh nhân ngày càng tăng: từ Miền Nam ra, từ Miền Bắc vào.

Hàn Mặc Tử, nhà thơ công giáo trẻ tài hoa, cũng đã được điều trị tại Quy Hòa. Ít lâu trước khi lìa trần, ngày 11.11.1940, thi sĩ đã thổ lộ: “Chính ở Quy Hòa, tôi đã nhận được những ân huệ quý trọng nhất đời tôi”. Điểm thành công sâu xa, đó là các nữ tu giúp cho những con người bị nhốt kín trở thành người tự do, những con người bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội mà vẫn giữ được nhân phẩm, những con người thất vọng trở thành vui tươi, những con người được yêu thương trở thành biết yêu thương đồng loại, những người tưởng rằng tàn phế, không ngờ vẫn còn hữu ích.

Trung tâm của trại phong là ngôi nhà thờ. Thật cảm động khi thấy các cụ cao niên, với những dị dạng do cơn bệnh, dìu dắt nhau lên nhà thờ chầu Thánh Thể cùng với các Sơ để kín múc lấy sức sống và niềm an ủi, đồng thời dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh, cho quê hương Việt Nam. Cộng đoàn Thánh Phanxicô Quy Hòa đã được dâng kính cho Cha thánh chí ái nhân dịp mừng 50 năm Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ gia nhập Dòng Ba Thánh Phanxicô ngày 4.10.1882. Qua bao thăng trầm, hiện nay chị em vẫn tiếp tục phục vụ những hình ảnh đau khổ của Chúa Kitô. Từ cái nôi Quy Hòa, phát xuất trên quê hương 15 cộng đoàn hiện nay với hơn 200 chị em đang hăng say phục vụ trong lòng Giáo Hội Việt Nam, góp phần nhỏ bé của mình mở mang Nước Chúa.

Từ 1936-1940: Chị em thành lập tại Vinh - Nghệ An, nơi đây đã có cộng đoàn các Cha Dòng Nhất OFM và các chị Dòng Nhì Clara. Rồi lập tại Laqua, Bà Nà - Quảng Nam, núi sông hùng vĩ, hun đúc nên những người xuất chúng đạo đời.

Từ 1940-1954: Đệ nhị thế chiến, Bà Nà và La Qua phải đóng cửa, chị em về Huế, phục vụ tại nhà thương Huế, sau phải tập trung về tu viện các Nữ tu Dòng Phaolô Huế, rồi các nữ tu ngoại quốc phải về nước năm 1947 để lại 4 chị đệ tử ở lại Quy Hoà nuôi các trẻ sơ sinh, một linh mục của Giáo phận điều hành Trại Phong.

Năm 1954: Tu viện Vinh di cư vào Huế sau 10 năm hoàn toàn bị cô lập, được các Sơ Dòng Phaolô tiếp đón, tạm trú tại trường Jeanne d’Arc Huế. Và từ đó, chị em được gửi sang Singapore, Madagascar, Macao, Pháp.

Đầu năm 1955: 2 Nữ tu người Pháp và 3 nữ tu người Việt trở về lại Quy Hoà. Cách đây 10 năm, vì hoàn cảnh chiến tranh, các Mẹ phải rời Quy Hoà, đã nói với 4 đệ tử rằng “Các con cứ ở lại đây, chờ ngày các Mẹ trở lại”. Ơn Chúa nhân từ đã thực hiện điều hy vọng mơ ước. Thời gian 10 năm vừa đau khổ vừa anh hùng trôi qua. Chị em ở Vinh đã tiếp tục sứ vụ với lòng tin tưởng can đảm, trước những khó khăn của đất nước. Quyền năng của Chúa Thánh Thần: dấu chỉ niềm hy vọng. Những hạt giống gieo vãi tại Tu viện Thánh Elisabeth Vinh đã đâm chồi nẩy lộc và đến thời sinh hoa kết trái, tiếp nối sự nghiệp.

Từ 1958 cho đến nay:

Quy Hòa ngày nay vẫn tồn tại với một phong cảnh biển núi thật thơ mộng hữu tình, nơi thể hiện tình người bao la, nơi thắng cảnh của du khách trong và ngoài nước.

Trải qua giòng thời gian, Tỉnh Dòng được Chúa không ngừng dẫn đưa:

Năm 1958: Giáo phận Đà Lạt rộng mở tiếp đón các nhóm chị em đã đi ngoại quốc trở về và lo về giáo dục. Tập viện được mở lại.

1960: Tu viện Thánh Gia M’Lon - Đơn Dương, Trung tâm phục vụ trẻ em Dân tộc. Năm 1975 đã giao cho Nhà Nước quản lý, và chị em dời ra thị trấn Thạnh Mỹ và Suối Thông B. Hiện tại chị em phục vụ phòng khám miễn phí và phục vụ người dân tộc.

1960: Trung Tâm Tin Mừng, quận 3 có thư viện phục vụ sinh viên.

1969: Tu viện Ánh Sáng, giáo xứ Phan Rang, phục vụ người Chăm.

1970: Lập cộng đoàn ở Diên Khánh Khánh Hòa, phục vụ trẻ em Dân tộc. Hiện tại có chị em đảm nhận công tác y tế, xã hội.

1975: 30 chị em người ngoại quốc lần lượt ra về nước mà lòng luôn tưởng nhớ đến Việt Nam quê hương thứ hai của các chị. Cùng với Giáo Hội địa phương, chị em cố gắng sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.

1975: Lập Tu viện Sao Mai - Thanh Hải, phục vụ bệnh nhân phong Núi Sạn và trại Xã Hội người cao tuổi Rù Rì Nha Trang. Nay cộng đoàn Sao Mai là Tập Viện của TDVN.

1985: Lập nhà tại Bình Giả, và năm 1987: chị em về Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu.

2000: Thành lập cộng đoàn Thánh Maria Hermine và các Bạn Tử Đạo tại Nam Định thuộc Giáo phận Hà Nội. Tại đây đã mở các lớp huấn nghệ, phục vụ phòng khám miễn phí...

2007: Thành lập cộng đoàn Assunta II tại Sông Đốc – Cà Mau.

2011: dời cộng đoàn Thánh Maria Hermine và các Bạn Tử Đạo từ Nam Định vào Vinh.

Trong lòng Giáo Hội:

Chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hôm nay đang cùng đồng bào phục vụ sự sống, kiến tạo hoà bình hoà giải, đề cao nhân phẩm, tôn trọng và bảo vệ sự vẹn toàn của các tạo vật trong toàn vũ trụ với tinh thần hèn mọn, yêu thương, phục vụ mọi người. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần nung đốt lòng nhiệt thành truyền giáo và rèn luyện chị em thành những phụ nữ của Tin Mừng, giúp làm sống lại các ân huệ Thiên Chúa ban, để phục vụ cho một thế giới mới.

Lễ Bổn Mạng của Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ là Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (ngày 8/12), và Lễ Bổn Mạng của Tỉnh Dòng Việt Nam vào ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.